Bắc Kinh leo thang chiến dịch định hình lại bức tranh tin tức toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức nhà báo lớn nhất thế giới, chính quyền Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch cung cấp dịch vụ truyền thông với quy mô dài hạn và tinh vi để tăng cường tuyên truyền trên phạm vi toàn cầu.

Trong cuộc khảo sát được công bố ngày 23/6, do các thành viên của Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) [có trụ sở tại Brussels] thực hiện tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai phần ba số người được hỏi cho biết Trung Quốc đang thiết lập sự “hiện diện hữu hình” trên các kênh truyền thông quốc gia của họ.

Tổ chức nhà báo này cho biết, cũng có những “dấu hiệu rõ ràng” về việc Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu vào báo giới ở các nước đang phát triển như ở châu Mỹ Latinh, nơi có các chính phủ không được lòng dân hoặc đàn áp người dân.

Theo IFJ, một trong số các mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh là thúc đẩy truyền thông đưa tin theo chỉ đạo của họ về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Chính quyền Trung Quốc đã đề xuất tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành, như khóa đào tạo báo chí 10 tháng tại các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc.

Tổ chức nhà báo đã gọi chiến lược này của ĐCSTQ là “mượn thuyền để chèo ra biển”. Bắc Kinh đang sử dụng các kênh truyền thông của các nước sở tại để tuyên truyền cho mục đích của họ, đồng thời ngụy trang cho nguồn gốc của những nội dung tuyên truyền đó.

Một nửa số người tham gia khảo sát đã từng được tài trợ du lịch đến Trung Quốc trên các chuyến đi được thiết kế để phô trương những điều tích cực của đất nước này; 36% số người trong liên đoàn báo chí được khảo sát cho biết họ được yêu cầu ký thỏa thuận hợp tác với một thực thể Trung Quốc; hơn 1/3 trong số họ báo cáo có quan hệ đối tác chia sẻ nội dung với liên đoàn báo chí Trung Quốc và các kênh truyền thông khác.

IFJ cho biết, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực kiểm soát trực tiếp cơ sở hạ tầng mạng tin nhắn bằng cách thôn tính các kênh truyền thông nước ngoài và thành lập các liên doanh truyền thông quy mô lớn ở nước ngoài.

Cuộc khảo sát cho biết, các chuyến đi thực địa có thể kéo dài từ hai tuần đến mười tháng, thường xuyên “nhắm mục tiêu ồ ạt” vào các nước đang phát triển.

Ví dụ, để đẩy lùi các cáo buộc về hành động ngược đãi nhân quyền của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương, một số đại sứ quán Trung Quốc đã tổ chức các chuyến đi cho giới truyền thông của các nước Hồi giáo, khuyến khích họ ca ngợi thành tựu kinh tế và các điểm du lịch ở Tân Cương. Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương đang bị chính quyền Trung Quốc đàn áp nghiêm trọng, với ước tính có một đến hai triệu người đang bị giam giữ tại các trại tập trung để ép buộc họ từ bỏ đức tin. Giới doanh nhân có cổ phần kinh doanh tại Trung Quốc được ĐCSTQ thuê làm người khởi xướng các chuyến đi như vậy.

Kể từ năm 2016, hàng chục nhà báo từ các kênh truyền thông có ảnh hưởng của Úc đã đến Trung Quốc bằng kinh phí của chính phủ Trung Quốc, theo IFJ. Tại hội nghị bàn tròn ở Miến Điện, tất cả chín nhà báo ở đó đều đã đến Trung Quốc ít nhất hai lần bằng tài trợ của ĐCSTQ. Một trong số họ đã đến Trung Quốc chín lần.

Những thỏa thuận đáng ngờ

Theo các khảo sát của IFJ, các liên đoàn báo chí từ ít nhất tám quốc gia ở Châu Á Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Âu đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với các thực thể Trung Quốc.

IFJ nhấn mạnh rằng, những thỏa thuận này thường liên quan đến thỏa thuận bí mật và do đó thiếu minh bạch. Một số thỏa thuận có điều khoản yêu cầu liên đoàn báo chí tham gia vào các sự kiện của chính phủ Trung Quốc.

Tại Philippines, Tập đoàn Truyền thông của văn phòng chính phủ, chuyên giám sát các cơ quan truyền thông nhà nước, có các nhân viên được đào tạo dài hạn và làm nghiên cứu sinh tại Trung Quốc. Năm 2019, văn phòng này đã ký thỏa thuận MOU với Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc.

Những quan hệ đối tác này đã gây tác động tới ngòi bút của báo giới. Một nhà báo Philippines tham gia cuộc khảo sát nói: “Ngòi bút của họ [nhân viên tại văn phòng chính phủ Philippines] giống với ngòi bút của Tân Hoa Xã hoặc của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc. Thông thường, đều là tuyên truyền ”.

Một cây bán báo tự động của tờ Nhật báo Trung Hoa  có kèm theo các cây phát báo ngày miễn phí khác ở Midtown Manhattan vào ngày 6/12/2017. (Benjamin Chasteen / The Epoch Times)
Một cây bán báo tự động của tờ Nhật báo Trung Hoa có kèm theo các cây phát báo ngày miễn phí khác ở Midtown Manhattan vào ngày 6/12/2017. (Benjamin Chasteen / The Epoch Times)

Chiến lược “mua thuyền”

ĐCSTQ đang tăng cường ‘mua thuyền’, hoặc ‘chế tạo thuyền’ tại các kênh truyền thông nước ngoài để chuyển tải những nội dung do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo, IFJ cho biết.

Các công ty Trung Quốc liên kết với nhà nước cũng đã mua các kênh truyền thông hoặc thành lập liên doanh tại ít nhất chín quốc gia.

Chẳng hạn, Alibaba, gã khổng lồ internet Trung Quốc sở hữu ứng dụng UC News chuyên xuất bản tin tức bằng tiếng Bahasa (ngôn ngữ chính ở Indonesia), tiếng Hindi và 15 ngôn ngữ khác của Ấn Độ trong khu vực. Khi mua lại hãng South China Morning Post tiếng Anh có trụ sở tại Hồng Kông, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma nói rằng ông muốn “trao cơ hội cho độc giả” để hiểu thêm về Trung Quốc.

Để mở rộng phạm vi tuyên truyền, chính quyền Trung Quốc đã thiết kế và bán các gói truyền hình vệ tinh [với các kênh truyền thông của Trung Quốc] trên khắp châu Phi.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách kiềm chế các cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định tổng cộng chín kênh truyền thông của nhà nước Trung Quốc đang thực hiện sứ mệnh ngoại giao.

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, tờ Nhân dân Nhật báo (China Daily), một tờ báo tiếng Anh trực thuộc Cục Truyền thông Trung Quốc, đã chi hàng triệu USD để chạy quảng cáo bổ sung trên các tờ báo lớn của Hoa Kỳ.

Ngày 22/6/2020, khi bổ sung 5 kênh truyền thông của ĐCSTQ vào danh sách, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố: “Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây phản ánh sự thật, các kênh truyền thông của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phản ánh những gì ĐCSTQ chỉ đạo và ra lệnh”.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh leo thang chiến dịch định hình lại bức tranh tin tức toàn cầu