Biến đất rừng thành đất nông nghiệp: Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một làn sóng ở Trung Quốc đang diễn ra, các quan chức địa phương dùng phương pháp hết sức cực đoan và nóng lòng để biến đất rừng thành đất nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc. Có vẻ như, nền kinh tế kế hoạch, bóng dáng của các thảm hoạ kinh tế trong quá khứ như "đại nhảy vọt", "giết chim sẻ", "cải cách ruộng đất" ... lại đang tái hiện.

Tại Trung Quốc, một phong trào biến đất rừng thành đất nông nghiệp đang đột ngột được thi hành một cách nặng tay, là trung tâm của các sự kiện kịch tính gần đây ở quốc gia này.

Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực lớn để mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Phong trào này đang lật đổ các chính sách sinh thái trước đây; bao gồm việc thành lập “Đoàn thực thi pháp luật hành chính toàn diện nông thôn” mới. Các cán bộ quản lý nông nghiệp thậm chí có biểu hiện "côn đồ" chỉ để thực thi chỉ đạo này.

Các nhà phân tích cho biết nỗ lực tăng diện tích đất nông nghiệp và quản lý các khu vực nông thôn của Trung Quốc phản ánh ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thay thế nền nông nghiệp đa dạng và định hướng thị trường bằng sản xuất lương thực có kế hoạch. Mục tiêu của chiến dịch kinh tế này cũng là để giành lại quyền kiểm soát tập trung của đảng đối với vùng nông thôn, vốn là một “mắt xích yếu” trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động lực “đòi lại” các khu rừng đô thị hoặc cảnh quan và ra lệnh cho nông dân trồng cấy phi tự nhiên, trái ngược khoa học đang biến phong trào biến đất rừng thành đất nông nghiệp trở thành một phong trào chính trị.

Việc san ủi Con đường xanh của 'Thành phố công viên'

Trong đó, một kết quả ấn tượng nhất của các chính sách mới này là máy ủi đã phá bỏ vành đai xanh dài 100 km (62 dặm) nổi tiếng xung quanh thành phố Thành Đô phía Tây Nam. Khu vực cảnh quan này đang được phủ xanh lại bằng lúa mì và ngô; Những ao sen tuyệt đẹp thu hút hàng ngàn du khách mùa hè đang bị lấp lại để trồng lương thực.

Thành phố 20 triệu dân này đã lên kế hoạch là một vành đai xanh khổng lồ—được quảng cáo là hệ thống đường xanh lớn nhất thế giới —như một phần của kế hoạch biến Thành Đô thành một “thành phố công viên”. Vành đai xanh trị giá 34,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,9 tỷ USD) đã dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Toàn bộ vành đai xanh này buộc phải biến mất, nó đang được “khôi phục” thành đất nông nghiệp.

Mới mùa thu năm ngoái, Thành Đô, một “thành phố trong một công viên”, đã được quảng cáo là “một mô hình phát triển đô thị mới” nhờ con đường xanh khổng lồ của mình.

Tuy nhiên, công ty xây dựng con đường xanh, Tianfu Greenway Group, đã thông báo vào ngày 28 tháng 3 rằng họ sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục và canh tác hơn 16.000 mẫu đất nông nghiệp trên toàn thành phố.

Theo các nhà phân tích, cảnh quan sinh thái quy mô lớn chủ yếu là quy hoạch đô thị để tăng giá trị bất động sản và thu hút doanh nghiệp đến Thành Đô. Chuyên gia sinh thái người Đức Wang Weiluo viết trên Yibao Online ngày 7 tháng 5 cho biết “các khu bảo vệ và cách ly sinh thái ở Thành Đô đóng một vai trò quan trọng trong quy hoạch tổng thể đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, môi trường dân cư và giá trị tài sản ở Thành Đô”.

Một bài báo ngày 10/3/2021 trên phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã ca ngợi vẻ đẹp và giá trị sinh thái của quá trình chuyển mình của thành phố, với “trái tim xanh”, “lá phổi xanh” và “các mạch máu xanh”. Thành Đô đã thành công trong việc “xây dựng cảnh quan để thu hút mọi người”.

