Báo động nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc đang tràn lan do nhiều nguyên nhân như tình trạng mất cân bằng giới nghiêm trọng, nạn đói nghèo ở nông thôn, và sự thờ ơ của các quan chức Trung Quốc.

Đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ mẹ của 8 đứa con bị xích trong thời gian dài ở vùng nông thôn Từ Châu, tỉnh Giang Tô đã gây chấn động Trung Quốc. Nhiều người tin rằng, người phụ nữ này là nạn nhân của nạn buôn người và đã bị biến thành công cụ sinh sản.

Tội ác buôn bán phụ nữ đang tràn lan ở Trung Quốc, và nguyên nhân của nó thì rất sâu xa.

Thật không may, rất khó để xác định chính xác số lượng phụ nữ đã bị bán đi ở Trung Quốc, nhưng các báo cáo truyền thông nhà nước trước đây đã cung cấp một số bằng chứng về con số này.

Ngày 16/2/2015, các phóng viên của Nhật báo Pháp lý một tờ báo nhà nước của Trung Quốc đã có được thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc rằng, hơn 30.000 phụ nữ bị buôn bán đã được giải cứu trong năm 2014.

Tờ Nhật báo Pháp lý cũng đưa tin rằng, vào ngày 29/3/2012, các phóng viên đã học được từ khóa đào tạo chống buôn người của Trung Quốc rằng, theo số liệu của năm 2009, tổng số 23.341 trường hợp bắt cóc và buôn bán phụ nữ đã được xác định, và 45.702 phụ nữ bị bắt cóc đã được giải cứu.

Năm 1989, một cuốn sách có tựa đề "Những tệ nạn cổ đại - Tư liệu về nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ quốc gia" của hai tác giả Xie Zhihong và Jia Lusheng, đã được xuất bản. Dữ liệu chính thức được trích dẫn trong cuốn sách cho thấy, 48.100 phụ nữ từ khắp Trung Quốc đã bị buôn bán đến 6 huyện do Từ Châu quản lý (Từ Châu là nơi người mẹ bị xích được tìm thấy). Trong số đó có thôn Ngưu Lâu thuộc trấn Y Trang. Những phụ nữ vốn bị bắt cóc, rồi sau đó bị mua lại, chiếm 2/3 số phụ nữ trẻ đã có gia đình trong thôn này.

Không thể biết được số phụ nữ vẫn chưa được giải cứu là bao nhiêu, hoặc bao nhiêu đã bị buôn bán trong những năm khác.

Từ thông tin được truyền thông tiết lộ có thể thấy, hầu hết phụ nữ bị bắt cóc để bán đến các vùng nông thôn nghèo khó, nơi có nhiều nam hơn nữ, và người dân địa phương không đủ khả năng kết hôn.

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Theo Thông cáo của cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 7 do chính quyền Trung Quốc công bố vào tháng 5/2021, tỉ lệ giới tính trong tổng dân số Trung Quốc là 1,0507 (có 105,07 nam trên 100 nữ). Dựa trên tổng số dân của Trung Quốc là 1,41 tỉ, chúng ta thấy nam nhiều hơn nữ 33 triệu người. Sự mất cân bằng ở khu vực nông thôn thậm chí còn đáng chú ý hơn, những nơi này có đến 107,91 nam trên 100 nữ.

Những năm trước, sự mất cân đối còn nghiêm trọng hơn. Theo một nghiên cứu của nhà báo người Mỹ sinh ra tại Hồng Kông là Leta Hong, tỉ lệ trẻ sơ sinh nam/nữ sinh ra ở Trung Quốc đạt mức cao nhất là ​​121 nam trên 100 nữ vào năm 2008.

Kết quả của cuộc điều tra dân số năm 2010 của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất, với tỉ lệ lên đến 136 nam trên 100 nữ sinh ra trong những năm 1980, và tỉ lệ của những người sinh vào những năm 1970 là 206 nam trên 100 nữ.

Về hiện tượng mất cân bằng giới tính, Dudley Poston Giáo sư tại Đại học Texas A&M, người nhiều năm nghiên cứu chính sách dân số của Trung Quốc — đã dự đoán rằng, khoảng 45 - 50 triệu đàn ông độc thân Trung Quốc không thể tìm được vợ vào năm 2020, do dân số thiếu nữ.

Sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa số dân nam và nữ thường được quy cho chính sách một con được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực thi trong hơn 30 năm, các tập tục gia trưởng ở nông thôn Trung Quốc, và nạn nạo phá thai có chọn lọc. Sự phát triển của công nghệ đã giúp cho việc xác định giới tính thai nhi trở nên phổ biến hơn.

Nghèo đói ở nông thôn

Luo Shihong Giáo sư Khoa Truyền thông tại Đại học Trung Chính ở Đài Loan tin rằng một lý do khác dẫn đến việc phụ nữ bị bắt cóc là, chính sách đăng ký hộ khẩu không công bằng của Trung Quốc, cùng với tình trạng nghèo đói cùng cực của người dân ở các vùng nông thôn.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm chính quyền ở Trung Quốc, hệ thống đăng ký hộ khẩu đã áp dụng chế độ quản lý kép ở các khu vực thành thị và nông thôn, đồng thời kết nối việc phân bổ tất cả các nguồn lực xã hội, bao gồm giáo dục, việc làm, và trợ cấp phúc lợi, với hộ khẩu.

