Bloomberg: Trung Quốc xây dựng đế chế bất động sản ở Hồng Kông vì mục tiêu chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất động sản (BĐS) ở Hồng Kông tăng giá chóng mặt, trở thành nơi ở đắt đỏ nhất hành tinh. Nguyên nhân chủ yếu từ nguồn tiền quá lớn và nhu cầu định cư, sở hữu BĐS quá cao từ đại lục. Không những thế, những người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông còn cáo buộc chính quyền Trung Quốc có kế hoạch xây dựng đế chế BĐS bất công bằng tại đặc khu này vì các mục tiêu chính trị (theo một báo cáo của Bloomberg)...

Hồng Kông trở thành nơi ở đắt đỏ nhất hành tinh, ước mơ sở hữu một căn nhà của người dân Hồng Kông ngày một xa vời...

Kể từ khi trở thành vùng đất bán tự trị, BĐS ở Hồng Kông tăng giá chóng mặt, trở thành nơi ở đắt đỏ nhất thế giới. Mơ ước sở hữu một ngôi nhà của người dân Hồng Kông trở nên cực kỳ xa vời. Giá nhà đất tăng tới 200% chỉ trong một thập niên qua do nguồn cung nhà ở hạn chế và dòng vốn lớn từ người mua ở đại lục. Bất chấp các cuộc biểu tình, giá BĐS hầu như không giảm.

Chỉ số giá nhà ở Hồng Kông 25 năm qua (Nguồn: Trading Economics)

Tại thời điểm kết thúc tháng 5, Centa-City, chỉ số bất động sản của Centaline theo dõi giá trị những ngôi nhà đã có người ở tại Hồng Kông, đứng ở mức 189,42 - mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng chính trị đòi dân chủ tại Hồng Kông leo thang kể từ hồi tháng 6/2019, chỉ số giá nhà đất ở Hồng Kông không có biến động giảm đáng kể, chỉ giảm trong hai tháng 9 và tháng 10 gần đây. Mặc dù vậy, giá nhà đất vẫn tăng 4,2% so với cuối năm 2018.

Sự tăng giá BĐS tại Hồng Kông không khó hiểu khi sở hữu nhà ở tại Hồng Kông - nơi điều kiện kinh tế, học tập và tự do không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào tại Trung Quốc - là niềm mơ ước của mọi người dân đại lục. Cầu quá lớn, nguồn tiền quá dồi dào của người dân đại lục đã dần xóa đi mơ ước sở hữu một căn nhà của thế hệ trẻ Hồng Kông. Không những thế, quy hoạch nhà ở cũng bị phá nát khiến Hồng Kông ngày một ngột ngạt và mất cân đối trầm trọng - điều này đã lấy đi cả môi trường sống của người dân nơi này.

Sự bài xích quyết liệt của người Hồng Kông với chính quyền Trung Quốc phải chăng cũng một phần xuất phát từ nhu cầu sinh tồn cơ bản đang dần bị tuột mất này?

Nhưng không chỉ có vậy, một báo cáo gần đây của Bloomberg cho thấy, dường như chính quyền Trung Quốc có cả một chiến lược xây dựng và bành trướng đế chế BĐS tại Hồng Kông để phục vụ các mục tiêu chính trị trong việc tăng cường hiệu quả cưỡng chế lên vùng đất tự trị màu mỡ nhất thế giới này.

Tập đoàn BĐS của Trung Quốc - China's Liaison Office - được xem như sự hiện diện chủ yếu của chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông (Bloomberg)

Những người biểu tình đã cáo buộc Tập đoàn BĐS Trung Quốc China’s Liaison Office - đế chế BĐS hùng mạnh nhất - đang điều hành một “chính phủ ngầm” ở lãnh thổ bán tự trị này. Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông ngày càng quan tâm và tăng cường giám sát đối với đế chế này. Họ nói rằng các giao dịch mua bất động sản của China's Liaison Office không minh bạch, và Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nên giải thích lý do tại sao chính quyền của bà lại miễn số thuế lên tới hàng triệu đô la cho các giao dịch bất động sản có thể được sử dụng cho mục đích chính trị của China's Liaison Office.

Kể từ năm 2012 cho tới nay, theo dữ liệu từ Cục Doanh thu nội địa Hồng Kông, China's Liaison Office và các công ty con của nó đã được miễn hơn 206,5 triệu đô la Hồng Kông (27 triệu đô la Mỹ) thuế trước bạ cho ít nhất 91 giao dịch bất động sản. Khoản miễn trừ thuế cho China's Liaison Office đạt mức cao kỷ lục trong năm nay - ⁠ 80,4 triệu đô la Hồng Kông cho 22 giao dịch, hầu hết được phê duyệt sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bắt đầu nổ ra vào tháng 6.

