Cái chết của thiếu niên mất tích 106 ngày: Sinh mạng người Trung Quốc quá rẻ mạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 14/10/2022, một thiếu niên 15 tuổi ở Trung Quốc tên là Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu) đã mất tích một cách bí ẩn khi đi bộ trên con đường chính trong khuôn viên trường học, nơi có lắp đặt 119 camera. Sau 106 ngày, ngày 29/1/2023, chính quyền mới thông báo đã tìm thấy thi thể của cậu ở cách trường học không xa. CNN đặt câu hỏi tại sao ở một quốc gia đâu đâu cũng thấy camera, Hồ Hâm Vũ (cũng như hàng ngàn đứa trẻ khác) lại có thể đột nhiên “bốc hơi” như vậy?

Hồ Hâm Vũ cao 1m73, mất tích khi đang học lớp 10 tại trường THPT Trí Viễn, huyện Diên Sơn, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Từ giữa tháng Mười năm ngoái, cậu đã biến mất khi đang đi bộ trong khuôn viên trường đến lớp tự học buổi tối.

30 ngày đầu mất tích

Theo camera giám sát của trường, hình ảnh cuối cùng của Hồ Hâm Vũ được ghi lại vào khoảng 5h50 chiều trong tòa nhà ký túc xá của trường, sau đó không còn thấy cậu xuất hiện trong bất kỳ camera nào khác.

Lớp tự học buổi tối bắt đầu lúc 6h20 chiều ngày 14/10, nhưng đến lúc 11h41 đêm hôm đó giáo viên hướng dẫn của lớp mới thông báo cho gia đình rằng "Không thấy Hồ Hâm Vũ đâu nữa".

Khoảng cách từ ký túc xá học sinh đến tòa nhà giảng dạy chỉ là 100 mét. Sau đó mẹ của Hồ Hâm Vũ mới phát hiện ra rằng, trên tuyến đường chính này có một đoạn đường hơn 10 mét nằm trong góc chết của camera giám sát.

Hình ảnh cuối cùng của Hồ Hâm Vũ được ghi lại vào khoảng 5h50 chiều trong tòa nhà ký túc xá của trường hôm 14/10/2022. (Ảnh chụp màn hình)

Theo thông báo tìm người, khi Hồ Hâm Vũ biến mất, cậu không mang theo bất kỳ tài liệu, cặp sách hay bất kỳ đồ dùng học tập nào, điện thoại di động, đồng hồ và tiền đều ở trong ký túc xá, ngoại trừ một chiếc bút ghi âm.

Mẹ của Hồ Hâm Vũ làm việc ở tỉnh Phúc Kiến, sau khi con trai mất tích một ngày, bà mới nhận được điện thoại từ gia đình và vội vàng thu dọn hành lý trở về huyện Diên Sơn. Theo mẹ của Hồ Hâm Vũ, trong phòng ký túc xá của con trai bà có 7 người, nhiều bạn cùng lớp của con trai bà đều nói rằng Hồ Hâm Vũ không có gì bất thường trước khi mất tích.

Người cậu của Hồ Hâm Vũ nói với tờ Xiaoxiang Morning Herald, Hồ Hâm Vũ là một đứa trẻ hiểu chuyện, tích cực học tập và không cần cha mẹ phải lo lắng quá nhiều. Ví dụ, đôi khi cha cậu đưa nhiều tiền sinh hoạt hơn bình thường, cậu sẽ không nhận vì thương cha mẹ làm việc vất vả. Hồ cũng thường xuyên trò chuyện cùng mẹ. Sau khi vào cấp ba, cậu từng nhiều lần nói với mẹ rằng mình không dễ thích nghi với môi trường mới và có lúc bị mất ngủ. Trong kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày 1/10, Hồ Hâm Vũ còn tâm sự với mẹ.

Mẹ của Hồ Hâm Vũ cũng nói thêm rằng, trong ngày lễ 1/10, Hồ Hâm Vũ đã đề nghị anh trai mua cho một chiếc bút ghi âm để tiện cho việc ôn tập bài và rằng “nếu bản thân có cảm nghĩ, cảm tưởng gì, có thể ghi chúng lại bất kỳ lúc nào". Ngày 9/10, Hồ đã nhận được chiếc bút ghi âm này. Không rõ liệu chiếc bút có liên quan gì đến vụ mất tích hay không.