Tuy nhiên, ông Wang chỉ ra rằng đất canh tác ở Tứ Xuyên, nơi có Thành Đô, đã giảm 22,2% trong 10 năm qua, mức giảm lớn nhất trong số các tỉnh lớn của Trung Quốc. Trong bối cảnh mà một chiến dịch quốc gia đang diễn ra chống lại “phi nông nghiệp hóa”, điều này đã khiến Tứ Xuyên trở thành mục tiêu hàng đầu.

Tìm kiếm lợi ích chính trị

Ông Wang cho biết những vùng đất được sử dụng để xây dựng Con đường xanh Thiên Phủ rất có thể được phân loại là đất nông nghiệp lâu dài trong cuộc khảo sát đất đai quốc gia lần thứ hai của Trung Quốc được thực hiện vào năm 2007 để xác định tình trạng sử dụng đất. Do đó, chúng phải được khôi phục và canh tác một cách kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Wang cho rằng việc cải tạo đất gần đây không được thực hiện vì lợi ích an ninh lương thực của Trung Quốc. Thay vào đó, nó thể hiện sự phô trương sức mạnh như một phần của nỗ lực từ trên xuống.

Ông He Haibo, giáo sư tại Đại học Sư phạm Hồ Bắc, đã viết trên phương tiện truyền thông Trung Quốc The Observer vào ngày 11/5 rằng việc mở rộng diện tích đất canh tác đã trở thành một nhiệm vụ chính trị của chính quyền địa phương.

“Trả lại rừng cho đất canh tác” là vi phạm lẽ thường, ông He nói, bởi vì việc sản xuất các loại ngũ cốc thiết yếu như gạo, lúa mì và ngô “phụ thuộc vào điều kiện môi trường tự nhiên”. Khi nông dân bỏ hoang đất đai, thường là vì những lý do thực tế như đất cằn cỗi, thiếu nước hoặc dễ bị lũ lụt. Kết quả là, ngay cả khi đất được thu hồi, nó có thể không có lãi [khi trồng lương thực]. Hơn nữa, nhổ bỏ hàng trăm mẫu cây trồng sinh lời như nho, kiwi hoặc đào để trồng các loại cây lương thực là đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế.

Ông Li Yuanhua, cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, đã nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 17/5 về sáng kiến này. Ông nói rằng sáng kiến này đã trở thành một phong trào chính trị, với việc các quan chức địa phương không thực sự tập trung vào sản xuất nông nghiệp mà là tìm kiếm lợi ích chính trị.

‘Nongguan’: Tiến tới một nền kinh tế có kế hoạch

Là một phần của nỗ lực chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp, ĐCSTQ đã thành lập “Đoàn thi hành luật hành chính toàn diện ở nông thôn”.

Các viên chức mới — hơn 82.000 người trong số họ trên toàn quốc — đã khiến nông dân và cư dân mạng phẫn nộ vì các chiến thuật nặng tay của mình. Họ được gọi một cách phổ biến là nongguan — nghĩa đen là những người thi hành án ở nông thôn ám chỉ đến những người thi hành án ở đô thị giống như côn đồ được gọi là chengguan. Cùng với các quan chức địa phương, nongguan buộc nhổ bỏ cây trồng không phép, dùng vũ lực nếu nông dân phản đối.

Mặc dù về mặt kỹ thuật, họ không phải là cảnh sát, nhưng nongguan có nhiều quyền hạn và thẩm quyền giống như cảnh sát. Họ là một phần quan trọng của cách tiếp cận từ trên xuống dựa vào mệnh lệnh hành chính của chính quyền trung ương đảng để chỉ đạo toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ hiện nay là nguồn cung ngũ cốc của quốc gia. Vào cuối tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã ban hành chỉ thị đưa việc “ổn định nguồn cung ngũ cốc” trở thành ưu tiên hàng năm của sở nông nghiệp các cấp.

Theo ý kiến của ông Li, ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan không thể tách rời khỏi việc chú trọng đến rừng và đất nông nghiệp. Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực với Đài Loan nhưng lo ngại các biện pháp trừng phạt quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực của nước này.

Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 160 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2021, mức cao kỷ lục. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các nhà chức trách của ĐCSTQ về khả năng tự cung tự cấp lương thực của đất nước nếu các biện pháp trừng phạt làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực của nước này. Do đó, chế độ này đang nhấn mạnh đến sự ổn định nguồn cung cấp ngũ cốc và an ninh lương thực.

Kiểm soát chặt chẽ hơn ở nông thôn Trung Quốc

Ông Li nói với The Epoch Times rằng các hành động của ĐCSTQ cho thấy một động thái hướng tới nền kinh tế kế hoạch của Cách mạng Văn hóa.

Mặc dù các vấn đề liên quan đến lương thực đang thúc đẩy sáng kiến quản lý nông nghiệp gần đây của ĐCSTQ, nhưng việc tăng cường kiểm soát đối với vùng nông thôn Trung Quốc cũng là một yếu tố.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã thắt chặt kiểm soát ở các vùng nông thôn, tăng cường cơ cấu quản lý ở tất cả các cấp cho đến trưởng thôn. Vào tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đề xuất mở rộng hệ thống tín dụng xã hội ở khu vực nông thôn, bao gồm nhiều “cửa hàng tạp hóa tín dụng xã hội” hơn cho phép nông dân đổi điểm tín dụng xã hội lấy hàng hóa.

Theo ông Li, các khu vực nông thôn của Trung Quốc là một mắt xích yếu trong công cuộc “duy trì ổn định” của ĐCSTQ.

Mặt khác, thị trường lao động của Trung Quốc xấu mạnh đi sau Tết Nguyên đán. Nhiều nhà máy sa thải công nhân hoặc giảm lương do thiếu đơn đặt hàng và hàng tồn kho dư thừa.

Đối với một chế độ lo sợ mất kiểm soát đối với tất cả mọi thứ, việc một số lượng lớn những người lao động lên thành phố thất nghiệp trở về quê hương —và do đó bất mãn—chắc chắn sẽ gây lo ngại. Bằng cách tập trung kiểm soát các nguồn lực sản xuất và sinh kế ở nông thôn, với sự hỗ trợ của lực lượng thực thi nông thôn mới, ĐCSTQ cũng hy vọng khôi phục lại quyền kiểm soát tập thể của mình, ông Li đưa ra giả thuyết.

Tuy nhiên, việc quay trở lại các điều kiện sản xuất và sinh hoạt của thời Cách mạng Văn hóa là “sự thụt lùi của lịch sử” và là sự “mơ tưởng” về phía ĐCSTQ, ông nói.

'Bát cơm nắm chắc trong tay'

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực và khả năng tự cung tự cấp lương thực. Vào cuối năm 2021, trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, ông Tập đã nhấn mạnh rằng “bát cơm của người dân Trung Quốc phải luôn nằm chắc trong tay họ” và họ không bao giờ được để vấn đề lương thực bóp nghẹt họ.

Đáp lại, nhà bình luận chính trị Nhật Bản Li Yiming nói với The Epoch Times vào ngày 17 tháng 5 rằng ý tưởng tự cung tự cấp lương thực của ĐCSTQ là không thực tế. Ông Li cho biết tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực được quyết định bởi điều kiện tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia. Ví dụ: vào năm 2021, tỷ lệ tự cung tự cấp của Vương quốc Anh là 601% và đối với Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ là 38%.

Các ước tính về tỷ lệ tự túc lương thực của Trung Quốc khác nhau, thường dao động từ 65,8 % đến 76,8 %. Ông Li Yiming cho biết miễn là thương mại quốc tế bình thường được duy trì thì những con số đó sẽ không thành vấn đề.

Tuy nhiên, ông Li cảnh báo, cái gọi là vấn đề “an ninh lương thực” sẽ trở thành một vấn đề nếu ĐCSTQ có ý định đối đầu với Hoa Kỳ — là nguồn thực phẩm nhập khẩu lớn nhất của nước này ở mức 37,3% — hoặc tham gia vào một cuộc chiến có thể gây ra các lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo The Epoch Times

Thuỷ Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Biến đất rừng thành đất nông nghiệp: Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch