Cây đổ bầy khỉ tan: Đệ tử phe Giang Trạch Dân đã 'phản phe’ và 'quy hàng'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến tốn nhiều sinh mệnh, tiền bạc, giấy mực giữa phe Tập Cận Bình và phe Giang Trạch Dân đang dần đến hồi kết sau khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3; cho tới nay, nó đã kéo dài 10 năm. Các đệ tử thân tín của họ Giang dường như đã lựa chọn phản phe và quy hàng.

5 triệu quan chức bị xử lý thanh trừng trong 10 năm

Sau 10 năm, mọi thứ dường như đã định hình. Từ những "cánh tay phải" của phe Giang, những người đang nắm giữ quyền lực tưởng như không thể chạm tới như Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai... cho tới các tướng lĩnh khắp các mặt trận quân đội, an ninh, tài chính, quan phụ mẫu của tỉnh... đã bị xử lý.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, vào tháng 7/2022, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập (trong kỳ họp Đại hội tháng 10 năm ngoái), đã liệt kê thành tích của ông Tập qua báo cáo "những con hổ dữ". Báo cáo cho biết, trong 10 năm nắm quyền, có tới gần 5 triệu quan chức từ trung ương tới địa phương bị điều tra và xử lý. Ông Tập Cận Bình đã luôn nhấn mạnh rằng chiến dịch chống tham nhũng mà ông khởi xướng là "một cuộc đấu tranh chính trị lớn mà không thể thua và không được để thua".

Một số nhà bình luận chỉ ra rằng sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã đi tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, thanh trừng bè phái, lập lại chính quyền và nắm quyền lực trong chính quyền. Thực ra, ông Tập không còn cách nào khác, đó là con đường không thể không đi để bảo vệ sinh mạng và quyền lực của ông ấy.

Số người bị cuốn vào nạn tham nhũng lên tới 5 triệu người khiến ngoại giới phải kinh ngạc. Con số quá lớn không chỉ bởi Trung Quốc quá đông dân, bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương quá nặng nề. Con số này dường như đang kể một câu chuyện khác, đó là chế độ độc tài, nơi đất nước không được kiểm soát bởi sự minh bạch và dân chủ thì tham nhũng sẽ trở nên tất yếu, phổ biến, ngày một trắng trợn và tồi tệ. Ẩn sau câu chuyện tham nhũng, việc 5 triệu quan chức bị “đả hổ, diệt ruồi” còn cho thấy bức tranh khốc liệt của cuộc chiến “thập diện mai phục” giữa hai phe Giang - Tập.

Dưới đây là quan điểm cá nhân của cây bút Ngô Tình Ngọc (Wu Jingyu) về các động thái tự bảo vệ mình của những kẻ phe Giang còn "sống sót".

‘Đệ tử’ phe Giang quy hàng ông Tập

Ông Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) là Ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Trong cuộc gặp hôm 10/4 với một quan chức Venezuela, ông Lý Hồng Trung liên tục nhắc đến cụm từ “Tổng Bí thư Tập Cận Bình”. Phân tích chỉ ra rằng, ông Lý đang nhân cơ hội thể hiện quan điểm chính trị và rằng ông ta sẽ tiếp tục cắt đứt quan hệ với thế lực tàn dư của phe Giang Trạch Dân, đây một đại diện điển hình của "kẻ phản phe" trong phe Giang.

Theo Vision Times, ông Lý Hồng Trung vốn được coi là một trong những nhân vật quan trọng của phe Giang. Năm 2003, ông giữ chức Phó bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng Thâm Quyến. Sau khi trở thành cấp phó của bà Hoàng Lệ Mãn (khi đó là Bí thư Thành ủy Thâm Quyến) và được nâng đỡ, ông từng bước thăng tiến tới chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc vào năm 2010. Mà bà Hoàng Lệ Mãn được coi là tình nhân của Giang Trạch Dân.

Ông Lý Hồng Trung từng là đại thư ký của ông Lý Thiết Ánh – một thân tín của Bạc Hy Lai, cho nên khi ấy ông Lý Hồng Trung cũng là vây cánh sẵn sàng đổ máu vì họ Bạc. Ông Lý còn noi gương Bạc Hy Lai khơi dậy cơn sốt “hát đỏ, đánh đen” ở Hồ Bắc. “Hát đỏ” (hát nhạc đỏ, tuyên truyền cho ĐCSTQ) và “đánh đen” (bắt giữ, xét xử các băng nhóm xã hội đen) là hai chiến dịch chính trị gây tranh cãi của Bạc Hy Lai khi còn là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; đặc biệt, chiến dịch “đánh đen” bị nghi là công cụ che mắt để tra tấn, ép cung và tiêu diệt những người bất đồng chính kiến.

