Bộ trưởng Công an Trung Quốc mật lệnh trấn áp mạnh biểu tình ở Nội Mông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm bảo vệ di sản văn hóa Mông Cổ đã nổ ra ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc. Một tạp chí chuyên theo sát các sự kiện nhân quyền và tôn giáo ở Trung Quốc tiết lộ rằng, hơn 300.000 sinh viên ở Nội Mông đã bãi khóa và xuống đường biểu tình, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) vội vã đến Nội Mông và ra lệnh đàn áp người dân không thương tiếc. Trong thời gian này, đã có nhiều vụ người biểu tình nhảy lầu tự sát, bao gồm cả sinh viên, phụ huynh và nữ công chức.

Theo Bitter Winter - một tạp chí trực tuyến có trụ sở tại Turin, Ý - hơn 300.000 học sinh ở Nội Mông đã xuống đường bãi khóa trong những ngày qua; phụ huynh của học sinh Nội Mông Cổ từ chối cho con đi học để kháng nghị; tất cả các tầng lớp xã hội bao gồm cả người của truyền thông (Đài phát thanh và truyền hình Nội Mông) cũng đã đồng loạt ký đơn phản đối hoặc đơn thỉnh nguyện, yêu cầu chính quyền Bắc Kinh thu hồi chính sách bắt buộc dạy tiếng Hán, nhưng chính quyền vẫn luôn không chịu nhượng bộ.

Theo bài báo, từ ngày 29/8 đến ngày 2/9, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã đến Nội Mông và Ninh Hạ để tiến hành kiểm tra khẩn cấp với danh nghĩa "điều tra nghiên cứu" và ra lệnh trấn áp các cuộc biểu tình không thương tiếc.

Theo báo cáo từ các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong chuyến đi tuần tra Nội Mông, ông Triệu đã yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương "đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống khủng bố". Ông còn nhấn mạnh "phải nhớ kỹ bản chất chính trị căn bản của công an Đảng [Cộng sản Trung Quốc]”; “trong bất kỳ tình huống nào cũng phải kiên quyết lắng nghe và đi theo Đảng [Cộng sản Trung Quốc]”; v.v.”.

Sau đó, cảnh sát Nội Mông đã công bố danh sách truy nã tội phạm có thưởng ở nhiều thành phố khác nhau, hàng trăm "thủ phạm chính" bị truy nã, những người báo tin sẽ nhận được phần thưởng 1.000 nhân dân tệ.

Bitter Winter cũng trích dẫn thông tin cho biết, hai phụ huynh không cho con đi học đã "tự sát" và tử vong. Một người là nữ giáo viên ở Chính Lam kỳ (Zhenglanqi), và người còn lại là một người đàn ông ở thành phố Thông Liêu (Tongliao), vợ ông này cũng là một giáo viên.

Đài Á Châu Tự Do trước đó đã đưa tin rằng, sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình ở Nội Mông, một học sinh của trường trung học Xá Bá Thổ (Shebotu) của tộc người Mông Cổ ở thành phố Thông Liêu sau khi được biết mẹ của mình bị cảnh sát vũ trang đánh đập, đã nhảy xuống từ tầng 4 của trường học và tử vong. Mẹ của em cũng bị cảnh sát bắt giữ.

Vụ tự tử mới nhất được báo cáo là trường hợp một nữ công chức 33 tuổi người Mông Cổ nhảy từ một tòa nhà trong văn phòng chính phủ của minh A Lạp Thiện (Alxa) ở Nội Mông.

Theo Đài Á Châu Tự Do, bà Tô Nhật Na (Su Rina – tên phiên âm) đã nhảy lầu và chết vào sáng sớm ngày 4/9. Chồng của bà đã truyền thông tin về cái chết của vợ mình ra bên ngoài. Cảnh sát sau đó cho rằng người chết có tiền sử bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, bức thư tuyệt mệnh lan truyền trên Internet cho thấy cái chết của Tô Nhật Na có liên quan đến việc người Nội Mông Cổ bảo vệ ngôn ngữ Mông Cổ gần đây.

Trái: Bức ảnh bà Tô Nhật Na, người tộc Mông Cổ, khi còn là sinh viên; Phải: Một bức thư tuyệt mệnh trên mạng nói rằng bà đã kiến ​​nghị bảo vệ ngôn ngữ dân tộc của mình nhưng vô ích. (Nguồn ảnh: Đài Á Châu Tự Do)

Một người Mông Cổ sống ở Hoa Kỳ tên là Nomin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do rằng, sau nhiều lần xác minh, ông được biết tên của người đã khuất là Tô Nhật Na, người trước đây từng làm việc trong Đảng ủy (minh Alxa); chồng của bà tên là Altanbagan, là một công chức của đảng ủy minh Alxa của ĐCSTQ.

Trên cộng đồng trực tuyến, một cư dân mạng Mông Cổ cho biết ông Altanbagan, chồng của bà Tô Nhật Na, nói rằng vợ ông không đồng ý với mô hình cải cách dạy học song ngữ lần thứ 2 và cấp trên đã gây áp lực khiến bà vô cùng đau buồn và phẫn nộ. Vì cố gắng bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa dân tộc nên bà đã hy sinh sinh mệnh quý giá này.

Ông Nomin đã đọc bức thư tuyệt mệnh viết bằng tiếng Mông Cổ của bà Tô Nhật Na trên Internet và đã dịch sang tiếng Quan Thoại cho khán giả: "Di chúc cuối cùng của cô ấy được viết như thế này: minh Alxa của chúng tôi có dân số ít và không thể đoàn kết lại. Đơn thỉnh nguyện mà chúng tôi đã viết, còn chưa được gửi đến chính quyền cấp kỳ đã bị dập xuống rồi. Họ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để gây áp lực. Những nhân viên dùng ngôn ngữ Mông Cổ chúng tôi bị áp lực lớn hơn. Dù chúng tôi có ngốc, thì chúng tôi cũng không yếu nhược, không cần phải mắng chửi chúng tôi nữa. Chúng tôi dùng sinh mệnh để chứng minh rằng chúng tôi đã từng nỗ lực”.

Vào ngày bà Tô Nhật Na qua đời, chồng của bà nhận được cảnh báo từ cảnh sát, yêu cầu ông phải gỡ bỏ văn bản và hình ảnh đăng trên Internet về cái chết của vợ mình. Chồng của bà Tô Nhật Na chất vấn cảnh sát, rằng những gì ông đăng đều là sự thật, tại sao lại phải gỡ xuống? Lẽ nào bản thân không được nói sao?

Ông Nomin cho biết, trước vụ việc bà Tô Nhật Na tự tử vì kháng nghị không thành, cũng có 2 vụ tự sát vì lý do trên, là một giáo viên ở Chính Lam kỳ thuộc minh Tích Lâm Quách Lặc (Xilin Gol) và một người chăn gia súc người Mông Cổ ở kỳ Ông Ngưu Đặc (Ongniud), nhưng hiện chưa rõ tên tuổi của họ.

Theo truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời cảnh sát Nội Mông địa phương, cảnh sát đã đến từng nhà và yêu cầu người Mông Cổ ký tên để đảm bảo rằng họ sẽ không kháng cự lại, nếu không sẽ bị bắt ngay tại chỗ.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình ở Nội Mông là chính sách mới được Bộ Giáo dục Nội Mông ban hành vào ngày 26/8, yêu cầu từ ngày 1/9 trở đi, lớp 1 của tất cả các trường dân tộc ở khu vực Nội Mông sẽ bắt đầu được chuyển sang dạy bằng tiếng Trung trong các môn chính trị và lịch sử; ngôn ngữ Mông Cổ sẽ được thay đổi thành môn học tiếng Mông Cổ. Trước kia 1 tuần có 5 tiết ngôn ngữ Mông Cổ thì nay giảm xuống còn 3 tiết; mỗi tuần sẽ phải học 5 tiết môn tiếng Hán.

Ngoài ra, có tin tức trên Twitter rằng, sau khi người dân Mông Cổ ở Nội Mông biểu tình phản đối hành vi diệt chủng văn hóa của ĐCSTQ, Đại học Nội Mông đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về những cuộc biểu tình này. Nội dung bản ghi âm được đăng tải trên Twitter cho thấy, ĐCSTQ định nghĩa các cuộc biểu tình ở Nội Mông là "hành động chống chính phủ do lực lượng ly khai chống Trung Quốc ở nước ngoài gây ra" và yêu cầu bắt giữ "những người hợp tác với lực lượng nước ngoài”, v.v.

Đông Phương

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Công an Trung Quốc mật lệnh trấn áp mạnh biểu tình ở Nội Mông