Những người có hộ khẩu nông thôn từ lâu đã ở dưới đáy xã hội, vì họ không được cung cấp nguồn lực như những người có hộ khẩu thành thị.

Trong một bài bình luận năm 2015, Giáo sư Luo nói rằng, những người độc thân ở nông thôn Trung Quốc là đối tượng yếu thế nhất trong số những người yếu thế trên thị trường hôn nhân. Họ thiếu khả năng cạnh tranh để lấy một người vợ trong "khu rừng sói nhiều thịt ít", do nghèo đói và các lý do khác. Do đó, họ gặp khó khăn trong việc thỏa mãn các nhu cầu tình dục cơ bản, vì vậy họ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để giải quyết đồng thời mong muốn duy trì hương hỏa của gia đình.

Sự thờ ơ của các quan chức Trung Quốc

Các quan chức ĐCSTQ đã tuyên bố trong nhiều tình huống khác nhau rằng, nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ phải bị trừng phạt nghiêm khắc, nhanh chóng, và không được dung thứ, nhưng những lời nói như vậy thường được coi là tượng trưng thôi.

Chang Ping một nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông Trung Quốc cho biết trong bài bình luận của mình rằng, ở bất kỳ khu vực nào mà nạn buôn bán người xảy ra nặng nề nhất, thì gia đình nào mua con dâu đều được biết đến, nhưng chính quyền địa phương không bao giờ chủ động nhìn nhận vấn đề. Chính quyền thậm chí còn tích cực tham gia vào, và duy trì đường dây buôn bán người. Chỉ khi gia đình nạn nhân yêu cầu cảnh sát địa phương hành động, hoặc khi một cuộc trấn áp tượng trưng được kêu gọi, cảnh sát địa phương mới buộc phải giải cứu họ.

Video quay một bài giảng năm 2020 của Luo Xiang Giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc gần đây cũng được lan truyền trên mạng. Giáo sư Luo đã đưa ra một ví dụ sinh động về tệ nạn này. Ông nói rằng, mức án tối đa cho tội mua bán trái phép một con vẹt là 5 năm, trong khi mức án tối đa cho tội mua bán trái phép từ một đến một tá phụ nữ là 3 năm, tương đương với mức án tối đa cho việc mua trái phép 20 con cóc. Vì vậy, một người phụ nữ ở Trung Quốc được đánh giá thấp hơn một con vẹt, và chỉ có thể so sánh được với một con cóc. Giáo sư Luo cũng tuyên bố rằng, nếu không có người mua thì sẽ không có bất kỳ người bán nào. Chính vì hình phạt cho người mua quá nhẹ nên mới có nhiều người bán.

ĐCSTQ không chỉ thờ ơ, mà ở một mức độ nào đó thậm chí còn dung túng cho tình trạng này. Giáo sư Luo Shihong thuộc Đại học Trung Chính ở Đài Loan chỉ ra rằng, logic duy trì sự ổn định từ trên xuống dưới chính thức của ĐCSTQ đã làm trầm trọng thêm vấn đề buôn bán phụ nữ. Hiện tượng buôn bán người, mặc dù hoàn toàn sai về mặt pháp lý, đạo đức, và chính trị, nhưng đã giúp chính quyền giữ được "sự ổn định" ở nông thôn. Nếu không, một số lượng lớn những người độc thân ở nông thôn không có hy vọng kết hôn sẽ không hài lòng, và có thể trở thành một nhân tố gây ra bất ổn xã hội.

Vào tháng 11/2013, Tuần báo Phượng Hoàng Hồng Kông do ĐCSTQ hậu thuẫn đã đăng tải một báo cáo rất dài mang tên "Bức màn đen tối của buôn bán nội tạng Trung Quốc". Trong đó thừa nhận rằng, trong thập kỷ qua, "du lịch cấy ghép nội tạng" ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Theo phân tích của các chuyên gia y tế quốc tế, người ta tin rằng có một ngân hàng nội tạng người khổng lồ hoạt động ngầm, và thậm chí có ngân hàng nội tạng sống ở Trung Quốc.

Bài báo cũng nói rằng, các học viên Pháp Luân Công, tù nhân trong các trại lao động, những người bị hất ra rìa xã hội, phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc đều có thể là mục tiêu của nạn cướp nội tạng.

Một số lượng lớn phụ nữ bị bắt cóc rồi bị ép làm gái mại dâm. Dự án Liên tổ chức của Liên Hợp Quốc về phòng, chống Buôn bán người (UNIAP) đã phân tích các nạn nhân của nạn buôn người ở Trung Quốc. Dự án này đã nghiên cứu 800 trường hợp từ năm 2006 đến 2007, và phát hiện ra rằng, 19% phụ nữ bị buôn bán đã bị ép làm gái mại dâm, và 42% không tiết lộ họ bị bán cho ai.

Những hoạt động này khác với buôn bán phụ nữ cho các cuộc hôn nhân ép buộc ở chỗ, họ không phải bị bán cho những người ở miền núi hay nông thôn, mà là những người ở các thành phố lớn.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Báo động nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc