Bị Bắc Kinh giam cầm 6 năm, cựu cán bộ đảng của Nhật Bản viết sách phơi bày sự thật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Eiji Suzuki bị chính quyền Trung Quốc cầm tù 6 năm và được thả vào năm ngoái. Ông cho rằng giữ im lặng là sai lầm, do vậy, ông đã xuất bản cuốn sách "2279 ngày bị giam cầm ở Trung Quốc" để phản tỉnh bản thân vì trước kia đã mù quáng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Ông hy vọng có thể giúp mọi người biết được tình hình thực tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tránh trở thành nạn nhân tiếp theo.

Nhà báo Akio Yaita, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, hiện là Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của hãng truyền thông Nhật Bản Sankei Shimbun, là một người bạn cũ của ông Eiji Suzuki. Trong một bài đăng gần đây trên Facebook cá nhân, ông Yaita cho biết đã đọc cuốn sách mới “2279 ngày bị giam cầm ở Trung Quốc” của ông Eiji Suzuki vào ngày 4/5 và nói rằng “trong lòng có rất nhiều cảm xúc”.

(Bìa cuốn sách “2279 ngày bị giam cầm ở Trung Quốc” của ông Eiji Suzuki)

Ông Suzuki năm nay 66 tuổi, từng là cán bộ của Đảng Xã hội Nhật Bản - một đảng chính trị cánh tả, và từng là thư ký của lãnh đạo đảng Takako Doi. Sau đó, ông phụ trách việc giao lưu Nhật - Trung trong một thời gian dài. Ông từng sống ở Bắc Kinh và là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Bắc Kinh. Nhà báo Akio Yaita nói rằng, ông Suzuki là một người "thân Trung Quốc" trăm phần trăm.

Ông Yaita cho biết, ông Suzuki tốt nghiệp Đại học Hosei (trường luật và chính trị) ở Nhật Bản, chịu ảnh hưởng của tư tưởng cánh tả, từ trẻ đã nhiệt tình với phong trào lao động và tham gia đảng đối lập lớn nhất lúc bấy giờ là Đảng Xã hội Nhật Bản.

Ông Suzuki đã tích cực thúc đẩy tình hữu nghị Nhật - Trung từ những năm 1980 và đến thăm Trung Quốc nhiều lần. Ông thành lập "Hiệp hội Giao lưu Thanh niên Nhật - Trung" và làm chủ tịch. Ông thường dẫn dắt thanh niên Nhật Bản tới Trung Quốc trồng cây gần các sa mạc của nước này và gây quỹ ở Nhật Bản để giúp đỡ thanh thiếu niên ở các vùng nghèo khó của Trung Quốc được học tập. Để thúc đẩy tình hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc, ông Suzuki đã làm rất nhiều việc.

Ký giả Akio Yaita cho biết ông và ông Suzuki gặp nhau ở Bắc Kinh vào cuối những năm 1990. Vì hai người có quan điểm rất khác nhau về mối quan hệ Nhật - Trung nên họ thường xuyên tranh luận. Khi ông Yaita viết các bài chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên báo và tạp chí, đôi khi ông Suzuki sẽ đưa ra các ý kiến ​​bất đồng. Về cơ bản, chủ trương của ông Suzuki khá giống với những điều được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Ông Yaita cười và nói rằng ông Suzuki là người phát ngôn của ĐCSTQ tại Nhật Bản, nhưng ông Suzuki không bận tâm.

Bị giám sát tại nơi chỉ định, ‘nửa năm chỉ nhìn thấy Mặt trời một lần’

Vào tháng 7/2016, ông Suzuki, khi đó là Chủ tịch "Hiệp hội Giao lưu Thanh niên Nhật Bản - Trung Quốc", đã bị Cục An ninh Quốc gia thành phố Bắc Kinh bắt giữ tại sân bay Bắc Kinh với tội danh “gián điệp" khi đang chuẩn bị lên máy bay trở về Tokyo.

Khi ấy, tất cả các nhà báo Nhật Bản đang thường trú tại Bắc Kinh đều đồng loạt nói rằng đó là việc "hoàn toàn không thể". Bởi vì mọi người đều biết rằng ông Suzuki là một thành viên kiên định của đảng cánh tả, người mà gần như ngày nào cũng ca ngợi ĐCSTQ và chỉ trích Nhật Bản. Sao ông ấy có thể là gián điệp Nhật Bản được?

Ông Suzuki bị khởi tố sau khi bị "giám sát tại nơi chỉ định" trong 7 tháng và tòa án kết án ông 6 năm tù. Ông được trả tự do sau khi mãn hạn tù vào năm 2022 và đã trở về Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nhật Bản vào ngày 18/10/2022, ông Suzuki một lần nữa bác bỏ cáo buộc rằng ông là gián điệp Nhật Bản và cho biết ông đã bị tra tấn bằng nhiều cách sau khi bị bắt.

"Trong nửa năm trời tôi chỉ được nhìn thấy Mặt trời 1 lần”, ông nói với vẻ đau khổ, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua. Ông Akio Yaita cho biết cũng cảm thấy rất buồn khi xem buổi phỏng vấn đó.

Nhà báo Yaita cho hay, ông Suzuki đã nói trong cuốn sách rằng quãng thời gian khó khăn nhất sau khi bị bắt là 7 tháng "bị giám sát tại nơi chỉ định". Ông không được gặp luật sư, người nhà, không thể xem tivi hay đọc sách báo, 24 giờ mỗi ngày đều có người giám sát và không thể tắt đèn khi ngủ.

Ngoại trừ thời gian bị thẩm vấn, ông chỉ có thể ngồi im lặng trên giường một mình, cũng không được phép phát ra âm thanh, chỉ có thể hát đi hát lại trong đầu hai bài "Amagi-goe" và "Tsugaru Kaikyō Fuyugeshiki" của nữ ca sĩ Sayuri Ishikawa mà ông yêu thích. Ông Suzuki nói, ông đã dựa vào lời của hai bài hát trên để động viên bản thân và sống sót qua 7 tháng này.

Đối với ông Suzuki, điều đau đớn nhất lúc bấy giờ là tất cả ô cửa đều bị đóng kín và hoàn toàn không nhìn thấy Mặt trời. Trong 7 tháng, ông chỉ được phép phơi nắng 15 phút trên ban công một lần, điều mà ông phải van xin khổ sở mới có được. Ông cho biết chưa bao giờ nghĩ rằng, bản thân lại bật khóc khi ngồi dưới ánh nắng.

Ông Suzuki cho rằng khi ĐCSTQ bắt giữ ông, họ không có bằng chứng xác thực. Khi bị thẩm vấn lần đầu tiên, ông được yêu cầu viết tên của tất cả những người Trung Quốc mà ông quen biết vào một tờ giấy. Vì phụ trách công tác giao lưu Nhật - Trung trong nhiều năm và gặp gỡ rất nhiều người nên ông đã viết: Cựu Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Lý Khắc Cường... Viên cảnh sát lấy khẩu cung liền vội vàng nói: "Đừng viết những thứ này, viết tên những người mà ông thường giao thiệp ấy”.

Trong bài viết trên Facebook cá nhân, nhà báo Akio Yaita còn đề cập rằng lý do truy tố ông Suzuki cũng rất vô lý. Vào tháng 12/2013, ông Jang Song-thaek, một nhân vật quan trọng của Triều Tiên, đã bị lật đổ. Có kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng "Jang Song-thaek đã bị xử tử", nhưng sự thật không rõ ràng lắm.

Vào thời điểm đó, ông Suzuki đang ăn tối với một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tình cờ hỏi một câu: “Jang Song-thaek đã chết chưa?”. Quan chức ĐCSTQ trả lời: “Tôi cũng không biết”. Không ngờ cuộc trò chuyện này đã bị ghi âm và biến thành cái gọi là "bằng chứng" về hành vi "dò hỏi cơ mật quốc gia" của ông Suzuki.

Ông Suzuki cũng phải chịu nhiều hình thức tra tấn trong tù, cân nặng của ông giảm từ 96 kg khi bị bắt xuống còn 68 kg.

Ông Akio Yaita cho biết, ông Suzuki phát hiện ra rằng những người Nhật Bản có trải nghiệm tương tự đã trở về nước nhưng lại không dám đắc tội với ĐCSTQ nên về cơ bản họ đều chọn cách im lặng. Ông cho rằng chọn im lặng là không đúng.

Ông Suzuki đã phản tỉnh bản thân vì trước kia đã ‘nhìn mà không thấy’ các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Ông xuất bản cuốn sách "2279 ngày bị giam cầm ở Trung Quốc" với hy vọng rằng trải nghiệm của bản thân sẽ giúp những người khác không trở thành nạn nhân tiếp theo của ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bị Bắc Kinh giam cầm 6 năm, cựu cán bộ đảng của Nhật Bản viết sách phơi bày sự thật