Châu Âu cảnh báo VĐV Olympic: Không ăn 'thịt Trung Quốc', không mang điện thoại cá nhân đến Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (11/1), truyền thông Hà Lan đưa tin, các vận động viên Hà Lan tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng tới được yêu cầu không mang theo điện thoại di động và máy tính xách tay để ngăn chặn hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Trong khi đó, Cơ quan Chống Doping Quốc gia của Đức (NADA) cũng cảnh báo các vận động viên không nên ăn thịt Trung Quốc, vì có thể dẫn đến nguy cơ dương tính với doping.

The Epoch Times đưa tin, trước các nguy cơ về an toàn cá nhân, cả Hà Lan và Đức đều đưa ra cảnh báo với các vận động viên nước mình khi tham dự Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh được tổ chức vào tháng 2/2022.

Hà Lan cảnh báo không mang thiết bị điện tử cá nhân vào Trung Quốc

Tờ De Volkskrant đưa tin hôm thứ Ba (11/1) rằng, Ủy ban Olympic Hà Lan (NOCNSF) đã khẩn cấp khuyến cáo các vận động viên và các nhân viên theo đoàn không nên mang theo bất kỳ thiết bị cá nhân nào đến Trung Quốc. Đây là một phần trong loạt biện pháp do Ủy ban Olympic Hà Lan đưa ra, nhằm đối phó với bất kỳ khả năng phá hoại nào đến từ các đặc vụ Trung Quốc. Đây là một động thái chưa từng có của nước này.

Người phát ngôn của NOCNSF Geert Slot cho biết, đây là một phần trong đánh giá rủi ro về chuyến đi đến Trung Quốc của vận động viên Hà Lan, bao gồm an ninh mạng địa phương. Nhưng ông từ chối bình luận về bất kỳ biện pháp cụ thể nào.

"Tất nhiên, tầm quan trọng của an ninh mạng ngày càng rõ ràng trong những năm qua", ông Slot nói, "nhưng Trung Quốc đã phong tỏa hoàn toàn Internet, và đây là một trường hợp đặc biệt".

Nguồn tin nói với De Volkskrant rằng các thành viên của đội Hà Lan sẽ được trang bị các thiết bị chưa từng được sử dụng trong thời gian ở Trung Quốc. Nhờ đó, dữ liệu cá nhân của họ sẽ được bảo vệ và không chịu sự giám sát của chính quyền Trung Quốc.

Dự kiến có ít nhất 30 vận động viên Hà Lan ​​sẽ tranh tài tại Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng tới, chủ yếu ở môn trượt băng tốc độ đường ngắn.

Đức cảnh báo không ăn thịt Trung Quốc

Trước đó, hôm thứ Hai (10/1), Cơ quan Chống Doping Quốc gia của Đức (NADA) đã cảnh báo, các vận động viên đến Bắc Kinh tham dự Olympic Mùa đông vào tháng tới không nên ăn các loại thịt của Trung Quốc để tránh vi phạm các quy định liên quan đến doping.

Cơ quan này lo ngại rằng, sau khi ăn các sản phẩm thịt sản xuất tại Trung Quốc, các vận động viên có thể sẽ có kết quả dương tính với Clenbuterol, hay còn gọi là chất tạo nạc.

AFP đưa tin, tổ chức chống doping từ lâu đã đề cập đến nguy cơ ô nhiễm "Clenbuterol" đối với thịt do Trung Quốc sản xuất, nhưng đã không thu hút được sự chú ý của thế giới.

Người trong cuộc tiết lộ về trung tâm phân phối thịt cừu ở miền Bắc Trung Quốc

Theo Vision Times, trên thực tế, Trung Quốc tồn tại rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Trong đó "thịt cừu siêu nạc" ở tỉnh Hà Bắc là điển hình nhất.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng từng đưa tin rằng, khu vực chăn nuôi cừu ở huyện Thanh, thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, có sản lượng hàng năm lên tới 700.000 con. Đây là một trung tâm cung cấp thịt cừu tương đối quan trọng ở miền Bắc Trung Quốc và có lợi thế nhất định trong việc cung cấp thịt cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ở đây có những tụ điểm giao dịch “rửa cừu" bất hợp pháp. Rất nhiều thương lái và xe tải trao đổi mua bán "thịt cừu không rõ nguồn gốc” từ huyện Thanh của tỉnh Hà Bắc.

Một số người chăn cừu, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và người dắt mối thịt cừu ở địa phương từng tiết lộ rằng, “những con cừu được nuôi ở đây không tốt, chúng đều được nuôi bằng chất tạo nạc”. Họ cho biết, những người chăn nuôi địa phương không chỉ dùng lượng lớn Clenbuterol, mà còn dùng các chất tạo nạc khác như Ractopamine, Salbutamol, những loại độc hại gấp hàng nghìn lần.

Vấn đề này vẫn luôn tồn tại ở Trung Quốc suốt 20 năm qua. Ví dụ, năm 2006, thịt lợn chứa chất tạo nạc Clenbuterol sản xuất ở Chiết Giang đã khiến hơn 300 người ở Thượng Hải bị ngộ độc và nhập viện; năm 2009, hơn 70 người tiêu dùng ở Quảng Châu phải nhập viện điều trị khẩn cấp do vấn đề chất tạo nạc trong thịt lợn.

Theo nhà chăn nuôi, “Thông thường, thuốc sẽ được trộn vào thức ăn trước khi giết mổ một tháng”. Khi sắp giao hàng, người ta sẽ áp dụng hai phương pháp để tránh bị phát hiện: Một là trộn một vài con “cừu sạch” không ăn chất tạo nạc vào trong xe vận chuyển để đối phó với quá trình kiểm nghiệm thịt; Một cách khác là bán cừu cho những lò mổ quen ở địa phương, sau đó những con cừu này sẽ được đưa tới sân giao dịch ở tỉnh khác, như Hà Nam, trong tình trạng không có hồ sơ ghi lưu và giám sát.

Những người chăn cừu nói thẳng rằng, nuôi cừu bằng chất tạo nạc kiếm được nhiều tiền hơn. "Đối với một con cừu ăn thuốc, thịt của nó có thể được bán với giá cao hơn 50 hoặc 60 nhân dân tệ (khoảng 180.000 - 220.000 VNĐ). Nhân lên 1.000 con cừu thì được bao nhiêu? Hay 700.000 con cừu trên toàn huyện thì sao?”.

Sử dụng Clenbuterol bất hợp pháp trong chăn nuôi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì vậy không thể tránh khỏi việc thế giới bên ngoài đặt câu hỏi và lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Đông Phương



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu cảnh báo VĐV Olympic: Không ăn 'thịt Trung Quốc', không mang điện thoại cá nhân đến Trung Quốc