Bác sĩ Trung Quốc bị trừng phạt do chỉ trích bệnh viện sử dụng thuốc bừa bãi lên bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phó giám đốc một bệnh viện tại tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh ở Trung Quốc gần đây đã bị giáng chức, sau khi ông chỉ trích các phương thức điều trị được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán tại nước này.

Vào ngày 1/4, bác sĩ Yu Xiangdong đã bị tước bỏ vai trò lãnh đạo ở Bệnh viện Trung tâm Hoàng Thạch tại thành phố Hoàng Thạch, tỉnh hồ Bắc sau khi ông đăng một số bài viết lên mạng xã hội hồi tháng 2. Những bài viết này sau đó ngay lập tức bị gỡ bỏ bởi đội ngũ kiểm duyệt Internet.

Bác sĩ Yu nói với phóng viên của The Epoch Times rằng: “Tôi đã đăng một số bài viết trên mạng xã hội để thảo luận về các phương pháp điều trị y tế từ góc độ chuyên môn… Nhưng có lẽ bài viết của tôi không phù hợp với giọng điệu của chính quyền”.

Bác sĩ Yu từng là phó giám đốc bệnh viện Trung Tâm Hoàng Thạch và là giám đốc Bộ phận kiểm định chất lượng của Tập đoàn Y tế Edong. Tập đoàn Y tế Edong là một cơ quan thuộc chính quyền thành phố, điều hành ba bệnh viện trung ương gồm có: Bệnh viện Trung tâm Hoàng Thạch, Bệnh viện Y dược Trung Y Hoàng Thạch và Bệnh viện Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em Hoàng Thạch.

Phương thức điều trị tại các bệnh viện Trung Quốc

Là một bác sĩ ở ngay tâm dịch tỉnh Hồ Bắc, ông Yu cho biết, ông đã điều trị cho rất nhiều những bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán từ khi dịch bệnh bùng phát.

Hồi đầu tháng 2, ông đã đăng tải một bài viết với tiêu đề: “Sự sụp đổ của nền y học thực chứng”. Bài viết đã thu hút hơn một triệu lượt xem. Nhiều người đã chia sẻ bài viết này lên trang web khác và lưu lại sau khi bài viết bị đội kiểm duyệt Internet gỡ bỏ.

Trong bài viết, bác sĩ Yu giải thích rằng các bệnh viện Trung Quốc đã mạnh tay sử dụng chất Umifenovir (một loại thuốc trị virus chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận), Darunavir (sử dụng đề điều trị HIV/AIDS trong một vài trường hợp đặc biệt), Oseltamivir (được sử dụng để điều trị virus cúm A và B) và một lượng lớn vitamin C để điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên tính hiệu quả trong việc điều trị virus Corona Vũ Hán của những loại thuốc này hoàn toàn chưa được kiểm chứng. Ông Yu nhấn mạnh rằng các loại thuốc điều trị y học chỉ có thể được sử dụng sau khi đã được kiểm định nhiều lần, như thử nghiệm trong ống nghiệm, thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng, v.v.

Nhưng cho đến nay, ông cho biết “chỉ thấy duy nhất một loại thuốc được sử dụng đúng theo lý thuyết của y học thực chứng, chính là Remdesivir”.

Remdesivir là thuốc đã được phát triển bởi Gilead Sciences, một công ty dược phẩm sinh học ở Hoa Kỳ. Thuốc này được điều chế chuyên biệt để chữa trị virus Ebola và Marburg. Đã có xác nhận rằng Remdesivir có tác dụng trên một số bệnh nhân mắc COVID-19 và hiện đang được nghiên cứu lâm sàng.

Một ống nghiệm khảo sát Remdesivir đang được kiểm tra trực quan tại điểm sản xuất Gilead, Hoa Kỳ vào tháng 3/2020. (Ảnh: Gilead Sciences via AP)
Một ống nghiệm khảo sát Remdesivir đang được kiểm tra trực quan tại điểm sản xuất Gilead, Hoa Kỳ vào tháng 3/2020. (Ảnh: Gilead Sciences via AP)

Vào ngày 17/2, sau khi bài viết bị gỡ bỏ, bác sĩ Yu đăng tải một bài viết khác với tiêu đề “Liệu không có y học thực chứng nghĩa là chúng ta chỉ còn cách chờ chết?”

Bác sĩ Yu cũng tố cáo các bệnh viện ở Trung Quốc đã lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh. Ông viết: “Những thứ đó không phải kẹo. Chúng là thuốc. Và mỗi loại thuốc đều mang một lượng độc tố nhất định”.

Ông cũng đề đến cập việc các bệnh viện ở Trung Quốc lạm dụng Lopinavir/Ritonavir (thuốc trị HIV/AIDS) khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Ông cho biết: “Từ những quan sát thực tế lâm sàng, chúng ta có thể thấy rằng Lopinavir/Ritonavir có thể gây bệnh đường ruột và gây tổn thương gan nghiêm trọng. Hiện cũng chưa thể biết được nó có tác dụng trong việc điều trị virus corona hay không”.

Sau đó ông đã đề nghị: “Liệu pháp oxy, chế độ nghỉ ngơi tốt, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ chăm sóc hỗ trợ tốt, tiếp nhận kiến thức, tránh lạm dụng thuốc, theo dõi chặt chẽ, và cách ly - đấy là những phương pháp trị liệu hiện đại duy nhất có thể sử dụng cho các bệnh nhân”.

Người dân đang chờ đợi để được kiểm tra viêm phổi Vũ Hán tại Bệnh viện số 8 Vũ Hán tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 10/4/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP via Getty Images)
Người dân đang chờ đợi để được kiểm tra viêm phổi Vũ Hán tại Bệnh viện số 8 Vũ Hán tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 10/4/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP via Getty Images)

Trong một bài viết khác được đăng tải vào ngày 18/2, bác sĩ Yu đã lật lại những đợt dịch bệnh trong lịch sử loài người và liệt kê những bệnh có sử dụng thuốc và vaccine.

Ông Yu giải thích rằng những loại thuốc mà các bệnh viện tại Trung Quốc đang sử dụng có thể gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng với liều dùng cao: “Thuốc nội tiết tố có thể gây ra hiện tượng hoại tử mạch máu chỏm xương đùi. Sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến nhiễm kép. Thuốc kháng virus có thể làm tổn thương hệ thống tiêu hóa. Phương pháp plasma có nguy cơ phát tán các loại vi khuẩn khác. Rất nhiều các loại thuốc khác cũng gây tổn thương cho gan và thận”.

Phản ứng phụ của thuốc

Truyền thông Trung Quốc đã ghi lại những ví dụ về một số trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi điều trị.

Vào ngày 19/4, tờ báo trực thuộc nhà nước Health Times thông báo về việc hai bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, Hồ Vệ Phong (Hu Weifeng) và Dị Phàm (Yi Fan) đã hồi phục sau khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19. Hai bác sĩ này đã bị nhiễm virus vào hơn 2 tháng trước, được điều trị tại một phòng chăm sóc đặc biệt và được đặt máy thở.

Trong cuộc phỏng vấn, có thể để ý thấy rằng màu da của hai vị bác sĩ đã trở nên rất tối.

Hồ Vệ Phong và Dị Phàm, hai bác sĩ từ Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán có nước da chuyển thành màu đen xám sau khi được chữa trị COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/4/2020. (Ảnh: chụp từ video)
Hồ Vệ Phong và Dị Phàm, hai bác sĩ từ Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán có nước da chuyển thành màu đen xám sau khi được chữa trị COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/4/2020. (Ảnh: chụp từ video)

Ông Tống Kiến Tân (Song Jianxin), giám đốc Khoa truyền nhiễm ở Bệnh Viện Đồng Tế Vũ Hán giải thích rằng hầu hết các bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch cũng có phản ứng phụ tương tự, với làn da chuyển sang tối màu và nứt nẻ.

Các bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Vũ Hán giải thích rằng hiện tượng này xuất hiện do gan bị tổn thương bởi virus tấn công cơ thể, hoặc có thể do sự ảnh hưởng của thuốc và sự tương tác giữa các cơ quan đã bị tổn thương do chứng suy hô hấp gây nên.

Trong đó một bác sĩ cho biết: “Gan có nhiệm vụ chuyển hóa và lưu trữ sắt trong cơ thể. Khi gan bị tổn thương, sắt sẽ đi vào máu và hiện tượng này sẽ làm cho da trở nên sẫm màu hơn”.

Tuy nhiên, không có thông báo chính thức về những [loại] thuốc đặc trị được sử dụng để chữa trị cho bác sĩ Hồ và bác sĩ Dị.

Vào ngày 4/3, nhà nghiên cứu Vương Phúc Sinh (Wang Fusheng) cùng đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế số 5 của Bệnh viện Đa khoa PLA (một bệnh viện quân y) đã đăng tải một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet. Nghiên cứu này chỉ ra rằng có “2-11% bệnh nhân COVID-19 bị bệnh gan… Những bệnh nhân COVID-19 nặng có tỷ lệ rối loạn chức năng gan cao hơn”.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc bị trừng phạt do chỉ trích bệnh viện sử dụng thuốc bừa bãi lên bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán