Bắc Kinh từ chối gọi 'hoạt động quân sự đặc biệt' của Nga vào Ukraine là 'xâm lược'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (ngày 24/2), chính quyền Trung Quốc từ chối gọi "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine là "xâm lược"; phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đối với Nga, và gọi đó là hành vi "kích động" chiến tranh.

Ngày 24/2/2022, Moscow tiến hành cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không vào Ukraine. Sau đó, quân đội Ukraine đã giao tranh ác liệt với quân xâm lược Nga trên 3 chiến tuyến. Tổng thống Nga Putin gọi các cuộc tấn công vũ trang này là "hoạt động quân sự đặc biệt". Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia Châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Cho đến nay, có ít nhất 60 người Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nga.

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo thường nhật ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ mô tả của các phóng viên về cuộc tấn công quân sự của Nga, từ chối gọi đây là một cuộc "xâm lược".

"Đây có thể là sự khác biệt giữa Trung Quốc và người phương Tây. Chúng tôi sẽ không vội kết luận", bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố. "Về định nghĩa xâm lược, tôi cho rằng chúng ta nên quay lại cách chúng ta nhìn nhận tình hình hiện tại ở Ukraine".

Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố rằng, vấn đề Ukraine có một lịch sử "phức tạp". Ông nhắc lại rằng Bắc Kinh hiểu về "những lo ngại chính đáng" của Nga đối với các vấn đề an ninh của nước này.

Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt, cáo buộc Mỹ kích động xung đột

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ áp đặt "các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" đối với cuộc xâm lược của Nga. Ông cho biết sẽ gặp các nhà lãnh đạo G7 khác để thảo luận về vấn đề này.

Washington đã cảnh báo các công ty Trung Quốc về hậu quả nếu họ cố gắng trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ áp đặt với Moscow.

Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, phải giải quyết xung đột ở Ukraine thông qua đàm phán. Nhưng ngoại giới cho rằng, cách nói này là nhằm tránh đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hơn nữa, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cũng cáo buộc Hoa Kỳ góp phần vào cuộc xung đột vì nước này đang chế định các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Bà Hoa nói: “Một số quốc gia vẫn luôn theo gót Hoa Kỳ châm dầu vào lửa, chúng tôi phản đối bất kỳ hành vi nào thúc đẩy chiến tranh”.

Bắc Kinh 'ngầm chấp nhận' cuộc tấn công của Nga vào Ukraine?

"Ở giai đoạn này, chúng ta nên xem xét liệu chúng ta đã làm đủ trên phương diện hòa giải hay chưa", bà Hoa Xuân Oánh bổ sung khi đề cập đến Châu Âu tại cuộc họp báo.

Tuy nhiên, hành động thực tế của chính quyền Bắc Kinh không mang tính chất hòa giải, chỉ mang tính chất kích động.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga vẫn duy trì quan hệ đối tác thường xuyên. Điều này bao gồm việc hai bên bày tỏ ủng hộ việc gia tăng hạn chế đối với các hoạt động của NATO vào ngày 4/2. Hai bên cũng tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nói rằng họ sẽ "không có lĩnh vực hợp tác nào là 'không được phép’". Những tuyên bố như trên khiến các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng, Bắc Kinh đã "ngầm chấp nhận" âm mưu xâm lược Ukraine của Nga.

Hôm thứ Tư (ngày 23/2), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga đang hợp tác để tạo ra một trật tự thế giới mới "cực kỳ không tự do", và việc Moscow xâm lược Ukraine chỉ là một phần của trật tự đó.

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói với phóng viên hôm thứ Năm (24/2) rằng, động thái của Bắc Kinh đã gần như ngầm ủng hộ các hành động của Nga.

Vào thứ Sáu (25/2), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ xem xét một nghị quyết về vấn đề này, và nhiều quốc gia đang theo dõi xem chính quyền Trung Quốc sẽ bỏ phiếu như thế nào.

Bắc Kinh không đề cập đến việc di tản Hoa kiều, kêu gọi hãy ở yên

Do xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trước đó nhiều quốc gia đã khuyến khích công dân của họ rời khỏi Ukraine ngay lập tức, nhưng chính quyền Trung Quốc lại không làm như vậy. Ngược lại, sau khi chiến tranh bùng nổ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev (Kyiv) đã đưa ra cảnh báo rằng, tình hình Ukraine đã xấu đi rất nhiều, rủi ro an ninh tăng cao và trật tự xã hội có thể rơi vào hỗn loạn.

Tuy nhiên, đại sứ quán vẫn khuyến khích công dân Trung Quốc tại Ukraine ở trong nhà. Nếu đi ra ngoài, hãy giương cao cờ Trung Quốc, "có thể dán quốc kỳ Trung Quốc trên thân xe, nơi có thể nhìn thấy rõ ràng". Hiện có khoảng 6.000 công dân Trung Quốc đang ở Ukraine.

Vào ngày 25/2 theo giờ Bắc Kinh, khi chiến tranh ở Ukraine đang sôi sục và tính mạng của những người ở đó có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, chính quyền Trung Quốc mới thông báo rằng 6.000 người Trung Quốc ở Ukraine sẽ được xem xét để di tản, nhưng không rõ sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể gì.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh từ chối gọi 'hoạt động quân sự đặc biệt' của Nga vào Ukraine là 'xâm lược'