Theo gia đình của Hồ Hâm Vũ, trường THPT Trí Viễn là một ngôi trường nội trú, học sinh không được phép tùy ý ra vào trường, việc Hồ Hâm Vũ mất tích vô cùng đáng ngờ. Nhà trường cho biết, vào ngày Hồ Hâm Vũ mất tích, nhà trường đã cử một số giáo viên lập đội tìm kiếm nhưng không có dấu vết trèo tường.

Vụ việc đã được trình báo đến cơ quan công an, thậm chí bể phốt và hồ nhân tạo trong trường cũng được hút cạn để tìm người. Sau 30 ngày mất tích, gia đình của Hồ Hâm Vũ còn treo thưởng 50.000 nhân dân tệ (hơn 170 triệu VND) mong tìm được con trai, nhưng như thể cậu chưa từng tồn tại ở nơi này.

Người nhà đăng tin tìm Hồ Hâm Vũ, treo thưởng 50.000 nhân dân tệ. (Ảnh chụp màn hình)

Sau 80 ngày, công an tuyên bố không có bằng chứng cho thấy Hồ Hâm Vũ bị giết

Hơn 80 ngày sau, gia đình Hồ Hâm Vũ vẫn chưa tìm được tung tích của con trai. Trước dư luận đang sôi sục, công an Thượng Nhiêu ngày 7/1 lại đăng thông báo rằng: “Không tìm thấy dấu vết nào về việc Hồ X Vũ (X là tên đệm bị giấu) bị hại, tự sát hay gặp tai nạn trong trường học. Theo thông tin hiện có, Hồ X Vũ đã tự rời khỏi trường, hiện đang cố gắng hết sức để tìm kiếm”.

Nhưng gia đình Hồ Hâm Vũ và dư luận một lần nữa đặt nghi vấn về điều này. Chủ đề về sự biến mất kỳ lạ của Hồ Hâm Vũ một lần nữa lọt top 10 tìm kiếm nóng trên Weibo của Trung Quốc.

Cùng ngày, ông Lý, cậu của Hồ Hâm Vũ, cho biết đã đọc thông báo của cảnh sát, nhưng ông vẫn nghi ngờ về tình tiết camera trong trường học và bức tường bao quanh trường. “Nếu như có chứng cứ hợp lý chứng minh Hâm Vũ tự ý ra khỏi trường, chúng tôi không có lý do gì không tin. Nhưng không có chứng cứ, chúng tôi không thể tin một cách mù quáng".

Theo thông báo chính thức, trường THPT Trí Viễn được thành lập vào tháng 8/1999 bởi 5 giáo viên, đây là một trường tư thục nội trú và hiện do một mình Lưu X Lai sở hữu, không có đầu tư nước ngoài. Khi Hồ X Vũ biến mất, trong trường có tổng cộng 119 camera giám sát được lắp đặt, với 109 chiếc được phân bổ ở 3 tòa nhà giảng dạy, 6 tòa nhà ký túc xá và các tòa nhà khác; 10 chiếc còn lại được phân bổ ở bên ngoài các tòa nhà như cổng chính của trường, cổng phía đông, v.v. và chỉ có khoảng một phần ba khuôn viên ngoài trời là nằm trong phạm vi giám sát của camera, hầu hết khu vực tường bao đều không nằm trong tầm ghi hình của camera.

Cuối cùng, thông báo còn nhấn mạnh rằng thông tin được lan truyền trên Internet như "thi thể được bọc trong vải trắng ở tầng hai", "tìm thấy quần áo và chăn bông đẫm máu ở phía sau núi", "phát hiện có phòng thí nghiệm ở phía sau núi", "tìm thấy xương gãy trong bể phốt", "bị giáo viên hói đầu giết hại", "bị đưa đến bệnh viện để mổ lấy nội tạng rồi ném xác vào trong hồ", "bị xe SUV đưa đi", "đã tìm thấy chiếc bút ghi âm"... đều là tin đồn thất thiệt.

Ngày 5/1, mẹ của Hồ Hâm Vũ lên tiếng trong nỗi bi thương, gia đình chỉ muốn sự thật và yêu cầu các cơ quan liên quan lập hồ sơ vụ án: "Con trai tôi đã bị hại ở trong trường, nó đã bị hại, một đứa trẻ 15 tuổi làm sao có thể tránh được bao nhiêu camera giám sát trong trường như vậy".

