Các “chiến lang" ngoại giao của ĐCSTQ rơi vào thế khó xử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang leo thang. Có ý kiến cho rằng các “chiến lang" ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang rơi vào thế khó xử trên trường quốc tế.

Mới đây, chính phủ Mỹ bất ngờ ra lệnh cho Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đóng cửa trong vòng 72 giờ. Đồng thời, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, thừa nhận rằng gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không có bất kỳ cuộc đối thoại nào.

“Chiến lang” ngoại giao Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ

Hôm 21/7, chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đóng cửa trong vòng 72 giờ, tức là đóng cửa trước 4h chiều ngày 24/7 và nhân viên lãnh sự Trung Quốc phải rời đi. Nhiều nguồn tin cho thấy trong Lãnh sự quán diễn ra nhiều hoạt động gián điệp.

Lúc 9h tối cùng ngày (theo giờ địa phương), khói đen bốc lên từ Lãnh sự quán Houston, xe cảnh sát và xe cứu hoả địa phương đã đến hiện trường nhưng lại bị chặn ở ngoài cửa. Truyền thông Hoa Kỳ dẫn nguồn tin từ cảnh sát nói rằng, nhân viên lãnh sự quán Houston đang chuẩn bị cho việc di dời và đốt các tài liệu bí mật.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đi vào hoạt động từ năm 1979. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng cửa các lãnh sự quán của nhau trong 40 năm qua kể từ khi họ nối lại quan hệ ngoại giao.

Liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với CCTV vào ngày 21/7 rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ "thậm chí không có đối thoại".

Đại sứ Thôi cho biết, việc khởi động và mở cửa tất cả các kênh đối thoại là điều cần thiết. Nếu không có đối thoại, hai nước sẽ giao tiếp với nhau như thế nào? Làm thế nào để mở rộng hợp tác? Làm thế nào để kiểm soát sự chia rẽ? "Hiện giờ không có cuộc đối thoại nào. Cần phải nói rằng đó là một tình huống rất bất thường", ông Thôi nhận định.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói rằng, việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ là một thất bại nghiêm trọng trong lịch sử ngoại giao của ĐCSTQ. Ngoài ra, hiện không có cuộc đối thoại nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể thấy được mức độ thảm bại của phong cách “ngoại giao chiến lang” này, và ngoại giao sẽ nhanh chóng biến thành “đoạn giao".

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã liên tục phát động tuyên truyền kiểu chiến lang, cao giọng tuyên truyền về sáng kiến ​​”một vành đai, một con đường”... khiến các nước phương Tây cảnh giác và chống lại. Bây giờ xuất hiện các vấn đề như virus viêm phổi Vũ Hán, Hong Kong, v.v. lại càng đẩy Trung Quốc đứng về phía đối chọi với thế giới.

Một liên minh toàn cầu gồm Hoa Kỳ, Anh và các nước khác đang hợp lực để chống lại ĐCSTQ. Chính sách “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ đang rơi vào thế hoàn toàn bị cô lập trên toàn cầu.

“Chiến lang" ngoại giao Lưu Hiểu Minh - Đại sứ Trung Quốc tại Anh

Ngoài Hoa Kỳ, Vương quốc Anh gần đây cũng đã thực hiện một loạt các cuộc phản kích chống lại ĐCSTQ. Mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc cũng xấu đi nhanh chóng. Các “chiến lang” của ĐCSTQ ở Anh đã nhiều lần rơi vào thế khó xử.

Vào ngày 19/7, ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), Đại sứ Trung Quốc ở Anh, đã tham gia một cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC. Trước khi bắt đầu, người dẫn chương trình đã phát một đoạn video được quay từ trên không ghi lại cảnh một lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ với đầu bị che và tay bị còng đang bước lên tàu hoả, rồi yêu cầu ông Lưu giải thích những gì đã xảy ra trong đoạn video này.

Ông Lưu đã không lường được sự việc này và bị đứng hình khoảng 10 giây, rồi ông bắt đầu đánh trống lảng. Ông Lưu đặt câu hỏi trước: "Bạn đã bao giờ đến Tân Cương chưa?", người dẫn chương trình trả lời là chưa từng đến, ông Lưu lại nói tiếp: "Trung Quốc có cách nói thế này, bạn không biết Trung Quốc lớn thế nào đâu".

Người dẫn chương trình đã hỏi cùng một câu hỏi 3 lần: "Điều gì đã xảy ra trong đoạn video?", nhưng ông Lưu Hiểu Minh luôn lảng tránh và chỉ nói rằng "Có lẽ là di chuyển tù nhân", rồi lại hỏi “Tôi không biết làm thế nào bạn có được đoạn phim này?".

Ông Lưu đã bị hỏi đến mức á khẩu ngay tại trường quay. Khoảnh khắc đáng xấu hổ này đã thu hút gần 5,5 triệu lượt nhấp chuột từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều chính trị gia trên thế giới đã bình luận và chế giễu.

Gần đây, “chiến lang" Lưu Hiểu Minh cũng không ít lần đe dọa Vương quốc Anh.

Do lo ngại về tính bảo mật của cơ sở hạ tầng, chính phủ Anh đã thông báo cho Hạ viện vào ngày 14/7 rằng họ sẽ cấm mua thiết bị Huawei và sẽ gỡ bỏ tất cả các thiết bị của Huawei trong vòng 6 năm tới.

