Biên bản hội nghị đầu tư bị rò rỉ, tiết lộ nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các khoản nợ địa phương của chính quyền Trung Quốc ngày càng lớn hơn, mìn chôn khắp nơi. Chính quyền địa phương nhiều nơi kêu gào “không có khả năng giải quyết nợ nần” và bị cho là “bức bách trung ương”. Gần đây, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam cũng bị rò rỉ một biên bản họp và sự rò rỉ này được cho là cố ý mượn dư luận để gây áp lực lên chính quyền trung ương.

Tài liệu bị rò rỉ có tiêu đề "Biên bản cuộc họp của chuyên gia về đầu tư đô thị Côn Minh". Ngay phần đầu, biên bản đã đề cập rằng trong 6 tháng tới thành phố Côn Minh sẽ có khoản nợ 20 tỷ nhân dân tệ (CNY) đáo hạn, tương ứng với khoảng 2,83 tỷ USD; công ty đầu tư đô thị (chính là các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương) không còn lực để hỗ trợ, tài chính của thành phố cũng không đủ, trên tỉnh cũng cho biết rằng sẽ không dốc sức giải cứu, và chủ tịch của một số công ty đầu tư đô thị đã đến Thượng Hải để "đòi tiền".

Biên bản nêu rõ, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Hải không phải là một cuộc “trao đổi tài sản” vì Côn Minh “không còn tài sản để trao”, lần này là “trực tiếp xin tiền”, bởi vì Vân Nam là đối tượng hỗ trợ, nâng đỡ được chỉ định của Thượng Hải. Trước nay trong số các khoản hỗ trợ tài chính từ Trung ương về Vân Nam, mỗi năm có tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ là từ Thượng Hải chuyển tới.

Biên bản đặc biệt đề cập rằng, năm ngoái Thượng Hải vốn phải chuyển cho Vân Nam khoản tiền đó nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu, “Trung ương cũng không nói gì”; hiện tại tình hình của Côn Minh rất cấp bách, chỉ có thể tìm Thượng Hải để “mượn tiền”.

Công ty đầu tư đô thị trên khắp các địa phương ở Trung Quốc là phương tiện tài chính của chính quyền, chủ yếu chịu tải cho các khoản nợ địa phương.

Phương tiện tài chính của chính quyền địa phương là các công ty được chính quyền địa phương thành lập, giao đất và vốn sao cho đủ điều kiện để phát hành trái phiếu nợ, còn gọi là trái phiếu đô thị địa phương. Nói cách khác, các phương tiện nợ địa phương như vậy chính là các doanh nghiệp nhà nước của địa phương, được tạo ra mới mục đích huy động nợ trên thị trường trái phiếu, dùng tiền nợ đó để đổ vào các dự án BĐS địa phương, các dự án phát triển đô thị tại địa phương. Các khoản trái phiếu đô thị mà các phương tiện nợ địa phương phát hành hầu hết được các ngân hàng địa phương mua lại (khoảng 80%). Lý do là các ngân hàng ở địa phương phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Bởi vậy, khi chính quyền địa phương nói chung và các phương tiện nợ địa phương nói riêng tuyên bố không có khả năng trả nợ thì nghĩa là một khoản nợ xấu lớn sẽ đè nặng lên hệ thống ngân hàng địa phương. Đây chính là cái cớ để địa phương sử dụng trong việc “bức bách” chính quyền trung ương phải hỗ trợ họ trả nợ. Nếu họ không trả được nợ thì ngân hàng có thể đổ vỡ vì nợ xấu. Rủi ro sụp đổ ngân hàng theo hiệu ứng domino trong hệ thống tài chính sẽ lan rộng; ảnh hưởng tới an ninh tài chính địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Biên bản cuộc họp trên cũng trình bày chi tiết về tình hình tài chính eo hẹp của tỉnh Vân Nam và sự khó bề hỗ trợ cho Côn Minh; về cách các quan chức tỉnh Vân Nam và thành phố Côn Minh “liên lạc” với Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải để che đậy khủng hoảng nợ; cũng như về việc các ngân hàng địa phương không còn nguồn tài lực để hỗ trợ đầu tư đô thị, v.v.

Trong đó cũng đề cập rằng, Côn Minh chỉ có thể "tương đối lạc quan" về việc liệu sẽ có "rủi ro" nợ trong năm nay hay không. Hiện nay, thị trường đất đai ở địa phương này vẫn chưa khởi sắc, khoản tài chính từ Thượng Hải vẫn chưa nhận được. Về việc liệu năm sau có rủi ro hay không, thành phố Côn Minh “cho rằng năm nay hãy chỉ nói chuyện của năm nay”.

Một phần tài liệu "Biên bản cuộc họp của chuyên gia về đầu tư đô thị Côn Minh". (Ảnh chụp màn hình)

Đồng thời, trên Internet Trung Quốc cũng lan truyền bài viết "Điểm chính trong Buổi trình bày cơ hội đầu tư của chuyên gia ngân hàng Côn Minh". Tác giả bài viết đã tham dự cuộc họp trao đổi trực tuyến được tổ chức bởi Nhóm Lợi ích Cố định thuộc viện nghiên cứu của công ty Chứng khoán Haitong (Haitong Securities).