Vì đi theo phe Giang Trạch Dân, ông Lý Hồng Trung đã tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Xem thêm:

Sau khi Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và những ‘con hổ’ khác bị nhốt vào lồng, tại cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hồ Bắc, ông Đỗ Đức Ấn (Du Deyin), Trưởng đoàn kiểm tra số 2 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã cáo buộc Tỉnh ủy và chính quyền Hồ Bắc “mua quan bán chức nghiêm trọng”. Ông Đỗ đặc biệt cảnh báo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Lý Hồng Trung rằng "hãy có thái độ đúng đắn và đi theo con đường đúng đắn".

Sau đó, Bí thư Lý bắt đầu đề cập đến "địa vị cốt lõi của Tập Cận Bình" trong các cuộc họp lớn nhỏ, yêu cầu các quan chức "noi theo" Tập Cận Bình. Họ trở thành nhóm quan chức địa phương đầu tiên tiếp nhận "địa vị cốt lõi của Tập Cận Bình". Sau khi Bí thư Thành ủy Thiên Tân Hoàng Hưng Quốc (Huang Xingguo) ngã ngựa, ông Lý Hồng Trung được đưa vào vị trí này, mà Thiên Tân lại là một chiến địa của phe Giang. Các nhà phân tích thời sự chính trị cho rằng, ông Lý đã được sử dụng để "chiêu hàng" các thành viên khác của phe Giang, "dùng người phe Giang mà đánh phe Giang" để thu dọn mớ hỗn độn ở Thiên Tân.

Kể từ đó, ông Lý không chỉ nhắc đến "địa vị cốt lõi của Tập Cận Bình" tại các cuộc họp mà còn thêm vào "sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình", và còn thề rằng sẽ "tuyệt đối trung thành" với chính quyền, không làm "người hai mặt", không làm "cỏ bám tường", v.v. Ông Lý Hồng Trung được coi là nhân vật đại diện cho sự "quy hàng" của phe Giang ở cấp địa phương.

Trong 10 năm ông Tập Cận Bình “đả hổ”, có không ít quan chức địa phương vốn theo phe Giang quay đầu quy hàng phe Tập. Trước việc ông Lý Hồng Trung được thăng chức lên cấp phó nhà nước, cũng như việc ông ta xu nịnh “địa vị cốt lõi của Tập Cận Bình” khi thấy ông Tập đã nắm toàn bộ quyền lực của đảng, chính phủ và quân đội, có vẻ như phe Giang thực sự không còn chiêu trò nào nữa.

Các kênh truyền thông phe Giang quay lại ‘cắn’ Giang

ĐCSTQ đã cải cách cơ cấu khi thành lập Văn phòng Công tác Trung ương ở Hong Kong và Ma Cao. Tờ Hong Kong 01, vốn là lực lượng tuyên truyền và thâm nhập quan trọng ở Hong Kong của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, cũng có bài viết về vấn đề trên và nói rằng “Hong Kong phải đặt ĐCSTQ vào mắt”.

Bài viết chỉ trích gay gắt "lý giải sai lệch" về Hong Kong dưới thời “chính quyền trung ương” do Giang Trạch Dân lãnh đạo.

Bài báo viết: “Chính quyền trung ương trong lịch sử có hai nhận thức thụ động về các vấn đề Hong Kong và Ma Cao. Thứ nhất là hiểu sai vai trò chủ động và tích cực của ĐCSTQ trong các vấn đề Hong Kong. Lý do bề mặt là quá nhấn mạnh vào tính nhị nguyên của ‘hai chế độ’, lý do thâm sâu là không đủ tự tin … quá mê tín vào tính ưu việt của Hong Kong, thậm chí là có tâm lý hèn nhát, nên đã đưa ra nhận định ‘nước giếng không phạm nước sông’. Sau Đại hội 18, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo đã … có nhận thức mới từ góc độ lịch sử, sửa chữa những bất cập trong quá khứ và làm ngay chính mối quan hệ giữa ĐCSTQ với Trung Quốc và thế giới”.

Hong Kong từng là địa bàn của em trai ông Tăng Khánh Hồng là Tăng Khánh Hoài. Ông Tăng Khánh Hồng nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, được ngoại giới biết đến là nhân vật số 2 của phe Giang.

Sau năm 2003, Tăng Khánh Hồng trở thành người đứng đầu Nhóm điều phối công việc Hong Kong và Ma Cao của Ủy ban Trung ương, ông ta đã yêu cầu em trai mình thành lập một tổ chức gián điệp ở Hong Kong và sử dụng chúng để làm cho Hong Kong càng hỗn loạn càng tốt. Mục tiêu của họ là làm Hong Kong hỗn loạn vượt ngoài tầm kiểm soát, buộc ông Tập Cận Bình phải điều quân trấn áp, lặp lại vụ “Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989" ở Hong Kong, rồi nhân cơ hội phế truất ông Tập. Trong các cuộc biểu tình chống dẫn độ ở Hong Kong năm 2019, các cuộc biểu tình của công chúng đã lên đến đỉnh điểm, nhưng đến cuối cùng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình đã không cử quân đội đến trấn áp. Điều này khiến Giang - Tăng rất thất vọng.

