Cảnh sát Hồng Kông tìm cách xâm nhập mạng Telegram, công cụ chính sử dụng trong các cuộc biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phong trào phản kháng ở Hồng Kông là một phong trào được tổ chức trực tuyến và cảnh sát đang nỗ lực tìm ra danh tính của những cá nhân đang sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội để lan truyền thông tin về các cuộc biểu tình.

Kể từ tháng 6 khi người dân Hồng Kông bắt đầu bùng phát biểu tình rầm rộ phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã được chính quyền Hồng Kông rút bỏ),nhiều người lo ngại sẽ là giọt nước tràn ly trong sự xâm lấn của Bắc Kinh đối với các vấn đề của thành phố. Người biểu tình đã sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram để lên kế hoạch biểu tình, khởi xướng các nỗ lực gây quỹ, và lan truyền thông tin về hành động của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

Ứng dụng này cũng được sử dụng như một nền tảng doxxing (tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng), nơi người dùng đăng tải những thông tin có thể xác định được người cảnh sát mà họ cho là đã hành động đàn áp người biểu tình.

Một kênh Telegram, “dadfindboy,” đã tấn công cảnh sát bằng cách thu thập và phát tán ảnh và thông tin cá nhân của họ bao gồm họ tên, số huy hiệu, địa chỉ nhà, thông tin trường học và tên tài khoản sử dụng trên mạng xã hội. Kênh này có hơn 202.000 người đăng ký.

Đến ngày 7/11, theo một tin nhắn xuất hiện trong ứng dụng, “dadfindboy” không còn hiển thị nữa vì nó đã “vi phạm các điều khoản dịch vụ của Telegram.”

Một tài khoản khác, có tên là “tanakayotsuba” tự gọi là “đường dây nóng cho những tin độc đáo, quan trọng”, đã bị buộc tội tiết lộ thông tin cá nhân về cảnh sát và người thân của họ.

Bẻ khóa Telegram

Lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã và đang cố gắng tìm ra danh tính của những người quản trị hai tài khoản Telegram trên, họ cũng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia mạng ở bên ngoài Hồng Kông.

Một chuyên gia mạng, mong muốn giấu tên để tránh bị trả thù, kể rằng trong vài tháng qua đã liên tục bị các thanh tra viên cao cấp tiếp cận để sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” khám phá danh tính của chủ hai tài khoản trên.

Một điều tra viên cao cấp đã gọi điện thoại cho nguồn tin của Epoch Times và hỏi rằng liệu có thể phá vỡ giao thức mã hóa của Telegram để tìm ra ai là quản trị viên của “dadfindboy”“tanakayotsuba”, nơi ở của họ, để có thể bắt giữ họ tại nhà, nguồn tin cho biết.

“Họ đang rất tuyệt vọng,” anh nói. Anh còn nói rằng lực lượng cảnh sát đang tìm kiếm người có khả năng siêu phàm để tiếp cận Telegram

Lương tâm anh không muốn làm điều ấy, nguồn tin cho biết, bởi vì anh cho rằng việc cảnh sát truy tìm và trừng phạt công dân vì đăng tải ý kiến lên mạng là “phá hủy tự do ngôn luận”. Bản thân việc này cũng gần như không thể thực hiện ở phương diện kỹ thuật. “Cần có sự phối hợp giữa NSA (Cục an ninh quốc gia) và CIA (Cục tình báo), để có thể làm điều đó,” anh nói.

Telegram cung cấp mã hóa đầu cuối, nghĩa là chỉ người gửi và người nhận mới có thể đọc tin nhắn. Công ty cũng cho biết trên trang web của mình rằng tất cả dữ liệu được gửi và nhận trên Telegram đều không thể giải mã được ngay cả khi bị chặn bởi nhà cung cấp dịch vụ internet, các chủ sở hữu bộ định tuyến Wi-Fi mà thiết bị kết nối, hoặc các bên thứ ba.

Telegram không đáp ứng yêu cầu bình luận về các biện pháp bảo mật của mình trước thời điểm đăng tin.

Trong hai tin nhắn trên WhatsApp được cung cấp cho The Epoch Times, một điều tra viên cao cấp khác cũng yêu cầu nguồn tin riêng của Epoch Times tìm ra danh tính của hai quản trị viên nêu trên, cũng như tìm tên tài khoản “tương ứng với số điện thoại đã đăng ký của họ.”

Viên cảnh sát hỏi liệu anh có “khả năng liên kết tất cả các số điện thoại ở Hồng Kông” - tổng cộng có khoảng 20 triệu số - “với các tài khoản Telegram tương ứng, nếu có.”

Nhiều người có suy đoán đây là chiến thuật để cảnh sát có thể theo dõi người biểu tình. Mùa hè vừa qua, một nhóm kỹ sư tại Hồng Kông đã cảnh báo trong một bài viết được lưu hành rộng rãi trên mạng xã hội rằng các nhà chức trách có thể đưa thêm một số lượng lớn số điện thoại vào danh bạ điện thoại. Những số điện thoại này sau đó kết nối với kênh Telegram nơi đăng tải tin tức về các cuộc biểu tình. Tại thời điểm đó, Telegram sẽ đồng bộ hóa danh bạ điện thoại với ứng dụng. Theo đó, chính quyền có thể sẽ biết số điện thoại nào đang hoạt động trong nhóm người biểu tình.

Sau đó, nhà chức trách có thể buộc các nhà mạng tiết lộ danh tính chủ nhân của các số điện thoại, các kỹ sư lập luận.

Sau khi lỗ hổng này được công khai, Telegram phát hành phiên bản cập nhật vào tháng 8, theo đó người dùng có thể ẩn số điện thoại trong ứng dụng.

Chuyên gia mạng cũng cho The Epoch Times xem một lá thư điện tử, được gửi sau thời điểm bắt đầu bùng phát biểu tình, trong thư này cho biết cảnh sát muốn anh hỗ trợ theo dõi các tài khoản và tin nhắn của Telegram.

Những dịch vụ cảnh sát muốn được hỗ trợ là giám sát và thu thập thông tin tình báo của tên các cá nhân, các nhóm và các kênh trên Telegram cùng “bộ sưu tập các tin nhắn văn bản, hình ảnh, tệp đa phương tiện và thông tin dựa trên tài khoản.”

Trong một trong những tin nhắn trên WhatsApp đã đề cập ở trên, viên cảnh sát cũng yêu cầu có “một kênh chuyển tiếp thẳng để theo dõi danh sách các tin nhắn Telegram có URL (liên kết mạng) và ghi lại trạng thái của từng tin nhắn tương ứng.”

Simon Young, một luật sư và giáo sư tại khoa luật của Đại học Hồng Kông, nói rằng trong khi cảnh sát giám sát các kênh truyền thông xã hội khi tiến hành điều tra - bởi vì các kênh trên Telegram có thể truy cập công khai - thì việc yêu cầu một chuyên gia mạng làm tin tặc là có “vấn đề”.“Tin tặc”có thể là tội phạm hình sự,” vị giáo sư cho biết.

Đàn áp tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng (Doxxing)

Lực lượng cảnh sát thành phố gần đây đã tăng cường các chiến thuật để cấm tiết lộ thông tin cá nhân của nhân viên cảnh sát trên mạng xã hội thông qua lệnh cấm tạm thời của tòa án.

Lần đầu tiên được Tòa án tối cao Hồng Kông phê duyệt vào ngày 25 tháng 10 và sau đó được sửa đổi để thu hẹp phạm vi vào ngày 28 tháng 10, lệnh tòa cấm các cá nhân sử dụng, xuất bản, liên lạc hoặc tiết lộ dữ liệu cá nhân của cảnh sát và thành viên gia đình họ, những người có khả năng bị đe dọa, quấy rối, hoặc bị làm phiền.

Dữ liệu cá nhân bao gồm tên, địa chỉ, ngày sinh, số điện thoại, các thông tin tài khoản mạng xã hội, số thẻ căn cước Hồng Kông và ảnh.

Những người vi phạm lệnh tòa có thể được coi là “khinh thường lệnh tòa” và phải chịu hình phạt hoặc bị tù.

Trong một tuyên bố ngày 25 tháng 10, chính phủ Hồng Kông cho biết kể từ tháng 6, khi bắt đầu có biểu tình rầm rộ, nhân viên cảnh sát đã bị doxxing tấn công, quấy rối và đe dọa, bao gồm “quấy rối điện thoại, sử dụng danh tính để vay mượn và mua hàng trực tuyến, quấy rối thành viên gia đình họ tại nơi làm việc.”

