Bạn học: Ông Lý Khắc Cường 'sẽ không mạnh dạn làm hoặc nói bất cứ điều gì không được cho phép'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, vai trò chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thu hút sự chú ý. Cựu phóng viên Mỹ Jaime FlorCruz, người từng học cùng trường với ông Lý tại Đại học Bắc Kinh, gần đây đã xuất bản một cuốn sách mới có nhắc đến ông. Trong cuộc phỏng vấn với VOA, ông FlorCruz nói về ấn tượng của mình đối với ông Lý Khắc Cường và vai trò chính trị hiện tại của ông Lý.

Ông Jaime FlorCruz từng là Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của tạp chí Time CNN. Ông đã đến thăm Trung Quốc với tư cách là một lãnh đạo sinh viên cánh tả cùng với đoàn đại biểu thanh niên Philippines vào năm 1971, trùng với thời điểm Tổng thống Philippines Bongbong Marcos ra lệnh đàn áp phe đối lập, khiến ông FlorCruz phải sống lưu vong mấy năm ở Trung Quốc. Sau đó, ông bước vào khóa đại học đầu tiên của Đại học Bắc Kinh được mở lại sau Cách mạng Văn hóa – khóa 77.

Trong cuốn sách mới có tên “Đại học Bắc Kinh khóa 77” (The Class of 77), ông FlorCruz đã chia sẻ về con đường nhân sinh thời đó của các bạn học cùng khóa. Họ gồm Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Lý Khắc Cường, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và nhà hoạt động dân chủ lưu vong tại Mỹ Vương Quân Đào (Wang Juntao).

Ông Lý Khắc Cường 'sẽ không mạnh dạn làm hoặc nói bất cứ điều gì'

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), trong một cuộc phỏng vấn, ông FlorCruz đã nói về ấn tượng của mình đối với ông Lý Khắc Cường trong thời học tại Đại học Bắc Kinh.

Vào thời điểm đó, ông FlorCruz theo học khoa Lịch sử của Đại học Bắc Kinh, còn ông Lý Khắc Cường học khoa Luật. Họ không thực sự thường xuyên giao lưu qua lại với nhau, chỉ gặp mặt vài lần. "Ấn tượng của tôi là, lúc đó ông ấy là một sinh viên trẻ điển hình đến từ bên ngoài Bắc Kinh - tôi nghĩ ông ấy đến từ An Huy. Ông ấy cũng cho tôi ấn tượng là một người có vẻ ngoài giản dị, ăn nói nhẹ nhàng". Ông FlorCruz nhận thấy rằng tính cách của ông Lý Khắc Cường thích hợp để trở thành thủ tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Lý Khắc Cường khi đó là một thủ lĩnh sinh viên, có lúc từng là Chủ tịch Hội sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại Đại học Bắc Kinh và trở thành một lãnh đạo tích cực của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh. Sau đó, ông trở thành Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc; rồi lần lượt tiếp quản vị trí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam và tỉnh Liêu Ninh. Năm 2007, ông Lý bước chân vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương và nhậm chức Phó Thủ tướng vào năm 2008. Năm 2012, ông trở thành nhân vật số 2 của đảng tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 và trở thành Thủ tướng vào tháng 3/2013.

Nhà báo FlorCruz cho hay đã đặt câu hỏi cho ông Lý Khắc Cường tại các cuộc họp báo khi ông trở thành phó thủ tướng và thủ tướng.

Ông FlorCruz cho rằng ông Lý là một người rất thông minh, thông thạo các vấn đề pháp lý và kinh tế. Đồng thời, ông ấy cũng thông thuộc chính trị của ĐCSTQ.

"Ông ấy rõ ràng là rất quen thuộc với bối cảnh chính trị ở Trung Quốc, đặc biệt là ở cấp cao nhất. Tôi cũng thấy rằng ông ấy có cái [tính cách] mà mọi người gọi là ổn định. Ông ấy sẽ không mạnh dạn làm hoặc nói bất cứ điều gì, ông ấy có vẻ là một người làm việc chăm chỉ, một người thích ở sau hậu trường và chỉ tập trung vào những gì bản thân phải làm. Ông ấy biết thế mạnh của mình là quản lý bộ máy quan lại và giám sát nền kinh tế”, ông FlorCruz nói.

Vai trò chính trị của ông Lý Khắc Cường trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20

Ông Lý Khắc Cường được thế giới bên ngoài coi là thủ tướng có ít quyền lực nhất kể từ khi ĐCSTQ được thành lập. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, luôn có tin đồn về tranh chấp giữa Nam viện (Trung ương Đảng) và Bắc viện (Quốc vụ viện) cũng như cuộc đấu đá giữa họ Tập và họ Lý.

