Các nhà báo công dân Trung Quốc mất tích cho thấy những rủi ro khi lên tiếng về tình hình Vũ Hán trong dịch Coronavirus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chen Qiushi và Fang Bin đã trở nên nổi tiếng khi đưa tin về tình hình dịch bệnh từ thành phố Vũ Hán - trung tâm của dịch Covid-19, nhưng hiện nay cả hai nhà báo này đều được cho là đã “mất tích” do sự can thiệp của chính quyền...

Mặc dù số người chết vì bệnh dịch virus Corona ngày càng tăng, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát lại cố gắng đưa ra một kết luận tích cực về tình hình này. Trong khi các nhà báo công dân, những người đăng tải hiện trạng thực về tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán, hiện đang “mất tích”.

Sự mất tích của hai nhà báo công dân nổi tiếng là Chen Qiushi - một luật sư và Fang Bin - một cư dân Vũ Hán đang gây xôn xao dư luận. Cả hai là những người dám “thách thức” sự kiểm duyệt trực tuyến của chính quyền Trung Quốc trong vụ dịch Covid-19, và họ đã “biến mất” vào tuần trước.

Điều này làm tăng thêm mối lo ngại về việc người dân và các nhà hoạt động xã hội được phép công khai sự thật về dịch bệnh đến “mức độ” nào.

Anh Fang Bin đã trở nên nổi tiếng sau khi đăng một đoạn video về các thi thể trong một chiếc xe tải bên ngoài một bệnh viện lớn. Trong khi Chen Qiushi nổi tiếng với nhiều video đăng tải tình hình thực tế tại Vũ Hán.

Video cuối cùng Chen đăng tải là đoạn phỏng vấn một người Vũ Hán tên là A Ming, cha của anh này qua đời cách đây gần hai tuần.

A Ming đã mô tả quá trình cha anh nhiễm Covid-19 khi đến Bệnh viện Liên minh Vũ Hán để kiểm tra sức khỏe vào đầu tháng 1/2020. Anh cho biết không có biện pháp phòng ngừa an toàn nào được áp dụng tại nơi này vào thời điểm đó.

Chen cho biết: “Mọi người đều nghĩ rằng A Ming rất dũng cảm. Anh ấy chỉ đơn giản là cảm thấy nên chia sẻ những gì mình đã trải qua”.

Trong cuộc trò chuyện của họ, Chen lưu ý rằng “nhiều người lo lắng rằng tôi sẽ bị giam giữ”, và từ ngày 7 tháng 2 đến nay không ai còn nghe tin tức gì về anh nữa.

Một người bạn của Chen là Xu Xiaodong - một võ sĩ MMA, người nổi tiếng vì đã giành chiến thắng trước các học viên võ thuật truyền thống, cho biết Chen đã bị cách ly cưỡng bức nhưng không ai biết anh ấy đang ở đâu.

Về phần nhà báo công dân Fang, theo đài truyền hình RTHK của Hong Kong đưa tin, anh đã bị cảnh sát mặc thường phục đưa đi hai ngày sau đó. Nhà báo người Vũ Hán này đã trở nên nổi tiếng với những video quay tại bệnh viện thành phố và kêu gọi mọi người chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc .

Cheng và Fang là hai trong số những nhà báo công dân (người dân bình thường tham gia đóng góp ý kiến, đưa tin, bình luận… ) nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Cả hai đã có những video ghi lại tình hình vụ dịch Covid-19, cũng như những câu chuyện nổi bật nhưng không bao giờ được phép xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bị kiểm soát gắt gao ở Trung Quốc. Những gì hai nhà báo công dân này chia sẻ bao gồm các bức ảnh về thi thể trong hành lang bệnh viện và những thi thể chất đống trong xe tải.

Sau Chen, Fang Bin là nhà báo công dân Trung Quốc thứ hai biến mất trong khi đang tác nghiệp từ trung tâm dịch Coronavirus.

Mặc dù một số cơ quan truyền thông được thành lập, bao gồm Caixin và Sanlian Lifeweek, đã công bố các báo cáo chuyên sâu và quan trọng khác, vẫn có những tin tức và hình ảnh không bao giờ “vượt qua” được vòng kiểm duyệt thông tin.

Ngược lại, các cơ quan truyền thông nhà nước chỉ đăng tải số liệu được công bố chính thức và tập trung vào ca ngợi các nỗ lực của chính phủ để giải quyết dịch bệnh.

Fu King-wa, phó giáo sư báo chí tại Đại học Hong Kong cho biết, báo cáo minh bạch rất khó thực hiện ở Trung Quốc đại lục và các nhà báo công dân đóng một vai trò quan trọng trong việc “thông báo cho công chúng và cung cấp thông tin mà truyền thông nhà nước không thể làm được”.

Tuy nhiên, với cách làm đó. họ có nguy cơ bị “buộc tội” phạm pháp, khi việc đưa tin ở Trung Quốc đại lục đòi hỏi các phóng viên phải có thẻ báo chí do Tổng cục Báo chí và Xuất bản cấp.

Theo luật an ninh mạng, chỉ có nhân viên làm việc cho các kênh thông tin đã đăng ký mới có thể nộp đơn xin thẻ nhà báo và tránh được rủi ro bị “trừng phạt” vì đưa tin bất hợp pháp.

