Bắt giữ ông trùm truyền thông: 'Vụ tấn công dữ dội nhất' vào nền tự do báo chí của Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc bắt giữ nhà tài phiệt truyền thông ủng hộ dân chủ Jimmy Lai là “cuộc tấn công dữ dội nhất chưa từng có đối với những gì còn sót lại của nền tự do báo chí của Hong Kong”, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong, ông Chris Patten nhận định.

Ông Jimmy Lai là người sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily và tập đoàn truyền thông Next Digital của Hong Kong. Sáng ngày 10/8, ông Lai đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới của Hong Kong. Hai con trai của ông là Lai Gin-yan và Chow Tat-kuen cũng bị cảnh sát bắt giữ.

Sau vụ bắt giữ, ít nhất 100 cảnh sát đã đột kích vào trụ sở của tờ Apple Daily, lục lọi hồ sơ trên bàn làm việc, yêu cầu các nhân viên xếp hàng để nhận dạng và lục soát khắp tòa soạn.

Cảnh sát dẫn ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Hong Kong Jimmy Lai (giữa), 72 tuổi, rời khỏi nhà sau khi ông bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 10/8/2020. (Ảnh của VERNON YUEN / AFP qua Getty Images)
Cảnh sát dẫn ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Hong Kong Jimmy Lai (giữa), 72 tuổi, rời khỏi nhà sau khi ông bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 10/8/2020. (Ảnh của VERNON YUEN / AFP qua Getty Images)

Trong một tuyên bố do tổ chức Hong Kong Watch công bố, ông Patten nhận xét: “Vụ bắt giữ nhà tài phiệt Jimmy Lai, các con trai cùng các đồng nghiệp truyền thông của ông ấy, và cuộc đột kích của hơn 100 cảnh sát tại trụ sở tập đoàn truyền thông của [Jimmy Lai], là một cuộc tấn công sâu rộng hơn vào quyền tự do và cách sống của [người dân] Hong Kong”.

Ông Patten giữ chức Thống đốc tại thành phố Hong Kong từ năm 1992 cho đến khi Anh Quốc bàn giao chủ quyền thành phố lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Cựu Thống đốc Hong Kong đánh giá: “Đây là sự công kích dữ dội nhất đối với những gì còn sót lại của nền báo chí tự do ở Hong Kong”.

“Sự việc này sẽ gây lo lắng đáng kể cho tất cả những ai coi việc tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí là điều cần thiết cho sự tồn tại của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế. Ngày càng có nhiều người coi việc bắt giữ này là một bước tiến lớn khác nhằm biến [cảnh sát] Hong Kong thành một bản sao của cảnh sát Bắc Kinh,” ông nói thêm.

Một bức ảnh truyền tay từ Apple Daily cho thấy các sĩ quan cảnh sát đang khám xét trụ sở của báo Apple Daily sau khi ông trùm truyền thông và kinh doanh Hong Kong Jimmy Lai bị bắt tại nhà riêng vào ngày 10/8/2020 ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh của Handout / Getty Images)
Một bức ảnh truyền tay từ Apple Daily cho thấy các sĩ quan cảnh sát đang khám xét trụ sở của báo Apple Daily sau khi ông trùm truyền thông và kinh doanh Hong Kong Jimmy Lai bị bắt tại nhà riêng vào ngày 10/8/2020 ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh của Handout / Getty Images)

Nhà tài phiệt Lai năm nay 71 tuổi, là một trong số ít những người trong giới thượng lưu Hong Kong vẫn còn công khai lên tiếng ủng hộ phong trào vì nền dân chủ của thành phố.

Năm 2019, ông Lai đã gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo để thảo luận về sự xói mòn các quyền tự do ở Hong Kong.

Chủ tịch điều hành của tổ chức Hong Kong Watch, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia về Trung Quốc Benedict Rogers nói: “Việc bắt giữ một trong những [người có] tiếng nói ôn hòa, hòa bình và được quốc tế tôn trọng nhất cho nền dân chủ ở Hong Kong - với tội danh 'thông đồng' với các thế lực nước ngoài - gửi thông điệp rằng không ai được an toàn ở Hong Kong, trừ khi họ hoàn toàn im lặng và làm đúng như những gì mà chính quyền man rợ của ông Tập Cận Bình yêu cầu".

Ông cho biết trong tuyên bố: "Cộng đồng quốc tế không thể để yên cho sự việc này. Trừ khi chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự lùi bước khỏi mép vực, nếu không, họ đã tự đặt mình vào một lộ trình xung đột với thế giới tự do.”

Ông Benedict Rogers nói chuyện trong chương trình Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ (American Thought Leaders) của The Epoch Times vào tháng 7/2019. (The Epoch Times)
Ông Benedict Rogers nói chuyện trong chương trình Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ (American Thought Leaders) của The Epoch Times vào tháng 7/2019. (The Epoch Times)

Chủ tịch Rogers thúc giục chính phủ Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt theo luật Magnitsky ngay lập tức đối với Trưởng đặc khu Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cũng như các quan chức Hong Kong và Trung Quốc khác bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở thành phố vốn là thuộc địa cũ của Anh này.

Ngày 7/8, chính quyền Tổng thống Trump đã ra lệnh trừng phạt bà Lâm cùng 10 quan chức Hong Kong và Trung Quốc khác vì phá hoại quyền tự chủ và tự do của thành phố.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng bất kỳ tài sản nào tại Hoa Kỳ mà các quan chức này sở hữu, và cấm người Mỹ giao thương với những người này.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắt giữ ông trùm truyền thông: 'Vụ tấn công dữ dội nhất' vào nền tự do báo chí của Hong Kong