Tìm thấy xác sau 106 ngày, vị trí phát hiện thi thể đáng nghi

Ngày 29/1 vừa qua, Công an thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây ra thông báo cho biết, vào khoảng 12h25 ngày 28/1, công an huyện Diên Sơn nhận được điện thoại của người dân cho biết đã phát hiện một thi thể treo cổ trong rừng cây ở khu vực núi Kim Kê thuộc thị trấn Hà Khẩu.

Theo Xinhuanet, cơ quan công an đã tiến hành điều tra hiện trường và phát hiện ra rằng quần áo của người chết phù hợp với quần áo của Hồ X Vũ – học sinh trường THPT Trí Viễn, người đã biến mất vào ngày 14/10/2022. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã yêu cầu viện kiểm sát cử người giám sát, mời đại diện gia đình và luật sư của họ tới chứng kiến ​​toàn bộ quá trình. Vào ngày 29/1, cơ quan công an đã tiến hành xét nghiệm ADN và xác định rằng người chết là Hồ X Vũ.

Cảnh sát và pháp y tại hiện trường, nơi được cho là phát hiện thi thể của Hồ Hâm Vũ. (Ảnh chụp màn hình)

Trong quá trình điều tra hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện một chiếc bút ghi âm và đã gửi nó đi giám định. Đồng thời, cơ quan công an cũng mời các chuyên gia công nghệ hình sự có thẩm quyền trong nước đến hiện trường để tham gia điều tra. Công tác điều tra, giám định đang được tiến hành.

Sáng sớm ngày 29/1, mẹ của Hồ Hâm Vũ đã cập nhật một đoạn video trên mạng xã hội và để lại lời nhắn: "Hâm Vũ, chúng ta đang trên đường tìm ra sự thật về con, chúng ta sẽ không dừng lại".

Theo Red Star News, các thành viên gia đình cho biết thi thể của Hồ Hâm Vũ được tìm thấy gần kho thóc trên ngọn núi phía sau trường học và bị "treo cổ" bằng dây giày. Khi người nhà nhìn thấy thì thi thể đã mục nát, gần như chỉ còn là một "bộ xương", chỉ nhìn hình dạng của hộp sọ thì khó có thể nhận ra đó là Hồ Hâm Vũ.

Nhưng vị trí tìm thấy thi thể Hồ Hâm Vũ lại đang vấp phải nhiều nghi vấn. Thông báo của cảnh sát địa phương chỉ nói rằng, thi thể bị treo cổ được phát hiện ở trong rừng thuộc núi Kim Kê, thị trấn Hà Khẩu, chứ không công bố vị trí chính xác.

Theo tìm kiếm trên bản đồ Baidu, núi Kim Kê nằm ở phía nam của trường THPT Trí Viễn, khoảng cách theo đường chim bay từ cổng phía bắc của trường Trí Viễn đến núi Kim Kê chỉ khoảng 60 mét.

Trường THPT Trí Viễn cách khu rừng ở núi Kim Kê, thị trấn Hà Khẩu, nơi tìm thấy thi thể của Hồ Hâm Vũ, chưa đầy 100 mét theo đường chim bay. (Ảnh từ Weibo)

Kênh truyền thông Xin Huanghe trực thuộc Thời báo Tế Nam (Jinan Times) của Trung Quốc đưa tin, vào trưa ngày 29/1, người nhà của Hồ Hâm Vũ đã có mặt tại nhà tang lễ và ra quyết định khám nghiệm tử thi, hy vọng có thể tìm ra sự thật. Luật sư Trịnh Hiểu Tĩnh (Zheng Xiaojing), luật sư đại diện cho gia đình Hồ Hâm Vũ, cũng nói điều trên với phóng viên của Báo Đô thị Nam phương.

Xin Huanghe chỉ ra rằng, trước đó vào ngày 7/1, các cơ quan công an huyện, thành phố và tỉnh của Giang Tây đã cùng công bố “Một bức thư gửi cư dân mạng". Trong thư viết: "Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan như quản lý ứng phó khẩn cấp, cứu hỏa, giáo dục và thể thao, quản lý đô thị, v.v., sẽ chung tay cùng các tổ chức xã hội như Cảnh sát tình nguyện Bình An, Đội cứu viện Lam Thiên và Đội cứu viện Lục Châu… tìm kiếm khoảng 589 mẫu rừng và đồi ở mạn phía nam của trường học…”. Phạm vi tìm kiếm này cũng bao gồm cả núi Kim Kê.

Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc cũng đưa tin, thi thể của Hồ Hâm Vũ chỉ cách trường học 5 phút đi bộ và khu vực núi Kim Kê chỉ cách trường Trí Viễn một bức tường, nơi đây từng là tâm điểm của nhiều cuộc tìm kiếm.

Tờ Jiupai News của Trung Quốc có được thông tin rằng, người nhà của Hồ Hâm Vũ hiện đang nộp đơn xin điều công an ở nơi khác tới điều tra, việc này có được thông qua hay không sẽ do cơ quan công an quyết định. Liệu Hồ Hâm Vũ có treo cổ tự tử hay không, sự việc này vẫn cần được điều tra, trước đây sở dĩ vụ án không được lập án là do không có đủ bằng chứng cho thấy Hồ Hâm Vũ đã bị giết.

Dư luận liên tục đặt nghi vấn

Các chủ đề liên quan đến Hồ Hâm Vũ ngay lập tức lọt vào mục tìm kiếm nóng trên Weibo và Baidu trong ngày 29/1.

Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi rằng, thi thể của Hồ Hâm Vũ bất ngờ được tìm thấy vào thứ Bảy (ngày 28/1) sau 106 ngày mất tích bí ẩn, trước đó phía cảnh sát cũng nhiều lần lục soát khu vực này, thi thể của Hồ ở trong khu rừng ngay gần trường học mấy tháng liền nhưng không ai phát hiện ra, mọi người không thấy lạ sao?

Trước nhiều nghi ngờ từ dư luận, các kênh truyền thông chính thống Trung Quốc đã kêu gọi công chúng vào Chủ nhật (29/1) rằng không nên tin vào những tin đồn và hãy chờ thông báo chính thức.

Trước khi truyền thông chính thống lên tiếng, có không ít cư dân mạng đặt nghi vấn như sau: "Hồ Hâm Vũ chết khi nào? Là tự sát hay bị giết? Vị trí tìm thấy thi thể có phải là hiện trường đầu tiên không?"; "Tại sao cuộc tìm kiếm quy mô lớn vài ngày trước trên núi (ngày 7/1) lại không có phát hiện gì?”, v.v.

Cư dân mạng Giang Tô "Shang Xi 9F" bình luận: "Sau hơn 100 ngày với gần 10 nghìn người tìm kiếm cùng nhiều con chó nghiệp vụ lại không tìm ra một người bị treo trên cây, mọi người không thấy lạ sao? Điều kỳ lạ hơn nữa là còn có một chiếc bút ghi âm?".

Về thông tin "treo cổ bằng dây giày", nhiều cư dân mạng còn quay video thí nghiệm xem dây giày có thể treo người được hay không.

Một cư dân mạng khác chỉ ra rằng, thông tin có giá trị do phía cảnh sát đưa ra vẫn còn hạn chế: Thứ nhất, là do quần chúng phát hiện và gọi cảnh sát, sau đó mới được xác nhận bằng ADN. Thứ hai, bị phát hiện trong tình trạng "treo cổ". Thứ ba, đã tìm thấy một chiếc bút ghi âm, đã được gửi đến một tổ chức chuyên nghiệp để giám định. Do đó, có ít nhất ba bí ẩn cần được giải đáp: Thứ nhất, tại sao cuộc tìm kiếm trước đây lại không phát hiện ra? Thứ hai, sau này mới bị treo lên hay thi thể đã bị treo hơn 100 ngày rồi? Thứ ba, điều gì đã xảy ra với Hồ Hâm Vũ trước và sau khi cậu ấy chết?

Luật sư Trương Tân Niên (Zhang Xinnian) ở Trung Quốc đại lục bày tỏ trên Weibo về việc tìm thấy thi thể của Hồ Hâm Vũ như sau:

1) Video và hình ảnh tại hiện trường phải đầy đủ và rõ ràng để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

2) Toàn bộ quá trình khám nghiệm tử thi và nhận dạng phải được giám sát bởi một bên thứ ba để có đủ sức thuyết phục, để đề phòng trường hợp các bên nghi ngờ và để sự thật được minh tỏ.

