Chế độ Trung Quốc thâm nhập Interpol, biến lệnh truy nã đỏ thành công cụ bức hại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức nhân quyền "Safeguard Defenders" và các nhà hoạt động Hong Kong đã cùng gửi một lá thư đến Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), tuyên bố rằng tổ chức này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập nghiêm trọng. Cuộc điều tra của “Safeguard Defenders" cho thấy, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong đã nhiều lần sử dụng "lệnh truy nã đỏ" của Interpol để truy lùng và dẫn độ những người lưu vong. Từ năm 1984 đến 2005, trung bình mỗi năm Trung Quốc phát 26 lệnh truy nã đỏ thông qua Interpol. Từ năm 2005 đến năm 2014, mức trung bình là 33 lệnh. Và đến năm 2016, con số này đã tăng vọt lên 612.

Tổ chức nhân quyền “Safeguard Defenders" được thành lập năm 2016 và có trụ sở chính tại Lyon, Pháp. Tổ chức này đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào ngày 13/1 với tiêu đề "Truy lùng suốt đời – Cuộc săn lùng những người đào thoát trên toàn cầu của Hong Kong, Luật An ninh Quốc gia, và nguy cơ lạm dụng INTERPOL". Báo cáo trích dẫn các thông tin chỉ ra rằng, có "khoảng 30 người" trong số những người rời bỏ Hong Kong đang bị truy lùng theo Luật An ninh Quốc gia, và hiện chưa nắm được con số thực tế.

Báo cáo dẫn lời Chánh văn phòng Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), ông này đe dọa sẽ sử dụng "Luật An ninh Quốc gia" để "truy lùng" những người đào tẩu suốt đời. Hay vào tháng 9 năm ngoái, bà Diệp Lưu Thục Nghi (Regina Ip Lau Suk-yee) – thành viên Hội đồng Lập pháp, cựu Cục trưởng An ninh Hong Kong – đe dọa rằng, cho dù không có hiệp ước dẫn độ, thì vẫn còn công cụ truy bắt khác, có thể sử dụng Interpol để bắt giữ và trục xuất họ.

Chính quyền Trung Quốc lợi dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol

Vào ngày 15/11/2021, “Safeguard Defenders", cùng 16 cựu nghị sĩ Hong Kong, nhà hoạt động nhân quyền hoặc những người ủng hộ họ bị truy nã bởi “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”, đã gửi một bức thư ngỏ tới Interpol. Những người ký kết bao gồm ông La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung), cựu nhà lập pháp Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-fung), Mark Simon (trợ lý của ông trùm truyền thông Lê Trí Anh - Jimmy Lai), v.v. Bức thư viết, phần lớn những người này buộc phải rời khỏi Hong Kong sau khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi; Luật An ninh Quốc gia đã tạo ra các tội danh chính trị, mà "tội danh" đó chỉ là đứng ra lên tiếng bảo vệ tự do và các quyền phổ biến của con người.

"Trong một năm qua, chính quyền Hong Kong và chính quyền ĐCSTQ nói rằng họ muốn truy lùng chúng tôi, bắt giữ chúng tôi và đưa chúng tôi về Hong Kong để xét xử. Ngôn từ họ sử dụng ngày càng trở nên thù địch và khiêu khích, nhưng những điều chúng tôi đã làm chỉ là thực hiện các quyền tự do chính trị cơ bản", thư ngỏ viết. Các quan chức cấp cao của chính quyền Hong Kong, cảnh sát và các kênh truyền thông ĐCSTQ đều từng đề cập đến việc sử dụng hệ thống Interpol để giam giữ và dẫn độ những người trên, khiến họ thực sự gặp nguy hiểm.

"Chúng tôi yêu cầu Interpol bảo vệ chúng tôi, không để họ (ĐCSTQ) lạm dụng các công cụ như lệnh truy nã đỏ (Red Notice) và thông cáo loan truyền (diffusion notice) để đàn áp chính trị". Thư ngỏ nhấn mạnh rằng, hàng chục nghìn người đã phải tháo chạy khỏi Hong Kong, có rất nhiều người bị truy nã vì “tội chính trị”, và những người ký tên vào bức thư này chỉ là một phần rất nhỏ. Họ thực sự lo lắng rằng chính quyền ĐCSTQ và Hong Kong có thể đã sử dụng các công cụ của Interpol để đối phó với họ. "Nỗi sợ hãi lớn hơn là, Hong Kong và Trung Quốc đang lên kế hoạch làm điều này, điều mà họ đã công khai thừa nhận mà không kiêng dè".