Về cơ bản, nội dung trong bài viết này tương đồng với Biên bản cuộc họp kể trên. Trong đây còn tiết lộ nhiều chi tiết hơn, bao gồm: một số công ty đầu tư đô thị đã 3 tháng nay không trả lương; có một khoản nợ 1 tỷ CNY (khoảng 141,48 triệu USD) là được dùng tiền bảo hiểm xã hội và công quỹ của tỉnh để “chi trả bất hợp pháp”; một số công ty đầu tư đô thị đã đến kỳ hạn phải trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng trong năm nay nhưng đã gia hạn sang năm sau và năm sau nữa, v.v.

Bài viết "Điểm chính trong Buổi trình bày cơ hội đầu tư của chuyên gia ngân hàng Côn Minh". (Ảnh chụp màn hình)

Hai tài liệu trên đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng sau đó đã đồng thời bị chặn và xóa. Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Thành phố Côn Minh cũng đứng ra "bác bỏ tin đồn" vào ngày 24/5 và phủ nhận tính xác thực của tài liệu.

Haitong Securities cũng đưa ra một tuyên bố: "Gần đây, Haitong Securities đang chú ý tới việc một số nhóm WeChat và các phương tiện truyền thông trực tuyến lan truyền thông tin không thật về cuộc họp trao đổi trực tuyến do Nhóm Lợi ích Cố định thuộc Viện nghiên cứu Chứng khoán Haitong tổ chức, bao gồm ‘Biên bản cuộc họp của chuyên gia về đầu tư đô thị Côn Minh’ và ‘Điểm chính trong Buổi trình bày cơ hội đầu tư của chuyên gia ngân hàng Côn Minh’. Một người tham dự cuộc họp trên và không phải là nhân viên của công ty đã có những phát ngôn liên quan vào ngày 22/5/2023 nhưng nó không đại diện cho quan điểm và lập trường của Haitong Securities”.

Một số chuyên gia tài chính nhận xét rằng, lượng thông tin khổng lồ trong các tài liệu này cho thấy tình hình tài chính của thành phố Côn Minh và thậm chí toàn bộ tỉnh Vân Nam đang “vô cùng bấp bênh”, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Côn Minh là thủ phủ của tỉnh Vân Nam.

Nhiều nhà bình luận cũng chỉ ra trên Twitter rằng, những tài liệu này giống với "Thư cầu cứu của Evergrande" được gửi ra trước khi gã khổng lồ bất động sản này vỡ nợ. Mục đích của các tài liệu kể trên có thể là thông qua dư luận để gây áp lực lên "chính quyền trung ương và Thượng Hải", để Thượng Hải mau chóng đưa tiền, “nếu không đưa [tiền cho tôi] thì tôi chết cho anh xem”.

Trước đây truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, thành phố Côn Minh có 15 công ty đầu tư đô thị liên tục tồn đọng nợ. Tính đến ngày 9/1/2023, tổng số nợ này là 70,958 tỷ CNY (hơn 10 tỷ USD).

Gần đây, tỉnh Quý Châu và thủ phủ của nó là thành phố Quý Dương, cũng như thành phố Hohhot – thủ phủ của Nội Mông, đều đăng các bài viết “kể khổ” trên các trang web chính thức của họ và thẳng thừng nói rằng “rất khó để giải quyết các khoản nợ”. Hắc Long Giang và thủ phủ Cáp Nhĩ Tân cũng công bố các văn bản tiết lộ những khó khăn về tài chính của họ. Các động thái trên đều được cho là cố ý "bức bách trung ương" để xin trợ cấp.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên tồi tệ, và chính quyền các cấp vẫn đang phải vay thêm các khoản nợ mới để đảo nợ nhằm đối phó với khó khăn trước mắt. Tờ Bloomberg gần đây đưa tin rằng, theo ước tính của Goldman Sachs – một ngân hàng đầu tư của Mỹ, tổng số nợ của chính phủ ĐCSTQ là khoảng 23 nghìn tỷ USD (khoảng 164 nghìn tỷ CNY). Trong đó bao gồm cả các khoản vay ẩn từ hàng nghìn công ty tài chính được thành lập ở các tỉnh và thành phố của nước này.

ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng chính quyền trung ương sẽ không cứu chính quyền địa phương. Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn tuyên bố thông qua các kênh truyền thông trong nước rằng, "Bước tiếp theo là tiếp tục phá vỡ những kỳ vọng cơ bản của chính quyền [địa phương]". Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc còn ban hành một công văn nhấn mạnh rằng, đối với rủi ro nợ địa phương, sẽ thực hiện “nguyên tắc trung ương không cứu trợ”, để cho “con ai nhà nấy lo”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Biên bản hội nghị đầu tư bị rò rỉ, tiết lộ nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc