Báo Pháp: Kẻ thù lớn nhất của ĐCS Trung Quốc là chính họ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một tổ chức thuộc chính phủ Pháp cho biết, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có nhiều nỗ lực trong việc áp đặt mô hình độc tài của họ lên các nước dân chủ phương Tây, nhưng kẻ thù lớn nhất của ĐCSTQ vẫn là chính họ.

Báo cáo tiếng Pháp dài gần 650 trang này có tiêu đề “Hành động ảnh hưởng của Trung Quốc”, do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (Strategic Studies of Military Schools, IRSEM), một cơ quan độc lập thuộc Bộ Quốc phòng Pháp công bố vào đầu tuần trước.

Báo cáo này cho biết, sau khi tích cực hành động trên mặt trận ngoại giao trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang tự cô lập chính mình và bị cô lập trên trường quốc tế. Những hành vi này thậm chí còn dẫn đến các cuộc phản công ngày càng khốc liệt từ những quốc gia có truyền thống thân với ĐCSTQ.

Theo báo cáo, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây xấu đi đáng kể từ khoảng năm 2017.

Một ví dụ đáng chú ý là Thụy Điển. Sau khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát Trung Quốc, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền này.

Theo báo cáo, mặc dù ĐCSTQ khá được lòng dân ở Thuỵ Điển, nhưng tình hình đã thay đổi kể từ sau khi tân Đại sứ của ĐCSTQ Quế Tòng Hữu (Gui Congyou) nhậm chức vào năm 2017.

Báo cáo cho biết, những ngôn luận mang tính khiêu khích của ông Quế bao gồm, đe dọa quan chức Thụy Điển không tham dự lễ trao giải cho các nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc bị giam giữ, chỉ trích kênh truyền thông địa phương vì đăng bài lên án Trung Quốc và buộc một khách sạn ở Stockholm phải hủy lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan.

Báo cáo này coi những phát ngôn của ông Quế là “tai nạn”. Kể từ khi đến Thụy Điển vào năm 2017, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập ông Quế Tòng Hữu khoảng 40 lần. Các nghị sĩ của nước này cũng hai lần yêu cầu trục xuất ông ta. Tỷ lệ ủng hộ của người dân Thụy Điển đối với Trung Quốc cũng giảm mạnh. 80% người Thụy Điển hiện có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, 4 năm trước tỷ lệ này chưa đến một nửa.

Ngày 23/6/2021, nhiều người biểu tình cầm biểu ngữ và băng rôn ở Sydney, kêu gọi chính phủ Úc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. (Saeed Khan / AFP qua Getty)
Ngày 23/6/2021, nhiều người biểu tình cầm biểu ngữ và băng rôn ở Sydney, kêu gọi chính phủ Úc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. (Saeed Khan / AFP qua Getty)

Thương mại của Úc với Trung Quốc chiếm gần một phần ba doanh thu xuất khẩu của Úc và được xem là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu xấu đi vào tháng 4 năm ngoái, khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Động thái này của chính phủ Úc khiến ĐCSTQ rất tức giận. ĐCSTQ đã trả đũa bằng cách áp đặt các lệnh cấm tùy tiện và thuế quan cao ngất ngưởng đối với các mặt hàng trị giá hàng tỷ USD của Úc, bao gồm lúa mạch, rượu, bông, hải sản, thịt bò, đồng và than đá. Nhưng các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, bao gồm cả giới học thuật. Đồng thời, Úc đã thông qua một luật vào tháng 12/2020, nhằm tạo thêm rào cản cho các công ty liên quan đến Trung Quốc muốn mua tài sản của Úc.

Những nơi khác cũng xuất hiện tình trạng tương tự: Châu Phi phản đối dự án "Vành đai và Con đường" quy mô lớn của ĐCSTQ, chỉ trích rằng các biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng này tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm đất đai và lạm dụng công nhân.

Ngày 8/2/2020, tại Luang Prabang, Lào, một công nhân Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc và Lào. Đây là một phần trọng điểm trong dự án "Vành đai và Con đường" bắc qua sông Mekong của Bắc Kinh. (Aidan Jones / AFP qua Getty)
Ngày 8/2/2020, tại Luang Prabang, Lào, một công nhân Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc và Lào. Đây là một phần trọng điểm trong dự án "Vành đai và Con đường" bắc qua sông Mekong của Bắc Kinh. (Aidan Jones / AFP qua Getty)

Canada lên án Bắc Kinh vì bắt giữ công dân của họ một cách tùy tiện sau khi nước này bắt Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu theo lệnh của Mỹ. Giới phê bình lên án rằng đây là hành vi ngoại giao con tin. Ngoài ra, việc chính quyền ĐCSTQ bóp nghẹt tự do dân chủ ở Hong Kong đã khiến nước Anh tức giận.

Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ ở Tân Cương cũng khiến hình ảnh của họ trở nên tồi tệ hơn trong mắt các nước dân chủ phương Tây.

Báo cáo chỉ ra rằng, vào tháng 2 năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh "17 + 1" với Trung Quốc, 6 nước Trung Âu và Đông Âu đã cử đại diện cấp thấp hơn thay vì nguyên thủ quốc gia như thường lệ. Điều này cho thấy những nước này đã không còn thấy “hứng thú” với Bắc Kinh. Vào tháng 5 năm nay, sau khi Lithuania tuyên bố rút khỏi "17 + 1", nhóm này ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Các tác giả của báo cáo này cho biết, họ hy vọng báo cáo sẽ cảnh báo chính quyền Bắc Kinh về hậu quả của các hành vi mà ĐCSTQ đã gây ra.

Báo cáo tuyên bố rằng, "các hành vi ngang ngược" mà ĐCSTQ áp dụng trong những năm gần đây “khiến Trung Quốc không được chào đón, thậm chí cuối cùng có thể làm suy yếu quyền lực của đảng một cách gián tiếp, bao gồm người dân của chính họ", "Về ảnh hưởng, kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc (ĐCSTQ) là chính họ".



BÀI CHỌN LỌC

Báo Pháp: Kẻ thù lớn nhất của ĐCS Trung Quốc là chính họ