Biểu tình Hong Kong tái khởi động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Hong Kong nhằm ủng hộ nền dân chủ và phản đối chính quyền thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của đặc khu này, thứ Tư vừa qua (13/5), một sĩ quan cảnh sát đã bắn hơi cay vào một nhóm người trong khu trung tâm mua sắm Hong Kong. Cũng trong thời gian này, các nhà cầm quyền tại Hong Kong cho biết sẽ nhanh chóng ban hành một đạo luật gây tranh cãi, đó là cấm “lăng mạ” Quốc ca của Trung Quốc.

Một cảnh sát mặc thường phục đã phun hơi cay vào một nhà báo và một người biểu tình mang dù tại trung tâm thương mại New Town Plaza thuộc thị trấn Shatin. Đài truyền hình chính phủ RTHK cho biết, viên cảnh sát đã vật ngã 1 người đàn ông xuống đất và dùng đến bình xịt hơi cay như một lời cảnh cáo yêu cầu những người biểu tình gần đó lùi lại.

Trong một tuyên bố trên Facebook, cảnh sát Hong Kong cho biết người đàn ông bị chế phục là thành phần “bạo động” đã đập phá đồ đạc trong một cửa hàng gần đó, báo RFA cho hay.

Trước đó, những người biểu tình đã tập trung trong dịp sinh nhật lần thứ 63 của Trưởng đặc khu Hong Kong - bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và phân thành các nhóm nhỏ để tránh bị bắt bớ do vi phạm các quy định về giãn cách xã hội trong khi đại dịch virus Corona Vũ Hán chưa được ngăn chặn.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đeo khẩu trang trong khi tham gia một cuộc họp báo về virus Corona vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đeo khẩu trang trong khi tham gia một cuộc họp báo về virus Corona vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)

Căng thẳng đang leo thang trong những ngày gần đây ở Hong Kong khi phe biểu tình tiếp tục đưa ra yêu cầu bầu cử dân chủ toàn phần cũng như giới chức phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Trong khi đó, các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tại Hong Kong đã buộc phải chấm dứt nỗ lực dài hạn của mình trong việc ngăn cản thông qua dự luật Quốc ca trong Hội đồng Lập pháp (LegCo).

Phát ngôn viên của chính quyền Hong Kong cho biết, mục đích của đạo luật là nhằm “giữ gìn phẩm giá của Quốc ca và thúc đẩy sự tôn trọng đối với” bài hát đặc biệt này, bởi “Quốc ca là biểu tượng và dấu hiệu của đất nước”.

Tháng 6/2019, phong trào phản kháng đã dâng cao mạnh mẽ ở đặc khu kinh tế Hong Kong, sau khi chính quyền của bà Lâm cố gắng thúc đẩy một đạo luật khác thông qua LegCo, cho phép dẫn độ các tội phạm hình sự về Trung Quốc đại lục.

Dù đã rút lại các sửa đổi gây mất lòng dân đối với luật dẫn độ của đặc khu này, bà Lâm vẫn từ chối đáp ứng 4 yêu cầu còn lại trong số 5 yêu cầu của người biểu tình, dẫn đến sự bất mãn sâu sắc của người dân xứ Hương Cảng.

5 yêu cầu của người biểu tình Hong Kong bao gồm:

  1. Bãi bỏ hoàn toàn luật Dẫn độ;
  2. Ân xá và phóng thích toàn bộ người biểu tình;
  3. Điều tra công khai độc lập đối với hành vi lạm quyền và lạm dụng bạo lực của lực lượng cảnh sát Hong Kong;
  4. Chấm dứt cáo buộc người biểu tình là “kẻ bạo động”;
  5. Bầu cử dân chủ hoàn toàn, bà Lâm phải từ chức.

Đặc biệt, hành vi lạm quyền và lạm dụng bạo lực của lực lượng cảnh sát Hong Kong là một vấn nạn bị lên án liên tục bởi cả phe trung lập và phe đối lập. Nhiều nguồn tin khẳng định, phần lớn bạo lực trong các cuộc biểu tình bắt nguồn từ phía cảnh sát Hong Kong. Lực lượng thường xuyên bị chỉ trích trên diện rộng vì sử dụng quá nhiều lựu đạn hơi cay, súng nước, bình xịt hơi cay cầm tay, cũng như các loại vũ khí đạn dược không gây chết người đối với các nhóm biểu tình.

Nạn nhân của những hành vi bạo lực này không chỉ giới hạn ở những người biểu tình tuyến đầu, mà thậm chí cả những người dân chứng kiến, các nhà báo, các nhân viên y tế tự nguyện và các nhóm nhân quyền cũng nhiều lần bị tấn công bởi lực lượng cảnh sát Hong Kong.

Hoa Kỳ hoãn công bố báo cáo về Hồng Kông

Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc leo thang các cuộc tấn công vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong trước thềm cuộc họp chính trị quan trọng ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định lùi thời gian báo cáo lên Quốc hội về việc đánh giá quyền tự trị của đặc khu hành chính này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington.
Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington. (Ảnh: Epoch Times)

Trong cuộc họp báo ngày 06/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, việc trì hoãn này nhằm mục đích để Hoa Kỳ có thêm thời gian quan sát các động thái của Bắc Kinh trước thềm phiên họp ‘Lưỡng Hội’ sắp tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả “các quyết định sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của người Hồng Kông”.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, được Tổng thống Donald Trump ký thông qua năm 2019, yêu cầu hàng năm Hoa Kỳ sẽ có báo cáo đánh giá mức độ tự trị và tình hình đảm bảo nhân quyền của Hong Kong. Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan khác tiến hành đánh giá hàng năm để xác định xem những thay đổi về địa vị chính trị của Hồng Kông (mối quan hệ với Trung Quốc đại lục) có biện minh cho việc thay đổi quan hệ thương mại thuận lợi, độc đáo giữa Hoa Kỳ và Hong Kong hay không.

Điều này có thể giúp khu tự trị này duy trì vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất. Đạo luật cũng yêu cầu chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp chế tài với các quan chức Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông chịu trách nhiệm cho việc dẫn độ bất kỳ cá nhân nào tại Hồng Kông sang Đại Lục, cũng như những người chịu trách nhiệm cho việc “giam giữ tùy tiện, tra tấn, hoặc ép cung” hay ‘‘hủy hoại’’ ‘‘các quyền tự do căn bản’’ của người Hong Kong.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Biểu tình Hong Kong tái khởi động