Chế độ Bắc Kinh không bao giờ thay đổi: Ông Tập đang học Mao trong ‘xử lý’ cách mạng giấy trắng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bình luận về trận lụt ở Hà Nam, học giả Trần Phá Không nói rằng nếu có thiên tai thì dân Trung Quốc phải tự cứu mình, còn nếu có người biểu tình thì chế độ Bắc Kinh sẽ lập tức trấn áp. Cuộc cách mạng giấy trắng thời Tập đang có nhiều nét tương đồng với ‘dụ rắn ra khỏi hang' thời Mao. Khi mục tiêu hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh không phải là cứu người mà là đàn áp người, người dân Trung Quốc có thể hy vọng gì mà chưa thức tỉnh?

Giấu dịch bất chấp mạng sống người Trung Quốc và cư dân toàn cầu

Cuối năm 2019, dịch bệnh COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán. Trong suốt khoảng thời gian ấy, Trung Quốc đã giấu dịch, không dám thông báo cho toàn thế giới biết về sự lây lan của dịch bệnh.

Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng là một trong nhóm bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán, nhận biết sớm dịch bệnh. Nhóm bác sĩ này đã chia sẻ các bài viết trên mạng xã hội Weibo để cảnh báo người dân về chủng virus corona mới xuất hiện đã gây ra bệnh COVID-19 đang lây lan rất nhanh tại Vũ Hán từ tháng 12/2019.

Tuy nhiên, cảnh sát địa phương đã mời bác sĩ về đồn làm việc, cáo buộc ông “tung tin đồn thất thiệt”. Cảnh sát cũng yêu cầu ông ký tên vào giấy cam kết và hứa sẽ “không có hành động vi phạm pháp luật” nào nữa.

Đến ngày 07/02/2020, bác sĩ tử vong do nhiễm bệnh COVID-19 chủng mới. Lúc đó, bác sĩ Lý bị lây nhiễm từ bệnh nhân và không thể qua khỏi. Cái chết của bác sĩ Lý khiến nhiều người dân Trung Quốc đau xót và họ đã bày tỏ sự tức giận trên Weibo, đồng thời chỉ trích giới chức Vũ Hán xử lý trì trệ dịch bệnh lúc mới bùng phát và cố che đậy thông tin.

Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, ngay sau đó, chính phủ trung ương đã mở cuộc điều tra và đến ngày 19/3/2020, họ đã đưa ra kết luận cảnh sát Vũ Hán "đã hành động không đúng mực khi đưa ra văn bản kỷ luật" bác sĩ Lý và đã “thực thi pháp luật một cách bất thường".

Trong một thông báo khác, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố việc kỷ luật bác sĩ Lý là "sai" và gửi lời xin lỗi đến gia đình bác sĩ. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng từ một kẻ lừa dối, bịa đặt trở thành một người đáng kính, không tiếc thân mình để cho mọi người biết sự thật. Nhưng bác sĩ đã chết rồi thì trả vinh quang lại cho ai?

"[Sau này] chúng tôi phải nói thế nào với đứa bé đây? Cha con đâu rồi? Con nó tìm cha thì phải làm sao? Sau này chúng tôi biết sống sao đây? Nước mắt tôi sắp cạn rồi. Phải cho chúng tôi một lời giải thích", mẹ của bác sĩ khóc thương con trai vừa mới qua đời. Vào lúc đó, bác sĩ có một đứa con 5 tuổi và đứa thứ 2 đang ở trong bụng mẹ.

Để xoa dịu cơn giận của người dân, thay vì thừa nhận trách nhiệm, Chính phủ trung ương Trung Quốc lại tìm cách né tránh xác nhận nguồn gốc của COVID-19. Ban đầu là sa thải các quan chức Vũ Hán và đổ lỗi cho họ vô trách nhiệm khiến SARS-CoV-2 lan rộng. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại công khai ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 có nguồn gốc từ Mỹ.

Cùng năm đó, tháng 08/2020, ba Hoa Xuân Oánh được đề cử tuyên dương quốc gia vì đã góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 với tư cách là một đảng viên xuất sắc, theo tờ báo của chính quyền Trung Quốc viết.

Dù bà Oánh không ra tuyến đầu chống dịch, tờ 'Thời báo Hoàn cầu' lại miêu tả bà như một anh hùng chống lại 'virus chính trị' nước ngoài.

