'Biden không ủng hộ Đài Loan độc lập' lọt top tìm kiếm trên internet Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau hội nghị trực tuyến đầu tiên giữa nguyên thủ Trung - Mỹ, cụm từ "Biden không ủng hộ Đài Loan độc lập" đã trở thành mục tìm kiếm "hot" trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Nhưng tuyên bố của Nhà Trắng lại khá khác biệt. Chuyên gia cho rằng, "Trung Quốc đã diễn giải lại một cách sáng tạo những nhận xét của ông Biden về Đài Loan để làm hài lòng khán giả trong nước".

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa nguyên thủ Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được tổ chức vào lúc 8h45 sáng ngày 16/11 theo giờ Bắc Kinh. Trong hơn 3,5 tiếng họp kín, ông Tập Cận Bình và ông Biden đã có một cuộc thảo luận dài và sâu về chiến tranh thương mại, vũ khí hạt nhân, nhân quyền, và vấn đề Đài Loan – vốn được dư luận quốc tế coi là "ưu tiên hàng đầu" trước hội nghị. Nhưng kết quả cuộc họp lại không có bất kỳ sự đồng thuận mang tính đột phá hay mang tính xây dựng nào.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, cụm từ "Biden nhắc lại rằng không ủng hộ Đài Loan độc lập" đã nhanh chóng lọt vào danh sách tìm kiếm hàng đầu trên Baidu và Weibo. Theo các kênh truyền thông chính thống như Tân Hoa XãCCTV đưa tin, ông Biden bày tỏ sẵn sàng và nhắc lại rõ ràng rằng, Hoa Kỳ không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm cách tăng cường liên minh chống lại Trung Quốc và không có ý định xảy ra xung đột với Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cam kết theo đuổi chính sách nhất quán lâu dài Một Trung Quốc, không ủng hộ "Đài Loan độc lập", và hy vọng rằng eo biển Đài Loan sẽ duy trì hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí của Nhà Trắng lại cho thấy, ông Biden đã nhắc lại "mơ hồ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan. Tức là mặc dù ông nhấn mạnh rằng "lập trường Một Trung Quốc không thay đổi", nhưng cũng nói rằng hết thảy tuân thủ "Đạo luật Quan hệ Đài Loan"; mặc dù ông đề cập đến "Ba thông cáo chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, nhưng cũng nói về "Sáu đảm bảo" hứa sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Ông Tống Văn Địch (Song Wendi) là một giảng viên tại Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc. Về vấn đề này, ông nói với tờ Deutsche Welle rằng, trọng tâm của cuộc trao đổi giữa hai bên là đảm bảo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ duy trì các kênh liên lạc thông suốt và duy trì mức độ tin cậy cơ bản với nhau. Nhưng "Trung Quốc đã diễn giải lại một cách sáng tạo những nhận xét của ông Biden về Đài Loan để làm hài lòng khán giả trong nước".

Ông đưa ra một ví dụ rằng thuật ngữ mà ông Biden sử dụng là "Chính sách Một Trung Quốc" thay vì nói rằng "Chính sách Một Trung Quốc của chúng ta". "Việc loại bỏ cụm 'của chúng ta' có thể được coi là một cách để ông Tập Cận Bình kiểm soát hoạt động ở Trung Quốc. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã không có bất kỳ nhượng bộ nào".

Ông Thị Kiến Vũ (Shi Jianyu) là một nhà nghiên cứu tại Viện An ninh Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng, một tổ chức tư vấn của Bộ Quốc phòng Đài Loan. Ông cũng nói với BBC rằng, vì mục đích của cuộc họp là đưa ra các vấn đề mà các bên quan tâm, cho nên về cơ bản, các tuyên bố bằng văn bản của hai bên đã phản ánh lập trường của họ. Về ngôn ngữ mà Hoa Kỳ sử dụng, ông Thị cho rằng "cơ bản cho thấy họ đang ở ‘thế phòng thủ’ ".

Ông Mã Chiêu (Ma Zhao), Phó giáo sư về Đông Á tại Đại học Washington ở St. Louis, Mỹ, chỉ ra rằng mục đích chính của cuộc gặp này là để "lần ra lằn ranh của hai bên về các vấn đề lớn, hoặc xác định lại lằn ranh trong một mối quan hệ cạnh tranh".

Ông Mã cho rằng, Mỹ lo ngại chiến lược Đài Loan của Bắc Kinh có thể phá vỡ sự cân bằng của eo biển Đài Loan và sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc có những động thái cực đoan. "Vì vậy, Mỹ cũng đang vạch giới hạn cho Bắc Kinh, rằng không thể thay đổi hiện trạng".

Điều đáng nói là quy trình cuộc gặp giữa hai bên lần này, ngoại trừ việc các kênh truyền thông được chụp ảnh và dự thính màn chào hỏi khi bắt đầu kết nối, quy trình tiếp theo là "thảo luận kín" và kết thúc một cách lặng lẽ, không có tuyên bố chung.

Đoàn đàm phán bên phía Mỹ, ngoài ông Biden, còn có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell, Giám đốc Các vấn đề Trung Quốc của Nhà Trắng Laura Rosenberg, và Giám đốc Các vấn đề Trung Quốc của Ủy ban An ninh Quốc gia Jon Czin.

Về phía Trung Quốc, ngoài ông Tập Cận Bình, còn có ông Đinh Tiết Tường – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, ông Lưu Hạc – Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, ông Dương Khiết Trì – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao, và ông Tạ Phong – Thứ trưởng Ngoại giao.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

'Biden không ủng hộ Đài Loan độc lập' lọt top tìm kiếm trên internet Trung Quốc