Chỉ số CPI 2021: Nạn tham nhũng của ĐCS Trung Quốc đã vượt biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) toàn cầu năm 2021. Điểm tuyệt đối của CPI là 100 điểm (tức rất minh bạch), trong đó Trung Quốc chỉ đạt 45 điểm. Các nhà nghiên cứu của TI chỉ trích rằng, vấn đề tham nhũng trong chính trường Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vượt biên giới và lan rộng ra quốc tế.

Kể từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều công bố báo cáo đánh giá và xếp hạng của các chuyên gia quốc tế đối với tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới với thang điểm từ 0 (tham nhũng cao nhất) đến 100 (rất minh bạch).

Tổ chức này định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi".

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, kết quả khảo sát mới nhất của TI cho thấy, trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Phần Lan, Đan Mạch và New Zealand là những nước ít tham nhũng nhất với số điểm 88; Hong Kong đứng thứ 12 với số điểm 76; Đài Loan đứng thứ 12 với số điểm 76. Bhutan đứng thứ 25 với 68 điểm; Mỹ và Chile cùng đứng thứ 27 với 67 điểm; Hàn Quốc và Bồ Đào Nha cùng đứng thứ 32 với 62 điểm; Trung Quốc chỉ có 45 điểm, đứng thứ 66 cùng với Romania, Sao Tome và Principe và Vanuatu.

Ông Gary Kalman, Giám đốc văn phòng Hoa Kỳ của TI chỉ trích rằng, hủ tục tham nhũng trong chính trường ĐCSTQ đã vượt biên giới và tràn sang các khu vực khác trên thế giới, bao gồm các thủ đoạn như viện trợ nước ngoài và những hợp đồng tham nhũng ở Châu Phi và các nước khác.

Tiến sĩ Hàn Liên Chiều, phó Chủ tịch Lực lượng Dân sự - tổ chức phi chính phủ của Mỹ, nói với VOA rằng: "Khoảng hai năm trước, Văn phòng Nghiên cứu của Quốc vụ viện, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước và Ngân hàng Nhân dân của Trung Quốc cho biết trong một báo cáo rằng, hơn 1,5 nghìn tỷ USD tài sản của Trung Quốc đã bị mất ở nước ngoài, chủ yếu ở phương Tây, trong đó phần lớn là ở Mỹ. Ngoại giới ước tính rằng mức độ thất thoát vốn, lượng tài sản được chuyển nhượng, trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu ĐCSTQ công bố".

Ông Hàn cho rằng, ông Tập Cận Bình vẫn chưa giải quyết được vấn đề “lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ” một cách căn bản từ hệ thống, do đó không thể trừ tận gốc nạn tham nhũng trong chính trường ĐCSTQ.

Ông Roberto Martinez B. Kukutschka, một chuyên gia nghiên cứu của TI, chỉ ra rằng, là một chính phủ áp bức, khi chống tham nhũng, chế độ độc tài chỉ nhắm vào những đối tượng tham nhũng gây cản trở, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền lực của người cầm quyền. Ngoài ra, thủ đoạn chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là trấn áp và tấn công, đồng thời không cho giới truyền thông và xã hội dân sự phát huy vai trò của họ, do đó vấn đề này rất dễ bị chính trị hoá.

Ông Kukutschka cho biết, khi tiến hành các cuộc thăm dò ở Trung Quốc, họ phát hiện Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ hối lộ cao nhất Châu Á.

Trước đó, VOA từng dẫn lời các học giả chỉ ra rằng, nạn tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh được hình thành vào năm 2002, khi Giang Trạch Dân đưa nền kinh tế mới nổi này vào hệ thống chính trị thông qua học thuyết "Ba đại diện" của ông ta.

Giáo sư Đại học Harvard Roderick Lemonde MacFarquhar nói rằng, có quá nhiều quan chức tham nhũng trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ, và chính quyền không thể bắt được toàn bộ bọn họ.

Tờ Financial Times của Anh đưa tin rằng, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình dường như đã không đạt được mục tiêu như mong đợi.

Một nghiên cứu cho thấy chính quyền trung ương ĐCSTQ tham nhũng nhiều hơn chính quyền địa phương. Ngoài ra, các biện pháp để trừng phạt những quan chức tham nhũng của ĐCSTQ vẫn khá “mềm mỏng”, đa số họ chỉ bị cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc sa thải.

Minh Anh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ số CPI 2021: Nạn tham nhũng của ĐCS Trung Quốc đã vượt biên giới