Gần đây, trước sự thất bại trong nhiều chính sách của ông Tập Cận Bình, đặc biệt là chính sách phòng chống dịch Zero Covid khiến dư luận bất bình và nền kinh tế suy thoái trầm trọng, ông Lý Khắc Cường thường xuyên xuất hiện để cứu kinh tế. Những tin đồn về "Tập xuống Lý lên” đã được lan truyền trên Internet. Trước thềm Đại hội 20, những tin tức này khá nhạy cảm.

Cựu nhà báo FlorCruz nói với VOA: "Tôi không có bất kỳ thông tin nội bộ nào. Tôi chỉ muốn nói rằng chính bởi vì Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề lớn như tác động của đại dịch COVID đối với nền kinh tế và một phần là do Trung Quốc lựa chọn áp dụng chính sách Zero Covid. Tôi nhận thấy không thể đánh giá thấp tác động của nó đối với nền kinh tế, với thương mại và nhiều khía cạnh khác”.

Ông cũng đề cập đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Trung Quốc do nhiều công ty đã đóng cửa hoặc làm ăn chậm lại, còn có hơn 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp cần tìm việc làm. Dựa trên tình hình này, vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày một tăng lên, nó ngày càng lớn hơn.

Ông FlorCruz nói rằng, ông không biết các tuyên bố có liên quan đến việc ông Lý Khắc Cường thay thế ông Tập Cận Bình. Nhưng ông cho rằng, trong vài tháng tới, Thủ tướng và nội các của ông ấy có trách nhiệm giải quyết những vấn đề rất đặc thù, rất cụ thể và thiết thực do dịch bệnh gây ra cho Trung Quốc.

Lý Khắc Cường và Bạc Hy Lai khác nhau

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai là bạn cùng lớp với ông FlorCruz tại khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh. Ông Bạc bị cách chức vào năm 2012 vì vụ Vương Lập Quân và bị kết án "nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền". Tuy nhiên, có thông tin nội bộ chỉ ra rằng ông Bạc Hy Lai và cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đã cùng âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính chống lại ông Tập Cận Bình. Trong khi đó, cả Bạc và Chu đều bị chính quyền ông Tập xác định là "kẻ dã tâm", "kẻ mưu mô".

Ông FlorCruz cho rằng ông Bạc Hy Lai thực sự rất nổi trội và "khoa trương", có người cho rằng ông ta đang khoe mẽ, hoặc ông ta rất kiêu ngạo. "Tính cách đó đã được thấy từ khi còn là sinh viên tại Đại học Bắc Kinh".

So sánh Lý Khắc Cường với Bạc Hy Lai, ông FlorCruz cho rằng hai người có tính cách rất khác nhau. Ông Lý Khắc Cường một mạch thăng quan tiến chức, một phần là nhờ tính cách khiêm tốn, sẵn sàng đứng sau hậu trường và tuân theo một số quy tắc và thỏa thuận mà mọi người đều tuân theo.

Cuốn sách “Đại học Bắc Kinh khóa 77” có viết, điều trớ trêu là trong khi cả ông Lý và ông Bạc đều nhắm đến vị trí số 1 trong ĐCSTQ, thì người chiến thắng chung cuộc lại là ông Tập Cận Bình.

Lãnh đạo ĐCSTQ sợ dân chủ

Tác giả cuốn sách cho rằng, cần phải có một quá trình để đại đa số người dân Trung Quốc có thể chấp nhận rằng nền dân chủ là một khái niệm, một loại hệ thống chính trị. Dân chủ phải phát triển thành một quan niệm, một niềm tin, một tư duy, một triết lý sống. Ông thấy rằng bản thân chính phủ (ĐCSTQ) khác xa một hệ thống dân chủ.

Một vài năm trước, ông đã đi cùng phái đoàn của Trung tâm Carter đến quan sát một số cuộc bầu cử ở nông thôn. Nông dân đã bí mật bầu trưởng thôn, ủy ban thôn và đã thành công. Ông đề cập rằng, sau đó, một số nhà kinh tế học và nhà khoa học chính trị có tư tưởng văn minh đã chủ trương trực tiếp đẩy cuộc bầu cử lên cấp huyện, điều này khiến giới lãnh đạo cao nhất lo sợ và họ đã cho dừng cuộc thực nghiệm.

Thủy Tiên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bạn học: Ông Lý Khắc Cường 'sẽ không mạnh dạn làm hoặc nói bất cứ điều gì không được cho phép'