Hôm 16/7, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Anh, ông Lưu nói rằng: "Tôi cảm thấy tiếc vì điều này. Tôi nghĩ rằng cuối cùng người dân Anh sẽ ‘trả giá’ cho kết cục này". Ba ngày sau, ông lại nói rằng Anh nên có một chính sách ngoại giao tự chủ và độc lập thay vì học theo Hoa Kỳ, ví dụ như trong các quyết sách về vấn đề Huawei.

Ngày 22/7, Vương quốc Anh đã công bố chi tiết về "Chương trình mở rộng quyền hạn hộ chiếu công dân Anh ở [hải ngoại] (BNO)", nhằm củng cố chính sách tị nạn cho người dân Hong Kong.

Về vấn đề này, tại một buổi hội đàm trực tuyến được tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh, ông Lưu Hiểu Minh tuyên bố rằng trong "thời kỳ hậu Brexit" và "thời kỳ hậu dịch bệnh", nếu Anh muốn xây dựng một "Vương quốc Anh toàn cầu hoá", thì không thể không có Trung Quốc.

Vào tháng 6/2019, ông Lưu tuyên bố rằng "Tuyên bố chung Trung - Anh" là một "tài liệu lịch sử đã hoàn thành xong nhiệm vụ", khiến ngoại giới náo động.

Đến tháng 6/2020, truyền thông Anh tiết lộ rằng, ông Lưu Hiểu Minh đe dọa nếu Anh ngăn chặn Huawei thì sẽ ảnh hưởng đến việc các công ty Trung Quốc tham gia vào dự án nhà máy điện hạt nhân và các dự án đường sắt cao tốc của Anh.

Các “chiến lang" ngoại giao của ĐCSTQ tự làm mất mặt nhau

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị chế giễu là "Bộ đấu tranh", “Bộ chiến lang" và "Bộ phá hoại quan hệ đối ngoại”. Tuy nhiên, cũng có những mâu thuẫn giữa các "chiến lang" của ĐCSTQ, do có những tuyên bố không nhất quán nên thường bị chế giễu.

Vào tháng 7, sau khi Vương quốc Anh chính thức đề nghị cấp thời hạn cư trú 5 năm cho cư dân Hong Kong có hộ chiếu BNO, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ông Lưu Hiểu Minh cho biết, Trung Quốc sẽ không loại trừ khả năng cấm cư dân Hong Kong xuất cảnh và đi đến Vương quốc Anh. Lời nói của ông Lưu rõ ràng mâu thuẫn với tuyên bố "Trung Quốc được tự do đến và đi" của “chiến lang" Triệu Lập Kiên - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Một ví dụ khác, vào ngày 12/3, ông Triệu Lập Kiên đã đăng 5 tweet liên tiếp, đặt nghi vấn virus viêm phổi Vũ Hán là do những người lính Mỹ mang đến Vũ Hán. Nhận xét này ngay lập tức gây ra sự náo động trong cộng đồng quốc tế và các cuộc biểu tình mạnh mẽ từ Hoa Kỳ.

Đến ngày 17/3, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ - ông Thôi Thiên Khải cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Hoa Kỳ rằng, tin đồn virus Corona Vũ Hán bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của quân đội Hoa Kỳ là lời nói "điên rồ". Lời nói của ông Thôi được cho là trực tiếp đánh vào mặt của ông Triệu Lập Kiên.

Phân tích: "Chiến lang" của ĐCSTQ trên trường quốc tế tả tơi bao nhiêu thì lại được nội bộ ĐCSTQ ngưỡng mộ bấy nhiêu

Trong lúc quan hệ Trung - Mỹ ngày càng xấu đi và Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây khác đang tăng cường phòng thủ chống lại ĐCSTQ, thì vào ngày 20/7, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã tuyên bố thành lập "Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cắt băng khánh thành và có lời phát biểu.

Ông Vương Nghị nói rằng "Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình" là một "thành quả to lớn" trong lý thuyết ngoại giao của ĐCSTQ, "chỉ rõ con đường ngoại giao phía trước” cho ĐCSTQ, và là một "kế hoạch chiến lược và kế hoạch đỉnh cao cho ngoại giao” của ĐCSTQ, v.v..

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói rằng, việc ĐCSTQ thành lập trung tâm này vào thời điểm mà Trung Quốc tứ bề khốn đốn đã phản ánh sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao đối với kiểu ngoại giao "chiến lang”, đồng thời có thể thấy rằng chính quyền Trung Quốc đã quyết định lao vào ngõ cụt trên phương diện này.

Ông Lý Lâm Nhất cho rằng, từ con đường thăng tiến của ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) - cựu Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng có thể nhìn thấu vấn đề. Ông Cảnh Sảng cũng được coi là một trong những "chiến lang" ngoại giao của ĐCSTQ và đã vấp phải những đánh giá tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, gần đây ông đã được thăng chức từ Phó Vụ trưởng (cấp Phó Cục) Vụ Thông tin Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao, lên làm Phó Đại diện Thường trực của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (cấp Đại sứ), trong khi đó trước đây, các quan chức của Vụ Thông tin Báo chí được điều đi nước ngoài thường chỉ ở cấp Tham tán.

Đông Phương
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Các “chiến lang" ngoại giao của ĐCSTQ rơi vào thế khó xử