CEO TikTok né tránh câu hỏi: Chính quyền Bắc Kinh có đang bức hại người Duy Ngô Nhĩ không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

CEO TikTok Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) khẳng định ứng dụng của ông cho phép người dùng “tự do bình luận” về vấn đề nhân quyền “nhạy cảm” ở Trung Quốc, nhưng lại tránh né việc đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề này.

Trong phiên điều trần hôm 23/3/2023, Hạ nghị sĩ Debbie Lesko đã hỏi ý kiến của ông Châu Thụ Tư về việc “Chính quyền Trung Quốc bức hại người Duy Ngô Nhĩ". Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Châu đã nói:

“Thưa bà nghị sĩ, nếu bà sử dụng nền tảng của chúng tôi, bà sẽ thấy người dùng được tự do đăng tải rất nhiều loại nội dung khác nhau trên đó".

Nữ hạ nghị sĩ bang Arizona tỏ vẻ không mấy hài lòng với câu trả lời của ông Châu. “Đó không phải câu hỏi của tôi. Câu hỏi của tôi là, ông có đồng tình rằng chính quyền Trung Quốc đang bức hại người Duy Ngô Nhĩ hay không?”.

“Tôi cảm thấy vấn đề nhân quyền không liên quan lắm. Mục đích tôi đến đây ngày hôm nay là để trình bày những thông tin liên quan đến nền tảng TikTok…”, ông Châu đáp.

Bà Lesko đã ngắt lời ông Châu và cáo buộc ông Châu “cố tình né tránh câu hỏi”.

Epoch Times Photo
Dân biểu Debbie Lesko chất vấn các nhân chứng tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện ở Washington vào ngày 10/6/2020. (Greg Nash-Pool/Getty Images)

“Tôi thấy câu hỏi của tôi không có gì khó hiểu cả", bà Lesko nói, đồng thời nhắc lại câu hỏi của bà một lần nữa.

Tuy nhiên ông Châu vẫn tiếp tục né tránh và nói: “Nền tảng TikTok của chúng tôi cho phép người dùng được tự do bình luận về bất kỳ chủ đề nhạy cảm nào, kể cả là vấn đề nhân quyền hay các vấn đề khác ở Hoa Kỳ”.

Cuộc vấn đáp diễn ra tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện. Tại đây, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã chỉ trích chính sách bảo mật người dùng của TikTok là “lỏng lẻo” và cho rằng ông Châu có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc.

Ngồi đằng sau ông Châu là ông Michael Beckerman, Phó chủ tịch TikTok , đồng thời là Trưởng bộ phận Chính sách công của TikTok chi nhánh châu Mỹ. Trong một buổi phỏng vấn với đài CNN vào hồi tháng 12/2022, ông Beckerman liên tục từ chối nhắc đến vấn đề chính quyền Bắc Kinh bức hại người Duy Ngô Nhĩ. Ông Châu cho hay, ông Beckerman cũng là một trong những người đã giúp ông Châu chuẩn bị cho phiên điều trần này.

Tiktok Ceo Shou Zi Chew Testifies At U S House Hearing
Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư (trái) nói chuyện với Phó chủ tịch TikTok Michael Beckerman (giữa) vào giờ giải lao trong phần điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn House trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 23/3/2023. (Chip Somodevilla/Getty Images)

Trong khi miễn cưỡng xác nhận công ty mẹ của TikTok có trụ sở ở Trung Quốc, ông Châu thừa nhận rằng máy chủ ở nước ngoài của TikTok đang tồn tại một số thông tin cần phải xóa. Công tác xoá bỏ những thông tin này sẽ được TikTok hoàn thành trong năm nay.

Ngoài ra, TikTok cũng đang phải đối mặt với lệnh cấm từ các quốc gia khác. Hôm 23/3, Quốc Hội Anh đã tuyên bố sẽ cấm TikTok trên các thiết bị công. Trước đó, Bỉ, Canada, New Zealand và cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

Tuy ông Châu nói rằng công ty của ông là độc lập và không có liên hệ gì đến chính quyền Trung Quốc, có rất ít đại biểu trong phiên điều trần tin lời ông.

Dân biểu Kelly Armstrong, đồng thời là phó chủ tịch ủy ban phiên điều trần, lập luận rằng, việc ông Châu tránh né những câu hỏi liên quan đến việc bức hại người Duy Ngô Nhĩ đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa ông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Nếu một ngày nọ khi ĐCSTQ yêu cầu tập đoàn ByteDance giao nộp tất cả thông tin người dùng ở Mỹ mà Bytedance dám từ chối, thì không biết tương lai của tập đoàn này sẽ đi về đâu. Không biết ông Jack Ma có ý kiến gì về chuyện này không nhỉ?”, ông Armstrong bày tỏ thắc mắc.

Nhắc đến ông Jack Ma, ông Armstrong muốn ám chỉ đến sự kiện “vạ miệng” năm 2020 của ông Ma và đã bị ĐCSTQ xử lý. Ông Jack Ma là nhà sáng lập của “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương ma điện tử Alibaba. Vào năm 2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2, ông Jack Ma đã lên tiếng chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ". Nhưng cái giá phải trả cho những phát biểu đó lại quá đắt.

Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã triển khai rất nhiều chiến dịch nhằm hạ thấp uy tín của sàn thương mại điện tử Alibaba, khiến thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant Group (công ty công nghệ tài chính thuộc tập đoàn Alibaba) “bốc hơi". Còn ông Jack Ma thì đã đánh mất vị thế của mình và đã gần như biến mất khỏi truyền thông từ sau vụ việc này.

Bà Lesko chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng câu trả lời của ông Châu khiến bà “bàng hoàng”.

“Câu hỏi của tôi rất là đơn giản. Tôi chỉ hỏi xem liệu ông ấy có nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc đang bức hại người Duy Ngô Nhĩ hay không. Ông ấy chỉ việc trả lời ‘có’ hoặc ‘không'. Nhưng ông ấy lại liên tục tránh né trả lời thẳng vào vấn đề. Rõ ràng ông Châu, và cả TikTok, đang bị chính phủ Trung Quốc thao túng. TikTok đang gây ra những mối hiểm họa an ninh khôn lường cho đất nước và con em chúng ta”, trích lời bà Lesko.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Eva Fu là một ký giả tại New York của The Epoch Times chuyên viết về chính trị Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ - Trung, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với Eva Fu tại [email protected]



BÀI CHỌN LỌC

CEO TikTok né tránh câu hỏi: Chính quyền Bắc Kinh có đang bức hại người Duy Ngô Nhĩ không?