"Bà ấy đã chiến đấu không mệt mỏi trong các cuộc họp báo để bác bỏ các nỗ lực vu khống và bôi nhọ các nỗ lực chống dịch của Trung Quốc. Những điều đó khiến bà ấy xứng đáng được đề cử".

"Cư dân mạng Trung Quốc rõ ràng hiểu vai trò của người phát ngôn Bộ Ngoại giao là rất quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, bởi nó liên quan đến việc sửa chữa thông tin sai lệch và duy trì hình ảnh quốc gia", Thời Báo Hoàn Cầu khẳng định.

Thời Báo Hoàn Cầu là cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ, điều này đồng nghĩa với việc ĐCSTQ tung một tin đồn virus COVID-19 có nguồn gốc từ Mỹ để đánh lạc hướng suy nghĩ của người dân khỏi oán trách, nhằm chối bỏ trách nhiệm về việc giấu dịch và gây thiệt hại về tính mạng cho người dân.

Chúng ta đã biết, ngày 20/7/1999, ông Giang Trạch Dân tuyên bố phải ‘chiến thắng’ Pháp Luân Công, dùng quyền lực để đối phó với những người tu luyện chiểu theo giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn. Vào đúng lúc đó, ông Giang Trạch Dân và ĐCSTQ đã đặt mình vào vị trí đối lập với Chân – Thiện – Nhẫn. Ngược với Chân là Giả dối. Ngược với Thiện là Tà ác. Đối lập với Nhẫn là Thù hận, Hung tàn.

Nguyên lý phổ quát của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công là Chân – Thiện – Nhẫn. Nếu ai ai trong xã hội cũng nói lời Chân (lời thành thật), liệu chế độ Bắc Kinh có thể che giấu dịch bệnh không? Lý do thật sự của việc chế độ Bắc Kinh có thể che giấu dịch bệnh là bởi vì trong hệ thống đó có nhiều người biết nhưng không dám nói sự thật. Nếu chế độ Bắc Kinh không che giấu dịch bệnh, số người chết vì COVID-19 không chỉ riêng Trung Quốc mà cả trên toàn thế giới có thể giảm xuống rất nhiều.

Với bản chất bất Chân, bất Thiện và bất Nhẫn, không chỉ người dân Trung Quốc bất an mà cả thế giới cũng bất an.Trước đây là bài học về dịch SARS năm 2003, đến bây giờ là đại dịch COVID-19, có ai có thể chắc chắn được sau này, nếu một thảm họa tương tự xảy ra, chế độ Bắc Kinh có làm bùng phát thêm một lần đại dịch nữa? Và hậu quả lần tiếp theo sẽ như thế nào?

Lụt Hà Nam, đám cháy chung cư ở Tân Cương: Mạng người là thứ mà Trung Quốc không quan tâm

Câu chuyện trận lũ ở Hà Nam đã một lần nữa cho thấy bản chất thật của chế độ Bắc Kinh. Những thiệt hại về người và của do chế độ Bắc Kinh gây ra là bởi vì nó đi ngược lại giá trị phổ quát của nhân loại. Mà ở đây thể hiện rõ ra là bất Chân, bất Thiện và bất Nhẫn.

Khi trận đại hồng thủy xảy ra ở Hà Nam, không có vị thường ủy nào dám ra tuyến đầu. Không biết có phải vì họ sợ hay không, nhưng lúc đó, ông Tập bận rộn đi thăm Tây Tạng mà không hiểu vì sao lại cấp bách đến thế. Thủ tướng khi ấy là ông Lý Khắc Cường cũng không dám đi vì sợ chiếm trọn ánh đèn sân khấu của ông Tập, mặc dù năm 2019, ông rất xông xáo với tình hình lụt bão trên toàn quốc. Còn ông Vương Hỗ Ninh thì đang nhàn nhã đi xem vở kịch ‘Đứa con gái của đảng’ do phu nhân ông Tập là bà Bành Lệ Viện làm Giám đốc nghệ thuật.

Giữa trận mưa ‘nghìn năm có một’, trong lúc nước lênh láng không phân biệt nguồn gốc là nước mưa hay nước bị xả từ các hồ thuỷ điện, cơ quan quản lý hồ chứa ở Trịnh Châu lại bất ngờ xả lũ mà không thông báo, nhằm đổ tai hoạ do ông Trời, dẫn đến thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5, hầm đường bộ Kinh Quảng và những thảm hoạ cục bộ khác nữa.