Vậy ai là người đưa ra nhận định “nước giếng không phạm nước sông” ở Hong Kong?

Là do Giang Trạch Dân nói ra sau "ngày 4/6/1989”, và kể từ đó nó đã liên tục xuất hiện trên các bài viết do cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ phát hành.

Vào ngày 10/11/2019, một tờ báo khác ở hải ngoại do phe Giang hậu thuẫn là Duowei News cũng đăng tải một bài xã luận chỉ trích "chính quyền trung ương thời Giang Trạch Dân đã có nhận định sai lầm nhất định về 'một quốc gia, hai chế độ' khi giải thích ‘hai chế độ’ thành mối quan hệ giữa ‘nước giếng’ và ‘nước sống’".

Bài viết này có tiêu đề: Hong Kong phải ‘kiên trì và củng cố những gì, cải thiện và phát triển những gì’.

Trong đó còn viết: “Nhận thức ‘nước giếng không phạm nước sông’ không chỉ khiến hai nơi chia rẽ mạnh mẽ, mà còn làm gia tăng căng thẳng giữa ‘hai chế độ’ và làm lu mờ tiền đề 'một quốc gia'. Trong tình hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ tiêu cực ấy, Trung ương đã không can thiệp vào Hong Kong, Hong Kong cũng coi bất kỳ hành vi quản trị nào của Trung ương là can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong. Tình hình này nhất định phải thay đổi".

Trước khí thế đả hổ rừng rực của ông Tập Cận Bình, các kênh truyền thông vốn theo phe Giang đã liên tục trở mặt, tất nhiên là để bày tỏ thành ý quy hàng. Đặc biệt là sau khi Giang Trạch Dân xuống địa ngục gặp Karl Marx vào cuối tháng 11 năm ngoái, tàn dư phe Giang đã lần lượt hạ vũ khí, rất nhiều người đã được chiêu hàng. Nó tương ứng với một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc: cây đổ bầy khỉ tan. Vì lợi ích mà hợp mà tan, tranh quyền đoạt lợi, cũng là đang diễn một màn “Hồng Lâu Mộng” mà thôi.

Điều thú vị là bài viết “Hong Kong phải đặt ĐCSTQ vào mắt” trên tờ Hong Kong 01 còn hết lời ca ngợi ông Tập Cận Bình, như nói rằng ông đã “sửa chữa những bất cập trong quá khứ và làm ngay chính mối quan hệ”. ‘Quá khứ’ ở đây là chỉ Giang Trạch Dân, còn ‘những bất cập’ là cách quản lý và điều hành sai lầm ở Hong Kong. Tuy nhiên, bài báo lại phân biệt rõ Trung Quốc với ĐCSTQ, không rõ là đang cố ý ‘xiên xỏ’ ai.

ĐCSTQ là một đám ô hợp, vì quyền thế, lợi lộc mà tụ lại cùng nhau. Còn những cái gọi là lý tưởng, chủ nghĩa, tư tưởng, học thuyết... đều là những thứ dối trá lừa bịp, dùng để lừa dối nhân dân và duy trì quyền lợi cho ĐCSTQ. Đặc biệt là phe Giang, vào thời khắc quan trọng thì chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, vong ơn bội nghĩa, hai mặt, đâm sau lưng… Các cuộc vận động liên miên trong lịch sử của ĐCSTQ đã hủy diệt một cách có hệ thống trụ cột văn hóa và tinh thần của người dân Trung Quốc, khiến các thế hệ sau ngày càng quên mất cội nguồn, mất đi nền tảng đạo đức và tin theo hết thảy những gì được ĐCSTQ tuyên truyền và nhồi nhét.

“Không phủ xanh đồi trọc, nước sẽ chảy về Đông”. Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, cuối cùng hết thảy những thứ dơ bẩn, xấu xa, tà ác v.v. sẽ lộ trước bàn dân thiên hạ và bị đào thải. Hiện giờ phe Giang còn có bao nhiêu người đang ở trên sân khấu? Nếu họ đều bị rút khỏi vũ đài, lịch sử Trung Quốc sẽ ra sao?

Đông Phương



BÀI CHỌN LỌC

Cây đổ bầy khỉ tan: Đệ tử phe Giang Trạch Dân đã 'phản phe’ và 'quy hàng'