Bắc Kinh xúc tiến kế hoạch lấn át quyền lực, gia tăng sợ hãi ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo bản kế hoạch của luật An ninh Quốc gia (ANQG) mới được công bố hôm 20/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thành lập một cơ quan an ninh ở Hong Kong, cho phép chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với đặc khu này.

Ngày 20/6, báo Tân Hoa Xã đưa tin, ĐCSTQ sẽ thành lập một văn phòng chính phủ trung ương chuyên trách tại Hong Kong. Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân tích rủi ro an ninh trong khu vực, giám sát chính quyền thành phố này thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, và thu thập thông tin tình báo liên quan.

Dưới sự hướng dẫn của chính quyền Bắc Kinh, Hong Kong sẽ thành lập một Hội đồng ANQG do Trưởng đặc khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phụ trách. ĐCSTQ cũng sẽ chỉ định một cố vấn tham gia trong hội đồng này.

Dự luật ANQG tới đây cũng sẽ trao cho bà Lâm quyền bổ nhiệm các thẩm phán xét xử các vụ án liên quan đến vấn đề ANQG của Trung Quốc tại Hong Kong; các đơn vị điều tra và cảnh sát mới cũng sẽ được thành lập để thực thi chức năng hành pháp. Ngay từ khi bản thảo của dự luật này vừa được ban hành, bà Lâm đã liên tục bày tỏ sự ủng hộ “hết lòng”.

Quyết định áp đặt luật ANQG tại Hong Kong được chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn vào tháng trước, thông qua Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC). Đây là sự vi phạm nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ đối với lời hứa sẽ cho phép Hong Kong có nền độc lập tự trị riêng biệt, khi đặc khu này được Anh trao trả lại cho chính quyền Trung Quốc vào năm 1997. Các nhà phê bình lo ngại điều luật này sẽ cho phép Bắc Kinh nhắm thẳng vào những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ, dưới danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia.

Các chi tiết mới của dự luật được đưa ra sau khi Ủy ban Thường vụ của NPC xem xét lần đầu, đã ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội từ phía người dân Hong Kong.

Trong một cuộc họp báo, ông Alvin Yeung, luật sư và lãnh đạo của Đảng Dân chủ Hong Kong, đã ví thông báo này như “một thanh kiếm sắc bén đâm thẳng vào các cơ quan hành chính và tư pháp của Hong Kong”.

Chính trị gia Tam Yiu-chung - đại diện của Hong Kong tại Ủy ban Thường vụ của NPC - cho biết những người vi phạm luật An ninh quốc gia có thể phải đối mặt với bản án từ 3 đến 10 năm tù.

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cho biết, luật này sẽ làm xói mòn nền tư pháp độc lập của Hong Kong, đồng thời trao cho chính quyền Bắc Kinh quyền lực tuyệt đối để phán xét liệu một hành vi bất kỳ có thể cấu thành tội danh vi phạm an ninh quốc gia hay không. Dự luật này một lần nữa cho thấy, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, Trung Quốc là “đất nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất”.

Trong một tweet của mình, Hoàng Chi Phong đã viết: “Tất cả những [nỗ lực] ‘bảo vệ nhân quyền’ này sẽ tan biến vào trong không khí. Đừng quên, một khi Bắc Kinh can thiệp, những người bị buộc tội có thể được gửi đến Trung Quốc đại lục để xét xử và giam giữ”.

‘Chính quyền độc Đảng’

Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông (trái) khi đoàn người biểu tình ủng hộ dân chủ tập trung tại quận Causeway Bay của Hong Kong vào ngày 12/6/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông (trái) khi đoàn người biểu tình ủng hộ dân chủ tập trung tại quận Causeway Bay của Hong Kong vào ngày 12/6/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông Dan Garnett nhận định, cơ quan An ninh mới do Bắc Kinh thiết lập tại Hong Kong đã “xóa bỏ bất kỳ dấu tích còn sót lại nào của nền tự trị trong đặc khu”. Ông mô tả cơ quan này như “một ống khói thứ hai ‘quản thúc’ Hong Kong”. Ông Garnett là tác giả của một cuốn sách ghi lại lịch sử các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong.

Ông Garnett cho biết, bất kỳ thẩm phán nào do chính quyền Hong Kong chỉ định, chắc chắn sẽ phải thông qua sự “kiểm định [nghiêm ngặt] bởi chính quyền độc Đảng” tại Bắc Kinh trước đó. Ông Garnett gọi biện pháp này là một “sân khấu chính trị thuần túy của ĐCSTQ”.

“Đây là một trò hề”, ông nói.

Việc nghị án có thể diễn ra ở cửa sau để đảm bảo các phiên tòa sẽ diễn ra theo kế hoạch của Bắc Kinh, cung cấp “sự minh bạch tượng trưng” để cố gắng lấp liếm trước sự giám sát từ cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đề nghị vào thứ Sáu (19/6) rằng mức độ đặc quyền thương mại mà Hong Kong được thụ hưởng từ Hoa Kỳ sẽ tỷ lệ thuận với quyền tự do chính trị mà ĐCSTQ trao cho họ. Ông Pompeo cho biết, cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Chín tại Hong Kong chính là một dấu hiệu để nhận biết.

Trong tháng Năm, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ bắt đầu quá trình loại bỏ “vị thế đặc biệt” của Hong Kong, để đáp trả việc động thái của Bắc Kinh “làm vấy bẩn” quyền tự trị của Hong Kong.

Trong Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen trực tuyến, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định: “Chúng tôi có nhiều thỏa thuận riêng đặc thù giữa Hoa Kỳ và Hong Kong, và khác biệt với những thỏa thuận chúng tôi có với Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ tránh xa mọi [thỏa thuận] trong số này”.

Ông Garrett chế giễu lời hứa của ĐCSTQ về việc sẽ cân bằng giữa nhân quyền với an ninh quốc gia khi áp dụng điều luật mới.

“ĐCSTQ đang thao túng người Hong Kong (những người hiểu rõ hơn) và cộng đồng quốc tế (những người nên biết rõ hơn)” bằng cách sử dụng logic méo mó của nó. Ông Garnett nhắc tới các hành vi lạm quyền của ĐCSTQ đối với tộc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương và cách thức chính quyền này xử lý các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Phong trào biểu tình đã nở rộ tại Hong Kong trong năm qua để chống lại việc Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu vào việc điều khiển và vận hành đặc khu này.

Ông Garnett khẳng định rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, “chỉ những người yêu nước thuộc ĐCSTQ mới có quyền, nhưng chỉ khi họ phục vụ lợi ích của ĐCSTQ”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh xúc tiến kế hoạch lấn át quyền lực, gia tăng sợ hãi ở Hong Kong