Các chính quyền thành phố của Trung Quốc vật lộn với khoản nợ hàng nghìn tỷ USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời kỳ đại dịch đang đè nặng lên tăng trưởng - đây là vấn đề gần như không có lời giải trong bối cảnh cơ quan lập pháp của Trung Quốc họp để giải quyết các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngày một suy yếu.

2/3 chính quyền địa phương đối mặt với cảnh báo đỏ về nợ

Khi Trung Quốc đang bước vào một trong những giai đoạn tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Nền kinh tế của nước này đang bị đè nặng bởi các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương vốn đã phình to trước đại dịch và nay lên tới kỷ lục chưa từng có sau khi đại dịch qua đi.

Chiến dịch zero-Covid của Chủ tịch mới đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, ông Tập Cận Bình, đã khiến các thành phố phải gánh hàng tỷ USD chi tiêu ngoài kế hoạch cho việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa. Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc này trấn áp đòn bẩy thị trường bất động sản quá mức đã dẫn đến việc doanh số bán đất giảm mạnh, tước đi một trong những nguồn doanh thu lớn nhất của các thành phố.

2/3 chính quyền địa phương hiện nay có nguy cơ vi phạm các ngưỡng nợ không chính thức do Bắc Kinh đặt ra; số liệu này cho thấy tình trạng căng thẳng tài chính nghiêm trọng tại các chính quyền địa phương. Khoản nợ tồn đọng của các chính quyền này vượt quá 120% thu nhập năm ngoái, theo tính toán của S&P Global.

Do chính quyền địa phương thiếu tiền, vào tháng 12/2021, có thông tin rằng công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải liên tiếp nhận được thông báo giảm lương, mức giảm từ 20 đến 30%. (Ảnh Getty)
Do chính quyền địa phương thiếu tiền, vào tháng 12/2021, có thông tin rằng công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải liên tiếp nhận được thông báo giảm lương, mức giảm từ 20 đến 30%. (Ảnh: Getty Images)

Theo một cuộc khảo sát của Rhodium Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, khoảng 1/3 các thành phố lớn của Trung Quốc đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ. Trong một trường hợp cực đoan, tại Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, các khoản lãi phải trả tương đương với 74% doanh thu tài chính của địa phương này vào năm 2021.

Đó chỉ là nợ chính thức của chính quyền địa phương; không phải nợ ẩn mà chính quyền địa phương vay mượn qua các phương tiện tài chính địa phương.

Những khối nợ sắp đáo hạn

Nghiên cứu của Lianhe Ratings Global, một công ty con của một cơ quan xếp hạng lớn trong nước, cho thấy khoảng 84% trong số 84,2 tỷ USd nợ nước ngoài do các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương nợ sẽ đáo hạn từ năm nay đến năm 2025.

Mối quan tâm chính không phải là các thành phố sẽ vỡ nợ và gây ra khủng hoảng tài chính, mặc dù các nhà kinh tế nói rằng không thể loại trừ khả năng đó. Mà là các thành phố sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu, trì hoãn đầu tư hoặc thực hiện các việc khác để giữ các chủ nợ ở khoảng cách an toàn, làm suy giảm tăng trưởng trong nhiều năm.

Tại Trịnh Châu, nơi có địa điểm lắp ráp iPhone cho Apple Inc. của Tập đoàn Công nghệ Foxconn, các tài xế xe buýt cho biết lương của họ đã bị cắt vào năm 2021 và chưa được khôi phục. Những nhân viên quét rác đường phố báo cáo vẫn làm việc mặc dù một số người nói rằng họ đã không được trả tiền trong nhiều tháng.

“Lương của chúng tôi không cao. Tại sao đất nước thậm chí còn nợ chúng tôi loại tiền này? Bà Xu Aiqiang, 67 tuổi, nói khi quét dọn một công viên ở phía tây Trịnh Châu. Bà cho biết công ty của bà, một nhà thầu của thành phố, đã không trả lương hàng tháng khoảng 320 USD cho bà trong bảy tháng. “Ngay cả khi họ không trả tiền cho tôi, tôi vẫn giữ cho khu vực của mình sạch sẽ, vì vậy tôi xem điều này như cho chính tôi”.

Các giáo viên ở siêu đô thị phía nam Thâm Quyến đang phàn nàn trên mạng xã hội về việc cắt giảm mạnh tiền thưởng, một thành phần quan trọng trong lương. Vào tháng 1, một công ty sưởi ấm ở thành phố Hegang ở đông bắc Trung Quốc bị suy giảm kinh tế trầm trọng đã yêu cầu người dân chuẩn bị cho việc cắt giảm việc sử dụng nhiệt lượng sau khi công ty không nhận được trợ cấp từ chính quyền địa phương.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong những tuần gần đây tại các thành phố như Vũ Hán, Đại Liên và Quảng Châu về việc chỉnh sửa luật về hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng, bao gồm cả việc cắt giảm trợ cấp y tế một phần do tài chính của chính phủ căng thẳng.

Hôm Chủ nhật (5/3), tại các cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp Trung Quốc ở Bắc Kinh, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chỉ đưa ra sự hỗ trợ khiêm tốn cho chính quyền địa phương, điều này cho thấy họ muốn thúc đẩy kỷ luật tài khóa.

Việc chuyển giao tài chính từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương mà Bắc Kinh cung cấp hàng năm, sẽ tăng 3,6% lên khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, khác xa so với mức tăng 18% của năm ngoái. Các thành phố sẽ được phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương có mục đích đặc biệt trị giá khoảng 550 tỷ USD trong năm nay, giảm so với mức phát hành thực tế là 580 tỷ USD vào năm ngoái.

Vài ngày trước đó, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn đã xoa dịu những căng thẳng tài chính mà các quan chức địa phương phải đối mặt khi cho biết hôm thứ Tư (1/3) rằng tình hình hầu như vẫn ổn định vào năm ngoái và dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa trong năm nay khi nền kinh tế phục hồi.

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, nơi xử lý các câu hỏi báo chí cho chính phủ Trung Quốc, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều dư địa tài chính để can thiệp vào từng trường hợp riêng lẻ nếu cần thiết nhằm ngăn chặn các vụ vỡ nợ lớn. Chính quyền địa phương cũng có thể bán bớt tài sản, nếu họ có thể tìm được người mua.

Trung ương bất lực trước nợ của chính quyền địa phương

Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương không đủ mạnh để bảo lãnh mọi khoản nợ tiềm ẩn ở Trung Quốc, ông Nicholas Borst, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners, một công ty đầu tư có trụ sở tại San Francisco, viết trong một bài báo nghiên cứu về nợ địa phương được công bố tháng này.

Ông viết: “Hơn nữa, một loạt các gói cứu trợ một lần sẽ làm tăng rủi ro đạo đức và không thay đổi được động lực cơ bản đã dẫn đến vấn đề ngay từ đầu”.

Điều đó có nghĩa là cư dân địa phương — đặc biệt là công chức—có thể bị cắt giảm lương nhiều hơn và cắt giảm các dịch vụ, cũng như ít đầu tư cơ sở hạ tầng hơn để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Chi phí thực sự của khoản nợ sẽ không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính nhưng nó sẽ dẫn đến nhiều năm vật lộn để phân bổ chi phí của khoản nợ đó”.

Một cách chính thức, 31 chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc nợ khoảng 5,1 nghìn tỷ USD, bao gồm cả trái phiếu do các nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm giữ.

Những con số đó không bao gồm nhiều khoản nợ của các khoản mục ngoài bảng cân đối mà thường được huy động thông qua cái gọi là phương tiện tài chính của chính quyền địa phương. Các khoản này vốn đã gia tăng trong những năm gần đây để trang trải cho cơ sở hạ tầng và các nghĩa vụ chi tiêu khác. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các khoản nợ từ những phương tiện đó dự kiến sẽ lên tới gần 10 nghìn tỷ USD trong năm nay.

Chính sách zero-Covid đã khiến nguồn tài chính của các địa phương tại Trung Quốc cạn kiện, nay họ lại bị chính quyền trung ương bỏ rơi. (Ảnh:The Epoch Times tổng hợp)

Theo dữ liệu của Liên minh châu Âu, khoản nợ từ những phương tiện đó nhiều hơn tổng nợ chính phủ của Đức, Pháp và Ý tính đến quý 3 năm 2022.

