Cách phản kháng sáng tạo của người Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 28/11, hãng tin AFP đưa tin, người biểu tình Trung Quốc đã nghĩ ra vô số cách sáng tạo để bày tỏ sự bất mãn với chính phủ và chính sách phòng chống dịch. Họ giương cao những tờ giấy trắng, ghép quốc ca, sử dụng các cách chơi chữ tinh vi để né tránh kiểm duyệt và bày tỏ nỗi bất bình cũng như ủng hộ các cuộc biểu tình. Những phản kháng sáng tạo này đã nhận được sự hộ và đồng cảm của cộng đồng quốc tế.

Vào tối ngày 24/11, một đám cháy bùng phát ở Urumqi (Tân Cương), khiến 10 người chết và 9 người bị thương, gây ra làn sóng biểu tình trên khắp Trung Quốc, từ Thượng Hải, Bắc Kinh, Vũ Hán, Thành Đô cho đến Quảng Châu.

Cách phản kháng sáng tạo bày tỏ nỗi bất bình

Theo đó, những người biểu tình ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác đã sáng tạo ra vô số cách thức để bày tỏ nỗi bất bình trong những ngày qua.

Họ giương cao những tờ giấy A4 trắng để bày tỏ sự thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Đồng thời, một số khác đã đăng các ô vuông màu trắng trên tài khoản cá nhân của họ trên mạng xã hội WeChat, thể hiện rằng không ai được phép lên tiếng.

Những bức ảnh lan truyền trên Internet cũng cho thấy sinh viên của Đại học Thanh Hoa hàng đầu Trung Quốc đã giương cao những tấm bảng có phương trình Friedmann, vì tên của nhà vật lý Friedmann tương đồng với cụm từ "freed man" (người được giải phóng) hoặc "freedom" (tự do).

Một số người dùng mạng xã hội cũng chuyển sang cách chơi chữ tinh vi để nói về các cuộc biểu tình. Họ dùng từ "vỏ chuối" (có cùng chữ cái đầu với tên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình); và "rêu tôm" đồng âm với từ "hạ đài"…

Cuối tuần trước, một số đám đông đã yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức và hô vang những khẩu hiệu như "Từ chối xét nghiệm và ủng hộ tự do".

Các video về ông Tập cũng đã được trích dẫn để ủng hộ các cuộc biểu tình, trong đó có một video quay cảnh ông Tập nói: “Bây giờ người dân Trung Quốc có tổ chức và không nên để bị coi thường".

Nhiều nhóm biểu tình đã hát Quốc ca và Quốc tế ca để đáp trả những cáo buộc của Bắc Kinh về việc "có sự can thiệp của các thế lực nước ngoài" đằng sau các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, trong một video lan truyền nhanh chóng bị các nhà kiểm duyệt gỡ xuống cho thấy, các sinh viên trong ký túc xá đại học đã hát bài hát “Hải Khoát Thiên Không” (tiếng Anh là “Boundless Oceans, Vast Skies”) của ban nhạc pop Quảng Đông Beyond, một bài ca ngợi tự do từng được những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong sử dụng trước đại dịch.

Các nền tảng truyền thông xã hội quốc tế như Twitter và Instagram bị chặn bởi Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc, thường được gọi là "Great Firewall (Vạn Lý Trường Thành trên mạng)". Tuy nhiên, những người am hiểu công nghệ vẫn có thể đăng thông tin về các cuộc biểu tình thông qua phần mềm vượt tường lửa VPN.

Để có thể truyền thông điệp ra nước ngoài, các tài khoản Twitter ẩn danh đã mở hộp thư đến của mình để nhận các video từ khắp Trung Quốc. Thậm chí, Instagram còn tổ chức một số buổi phát sóng trực tiếp các cuộc biểu tình.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng

Hôm thứ Hai (28/11), Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ Trung Quốc kiềm chế bắt giữ những người chỉ tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế một loạt các cuộc biểu tình trên cả nước, theo hãng tin AFP.

"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phản ứng với các cuộc biểu tình phù hợp với tiêu chuẩn và luật nhân quyền quốc tế. Không ai nên bị giam giữ một cách tùy tiện chỉ vì biểu tình ôn hòa", phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Jeremy Laurence nói với các phóng viên.

Cùng ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông đồng cảm với những người biểu tình Trung Quốc đối với chính sách Zero Covid hà khắc. Ông hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa của người dân.

Vào ngày 27/11, phóng viên Lawrence của hãng tin BBC đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ và đánh đập khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình chống phong tỏa ở Thượng Hải. Sau đó, đài BBC đã đưa ra một tuyên bố nói rằng hãng tin này "cực kỳ quan ngại" về việc nhà báo Lawrence "bị bắt và còng tay" trong khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải.

Theo đài BBC, anh Lawrence đang làm việc với tư cách là một nhà báo có giấy phép hành nghề ở Trung Quốc, nhưng đã bị cảnh sát giam giữ và đánh đập. Anh bị giam giữ trong vài giờ trước khi được thả.

Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng của Vương Quốc Anh, ông Grant Shapps, lên án rằng, hành vi của cảnh sát Trung Quốc là không thể chấp nhận được và cho dù bất kể điều gì xảy ra, quyền tự do báo chí là bất khả xâm phạm.

Theo hãng tin AFP, Liên minh Phát thanh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố: "Liên minh Phát thanh Châu Âu lên án bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất đối với các cuộc tấn công và đe dọa không thể dung thứ mà các nhà báo và đội ngũ sản xuất của các thành viên Liên minh Phát thanh Châu Âu ở Trung Quốc phải gánh chịu".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng, vào thời điểm đó, ông Lawrence không nói mình là phóng viên nước ngoài.

Sau khi được trả tự do, ông Lawrence đã cảm ơn những người hâm mộ đã ủng hộ ông trên Twitter vào ngày 28/11 và cho biết thêm, có ít nhất một công dân địa phương đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi cố gắng ngăn họ đánh vị phóng viên này.

Huyền Anh

Theo Visiontimes

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Cách phản kháng sáng tạo của người Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế