Bắt Hoàng Chi Phong, chính quyền Hong Kong tiếp tục kiếm cớ đàn áp các nhà hoạt động dân chủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Luật sư của Hoàng Chi Phong cho biết, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng của Hong Kong đã bị bắt vào ngày 24/9 vì bị cáo buộc tham gia vào một “cuộc họp trái phép” vào tháng 10/2019, liên quan đến luật chống đeo khẩu trang của chính quyền Hong Kong.

Trao đổi với AFP, luật sư của anh là ông Jonathan Man cho biết: “[Hoàng Chi Phong] bị cáo buộc tham gia một cuộc hội họp bất hợp pháp vào ngày 5/10 năm ngoái, khi hàng trăm người biểu tình để phản đối lệnh cấm đeo khẩu trang mà chính quyền ban hành”. Ông Man nhấn mạnh rằng nhà hoạt động đã bị bắt khi được triệu tập tới sở cảnh sát vì một vụ án khác mà anh ấy hiện đang bị xét xử.

Theo một bài đăng từ tài khoản Twitter chính thức của Hoàng, anh cũng bị bắt vì vi phạm “luật chống khẩu trang hà khắc” của Hong Kong. Luật này có hiệu lực vào ngày 5/10 nhưng luôn bị cáo buộc là trái với hiến pháp của Hong Kong.

Nội dung cụ thể của bài đăng như sau: “[Hoàng Chi Phong] bị bắt khi đang trình báo với Sở Cảnh sát Trung tâm vào khoảng 1 giờ chiều ngày hôm nay. Vụ bắt giữ có liên quan đến việc tham gia vào một cuộc tụ họp trái phép vào ngày 5/10 năm ngoái. Anh bị cáo buộc là đã vi phạm luật chống khẩu trang hà khắc".

Vài giờ sau đó, Hoàng Chi Phong đã được tại ngoại, theo The Guardian. Anh cũng truyền tải một thông điệp đặc biệt tới giới truyền thông rằng, cộng đồng quốc tế nên bớt quan tâm tới các nhà hoạt động nổi tiếng như anh, mà thay vào đó nên chú ý nhiều hơn tới 12 người Hong Kong đang bị giam giữ tại đại lục. Anh cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho 12 người này, sau khi họ bị cáo buộc cố gắng chạy trốn khỏi Hong Kong bằng thuyền để đến Đài Loan tị nạn.

Nhà hoạt động xã hội kỳ cựu 71 tuổi Koo Sze-yiu cũng bị bắt vì tham gia hoạt động "tụ họp bất hợp pháp" vào ngày 5/10 chống lại lệnh cấm đeo khẩu trang, phóng viên Xinqi Su của AFP đưa tin.

Theo thông tin từ The Guardian, ông Koo hiện đang điều trị ung thư giai đoạn cuối và vốn có lịch khám bệnh vào chiều ngày 24/9. Truyền thông địa phương đưa tin, lần cuối ông Koo bị giam giữ trước đó là vào hồi tháng Sáu vì tội danh xúc phạm quốc kỳ Hong Kong.

Cảnh sát đã xác nhận vụ bắt giữ, nói rằng 2 nhà hoạt động bị buộc tội “cố ý tham gia một cuộc tụ họp trái phép”, đồng thời lưu ý rằng Hoàng Chi Phong đã vi phạm luật cấm đeo khẩu trang của Hong Kong, tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo cảnh sát, dự kiến 2 nhà hoạt động ​​sẽ phải trình diện tại Tòa án Sơ thẩm Quận Đông vào ngày 30/9.

Vụ bắt giữ Hoàng Chi Phong gần nhất làm gia tăng con số các cáo buộc tụ họp bất hợp pháp hoặc các hành vi phạm tội mà anh và các nhà hoạt động khác đang phải đối mặt liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm ngoái. Các cuộc biểu tình này chính là lý do khiến Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng vào ngày 30/6 vừa qua.

Vụ bắt giữ nhà hoạt động diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, một người dám thẳng thắn chỉ trích gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới, với cáo buộc thông đồng với “lực lượng nước ngoài hoặc các yếu tố bên ngoài”.

Hoàng Chi Phong từng là một vị khách thường xuyên đến Washington. Anh đến đây để kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ phong trào dân chủ của Hong Kong và chống lại sự siết chặt của Bắc Kinh đối với Hong Kong - trung tâm tài chính toàn cầu. Các chuyến thăm của Hoàng đã thu hút sự phẫn nộ của Bắc Kinh. Chính quyền độc tài này cho rằng anh đại diện cho "bàn tay đen" của các thế lực nước ngoài muốn thâm nhập vào nội bộ Trung Quốc.

Nhà hoạt động 23 tuổi đã giải tán nhóm ủng hộ dân chủ Demosisto của mình vào tháng Sáu, chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong mà bỏ qua cơ quan lập pháp địa phương của đặc khu này.

Tin tức về việc bắt giữ Hoàng Chi Phong đã vấp phải nhiều chỉ trích.

“Vụ bắt giữ #JoshuaWong (Hoàng Chi Phong), một trong những nhân vật hàng đầu của phong trào dân chủ [tại] #HongKong, là một ví dụ khác về cuộc tấn công dân chủ và nhân quyền của [chính quyền] Trung Quốc thông qua đàn áp chính trị. #StandWithHongKong (Sát cánh cùng Hong Kong)”, Đại hội Uyghur Thế giới viết trên Twitter.

Nhà lập pháp người Anh Iain Duncan Smith đã mô tả vụ bắt giữ nhà hoạt động trẻ tuổi là “cuộc đàn áp chính trị trần trụi”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ bắt giữ, và nhận định đây là “một ví dụ khác của việc chính quyền Hong Kong nhắm vào các nhà hoạt động” dân chủ, The Guardian đưa tin.

“Chỉ Kafka và những người độc tài mới tự hào khi @joshuawongcf bị bắt — vì [lý do anh ấy] vi phạm những luật pháp vi phạm các tiêu chuẩn của [nhân quyền tại Trung Quốc và Hong Kong]”, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc Sophie Richardson viết trên Twitter.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Bắt Hoàng Chi Phong, chính quyền Hong Kong tiếp tục kiếm cớ đàn áp các nhà hoạt động dân chủ