Để lót đường và biện bạch cho những sự kiện kể trên, trước đó, cơ quan truyền thông chế độ Bắc Kinh thay vì đưa tin về tình hình mưa lũ ở Trịnh Châu để người dân phòng tránh, họ lại cật lực đưa tin về trận lũ ở Đức.

Bắc Kinh rêu rao rằng ‘thể chế dân chủ của Đức là điển hình cho việc quản lý quốc gia thất bại, thiếu hiệu quả’ v.v. Hồ Tích Tiến – tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, đã thay lời cho chế độ nói rằng ‘Lũ lụt ở Đức là vấn đề quản lý, còn lũ lụt ở Trịnh Châu là vấn đề thời tiết’…

Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, đây không phải là do chế độ Bắc Kinh, đây là vấn đề thời tiết, là thiên tai, điều không nằm trong quyền kiểm soát của con người. Lập luận của chế độ lại lần nữa phơi bày thói đạo đức giả.

Tương tự như trong vụ cháy tòa chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, thành phố Tân Cương, sau gần 3 tiếng đồng hồ lửa cháy, ngọn lửa mới được dập tắt. Tất cả những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện điều trị do hít phải khói độc, 10 nạn nhân đã tử vong sau khi được giải cứu và 9 người bị tổn thương phổi nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo, sinh viên trường đại học biểu tình phản đối, cách mạng giấy trắng, Đảng đối lập muốn chính phủ Canada lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đàn áp người biểu tình
Người biểu tình đặt hoa trước lãnh sự quán Trung Quốc để bày tỏ lòng tiếc thương với những nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy chung cư ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề của Tân Cương, tại Toronto, Canada, ngày 27/11/2022. (Ảnh: Michelle Hu/The Epoch Times)

Không hiểu lúc đó cơ quan chính quyền ở đâu mà không xuất hiện. Điều kỳ lạ là ở Trung Quốc có hệ thống camera giám sát gồm 600-700 triệu cái (trung bình cứ 2 người có 1 camera giám sát). Điều này có nghĩa là không gì có thể nằm ngoài quyền kiểm soát của ĐCSTQ. Vậy mà họ không biết có đám cháy.

Vậy lý do chân thật đằng sau câu chuyện giữa những thiên tai, nhân họa, chính quyền Trung Quốc từ từ chậm rãi đến cứu dân là do đâu?

Tính ưu việt của chế độ Bắc Kinh: Lãnh đạo không thể sai

Trong Viễn kiến khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 24/6, học giả Đường Tĩnh Viễn đã nhận định lý do vì sao ông Tập đến Tây Tạng vào thời điểm dân Hà Nam nguy khốn.

Lý do khiến Tập Cận Bình không đến vùng thiên tai, bởi vì ông ấy không muốn chứng minh thảm hoạ ở Hà Nam là do lãnh đạo của chính quyền. Bởi vì điểm này liên quan đến tính ưu việt của hệ thống ĐCSTQ mà ông Tập đang cố gắng tuyên truyền trên trường quốc tế”.

Từ trước đến nay, Trung Quốc là cường quốc thứ 2 về kinh tế trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc dùng thế mạnh này để cạnh tranh quyền phát biểu trên thế giới, đồng thời phê phán thể chế dân chủ của các nước tư bản phương Tây như thể chế dân chủ của Đức là điển hình cho việc quản lý quốc gia thất bại, thiếu hiệu quả’.

Đây cũng chính là lý do và niềm tự hào của các tiểu phấn hồng để tích cực bênh vực cho chế độ Bắc Kinh trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, đằng sau quân bài mặc cả này là vô số điều giả dối và những oan hồn chịu tội. Những sinh mệnh bị chết trong cơn lụt lịch sử ‘nghìn năm có một’ ở Hà Nam chỉ là vật hy sinh cho tính ưu việt của thể chế ĐCSTQ.

Do vậy, số lượng người chết không thể quá nhiều và lãnh đạo quốc gia cũng không thể bận tâm quá nhiều đến cơn lụt ở cục bộ địa phương Hà Nam được.

Bởi lẽ đó, quân đội chỉ đến khi đã quá muộn. Họ còn ra lệnh giới nghiêm, phong toả 2 đầu. Con số thật về nạn nhân tử vong trong đường hầm ở Hà Nam trở thành bí mật quốc gia, là điều mà người dân Trung Quốc không được đề cập đến. Học giả Đường Tĩnh Viễn có nhận định rằng “có lẽ con số thương vong sẽ vĩnh viễn là bí mật lịch sử”.