3) Nếu đây là hiện trường giả thì đó sẽ là vụ án nghiêm trọng, cần tổ chức các lực lượng để điều tra xử lý.

4) Nếu đây là hiện trường thật, những người có trách nhiệm của đồn cảnh sát địa phương và công an huyện đều phải bị cách chức và xử phạt. Một vụ án có tác động lớn như vậy, trong khoảng cách đường chim bay một, hai trăm mét mà mất tới hơn một trăm ngày mới tìm thấy, hoặc là họ tắc trách, hoặc là lơ là nhiệm vụ.

Cư dân mạng còn vẽ tranh châm biếm cách phá án của công an Trung Quốc: “Ở trên một cái cây, mọc ra một thi thể”.

Về vấn đề này, CNN đưa tin rằng các tuyên bố chính thức của chính quyền Trung Quốc không thể khiến vụ án kết thúc mà thay vào đó nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn về cái chết của Hồ Hâm Vũ.

CNN cũng dẫn lời cư dân mạng Trung Quốc cho rằng: "Tại sao một cậu bé 15 tuổi có thể biến mất không dấu vết ở một đất nước mà camera an ninh và giám sát công nghệ cao có mặt khắp nơi?".

Nghi vấn bị mổ cướp nội tạng

Hơn 100 ngày sau khi Hồ Hâm Vũ "bốc hơi", Hồ Hâm Vũ chết như thế nào vẫn là một bí ẩn và gây ra nhiều đồn đoán. Có quan điểm cho rằng Hồ Hâm Vũ có thể đã bị giết và nội tạng của cậu đã bị buôn bán.

Ngay từ thời gian đầu khi Hồ Hâm Vũ mới mất tích, Internet Trung Quốc đã lan truyền tin cậu bị “mổ cướp nội tạng” và rằng: Có một quan lớn ở Bắc Kinh có nhóm máu hiếm bị ốm nặng, và nhóm máu của Hồ Hâm Vũ vừa hay trùng khớp.

Giáo sư vật lý đã nghỉ hưu James J.Y. Hsu viết trên tờ Thời báo Đài Bắc vào ngày 30/1 rằng, Hồ Hâm Vũ đã biến mất trong khuôn viên trường vào tháng 10 năm ngoái. Nhóm máu hiếm của cậu ấy giống với nhóm máu của một quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong khi đó lại có câu chuyện về Cao Chiêm Tường (Gao Zhanxiang), một quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu, vừa qua đời vì COVID-19 vào ngày 9/12/2022. Trong bài viết bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết của Cao Chiêm Tường đăng trên tài khoản cá nhân, ông Chu Vĩnh Tân (Zhu Yongxin), Phó tổng thư ký Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã nói rõ rằng: “Nhiều năm qua, … nội tạng trên người đã được thay rất nhiều, ông ấy (Cao Chiêm Dương) nói đùa rằng có rất nhiều linh kiện trên cơ thể không phải của bản thân nữa rồi”.

Do đó, Giáo sư Hsu nói rằng những câu chuyện trên khiến người ta không khỏi nghi ngờ về "ngành kinh doanh" mổ cướp nội tạng đang tràn lan ở Trung Quốc đại lục.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm gần đây ở Trung Quốc có hàng triệu người đã bốc hơi và những người này không bao giờ được tìm thấy nữa. Thường xuyên có báo cáo về những vụ mất tích bí ẩn của nam sinh viên đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng chính quyền luôn che giấu sự thật và thế giới bên ngoài nghi ngờ rằng nó có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng sống của chế độ này.

Từ năm 2013 đến 2016, việc nhiều nam sinh ngoại tỉnh đang theo học đại học ở Vũ Hán biến mất đã dần thu hút sự chú ý của xã hội. Vào tháng 9/2017, một bài viết có tiêu đề “Nghĩ kỹ thấy thật khủng khiếp! Vì sao hơn 30 sinh viên đại học Vũ Hán mất tích bí ẩn?” đã được lan truyền mạnh mẽ trên Internet. Sau khi phân tích, bài viết đã loại trừ khả năng các sinh viên bị bán đi, bị bắt cóc, bị khống chế vì phạm tội, thậm chí bị người ngoài hành tinh bắt cóc, v.v. và kết luận rằng: “Các sinh viên trẻ tuổi bị mất tích một cách thần bí, đến nay vẫn là một ẩn số!".

Chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ tác giả của bài viết trên với tội danh "lan truyền tin đồn". Sau đó, số lượng sinh viên đại học mất tích ở Vũ Hán vẫn tiếp tục tăng lên, có cư dân mạng chỉ ra rằng tổng số có thể lên tới cả trăm người.

Việc chính quyền không hành động trước các vụ mất tích này đã dẫn đến nhiều suy đoán về đường dây buôn bán nội tạng phía sau. Cha của Tiêu Bằng Phi (Xiao Pengfei), một sinh viên mất tích của Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, cho biết đặc điểm chung của hàng chục người mất tích là họ đều khoảng 20 tuổi, cao khoảng 1,8m và đều “bốc hơi” gần sông Trường Giang. Gia đình các sinh viên mất tích đã cùng lập một nhóm trao đổi thông tin, "có phụ huynh trong nhóm đã nghĩ đến điều này, có thể lũ trẻ đã bị móc hết nội tạng, sau đó thi thể đã bị xử lý".

Năm 2006, nạn thu hoạch nội tạng sống quy mô lớn của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công bị phanh phui, bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Sau đó, các mục tiêu bị thu hoạch nội tạng sống cũng mở rộng sang các nhóm dễ bị tổn thương và các đối tượng bị đàn áp khác như người Duy Ngô Nhĩ...

Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) là một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ, là bên điều tra hành vi bức hại cũng như nạn mổ cướp nội tạng mà ĐCSTQ gây ra. Tính đến tháng 6/2021, WOIPFG đã công bố 730 bản ghi âm cuộc điều tra về nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.

Theo báo cáo chung hồi tháng 6/2016 của ông David Kilgour, cựu Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Canada; ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada; và ông Ethan Guttmann, một phóng viên điều tra thâm niên của Hoa Kỳ, ước tính dựa trên nhiều nguồn bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm. Nhiều chỉ số cho thấy nguồn cung chính của những nội tạng này đến từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác bị giam giữ trong hệ thống tư pháp đã bị chính trị hóa của Trung Quốc.

Tờ Wall Street Journal từng đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã bị buộc tội về một hành vi thương mại khủng khiếp là buôn bán các cơ quan nội tạng của con người. Để chứng minh điều này là khá khó, bởi vì nội tạng của nạn nhân đã bị xử lý và xác bị hỏa thiêu ngay sau đó. Nhưng ngày càng nhiều nhân chứng là các bác sĩ, cảnh sát và cai ngục có liên quan đã bước ra chứng thực tội ác này. Không chỉ Wall Street Journal, hàng loạt các kênh truyền thông dòng chính khác như Forbes, Fox News, CNN... cũng đã đưa ra các bằng chứng về sự tồn tại của ngành kinh doanh bất lương được Bắc Kinh che giấu kỹ càng.

Trong bài viết “ĐCSTQ là ác ma hủy diệt nhân loại” đăng ngày 23/4/2022 trên trang web chính thức của WOIPFG, Chủ tịch WOIPFG Uông Chí Viễn (Wang Zhi Yuan) viết rằng: “ĐCSTQ đã dùng kho nội tạng sống này - các học viên Pháp Luân Công - để tạo ra một chuỗi kinh tế đẫm máu, từ đó hình thành nên một ngành công nghiệp khổng lồ sinh lãi nhiều hơn cả buôn bán ma túy và buôn bán vũ khí.

Điều đáng sợ là chuỗi tiền đen này đã lan rộng khắp Trung Quốc và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhu cầu về nội tạng trong ngành cấy ghép ngày càng lớn trước sự hậu thuẫn của ĐCSTQ và lợi nhuận cắt cổ mà nó mang lại. Khi nội tạng của các học viên Pháp Luân Công không thể thỏa mãn lòng tham vô độ của họ, các thế lực đen tối đứng sau hậu trường chắc chắn sẽ vươn ra ngoài xã hội”.

Theo Vision Times

Đông Phương tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cái chết của thiếu niên mất tích 106 ngày: Sinh mạng người Trung Quốc quá rẻ mạt