Bác sĩ Trung Quốc kể lại trải nghiệm đau buồn: Chứng kiến bệnh nhân chết từng người một

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Chen cho biết khối lượng công việc cực kỳ nặng, tạo ra vô số thách thức cho nhân viên y tế. Tuy nhiên điều khó khăn nhất là chứng kiến các bệnh nhân phải chịu đựng.

Bác sĩ Chen là một trong những bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nặng nhất ở một thành phố của Trung Quốc - nơi bị COVID-19 tấn công mạnh. Anh nói rằng bản thân nhận thức được những rủi ro khi được đưa lên tuyến đầu chống dịch virus corona mới.

Tôi rất sợ bị nhiễm bệnh, và thậm chí là chết. Sau khi tôi nhận được lệnh điều động, điều đầu tiên tôi làm là chụp ảnh với gia đình. Tôi lo rằng tôi sẽ không thể về nhà được nữa”, anh nói.

Có rất nhiều người chết. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch là khoảng 80% và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ở tình trạng nghiêm trọng là 20%”.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times hôm 27/2, vị bác sĩ đã thảo luận những gì anh đã chứng kiến và trải qua ở thành phố Ngạc Châu, cách thành phố Vũ Hán - nơi bùng phát dịch đầu tiên, khoảng 80 km về phía đông. Đây là hai thành phố của tỉnh Hồ Bắc.

Là một bác sĩ trẻ có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, anh đã được điều động từ một tỉnh khác đến Bệnh viện Trung ương Ngạc Châu vào tháng 2 để giúp điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID-19.

Chính quyền Trung Quốc đã cấm nhân viên y tế thực hiện phỏng vấn với các kênh truyền thông. Để bảo vệ danh tính của bác sĩ Chen, The Epoch Times không đăng tên đầy đủ và quê quán của anh.

Tình hình ở Ngạc Châu

Bác sĩ Chen đã bất ngờ nhận được thông báo từ nơi làm việc của mình vào đầu tháng Hai. “Chúng tôi đến Hồ Bắc trong ba tiếng rưỡi”.

Ngạc Châu là một thành phố có khoảng 1,03 triệu người. Vào ngày 23/1, chính quyền thành phố Ngạc Châu và Vũ Hán đã tuyên bố phong tỏa, cấm tất cả các phương tiện giao thông công cộng và giao thông đường bộ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khoảng 700 đến 800 nhân viên y tế từ các tỉnh khác đã đến Ngạc Châu hỗ trợ điều trị bệnh nhân, nâng tổng số nhân viên y tế trong thành phố lên khoảng 3.500, Chen nói.

Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ.

“Chúng tôi cần thêm [nhân viên y tế]. Có rất nhiều bệnh nhân”, anh nói.

Bệnh viện nơi bác sĩ Chen đang làm việc chỉ điều trị cho bệnh nhân ở tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch. Anh nói rằng hiện có hơn 300 bệnh nhân đang nhập viện, trong đó có hơn 40 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Anh cho biết các quan chức bệnh viện và bác sĩ địa phương đã nói với anh rằng có 700 đến 800 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tình trạng nhẹ hoặc không quá nặng đang được điều trị tại các bệnh viện khác ở Ngạc Châu.

Chính quyền thành phố cũng đã phê duyệt và bắt đầu xây dựng một bệnh viện mới, có tên là Bệnh viện Ezhou Leishan, để ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Bệnh viện này sẽ có 772 giường, và hiện nay đã hoàn thành được 200 giường.

Bệnh viện mới sẽ dùng cho điều trị bệnh nhân trong tình trạng nhẹ hoặc không nặng lắm, bác sĩ Chen nói.

Chen nói rằng cần có nhiều vật tư y tế hơn cho Ngạc Châu, bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính bảo hộ và chất khử trùng.

Ngạc Châu phụ thuộc Vũ Hán trong việc cung cấp vật tư y tế. Kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1, Ngạc Châu phải tự lo nguồn cung cấp. Vì vậy, rõ ràng là chúng tôi cần tất cả các loại tài nguyên”, anh nói.

Một y tá đang vận hành một thiết bị trong phòng chăm sóc đặc biệt điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 22/2/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Điều kiện khó khăn

Tại bệnh viện nơi bác sĩ Chen làm việc, khoảng 70 nhân viên đã nhiễm virus do tiếp xúc với bệnh nhân.

Tại thời điểm dịch mới bùng phát, một số lượng lớn bệnh nhân đã chen chúc tại bệnh viện. Các nhân viên y tế địa phương đã không có đủ bộ đồ bảo hộ, vì vậy dường như mọi người đều tiếp xúc với một ‘biển’ virus, anh Chen nói.

Anh nghe nói rằng hàng nghìn nhân viên đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán. Còn có những trường hợp đang nghi ngờ, hoặc có kết quả chụp CT cho thấy có chất lỏng trong phổi - một triệu chứng của COVID-19, nhưng xét nghiệm chẩn đoán lại âm tính. Có những nhân viên đã tử vong.

Chen cho biết khối lượng công việc cực kỳ nặng, tạo ra vô số thách thức cho nhân viên y tế.

“Những bộ quần áo bảo hộ kín gió, và chúng tôi đổ mồ hôi bên trong khi mặc chúng”, anh Chen nói. “Ngoài ra, chúng tôi không thể ăn, uống hoặc đi vệ sinh trong suốt ca làm việc”.

Anh Chen cho biết nhân viên không thể cởi quần áo bảo hộ trước khi hết ca, vì chỉ có thể mặc một lần. Do thiếu vật tư, mỗi người chỉ có thể sử dụng một bộ quần áo mỗi ngày. Để tránh phải đi vệ sinh, các nhân viên phải ăn và uống rất ít trước khi làm việc.

Về cơ bản, ngay cả một người rất khỏe cũng sẽ kiệt sức sau ca làm việc kéo dài sáu tiếng đồng hồ”, Chen nói.

Anh nói rằng tình hình còn tồi tệ hơn trước khi anh và các đồng nghiệp được điều động đến Ngạc Châu.

“Họ [nhân viên y tế địa phương] cần phải làm việc 12 giờ mỗi ngày trong suốt thời gian đầu [bùng phát]”, anh Chen nói.

Tuy nhiên điều khó khăn nhất là chứng kiến các bệnh nhân phải chịu đựng .

Chứng kiến các bệnh nhân chết từng người một, nhưng chúng tôi không có cách điều trị hiệu quả... Sau khi kết thúc một ngày làm việc, chúng tôi đều cảm thấy rất buồn”.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc kể lại trải nghiệm đau buồn: Chứng kiến bệnh nhân chết từng người một