Chi 6 tỷ USD xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Lào, Bắc Kinh có dự tính gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lào. Tuyến đường sắt từ Côn Minh đến Viêng Chăn đã chính thức được thông xe vào ngày 3/12 vừa qua. Học giả cho rằng, tuyến đường sắt này không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Trung Quốc, nhưng lại có lợi ích chính trị rất lớn. Nó mở ra cánh cửa vào Đông Nam Á và thậm chí là lục địa Châu Âu cho Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Lào và Trung Quốc, hơn 1.000 km đường sắt bắt đầu từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đến Viêng Chăn, thủ đô của Lào, đã hoàn thành và chính thức thông xe vào đầu tháng này. Trong đó, có hơn 400 km nằm trên lãnh thổ Lào. Đây là dự án đường sắt kéo dài 5 năm và tiêu tốn hơn 50 tỷ nhân dân tệ.

Với tốc độ tối đa 160km/h, các chuyến tàu có thể đưa hành khách từ Trung Quốc sang Lào trong vòng chưa tới một ngày và ngược lại. Tuyến này cũng là điểm nút đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh về mạng lưới đường sắt nối miền nam Trung Quốc với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và cuối cùng là Singapore.

Tuyến đường sắt nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Ông Vương Long Đắc (Wang Longde), một Hoa kiều ở Lào, đã chia sẻ quan điểm với Đài Á Châu Tự do (RFA). Ông cho rằng nền tảng kinh tế của Lào còn yếu và cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Sau khi thông xe, tuyến đường sắt xuyên biên giới sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của Lào.

Theo ông, “Chi phí vận chuyển một số khoáng sản và nông sản của Lào sang Trung Quốc quả thực là rất cao. Sau khi hoàn thành và thông xe, hàng hóa của Lào có thể được vận chuyển sang Trung Quốc một cách thuận tiện, đồng thời hàng hóa của Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng được vận chuyển sang Lào".

Đường sắt Trung - Lào là một dự án kết nối chiến lược trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ông Vương nhận định rằng nếu trong tương lai tuyến đường sắt này có thể kết nối với Bangkok của Thái Lan, nó sẽ có ảnh hưởng càng sâu rộng hơn đến lợi ích thực tế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Đường sắt đi qua Đông Nam Á có thể giúp Bắc Kinh tránh được eo biển Malacca

RFA chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, khu vực Dawei thuộc tỉnh Tanintharyi, miền nam Myanmar đã trở thành một trong những tâm điểm đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Vị trí chiến lược của nó nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời kết nối Đông Nam Á với Nam Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi. Khu vực này dự kiến ​​sẽ mang lại lợi ích tiềm tàng cho các tàu vận tải hiện đang phụ thuộc vào eo biển Malacca.

Ông Vương Long Đắc chỉ ra rằng, nếu Bangkok của Thái Lan và Dawei của Myanmar được kết nối bằng đường sắt và khoảng cách dưới 200 km, vật liệu vận chuyển vào Trung Quốc có thể trực tiếp đi bằng đường bộ mà không cần đi qua eo biển Malacca, hơn nữa nó còn kết nối với lục địa Châu Âu. "Tuyến đường sắt này có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc, vì toàn tuyến sử dụng công nghệ của Trung Quốc".

Ông Vương cũng cho biết: "Cơ sở hạ tầng ở Lào quá lạc hậu, và bây giờ Trung Quốc đã thực sự giúp họ. Tuyến đường sắt Trung - Lào được khởi công vào năm 2016. Đường sắt cao tốc từ Viêng Chăn đến Boten – thành phố nằm ở biên giới Trung - Lào cũng được xây dựng vào năm 2017".

Đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ, lợi ích chính trị hơn cả kinh tế

Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận về các vấn đề tài chính và thời sự, đã phân tích về vấn đề này. Ông chỉ ra rằng việc mở tuyến đường sắt Trung - Lào có nghĩa là trong tương lai, dù là Thái Lan, Campuchia hay Malaysia đều có thể kết nối với Trung Quốc thông qua đường sắt cao tốc. Các nước này cũng sẽ trở thành quốc gia quan trọng trong nền kinh tế Đông Nam Á. Điều này có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Bây giờ dùng thủ đoạn kinh tế để tác động đến các nước Đông Nam Á. Tôi tin rằng các nước Đông Nam Á này, đặc biệt là các nước nghèo và lạc hậu, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ hoặc ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc". Ông Thái cho rằng, việc mở tuyến đường sắt Trung - Lào không phải vì lợi ích kinh tế, mà là vì mục đích chính trị; ĐCSTQ đã nhận thấy ảnh hưởng to lớn của địa chính trị Đông Nam Á.

Liên quan đến việc chính thức khai thông tuyến đường sắt Trung - Lào, báo Hoàn Cầu đưa tin, tính đến tháng 11/2021, Trung Quốc đã ký hơn 200 văn bản hợp tác cùng xây dựng với 140 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế; ngoài ra còn ký kết các văn bản hợp tác bên thứ ba với 14 quốc gia. "Trong 8 năm qua, [những văn bản hợp tác này] đã làm nổi bật sức sống mạnh mẽ của hợp tác ‘Một vành đai, Một con đường’; trở thành hàng hóa công cộng quốc tế phổ biến và một nền tảng rộng rãi cho hợp tác quốc tế trên thế giới ngày nay".

BRI đẩy các nước vào bẫy nợ

Tuy nhiên, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) chỉ ra rằng, AidData – một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William & Mary ở Mỹ – đã công bố một báo cáo về sự phát triển “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc vào cuối tháng 9 năm nay. Báo cáo này tiết lộ rằng trong 8 năm kể từ khi ĐCSTQ vận động BRI, nó đã tiêu tốn 843 tỷ USD ở 165 quốc gia. Tuy nhiên, khoản nợ 385 tỷ USD trong đó vẫn chưa được tiết lộ và đã hại nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ. Ít nhất 44 quốc gia đã mắc nợ Trung Quốc, vượt quá 10% GDP của nước này.

Trước đó, truyền thông Châu Phi cũng tiết lộ rằng do chính phủ Uganda không có khả năng trả khoản vay, sân bay quốc tế Entebbe quan trọng nhất và duy nhất của Uganda có thể bị Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (China Exim Bank), đơn vị chịu trách nhiệm cho vay, tiếp quản. Ngoài Uganda, Sri Lanka cũng đã phải chuyển giao Cảng Hambantota ở phía nam của nước này cho Trung Quốc, với hợp đồng thuê 99 năm, do không có khả năng trả các khoản vay hàng tỷ USD. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở Kenya.

Do đó, Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á và Châu Âu từ lâu đã giữ thái độ thận trọng đối với BRI.

The Epoch Times đưa tin, vào ngày 1/12, Ủy ban Châu Âu đã công bố kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mới có tên "Global Gateway" (Cửa ngõ Toàn cầu). Đây là kế hoạch đầu tư khoảng 340 tỷ Euro trong giai đoạn 2021 - 2027 để hỗ trợ Châu Phi, Châu Á và các nước đang phát triển thuộc bán đảo Balkans xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, lưới điện và đường bộ, v.v. để chống lại BRI của chính phủ Trung Quốc.

BRI được Trung Quốc chính thức phát động vào năm 2013. Nó bao gồm việc mở rộng về phía bắc của lục địa Á - Âu và Châu Phi. Kế hoạch này đi qua Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển trong lịch sử Trung Quốc và vươn tới các quốc gia ở Trung Á, Bắc Á, Tây Á, duyên hải Ấn Độ Dương, duyên hải Địa Trung Hải, Nam Mỹ, và khu vực Đại Tây Dương.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chi 6 tỷ USD xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Lào, Bắc Kinh có dự tính gì?