Bất ổn vĩ mô của Trung Quốc gia tăng: lạm phát cao, dự trữ ngoại hối giảm, sản xuất đình trệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền tảng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc ngày một bất ổn: lạm phát tăng cao, dự trữ ngoại hối giảm, sản xuất đình trệ... Nền kinh tế có nguy cơ suy trầm kéo dài bởi vòng luẩn quẩn lạm phát cao - tăng trưởng thấp - lãi suất khó hạ - bất ổn chính trị, xã hội leo thang...

Lạm phát tháng 11 đã tăng cao nhất kể từ năm 2012 cho đến nay

Lạm phát của Trung Quốc tăng cao nhất kể từ 2012 cho tới nay (nguồn: Trading Economics)
National Bureau of Statistics of China (NBS)

Tháng 11/2019, chỉ số lạm phát (so cùng kỳ) của Trung Quốc tiếp tục tăng cao, ở mức 4,5% (tháng trước là 3,8%) - mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2012. Nguyên nhân lạm phát tăng cao chủ yếu do cuộc khủng hoảng giá thịt lợn gây ra bởi bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong rổ hàng hóa tính lạm phát, giá thực phẩm tăng tới 19,1% trong tháng 11, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2008 (trong tháng 10, chỉ tiêu này tăng 15,5%).

Lạm phát cao làm tăng áp lực phải cẩn trọng trong chính sách tiền tệ của nước này, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn phát đi tín hiệu giảm lãi suất điều hành cho một số khoản tín dụng trung và dài hạn trong 2 tháng gần đây. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất điều hành này mang màu sắc tâm lý, an ủi thị trường nhiều hơn là hiệu ứng bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Nới lỏng tiền tệ với tăng trưởng và lạm phát tại Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg, SSI tổng hợp)

Dự trữ ngoại hối giảm 9 tỷ USD trong tháng 11, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào tháng 6/2014 ở mức 3,993 nghìn tỷ đô la và đã giảm xuống còn 3,093 nghìn tỷ đô la trong tháng 11. Mặc dù đó là một con số rất lớn, nhưng Trung Quốc - có lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 2,26 nghìn tỷ đô la, tương đương 12,8% nguồn cung toàn cầu - cần liên tục mua số lượng lớn nguyên liệu và tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động. Do đó, khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống dưới mốc 3 nghìn tỷ đô la thì có thể sẽ làm sản xuất chậm lại.

Các nhà phân tích Phố Wall đã dự báo dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ giảm 2 tỷ đô la dựa trên kỳ vọng về hoạt động thương mại mạnh mẽ theo mùa, với xuất khẩu lên tới 2,4 tỷ đô la và nhập khẩu giảm 3,2 tỷ đô la. Nhưng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 2,4 tỷ đô la và nhập khẩu tăng gần 1 tỷ đô la.

Lạm phát tăng sẽ làm tăng lãi suất nhằm đảm bảo lãi suất thực dương và đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng mất giá theo. Thực tế, tỷ giá CNY/USD đã ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Đồng CNY mất giá có thể giúp Trung Quốc đạt nhiều lợi thế hơn trong xuất khẩu nhưng cũng là gánh nặng với nhập khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang phải cân bằng thương mại với Mỹ, tăng cam kết nhập khẩu và giảm thuế.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ 2015-2019 (Nguồn: Trading Economics)

Chính sách tiền tệ khó tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng đang giảm, nền sản xuất đình trệ và thanh khoản ngân hàng do khối nợ xấu quá lớn...

Cũng trong tháng 11, xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Việc Trung Quốc giảm kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 - tháng cao điểm tiêu dùng chuẩn bị cho tháng 12 đón Noel và năm mới - là dấu hiệu rất xấu đối với nền kinh tế Mỹ. Xuất khẩu trong tháng 11 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự đoán của giới phân tích trong thăm dò của Reuters là tăng 1%.

Lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng hơn 427 tỷ CNY (60 tỷ USD). Đây là tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm của ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong tháng 10, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc (phản ánh giá bán buôn của các nhà máy) đã giảm mạnh nhất từ 3 năm qua, trong khi giá nguyên liệu thô giảm.

Trong bối cảnh khu vực sản xuất khó khăn, bất ổn vĩ mô gia tăng, Trung Quốc khó có thể mạnh dạn mở rộng chính sách tiền tệ để cứu vớt tăng trưởng. Trong khi đó, lãi suất khu vực ngân hàng khó có thể hạ do bị siết chặt bởi cả 2 gọng kìm: (1) lạm phát cao; (2) nợ xấu khu vực ngân hàng lớn khiến các ngân hàng Trung Quốc khó hạ lãi suất do phải bù đắp tài sản xấu từ mức sinh lời cao hơn. Lãi suất tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới khu vực sản xuất do chi phí vốn của doanh nghiệp tăng. Điều này sẽ góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang mắc nợ quá lớn và rất khó khăn để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như thay đổi chuỗi cung ứng.

Trong tình hình bất ổn vĩ mô và tài chính cao, tăng trưởng thấp, nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu chu kỳ rơi sâu vào vòng xoáy tăng trưởng trì trệ.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Bất ổn vĩ mô của Trung Quốc gia tăng: lạm phát cao, dự trữ ngoại hối giảm, sản xuất đình trệ