Căng thẳng Biển Đông: Quân đội Trung Quốc yêu cầu tàu Hải quân Mỹ rời đi 'ngay lập tức'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (9/10), Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John McCain đã đi vào vùng biển quanh các đảo tranh chấp mà không được phép của chính phủ Trung Quốc, theo Express.

Quân đội Trung Quốc đã yêu cầu một tàu khu trục của Hải quân Mỹ rời Biển Đông "ngay lập tức" sau khi tàu này đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

USS John S. McCain là tàu khu trục được trang bị các loại tên lửa dẫn đường hiện đại. Tàu này đã tiến vào khu vực Biển Đông hồi đầu tuần và tiến hành một số hoạt động diễn tập tại đây, theo hải quân Mỹ.

Sau khi phát hiện tàu hải quân Mỹ, "quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng ra lệnh cho tàu này rời đi, trước khi cử lực lượng tiến hành các thủ tục theo dõi", theo Express.

Thượng tá Zhang Nandong của quân đội Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ "ngừng vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực".

Ông Zhang nói: "Chúng tôi yêu cầu Mỹ dừng ngay các hành động khiêu khích như vậy, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các hoạt động quân sự trên biển và trên không".

Ông Zhang cũng tuyên bố rằng, chính quyền Trung Quốc "sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự ổn định của khu vực ở Biển Đông".

Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố gắng tăng cường hiện diện trong khu vực bằng cách cử các tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải.

Do có lực lượng hải quân lớn mạnh, Bắc Kinh đã gây áp lực ngày càng gia tăng lên các quốc gia láng giềng như Philippines, Malaysia và Việt Nam để đòi các đảo mà họ coi là của riêng mình.

Đáp lại, Washington đã cố gắng đưa ra lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố cuộc diễn tập "chứng tỏ rằng vùng biển này (ở quần đảo Hoàng Sa) nằm ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách hợp pháp".

Phát ngôn viên của Hạm đội 7 Mỹ khẳng định rằng, hoạt động của tàu John McCain cho thấy những gì mà Trung Quốc cho là "thuộc chủ quyền hợp pháp" của Trung Quốc sẽ không được Mỹ thừa nhận.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Mỹ từ lâu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông. Do vậy, Washington đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này nhằm thách thức tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo đã liên tục cảnh báo về đế chế hải quân đang phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức bác bỏ các yêu sách vô lý của ĐCSTQ ở Biển Đông. Nhiều nước đồng minh của Washington cũng công khai bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh.

Ông Pompeo đã tuyên bố: "Chúng tôi nói rõ: yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng".

Ông nói: "Bắc Kinh sử dụng [hành động] đe dọa để làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á ở Biển Đông, bắt nạt họ liên quan đến các nguồn tài nguyên ngoài khơi, khẳng định quyền thống trị đơn phương và tự cho mình quyền thay thế luật pháp quốc tế. Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình".

Nguyễn Minh

 



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng Biển Đông: Quân đội Trung Quốc yêu cầu tàu Hải quân Mỹ rời đi 'ngay lập tức'