Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc gây sốc đối với truyền thông quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ hỏa hoạn ở Urumqi (Tân Cương) là giọt nước tràn ly, đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong lòng người dân Trung Quốc. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở hàng chục thành phố lớn và các trường đại học trên khắp Trung Quốc từ ngày 26/11 đến sáng sớm ngày 28/11. Phóng viên BBC tại Trung Quốc, Stephen McDonnell, cho rằng mặc dù việc bày tỏ tiếng nói bất đồng ở Trung Quốc không phải là hiếm, nhưng sự kiện lần này quả thực đã đặt ra một thách thức to lớn đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ.

Phong trào biểu tình “Nở rộ Khắp mọi nơi”

Vụ hỏa hoạn hôm thứ 5 (24/11) ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, đã khiến 10 người thiệt mạng trong một tòa nhà cao tầng. Tối hôm 25/11, ​​​​đám đông dân chúng đổ ra đường, hô vang "Hãy chấm dứt phong tỏa!" và tay giơ cao nắm đấm, theo video trên mạng xã hội.

Giới quan sát cho rằng, chính các biện pháp phong tỏa của ĐCSTQ đã ngăn người dân của tòa nhà chạy thoát thân. Sau vụ hỏa hoạn, ngọn lửa giận dữ âm ỉ trong lòng dân chúng nay đã bùng lên và nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước.

Tối thứ 6 (26/11), rất đông người dân đã tập trung tại đường Urumqi ở Thượng Hải và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương. Đám đông giận dữ đã hô vang những khẩu hiệu như "Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)", "Đả đảo Tập Cận Bình!", "Tự do!". Một số người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.

Cũng vào tối ngày 26/11, sinh viên Đại học Bắc Kinh đã cầm những tờ giấy trắng - biểu tượng phản đối chính sách kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc - và thắp nến hoặc bật đèn điện thoại di động bên trong khuôn viên trường học. Từ sự tiếc thương thầm lặng dành cho những nạn nhân xấu số trong vụ họa hoạn, sự kiện đã phát triển thành các cuộc biểu tình và hô vang các khẩu hiệu như "Không cần xét nghiệm, chúng tôi muốn tự do" và "Phản đối phong tỏa".

Tối thứ 7 (27/11), một số lượng lớn người dân đã tập trung gần đường “Wulumuqi“ (được đặt tên theo “Urumqi”). Họ đối đầu với cảnh sát và hô vang khẩu hiệu "Hãy để mọi người đi", yêu cầu chính quyền thả những người biểu tình.

Một đoạn video lan truyền trên Internet cho thấy hình ảnh một cô gái trong cuộc biểu tình đã giương cao biểu ngữ phản đối được cho là giống biểu ngữ của ông Bành Lập Phát (Peng Lifa) trong vụ biểu tình trên cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh hôm 13/10: “Không cần xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn lương thực. Không cần phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không cần dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không cần Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải cách. Không cần lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Không cần nô lệ; chúng tôi muốn trở thành công dân".

Cũng trong ngày 27/11, khoảng 1.000 sinh viên Đại học Thanh Hoa đã lên tiếng phản đối và hô vang khẩu hiệu “Dân chủ và pháp quyền! Tự do ngôn luận”. Đêm hôm đó, đám đông và cảnh sát cũng xuất hiện bên bờ sông Liangma, một địa điểm đi dạo ưa thích của người dân Bắc Kinh. Một số người biểu tình cầm tờ giấy trắng để bày tỏ sự phản đối, trong khi những người khác đặt hoa và thắp nến bên dòng sông để tưởng niệm đến các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương.

Vào lúc 2 giờ sáng thứ 2 (28/11), tổng cộng có khoảng 1.000 người biểu tình đã tập trung theo dọc bờ sông Liangma gần Đường vành đai 3 (Bắc Kinh) và không chịu giải tán.

Theo các video được đăng tải trên mạng xã hội, cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều trường cao đẳng và đại học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vân Nam, Vũ Hán, Trùng Khánh và Ninh Ba. Trong video về cuộc biểu tình ở Thành Đô, người dân hô vang "Chấm dứt nhiệm kỳ suốt đời" và "Nhân dân muôn năm".

Các sinh viên của Học viện Mỹ thuật Hà Bắc đã viết trên một tấm vải: "Nếu bạn cảm thấy đau đớn và không có được tự do, tôi hy vọng bạn sẽ luôn có ngọn lửa không thể dập tắt trong tim, đừng tê liệt, đừng xa lánh ...". Ngoài ra, có một khẩu hiệu bằng chữ màu đỏ trên giấy trắng tại Đại học Công nghệ Ninh Ba có nội dung: “ Tôi là thanh niên Trung Quốc, không phải thế lực hải ngoại".

Cuộc đấu tranh này được gọi là "cuộc cách mạng giấy trắng", và một số người Trung Quốc cho biết: "Mặc dù không có gì trên tờ giấy trắng, nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu những thông điệp đó".

Truyền thông Anh: Cuộc biểu tình đặt ra thách thức to lớn đối với ĐCSTQ

Phong trào phản đối chính sách phòng chống dịch hà khắc Zero Covid đã nở rộ khắp nơi ở Trung Quốc. Vụ hỏa hoạn Urumqi chính là giọt nước tràn ly, đã khiến ĐCSTQ không khỏi choáng váng và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Phóng viên BBC tại Trung Quốc, Stephen McDonnell, đưa tin: trong những năm qua, ở Trung Quốc đã bùng phát không ít những cuộc biểu tình về một loạt vấn đề, từ ô nhiễm môi trường cho đến thu hồi đất đai phi pháp. Nhưng lần này thì khác. Một vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây, cũng là mối quan tâm lớn nhất của người dân Trung Quốc khiến cho ngày càng nhiều người chán ngấy với nó, đó là " chính sách phòng dịch Zero Covid".