Tuyên bố cho biết: “Một số nhân viên cảnh sát hoặc thành viên gia đình họ thậm chí nhận được những bức thư đe dọa làm họ bị tổn thương một cách tàn nhẫn.”

Ông Young nói rằng trong khi lệnh tòa liên quan đến quyền tự do ngôn luận, thì đó “không phải là một quyền tuyệt đối” và có thể bị hạn chế theo lệnh của tòa án. “Câu hỏi đặt ra là nó [lệnh cấm] có đi quá xa không? Hay nó nằm ngoài mục đích?”.

Ông cũng nhận định rằng tòa án sẽ phải cân nhắc tìm những biện pháp khác để bảo vệ lợi ích của giới cảnh sát.

Ngày 08/11 dự kiến ​​sẽ diễn ra phiên điều trần để Bộ Tư pháp và Cảnh sát trưởng Hồng Kông biện luận cho sắc lệnh chính thức của tòa án.

Các nhà lập pháp địa phương, báo giới và các nhóm bảo vệ nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về phạm vi của lệnh tòa. “Về cơ bản, nó đã loại bỏ sự chống đối và cân bằng đối với hành động tàn bạo của cảnh sát,” nhà lập pháp Alvin Yeung nói với truyền thông vào ngày 25 tháng Mười.

“Chúng ta đã thấy được vô số sự cố trong bốn tháng qua rằng, không có sự giám sát của công chúng và không có thực tế là chúng ta có thể chụp ảnh và tiết lộ những hành động tàn bạo của cảnh sát, thì không có cách nào có thể kiểm tra và cân bằng và giám sát cảnh sát,” ông Yeung cho biết.

Các nhà lập pháp dân chủ khác cho biết lệnh cấm đã thiên vị cảnh sát so với một nhóm đối tượng khác cũng bị doxxing tấn công có liên quan đến biểu tình.

Còn có các kênh Telegram tấn công người biểu tình. Một phân tích kỹ thuật số do Hội đồng tư tưởng Đại Tây Dương thực hiện hồi tháng 9 cho thấy có một số kênh, bao gồm “yeeseelostandfound” đã tiết lộ và gửi thông tin cá nhân của người biểu tình đến cổng thông tin trực tuyến của Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc để báo cáo tội phạm.

Keyboard Frontline, một nhóm người tại Hồng Kông ủng hộ tự do internet, cho biết trong một tuyên bố ngày 30 tháng 10 rằng lệnh cấm này thực chất là “hình thức kiểm duyệt cực đoan nhất.” Họ gọi đó là quy định đi ngược với hiến pháp và cần được hủy bỏ ngay lập tức.

Trong khi đó, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông đã lập luận rằng lệnh cấm có thể hạn chế báo giới đưa tin về các cuộc biểu tình. Họ đã đệ trình một sửa đổi đối với lệnh cấm để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí phù hợp với hiến pháp, họ nêu trong tuyên bố ngày 5 tháng 11.

Cảnh sát đã bắt giữ người và buộc tội họ đã tiết lộ thông tin trên internet có liên đới với các cuộc biểu tình.

Truyền thông địa phương cho biết vào tháng 9, một nhân viên viễn thông, Chan King-hei, đã bị buộc tội vì sử dụng máy tính công ty để truy cập và tiết lộ thông tin cá nhân của gia đình một nhân viên cảnh sát. Cảnh sát cáo buộc anh ta thông đồng với “tanakayotsuba” để tiết lộ thông tin trên Telegram.

Chan bị buộc tội một tội danh là đã truy cập vào máy tính với mục đích xấu và một tội danh thông đồng tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý, theo báo cáo của truyền thông địa phương. Anh ta được tại ngoại; phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra ngày 20 tháng 11.

Tháng 6, 2019, tờ New York Times đã kể lại câu chuyện về Ivan Ip, quản trị viên của một nhóm trò chuyện trên Telegram, bị bắt tại nhà riêng. Cảnh sát cho biết ông này bị bắt vì bị nghi ngờ âm mưu gây thiệt hại cho công chúng.

Tháng 7, 2019, cảnh sát tuyên bố rằng họ đã bắt giữ 9 người vì các hành vi phạm tội liên quan đến mạng Internet, bao gồm tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý.

Thu Hà (biên dịch)

Tác giả: Annie Wu

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh sát Hồng Kông tìm cách xâm nhập mạng Telegram, công cụ chính sử dụng trong các cuộc biểu tình