Thuốc độc không thể không độc

Sau vụ cháy tòa chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, người dân Trung Quốc đã không chịu nổi trước những biện pháp cực đoan trong chính sách Zero-COVID nữa mà bắt đầu đứng lên biểu tình. Các cuộc biểu tình lan ra từ thành phố này sang thành phố khác và dường như trên toàn quốc. Người Trung Quốc thậm chí không thèm viết biểu ngữ như vô số cuộc biểu tình khác, họ chỉ cần giơ giấy trắng. Có lẽ, do tội lỗi của chính quyền quá nhiều, liệt kê tội lỗi, mắng gì trên tờ giấy trắng ấy cũng đều đúng cả nên người Trung Quốc thức tỉnh để giấy trắng cho thuận tiện chăng?

Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, người đầu tiên của phong trào này được cho là cô Lý Khang Mộng, nữ sinh Học viện Truyền thông Nam Kinh. Ngày 30/11, cô bị cảnh sát bắt giữ vì cầm một tờ giấy trắng để phản đối chính sách phong tỏa cực đoan của ĐCSTQ. Sau đó, cô bị mất liên lạc.

Học giả Trần Phá Không đã chia sẻ một cách ‘thực tế’ rằng, nếu có thiên tai thì dân tự cứu, còn nếu có người biểu tình thì ĐCSTQ sẽ phái người đến trấn áp ngay.

Câu nói này đến nay đã thể hiện đúng giá trị của nó.

Theo video ở trên, sau khi đứng một lúc, có người đã lấy tờ giấy trên tay cô. Nhưng cô vẫn giữ nguyên tư thế cũ, điều này đã thể hiện sự quyết tâm và ý chí kiên định của cô. Việc cô đứng yên bất động như vậy đã truyền cảm hứng cho mọi người.

Sau đó, có một số sinh viên cũng đưa tờ giấy trắng ví dụ như một sinh viên ở trường đại học Nông Lâm Phúc Kiến, Tần Siêu, Cảnh Tuyết Cầm, Trần Giai Lâm, Kim Gia Vĩ, và rất nhiều người khác tham gia vào các cuộc biểu tình đã lần lượt bị bắt và mất liên lạc.

Trong đoạn tweet viết rằng: “Ngày 27/11, trên đường Ô Lỗ Mộc Tề ở Thượng Hải, sau khi người dân hô khẩu hiệu thì cảnh sát bắt đầu bắt người.

Trong đoạn tweet viết rằng: Video hiện trường đều là bằng chứng, lần lượt từng người một bị trừng trị giam giữ [vì tham gia biểu tình].”

Dường như hệ thống camera giám sát gồm 600-700 triệu máy có khả năng nhận diện khuôn mặt được sử dụng trong tình huống này, dùng để nhận dạng người nào tham gia vào các cuộc biểu tình.

Gần đây, trong cuộc biểu tình ở Thành Đô, một người phụ nữ đã thể hiện sự tức giận của mình bằng cách nói to và rõ cho mọi người ở xung quanh được biết.

Trong đó, người phụ nữ đặt câu hỏi rằng: ĐCSTQ có phải là xã hội đen không? Chính phủ luôn nói rằng người dân có quyền biểu tình và quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên, trong đại dịch COVID vừa xảy ra gần đây, cô nhận ra rằng người dân không có quyền ấy.

Khi cô chia sẻ các thông tin về biểu tình trên mạng thì bạn bè, người thân của cô đều nhắn tin nhắc nhở cô đừng lan truyền vì sẽ khiến cô ở tù vài năm. Bao lâu nay, những chủ đề nhắn tin của cô và mọi người phải là những chủ đề không nhạy cảm với chính trị. Nếu có thì phải đối mặt với những cảnh báo hoặc giam giữ. Bình luận về chính quyền, người Trung Quốc chỉ được nói duy nhất: TỐT!TỐT!TỐT!

Mỗi lần có sự kiện lớn trong nước hoặc khi người dân đau khổ thì tin đồn về giải trí lại tràn lan trên mạng, như các vụ bê bối của Lưu Diệc Phàm. Những sự việc như thế là để khỏa lấp đi những sự kiện nhạy cảm kia.

Xung quanh cô là những người giơ cao tờ giấy trắng để biểu tình phản đối chính sách phong tỏa cực đoan của chế độ Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong đưa tin vào ngày 2/12/2022 rằng, vào ngày 1/12/2022, ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trong hơn ba giờ đồng hồ với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, và đề cập đến "Phong trào Giấy trắng".

