Cách truyền thông Trung Quốc thể hiện 'sự quan tâm' đến cuộc bầu cử Mỹ 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra vô cùng quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Trung Nam Hải cũng tỏ ra vô cùng "quan tâm" và kiểm soát rất kỹ thông tin về cuộc bầu cử này. Dưới sự kiểm soát thông tin chặt chẽ, những tuyên truyền của các kênh truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cuộc bầu cử Mỹ cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác so với thực tế.

Hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đưa tin như sau, Nhân dân Nhật báo - đăng bài với tiêu đề "Nhà Trắng dựng hàng rào, các doanh nghiệp đóng cửa và cửa sổ: Hoa Kỳ đón cuộc bầu cử trong hỗn loạn"; còn Tân Hoa Xã thì đặt câu hỏi "Sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ, liệu có xảy ra hỗn loạn không?"

CCTV thì phát sóng những hình ảnh về cuộc bạo loạn trước đó ở Mỹ, tuyên bố rằng “Hoa Kỳ tiếp tục phản đối sự phân biệt chủng tộc và xung đột gay gắt vẫn tiếp diễn”. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu, nói rằng “cuộc bầu cử Hoa Kỳ đã chôn cả thế giới”.

Tuy nhiên, các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc lại không đề cập một chút nào đến việc trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, người dân Mỹ đã tổ chức các cuộc diễu hành và mít tinh tự phát để thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Trump, cũng như bầu không khí sôi nổi của các hoạt động tranh cử của Tổng thống Trump ở các bang. Thay vào đó là phóng đại âm thanh của những người chống đối ông Trump một cách mù quáng.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, trong bài tường thuật của các kênh truyền thông ĐCSTQ, người dân Trung Quốc đang nhìn thấy một nước Mỹ "bên bờ vực nội chiến".

“Một trong những chiến lược của Bắc Kinh là sử dụng các thông tin mang tính đại diện để nói về một hiện tượng hoặc nói một cách phiến diện về một hiện tượng nào đó, nhưng tránh thảo luận sâu về bối cảnh và các yếu tố môi trường, xã hội và lịch sử đằng sau nó”, ông Hoàng Chiêu (Huang Zhao) - giảng viên tại Đại học Gustave Eiffel của Pháp, người chuyên nghiên cứu về tuyên truyền chính trị của Trung Quốc, cho biết.

Theo bài báo, nhiệm vụ tuyên truyền của các kênh truyền thông đảng là ngoài việc phải phối hợp chặt chẽ với việc kiểm soát dư luận, thì còn phải ngăn chặn nghiêm ngặt việc thảo luận chi tiết về nền dân chủ hoặc so sánh nó với Trung Quốc.

Trên thực tế, việc thiết lập các hàng rào xung quanh Nhà Trắng chuẩn bị phong tỏa đường phố là bởi vì có ít nhất 6 nhóm công dân khác nhau đã đăng ký tụ họp và tuần hành theo quy định của pháp luật. Đây là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Hoa Kỳ, người Mỹ có thể treo khẩu hiệu trước cửa nhà Tổng thống và tự do bày tỏ ý kiến bất đồng với các loại chính sách, họ được tự tay bỏ phiếu mỗi bốn năm một lần và thể hiện quan điểm chính trị cá nhân. Nhưng những chi tiết này về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bị các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc phớt lờ.

Trên Internet xuất hiện một văn bản được cho là chỉ lệnh tuyên truyền nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ do Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ gửi xuống. Ngoài việc yêu cầu tất cả các kênh truyền thông Trung Quốc phải có "sự sắp xếp thống nhất", dùng "các nguồn tin tức tiêu chuẩn như Tân Hoa Xã", "không được tự ý truyền tải [tin tức từ] truyền thông nước ngoài, không được theo sát đưa tin".

Văn bản trên cũng yêu cầu cụ thể rằng "không được kích động tình cảm nhằm ngăn chặn dư luận đi chệch hướng" và "đề phòng nghiêm ngặt tin tức mang tính chất hành động hay kích động như chống lại Hoa Kỳ, ngăn chặn Hoa Kỳ...". Có ít nhất 4 Biên tập viên làm việc trong giới truyền thông Trung Quốc đã xác nhận tính xác thực của chỉ thị này.

Ông Lâm Nghiêu (Lin Yao), một học giả tại Đại học Yale Hoa Kỳ, cho rằng "việc ít đưa tin [về bầu cử Mỹ] là để làm giảm mức độ quan tâm về chính trị Mỹ ở trong nước. Nếu mức độ quan tâm tăng cao, người dân chắc chắn sẽ bàn luận chi tiết hơn, vậy nên chính quyền ra tay trước để ngăn chặn nguy cơ này. Những gì quan chức [ĐCSTQ] tưởng tượng là nếu những lời chỉ trích về nước Mỹ, về ông Trump quá gay gắt, thì sẽ gây bất lợi cho việc xử lý mối quan hệ Mỹ - Trung”.

Ông Lý Đại Đồng (Li Datong), một người có tiếng trong lĩnh vực truyền thông ở Bắc Kinh và là cựu Tổng biên tập tạp chí Freezing Point thuộc China Youth Daily, nói rằng giới trí thức Trung Quốc đang “đóng cửa” để thảo luận về cuộc bầu cử Mỹ, hơn nữa “cả nhóm được cung cấp thông tin theo thời gian thực, và thông tin mà chúng tôi biết được cũng không hề muộn hơn người Mỹ”.

Ông Lý nói rằng ông chưa bao giờ thấy dư luận Trung Quốc thảo luận về cuộc bầu cử Hoa Kỳ một cách "vừa nhiệt tình lại có sự chia rẽ" như vậy. Chủ đề thảo luận là ngoài tính cách kiểu truyền hình thực tế của ông Trump, còn có những thay đổi trong chiến lược đối với Trung Quốc của Hoa Kỳ trong bốn năm qua, sự chuyển đổi xã hội và kinh tế của Trung Quốc, cùng những tác động ngay lập tức đến người dân Trung Quốc.

Thông tin bầu cử Hoa Kỳ mà ông Lý Đại Đồng có được không đến từ các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ. "Truyền thông Trung Quốc đã rút lui khỏi đời sống xã hội Trung Quốc từ lâu rồi! Tôi nói với các bạn, bây giờ cái gọi là truyền thông dòng chính ở Trung Quốc mà đóng cửa trong một đêm, xã hội Trung Quốc sẽ không xảy ra bất kỳ sóng gió nào”, ông Lý cho biết.

Theo ông Lưu Lực Bằng (Liu Lipeng), cựu nhân viên kiểm duyệt nội dung của Sina Weibo, một đặc điểm của dư luận Trung Quốc là trong cuộc bầu cử này, một lượng lớn các tài khoản truyền thông cá nhân đã bị hủy, cảnh sát Internet của ĐCSTQ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiêu trò để "đánh chiếm" các căn cứ địa dư luận, ví dụ như trên Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok).

Ông Hoàng Chiêu, giảng viên tại Đại học Gustave Eiffel của Pháp, người chuyên nghiên cứu về tuyên truyền chính trị của Trung Quốc, nói rằng, trước tình hình bất ổn ở cả bên trong và bên ngoài, "ĐCSTQ cần khẩn trương tạo ra một trạng thái với tư tưởng thống nhất và không mang tạp âm".

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cách truyền thông Trung Quốc thể hiện 'sự quan tâm' đến cuộc bầu cử Mỹ 2020