Tiền lãi của các khoản nợ lấn át các khoản chi tiêu khác. Nghiên cứu của Rhodium Group cho thấy chi phí lãi vay chiếm ít nhất 1/5 nguồn tài chính ở 25 thành phố của Trung Quốc vào năm 2021. Bất cứ tỷ lệ nào trên 10% — trường hợp ở hơn 100 thành phố — đều dẫn đến “những ràng buộc đáng kể”, Rhodium cho biết.

Các vấn đề nợ của chính quyền địa phương đã được lập nên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà kinh tế cho biết, rất nhiều chính quyền địa phương trở nên nghiện tung ra các dự án - vốn đã thúc đẩy tăng trưởng - và bán đất và vay thêm để trả cho tất cả các dự án đó.

Ngoài ra, chính quyền địa phương của Trung Quốc phải gánh vác hầu hết các chi phí dịch vụ như giáo dục công cộng và chăm sóc sức khỏe. Bắc Kinh hạn chế cách họ có thể huy động tiền, buộc họ phải gửi phần lớn số tiền họ thu được từ thuế cho chính quyền trung ương, đồng thời hạn chế những gì họ có thể vay.

Cạn tiền và nợ lương

Trịnh Châu, với gần 13 triệu cư dân, có tình hình tài chính lành mạnh hơn nhiều các thành phố khác. Đường phố ở đó sôi động, cư dân đông đúc các quán ăn.

Tuy nhiên, trong ba năm qua, doanh thu tài chính của Trịnh Châu giảm trung bình 14% mỗi năm trong khi tổng nợ tăng 14% mỗi năm. Tỷ lệ nợ trên thu nhập tài chính ở đó đã tăng từ mức 75% vào năm 2019 lên 178% vào năm 2022.

Một người quét đường khác nói với The Wall Street Journal rằng ông đã không được công ty của mình, cũng là một nhà thầu của thành phố, trả lương kể từ khi ông vào làm việc gần hai tháng trước. Hai tháng lương nữa vẫn chưa được trả từ công việc mới đây của ông tại một bộ phận vệ sinh địa phương.

Ông nói ông được thông báo rằng chính quyền quận đã không gửi tiền cho công ty để trả lương cho ông, tương đương khoảng 370 USD một tháng.

“Sớm muộn gì họ cũng phải trả tiền cho tôi”, ông nói khi tiếp tục dọn khăn giấy và lá khô. Ông dựa vào con trai mình, một tài xế xe tải, để hỗ trợ mình về mặt tài chính, ông nói.

Chính phủ Trịnh Châu đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Vào cuối tháng 2, một công ty xe buýt ở Thương Khâu, thành phố cách Trịnh Châu khoảng 2 giờ lái xe với khoảng 7 triệu cư dân, cho biết họ sẽ tạm dừng dịch vụ xe buýt bắt đầu từ ngày 1/3 do “thiếu hỗ trợ tài chính đầy đủ” cùng với các yếu tố khác. Quyết định đã được rút lại sau khi chính quyền Thương Khâu rất tiếc vì sẽ gây “tác động xã hội tiêu cực”.

Theo truyền thông địa phương, các kịch bản tương tự đã diễn ra ở ít nhất ba thành phố khác.

Trong khi một số nhà phân tích tin rằng tỷ lệ xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính là thấp, căng thẳng có thể lan rộng nếu nhiều chính quyền vay địa phương gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn.

Vào tháng 12, Tập đoàn xây dựng cầu đường Zunyi, một phương tiện tài chính của chính quyền địa phương có trụ sở tại Quý Châu, một trong những tỉnh mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc, đã ký một thỏa thuận với các ngân hàng để có thêm 20 năm nữa nhằm trả các khoản vay trị giá hơn 2 tỷ USD. Thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng khác có thể phải chịu chi phí tái cơ cấu.

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không sẵn sàng thực hiện những thay đổi có thể giúp tài chính của chính quyền địa phương ổn định hơn, chẳng hạn như việc thực hiện thuế bất động sản để huy động thêm tiền, bởi vì làm như vậy sẽ không được ưa chuộng về mặt chính trị và có thể làm suy yếu sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với các địa phương.

Việc bán thêm tài sản nhà nước có nguy cơ đi ngược lại mục tiêu của ông Tập là sử dụng các công ty nhà nước để đạt được các mục tiêu chiến lược như tự túc trong các công nghệ then chốt.

Thuỷ Tiên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Các chính quyền thành phố của Trung Quốc vật lộn với khoản nợ hàng nghìn tỷ USD