Ông Tập cho biết, lý do của cuộc biểu tình là do người dân Trung Quốc đã quá "chán nản" với dịch bệnh trong ba năm qua, và lực lượng chính của cuộc biểu tình là học sinh, sinh viên và thanh niên.

Cựu Giáo sư ĐH Bắc Kinh tiết lộ về Zero Covid và đấu đá sau cái chết của Giang Trạch Dân
Ông Tập Cận Bình phát biểu trong buổi ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa mới ở Bắc Kinh hôm 23/10/2022. (Lintao Zhang/Getty Images)

Tờ Bloomberg đưa tin, nếu tuyên bố của ông Tập Cận Bình là sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên ông công khai thừa nhận sức mạnh của virus đang suy yếu, đồng thời cho thấy chính quyền Bắc Kinh có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Dương Đại Lợi, Giáo sư chính trị học tại Đại học Chicago, Mỹ, cho rằng, các cuộc biểu tình cuối tuần trước (Phong trào Giấy trắng) đã buộc ông Tập Cận Bình phải thay đổi để nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, "Ông Tập Cận Bình đã nhận được thông tin", ông Dương Đại Lợi nói.

Mặc dù ông Tập đã nhượng bộ trước những cuộc biểu tình như trăm hoa khai nở ở Trung Quốc, những người biểu tình vẫn lần lượt biến mất. Người phụ nữ Thành Đô nhìn rõ bản chất của chế độ Bắc Kinh cũng đã biến mất.

Điều này khiến người ta liên tưởng đến của kế sách ‘Dụ rắn ra khỏi hang’ hay ‘Trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận’ của Mao Trạch Đông ngày trước.

Chế độ Bắc Kinh vẫn luôn sử dụng loại chiến thuật này trong một thời gian dài. Năm 1957, chính quyền ĐCSTQ, dưới thời Mao Trạch Đông, khuyến khích “trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận”; chiến dịch đưa ra nhằm khuyến khích trí thức Trung Quốc dốc lòng nói thật tư tưởng của họ về ĐCSTQ. ĐCSTQ khi đó hứa là sẽ không trả thù. Nhưng đó là một cú lừa lịch sử.

Vì để chứng tỏ lòng trung thành với Mao Trạch Đông, người Trung Quốc thời bấy giờ sẵn sàng phản bội tình thân quyến, tình bạn, tình cảm nam nữ để vạch rõ giai cấp, giới tuyến giữa ta và địch.
Vì để chứng tỏ lòng trung thành với Mao Trạch Đông, người Trung Quốc thời bấy giờ sẵn sàng phản bội tình thân quyến, tình bạn, tình cảm nam nữ để vạch rõ giai cấp, giới tuyến giữa ta và địch. (Epoch Times)

Những người tri thức Trung Quốc vốn đã bất mãn với chính sách cai trị khát máu, tàn bạo của chế độ Bắc Kinh, nhận thấy sự dối trá trong các lời hứa về thế giới bình đẳng, bác ái của tổ chức chính trị này; họ không ngại ngần bày tỏ quan điểm của mình; sự phê bình của họ ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Và tất cả những người dám nói thật khi đó được liệt kê vào “cánh hữu”, nhóm phản cách mạng (cánh tả). Mao sau đó đã đưa ra chiến dịch chống cánh hữu; truy bắt, tận diệt tất cả những người dám nói thật về chế độ Bắc Kinh. Ít nhất 550 nghìn người bị bắt, giết bởi chính quyền ĐCSTQ thời đó. Hầu hết họ là các trí thức bất đồng chính kiến.

Thực tế, những trí thức có tư duy độc lập đã bị ĐCSTQ nhắm tới từ trước; họ muốn loại bỏ nhóm trí thức này, họ tạo ra cái bẫy và các trí thức bất đồng chính kiến đã sa vào bẫy của chế độ Bắc Kinh.

Lần này, những người biểu tình đã đứng lên nói tiếng nói của mình và công luận cảm thấy rằng ông Tập đang lùi bước. Nhưng thực tế, những người biểu tình đang biến mất. Tất cả chúng ta đều không biết liệu ông Tập sẽ lùi bước trong bao lâu, cũng như ông ấy có thực sự lùi bước hay không? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ Bắc Kinh không bao giờ thay đổi: Ông Tập đang học Mao trong ‘xử lý’ cách mạng giấy trắng?