Miễn thuế trước bạ

Mặc dù khoản tiền này có vẻ không lớn lắm trong bối cảnh thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, nhưng chúng đã làm buồn lòng nhiều người dân của thành phố - những người đang phải vật lộn để mua nhà, và hàng trăm ngàn người đã xuống đường trong sáu tháng qua để biểu tình chống lại sự siết chặt của chính phủ Trung Quốc. Hàng ngàn người biểu tình đã bao vây tòa tháp của China’s Liaison Office tại Sai Wan vào tháng 7, ném trứng và mực vào biểu tượng quốc gia Trung Quốc treo phía trên lối vào chính của tòa nhà.

Martin Lee, một luật sư và là thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ đối lập ở Hồng Kông, cho biết: China’s Liaison Office “can thiệp vào tất cả mọi thứ: từ các cuộc bầu cử địa phương cho tới mọi bộ phận của chính quyền, và cả bất động sản nữa”.

Trong một tuyên bố hồi tháng 3 với tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc, China’s Liaison Office cho biết các giao dịch bất động sản của họ tuân thủ luật pháp và tất cả các bất động sản thuộc sở hữu của China’s Liaison Office đều được sử dụng để làm nơi làm việc và chỗ ở cho nhân viên. Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg News, các quan chức tại China’s Liaison Office nói rằng họ không thể đưa ra bình luận. Văn phòng của bà Lâm và Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã không đưa ra bình luận nào khi được hỏi.

China’s Liaison Office đã có mặt ở Hồng Kông trong gần hai thập kỷ, đóng vai trò vừa là ông chủ chính trị, vừa là nhà xuất bản, vừa là địa chủ. Theo Christine Loh, tác giả của “Mặt trận ngầm: Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông”, tiền thân của China’s Liaison Office đã hoạt động một cách bí mật vào cuối những năm 1930 bằng cách đóng vai trò là một công ty bán buôn trà, và sau đó là dưới vỏ bọc của Tân Hoa Xã.

Kể từ khi thành lập chính thức vào năm 2000, China’s Liaison Office đã bí mật đóng một vai trò chủ yếu trong nỗ lực định hình bối cảnh chính trị ở Hồng Kông - khu vực mà Trung Quốc đã cam kết trao cho “một mức độ tự trị cao” theo một thỏa thuận được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, China’s Liaison Office đã sử dụng các công ty con để từ từ phát triển một loạt các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện truyền thông và hầu hết các nhà sách ở Hồng Kông - những hành động khiêu khích trong một thành phố nơi mà vụ việc bắt giam những người bán sách vào năm 2015 đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng. Theo báo cáo của truyền thông địa phương, các doanh nghiệp bao gồm Sino United Publishing cũng như Wen Wei Poi, một tờ báo tiếng Trung đã lan truyền câu chuyện rằng các nhà lãnh đạo biểu tình đang thông đồng với các đặc vụ nước ngoài.

Các bất động sản - ⁠đa số được mua lại sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997 - bao gồm các tòa nhà văn phòng và căn hộ cao cấp được sử dụng để làm nơi ở cho nhân viên. Vào tháng 2, một công ty con đã trả 248 triệu đô la Hồng Kông để mua 20 căn hộ trong Khu phức hợp Grand Central ở quận Kwun Tong. Mức giá trung bình của mỗi căn hộ là khoảng 1,6 triệu USD.

Theo “Mặt trận ngầm: Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông” của tác giả Christine Loh, BĐS là phần có giá trị nhất trong danh mục đầu tư của China’s Liaison Office. Bloomberg đã kiểm tra hàng trăm tài liệu đăng ký đất đai Hồng Kông và nhận thấy rằng China’s Liaison Office sở hữu hơn 20 tòa nhà trên toàn thành phố, với giá trị ước tính hơn 1,5 tỷ USD. Con số ước tính này vẫn rất dè dặt do China’s Liaison Office không công khai các giao dịch của mình và không có cách thức minh bạch nào để tiến hành điều tra toàn diện các tài sản của văn phòng này.

Trà Nguyễn (biên dịch và tổng hợp)

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Bloomberg: Trung Quốc xây dựng đế chế bất động sản ở Hồng Kông vì mục tiêu chính trị