Cát Lâm: Phong tỏa nghiêm ngặt, người dân thiếu lương thực trầm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, chính quyền thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm đã thực hiện quản lý khép kín, nhà nào cũng bị dán giấy niêm phong. Tuy nhiên, chính quyền lại không xử lý việc cho người đưa nhu yếu phẩm đến, do đó đã khiến hàng trăm nghìn người dân toàn thành phố rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực, họ đã đổ xô lên Weibo để cầu cứu.

“Nhà nào cũng không còn gì để ăn nữa”

Hôm 21/1, chính quyền thành phố Thông Hóa đột ngột đưa ra thông báo rằng, “Kể từ 22 giờ ngày 21/1, các hộ dân ở quận Đông Xương sẽ bị niêm phong cửa, thực hiện quản lý khép kín, người dân không được phép ra ngoài". Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích người dân báo tin nếu thấy ai tự ý ra ngoài, sẽ được thưởng 5.000 nhân dân tệ cho mỗi lần tố giác.

Phóng viên của The Epoch Times đã phỏng vấn người dân sống tại Thông Hóa và được biết, trên thực tế, hầu hết các hộ dân ở thành phố này đều đã bị niêm phong cửa nhà và không được phép ra ngoài.

Bà Lương, một chủ căn hộ ở thị trấn Bordeaux, quận Đông Xương tiết lộ với phóng viên rằng, chính quyền đã bắt đầu phong tỏa thành phố từ ngày 15/1, và dán niêm phong cửa nhà từ tối ngày 21/1. “Nhà nào cũng bị dán niêm phong, chủ yếu là không được phép ra ngoài, một khi ra sẽ bị cảnh sát bắt ngay, nên không có ai dám ra", bà Lương nói.

Bà Lương còn cho biết, tình trạng cuộc sống của người dân ở thành phố Thông Hóa hiện nay là: không thể ra ngoài mua thức ăn; không có người giao hàng; đặt hàng trực tuyến thì vừa đắt và chậm, người trung niên và người cao tuổi cũng không quen với việc mua hàng trực tuyến, do đó toàn thành phố hiện đang ở trạng thái “cạn kiệt" thực phẩm.

Bà Lương nói: "Hiện tại, trong nhà các gia đình bạn bè xung quanh tôi đều không còn gì để ăn nữa”. “Toàn bộ người dân thành phố Thông Hóa đều như thế, nhà tôi may mắn vẫn còn một chút đồ dự bị, nhưng có nhiều nhà không còn chút gì nữa, vậy chẳng phải là xong rồi sao?”.

Phong tỏa đột ngột, liên tục thay đổi chính sách

Trong những ngày qua, đông đảo cư dân mạng thành phố Thông Hóa đã lên Weibo cầu cứu, có cư dân mạng nói rằng: "Nghe lời chính phủ không cần tích trữ lương thực, kết quả là họ dán niêm phong cửa ngay trong đêm, trong nhà thì không có cơm ăn, con cũng không có sữa uống”.

"Lúc đầu họ (chính quyền) nói sẽ làm vé ra ngoài và 3 ngày sẽ có 1 người được ra ngoài, nhưng bây giờ lại không cho ra, cũng không biết bao giờ mới làm vé ra ngoài. Họ cứ thay đổi liên tục, thật sự không biết phải làm sao".

Một chủ căn hộ sống ở khu dân cư Huệ Hinh (Huixin Homeland), quận Đông Xương cũng nói với The Epoch Times rằng, nhân viên của khu dân cư đã đến dán niêm phong từng cửa nhà, và hoàn thành chỉ trong 1 đêm. Về vấn đề giao thực phẩm, chính quyền nói rằng "sẽ có tình nguyện viên đến giao hàng, và nói chúng tôi hãy đợi”. Kết quả là không có tin tức gì.

Chủ căn hộ này cho biết, vợ anh đang mang thai, và dự kiến sẽ sinh vào cuối tháng 3. Họ đang phải đối mặt với hai rủi ro là: Do bệnh viện đang được dùng để cách ly, nên vợ anh không thể khám thai theo đúng kỳ hạn là trước ngày 20/1; thức ăn trong nhà chỉ đủ cho 1 tuần nữa, và hiện nhà đã hết hoa quả.

Có cư dân mạng phàn nàn rằng, mua thực phẩm trực tuyến rất đắt.

Vào ngày 23/1, một cư dân ở quận Nhị Đạo Giang, thành phố Thông Hóa đã đăng tải bức ảnh chụp hóa đơn thực phẩm mà anh đặt mua lên mạng xã hội, cho thấy, giá cải thảo rẻ nhất là hơn 5 nhân dân tệ/ 0.5 kg (khoảng 18 nghìn VNĐ); 8 nhân dân tệ/ 0.5 kg (khoảng 28 nghìn VNĐ) cần tây; 20 nhân dân tệ/ 0.5 kg rau mùi (khoảng 71 nghìn VNĐ).

Thành phố Thông Liêu, tỉnh Cát Lâm phong tỏa toàn thành phố, khiến người dân mua bán khó khăn và giá cả ở địa phương tăng vọt. (Ảnh chụp một hoá đơn vào ngày 23/1)
Thành phố Thông Liêu, tỉnh Cát Lâm phong tỏa toàn thành phố, khiến người dân mua bán khó khăn và giá cả ở địa phương tăng vọt. (Ảnh chụp một hoá đơn vào ngày 23/1)

Một chủ căn hộ sống ở một khu chung cư tại quận Nhị Đạo Giang, thành phố Thông Hóa nói với The Epoch Times rằng, biện pháp cách ly này ở đại lục hạn chế tự do cá nhân, mang lại rất nhiều hậu quả không tốt, ví dụ như: thời gian điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh khác bị kéo dài, cuộc sống của người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. "Từ khi Vũ Hán xuất hiện dịch bệnh, tôi thường quan tâm đến cách kiểm soát dịch bệnh của nhiều nước, nhưng cũng không nghiêm ngặt thế này (như ở Trung Quốc), đợt dịch lần này quá nghiêm trọng rồi", bà nói.

Trước sự bất mãn của người dân, trưa ngày 24/1, chính quyền Thông Hoá cuối cùng đã chính thức phản hồi về việc này, Phó Chủ tịch thành phố Thông Hoá đã xin lỗi về việc chậm trễ giao nhu yếu phẩm, và thông báo đã có hơn 800 tình nguyện viên đã chuyển nhu yếu phẩm đến toàn bộ người dân. Về việc này, nhiều người đã chỉ trích rằng, "Chỉ có 800 người giao hàng cho 100.000 hộ gia đình? Có khi đợi đến chết đói mất".

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cát Lâm: Phong tỏa nghiêm ngặt, người dân thiếu lương thực trầm trọng