Bức thư ngỏ trích dẫn ví dụ về nhà bảo vệ nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ tên là Idris Hasan, người đã bị Interpol ban hành "lệnh truy nã đỏ" vào năm 2017 theo yêu cầu của ĐCSTQ. Sau khi ông Hasan bị bắt ở Maroc vào năm ngoái, nhờ những nỗ lực từ các bên và sức ép từ dư luận quốc tế nên đã buộc Interpol phải hủy bỏ lệnh bắt giữ. Nếu không, ông Hasan có thể bị trục xuất về Trung Quốc và phải đối mặt với án tù chung thân.

Cánh tay nối dài ra hải ngoại của Luật An ninh Quốc gia, người nước ngoài cũng bị ảnh hưởng

Đồng thời, do quy định về "Quyền hạn ngoài lãnh thổ" tại Điều 38 của Luật An ninh Quốc gia, thậm chí một số người nước ngoài sống ở ngoài Hong Kong cũng bị dính vào kiện tụng. Ví dụ, các nghị sĩ Đan Mạch Uffe Elbæk và Katarina Ammitzbøl, những người đã hỗ trợ cựu nhà lập pháp Hứa Trí Phong trốn khỏi Hong Kong, đã bị cảnh sát Hong Kong (thông qua kênh Interpol) và Bộ Công an Trung Quốc yêu cầu điều tra dựa trên Hiệp ước Hỗ trợ Tư pháp Hong Kong - Đan Mạch, nhưng bị chính phủ Đan Mạch bác bỏ.

Các thành viên của Hạ viện Anh, bao gồm Nam tước David Alton, đã được chính phủ Anh cảnh báo rằng họ có nguy cơ bị giam giữ và dẫn độ đến Hong Kong nếu họ ra nước ngoài. Một số nghị sĩ Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng bị tương tự.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, tổ chức nhân quyền “Safeguard Defenders" chỉ ra rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy Interpol đã bị ĐCSTQ thâm nhập nghiêm trọng, và dần dần biến thành công cụ chính trị của chính quyền Trung Quốc để đàn áp những người lưu vong. Từ năm 1984 đến 2005, trung bình mỗi năm Trung Quốc phát 26 lệnh truy nã đỏ thông qua Interpol. Từ năm 2005 đến năm 2014, mức trung bình là 33 lệnh. Và đến năm 2016, con số này đã tăng vọt lên 612.

Năm 2016, ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, trở thành Chủ tịch Interpol đầu tiên đến từ Trung Quốc. Vào ngày 25/11/2021, bất chấp sự phản đối của các bên, ĐCSTQ đã thành công đưa ông Hồ Bân Sâm (Hu Binchen), người công tác tại Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Công an Trung Quốc, vào làm 1 trong 13 thành viên của Ủy ban điều hành Interpol. “Safeguard Defenders" chỉ ra rằng, điều này làm gia tăng khả năng Trung Quốc lạm dụng Interpol.

Interpol đã được chính quyền Trung Quốc và Hong Kong sử dụng để gây ra "mối đe dọa ngày càng tăng" đối với các nhà bất đồng chính kiến ​​lưu vong người Trung Quốc và các cựu nhà lập pháp Hong Kong hoặc những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

“Safeguard Defenders" và những người đồng ký tên trong thư ngỏ đã yêu cầu Interpol xác nhận rằng, trong kho dữ liệu của tổ chức này có bất kỳ 'lệnh truy nã đỏ' hoặc 'thông cáo loan truyền' nào được đưa ra chống lại những cá nhân này hay không. Nếu có, điều này rõ ràng là vi phạm điều lệ của Interpol, vì nhiều người trong số họ đã được tị nạn chính trị. Và quan trọng nhất là, Interpol phải đảm bảo rằng, trong tương lai họ sẽ không bị đưa vào các 'lệnh truy nã đỏ' hoặc 'thông cáo loan truyền' do Trung Quốc hoặc Hong Kong yêu cầu.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ Trung Quốc thâm nhập Interpol, biến lệnh truy nã đỏ thành công cụ bức hại