Trong những ngày qua, người dân đã đập phá hàng rào cách ly của “chính sách Zero Covid”, các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố và khuôn viên trường đại học trên khắp cả nước. Điều này là rất hiếm.

Ông McDonnell nhận định rằng, thật khó có thể diễn tả khi chứng kiến một nhóm người trên đường phố Thượng Hải hét lớn và yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức. Ở Trung Quốc, việc công khai chỉ trích Tổng bí thư ĐCSTQ là cực kỳ nguy hiểm. Người biểu tình có nguy cơ bị bỏ tù vì hành động mạo hiểm này.

Ông McDonnell nói: "Đó là một thách thức to lớn đối với một tổ chức chính trị, vốn luôn tin rằng không có gì quan trọng hơn việc duy trì quyền lực. Chính phủ dường như đã đánh giá quá thấp sự bất mãn của công chúng với 'chính sách Zero Covid' cực đoan, vốn là chính sách đặc trưng của ông Tập Cận Bình".

“Tuy nhiên, ĐCSTQ dường như đang gặp rắc rối và không dễ có lối thoát”, ông McDonnell khẳng định.

Vào ngày 27/11, ông McDonnell đã đính kèm một video về việc một số lượng lớn người biểu tình giơ giấy trắng trên Twitter.

"Quý vị có thể thấy, những người biểu tình ở Trung Quốc đang phản đối 'chính sách Zero Covid' bằng cách cầm trên tay những tờ giấy trắng. Đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng chính kiến, mà còn là dấu hiệu của sự chán ghét chính quyền, như muốn nói: “Các anh định bắt tôi chỉ vì tôi cầm một tờ giấy không có gì viết trên đó à?", ông viết.

Người biểu tình tập trung dọc theo con phố để ủng hộ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn chết người ở Tân Cương, cũng như phản đối chính sách phòng chống dịch Zero Covid hà khắc của Trung Quốc tại Bắc Kinh, hôm 28/11/2022. (Ảnh: Michael Zhang/AFP.Getty Images )

CNN: Trung Quốc đang đối mặt với thời khắc lịch sử phi thường

Đài CNN chỉ ra rằng: "Đây là một thời khắc lịch sử phi thường ở Trung Quốc".

Phóng viên quốc tế của đài CNN tại châu Á, Selina Wang, đã đăng tải một video dài 3 phút, giải thích đầy đủ về sự bùng nổ các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc. Video nói rằng, Trung Quốc đã tuân thủ "chính sách Zero Covid" trong suốt ba năm qua, và cho đến nay vẫn thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn thảm khốc ở Urumqi, Tân Cương đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình.

Hãng tin CNN cho biết, "Đây là một thời khắc lịch sử phi thường ở Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp đất nước. Từ Bắc Kinh cho đến các trường đại học ưu tú trên khắp đất nước, cũng như các thành phố lớn khác và thậm chí cả những vùng sâu vùng xa, mọi người có thể nghe thấy tiếng mọi người kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải từ chức".

Phóng viên Selina Wang cũng thẳng thừng tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter rằng, "Thật sốc khi những người này đang đạt đến điểm nguy kịch".

Các hãng tin khác đồng loạt đưa tin

Theo tờ Deutsche Welle của Đức, đây là làn sóng bất tuân dân sự quy mô lớn đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây 10 năm. Sự thất vọng của công chúng đối với “chính sách Zero Covid” đã tích tụ không ngừng trong 3 năm qua kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách này, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của công chúng, cũng như những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Biểu tình phản đối công khai trên diện rộng là điều cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi hầu như không còn chỗ đứng cho những người bất đồng chính kiến ​​dưới thời ông Tập. Chính điều đó đã buộc người dân phải "trút bầu tâm sự" lên các nền tảng mạng xã hội, nơi họ chơi trò "mèo vờn chuột" với các cơ quan kiểm duyệt.

Đài truyền hình One của Đức đưa tin, các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Người dân đang trút giận trước chính sách phòng chống dịch hà khắc. Các cuộc biểu tình ở Thượng Hải đã trở thành một chiến dịch công khai chống lại ông Tập Cận Bình. Mọi người đang kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức, yêu cầu tự do và chấm dứt phong tỏa. Điều này là cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi không có tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền biểu tình.

Đài Á Châu Tự Do cho hay, tiếng nói đòi "tự do" của người dân và sinh viên Trung Quốc đang trở thành làn sóng phong trào quần chúng mới nhất ở Trung Quốc và "nở rộ khắp mọi nơi".

Thời đại ĐCSTQ khủng bố người dân đã qua

Tiến sĩ Andreas Fulda, thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Á, Đại Học Nottingham ở Anh Quốc cho biết: “Không có hệ thống nào là mãi mãi trường tồn".

Ông Fulda cũng nhận định rằng, chính sách Zero Covid, ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ đều có mối liên hệ với nhau.

Ông Chương Gia Đôn (Zhang Jiadun), một chuyên gia về Trung Quốc đã đăng một bài viết lên Twitter vào ngày 27/11 rằng, "Quyết định không nới lỏng 'chính sách Zero Covid' này sẽ không được người dân Trung Quốc chấp thuận. Thời đại mà ĐCSTQ có thể đe dọa người dân Trung Quốc đã qua. Dự kiến sẽ có thêm nhiều người chống lại sự cai trị của ĐCSTQ".

Ông Chương Gia Đôn nói rằng, ĐCSTQ hiện đã làm phật lòng toàn bộ người dân trên khắp đất nước.

Lam Giang

Theo Visiontimes

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc gây sốc đối với truyền thông quốc tế