Chính phủ Trung Quốc ban hành 'mười điều cấm' trước tình trạng mua quan bán chức tràn lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bước vào “thời kỳ cao điểm bầu chọn nhiệm kỳ mới”. Nhiều cơ quan ban ngành của Bắc Kinh đã cùng ban hành “mười điều cấm”, bao gồm việc nghiêm cấm kết bè đảng mưu cầu lợi riêng và lôi kéo phiếu bầu, mua chuộc để trúng cử, v.v.

Theo các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào tháng 1 năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã ban hành “Thông báo” chung và đề ra hình thức kỷ luật đối với các hành vi gian lận trong đợt thay đổi nhiệm kỳ lần này.

Bản “Thông báo” đặt ra “mười điều cấm”, cụ thể là:

  1. Nghiêm cấm kết bè đảng để mưu cầu lợi riêng
  2. Nghiêm cấm lôi kéo phiếu bầu và hối lộ
  3. Nghiêm cấm mua quan bán chức
  4. Nghiêm cấm việc chạy chức
  5. Nghiêm cấm tình trạng một cá nhân ra quyết định
  6. Nghiêm cấm việc nói hộ, nói giúp
  7. Nghiêm cấm sử dụng người vi phạm quy định
  8. Nghiêm cấm tiết lộ tin nội bộ
  9. Nghiêm cấm giở trò dối trá
  10. Nghiêm cấm can thiệp vào việc bầu chọn nhiệm kỳ mới

Trong số đó, “cấm kết bè đảng để mưu cầu lợi riêng” đề cập rằng: “việc kéo bè kết phái, bắt tay trên dưới, hình thành bè lũ và vòng tròn nhỏ”, và “thiên vị, loại trừ những người bất đồng chính kiến, vun đắp quyền lực cá nhân, kết thành nhóm lợi ích”, sẽ bị kỷ luật đảng và xử phạt theo quy định của nhà nước.

Theo thông lệ chính trị của ĐCSTQ, hầu hết các quan chức địa phương cấp tỉnh sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi vào cuối năm 2021 hoặc nửa đầu năm 2022. Hiện nay, có một lớp các quan chức cấp tỉnh đã bị điều động, bao gồm các Bí thư đảng ủy và người đứng đầu các khu hành chính cấp tỉnh khác nhau. Trung Quốc có 34 khu vực hành chính cấp tỉnh gồm 24 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính. Do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 nên công tác điều động bị hạn chế, nhưng đến nửa cuối năm lại tăng cường hơn, nhất là từ tháng 11.

Theo thống kê, gần 60% khu vực hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc đã có sự thay đổi về Bí thư đảng ủy hoặc người đứng đầu chính quyền địa phương trong năm 2020. Trong năm 2021, có ít nhất 7 tỉnh dự kiến ​​sẽ thay đổi Bí thư đảng ủy, bao gồm các tỉnh có nền kinh tế và dân số lớn như Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam, v.v.

Chốn quan trường ĐCSTQ bấy lâu nay đã hình thành các băng đảng, và cái gọi là "vòng tròn nhỏ" và "bè lũ" trong Thông báo đã trở thành những từ ngữ thông dụng chống tham nhũng trong những năm gần đây. Các vụ bê bối hối lộ bầu cử liên tục nổ ra trong thời gian bầu cử các quan chức địa phương của ĐCSTQ, trong đó vụ án hối lộ bầu cử ở Liêu Ninh là chấn động nhất.

Vụ án hối lộ bầu cử Liêu Ninh được đề cập ở trên bao gồm một loạt các vụ án liên quan đến việc lôi kéo phiếu bầu, mua chuộc để trúng cử trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Ban Thường vụ Tỉnh ủy ĐCSTQ năm 2011 và "hai kỳ họp" của tỉnh Liêu Ninh năm 2013. Trong số 619 đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Liêu Ninh lần thứ 12 năm 2013, có 523 đại biểu bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã xác định đây là vụ án hối lộ bầu cử cấp tỉnh lớn đầu tiên của Trung Quốc.

Học giả Trung Quốc Lý Lâm Nhất nói rằng, ĐCSTQ đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào năm tới. Vì vậy vào đầu năm nay, thông báo kỷ luật đã được đưa ra, vì đây là lần thay đổi nhân sự cuối cùng ở địa phương trước khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Nếu xảy ra bất kỳ vụ hối lộ bầu cử công khai nào như ở Liêu Ninh năm đó, ông Tập sẽ rất mất mặt. Đây là điều mà ĐCSTQ muốn ngăn chặn.

Ông Lý, một học giả đến từ tỉnh Sơn Tây, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, ĐCSTQ đang đối mặt với một tình hình phức tạp và gặp khó khăn cả trong đối nội lẫn đối ngoại, và điều mà cả trong và ngoài Trung Quốc quan tâm đó là liệu ông Tập Cận Bình sẽ rời bỏ chức vụ Tổng Bí thư Trung ương ĐCSTQ hay sẽ tiếp tục tại chức.

"Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ chắc chắn là một đại hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với họ (ĐCSTQ). Đó có thể là để củng cố quyền lực và giải quyết những việc mang tính căn bản, chủ yếu là vì họ sợ trong đảng có những tiếng nói bất đồng". Ông Lý nói, việc ban hành "mười điều cấm" đối với cuộc thay đổi nhiệm kỳ lần này cho thấy rằng, các quan chức cấp cao đang cố gắng kiểm soát toàn diện lời nói và hành động của các quan chức trong đảng và chính phủ Trung Quốc.

Nhà bất đồng chính kiến ​​ở Quảng Đông Vương Ái Trung (Wang Aizhong) cũng nói rằng, việc ĐCSTQ chạy chức và bán chức là một vấn đề phổ biến và người dân không tin tưởng vào hệ thống bầu cử của đảng cầm quyền. “Thật khó để nói liệu mười điều cấm có tác dụng hay không, bởi vì trước đây tình trạng mua quan bán chức đã có rất nhiều, rồi còn lôi bè kết đảng nữa. Ngoài ra, liệu các cuộc bầu cử ở cấp địa phương hiện nay có phải đang được bài trí vì Đại hội 20 hay không, tôi tin rằng chắc chắn là có".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Trung Quốc ban hành 'mười điều cấm' trước tình trạng mua quan bán chức tràn lan