Trong khi đó, dịch Covid-19, được cho là bắt nguồn từ Vũ Hán, đến nay đã giết chết hơn 1.500 người và lây nhiễm cho hơn 66.000 người. Từ ngày 23 tháng 1, chính quyền đã phong tỏa Vũ Hán và các thành phố lân cận ở Hồ Bắc để theo dõi ngay sau đó.

Nhờ vào những video, hình ảnh hoặc câu chuyện mà các cư dân bình thường chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người Trung Quốc đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình dịch bệnh và cuộc sống thực tế của người dân ở các thành phố này.

Chẳng hạn, một người phụ nữ tên Xiaohang đã ghi lại cảm giác tuyệt vọng và bất lực của mình khi cha mẹ cô ngã bệnh và qua đời. Sau đó, trong lần đăng cuối cùng vào ngày 9 tháng 2, cô cho biết mình đã ngã bệnh, và cho đến này tình trạng của cô vẫn chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, những câu chuyện như vậy hoàn toàn trái ngược với báo cáo chính thức trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ, vào ngày 23 tháng 1 khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, bản tin buổi tối từ đài truyền hình CCTV đã mở đầu với bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc đón Tết Nguyên đán. CCTV dành chưa đến 3 phút trong thời lượng 50 phút của buổi phát sóng này để nói về sự bùng phát của dịch bệnh.

Khoảng một phần ba báo cáo là dành để nói về sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đối với các nỗ lực của Trung Quốc trong việc chống lại dịch bệnh.

Badiucao - một họa sĩ hoạt hình chính trị, nghệ sĩ và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc có trụ sở tại Úc, cho biết truyền thông nhà nước Trung Quốc “khét tiếng” với việc chỉ tập trung miêu tả những khía cạnh tích cực mỗi khi khủng hoảng xảy ra.

“Bất cứ khi nào có điều gì đó bi thảm xảy ra, họ biến nó thành một lễ kỷ niệm về các vị anh hùng. Mọi người dường như rất vui khi Trung Quốc vẫn ‘lớn mạnh’ và có thể đối phó với mọi tình huống”, anh nói.

Badiucao đã xuất bản một bộ sách có tên là “Nhật ký Vũ Hán”, được viết bởi một người dân thành phố này. Người này đã liên lạc với anh để công khai thông tin về cuộc sống bên trong thành phố đến các phương tiện truyền thông xã hội bên ngoài.

Badiucao cho biết vì lý do an toàn, anh không biết bất kỳ thông tin cá nhân nào về tác giả, và anh đã làm việc với một nhóm tình nguyện viên để dịch các phần trong nhật ký của công dân Vũ Hán này.

Phần đầu tiên được xuất bản vào ngày 27 tháng 1, đã mô tả cảnh hoảng loạn trong các siêu thị Vũ Hán. Tác giả cũng chỉ trích chính quyền trung ương trong công tác xử lý ổ dịch.

Tác giả lưu ý rằng mặc dù các quan chức từ Vũ Hán và Hồ Bắc là trung tâm chính của sự chỉ trích, thực tế là: “Tôi thì nhìn nhận khác! Có phải họ là những người duy nhất chịu trách nhiệm?”

Badiucao nói rằng nếu nhiều người trở thành nhà báo công dân, rủi ro dịch bệnh sẽ được cảnh báo kịp thời và rộng rãi hơn. Anh nói:

“Nhiều nhà báo ở Trung Quốc, các nhà báo trẻ, đang mạo hiểm cuộc sống của họ khi đưa tin về tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán. Dù vậy, họ còn phải đối mặt với những hạn chế. Chúng ta cần nhiều người làm nhà báo công dân hơn nữa, họ sẽ giúp bổ sung cho các phóng viên”.

Tuy vậy, trong khi các nhà báo công dân có thể chia sẻ thông tin có giá trị, thì cũng có nguy cơ họ sẽ truyền bá thông tin sai lệch.

Giáo sư Fu của Đại học Hong Kong cho biết, bản chất của phương tiện truyền thông xã hội có nghĩa là bất kỳ nội dung nào được tải lên trực tuyến, dù được xác minh hay không, đều có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi.

“Nếu họ không làm việc gì đó không đúng, điều đó có thể nguy hiểm vì mọi người tin tưởng họ. Họ có thể đăng một điều gì đó và rồi xóa nó đi, nhưng nội dung vẫn sẽ có tác động đến công chúng”, ông nói.

Nghệ sĩ Badiucao đồng ý rằng đây là một rủi ro, nhưng cho biết nguồn tin từ các nhà báo công dân là cần thiết khi thông tin vẫn bị kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc đại lục.

Badiucao nói thêm: “Tất cả những gì tác giả cuốn nhật ký đã chứng kiến hoặc nghe thấy là từ những người khác đang ở trong tình trạng tương tự. Vì vậy, khó có thể tránh khỏi có sự sai lệch, hiểu sai về thông tin. Tuy nhiên, cuốn nhật ký này, nó là một loại phản ánh nội tâm thực sự, là cảm nhận trung thực nhất đối với cuộc sống đang diễn ra bên trong thành phố Vũ Hán”.

Mộc Trà
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà báo công dân Trung Quốc mất tích cho thấy những rủi ro khi lên tiếng về tình hình Vũ Hán trong dịch Coronavirus