Chính quyền Trung Quốc huy động 1.600 dư luận viên để định hướng người dân về Corona Virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được, phòng tuyên giáo của tỉnh Hồ Bắc, nơi vốn đang bị dịch virus hoành hành, đã triển khai hơn 1.600 dư luận viên để kiểm duyệt về thông tin nhạy cảm trên internet liên quan đến Corona Virus.

Báo cáo nội bộ này đề ngày ngày 15 tháng 2, nêu chi tiết các nỗ lực của cơ quan tuyên giáo nhằm tăng cường các biện pháp kiểm duyệt. Tài liệu được soạn thảo sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình khi ông này có bài phát biểu qua video với “những người ở tuyến đầu” ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi virus này khởi phát.

Tiết lộ trên được đưa ra khi chế độ Trung Quốc siết chặt kiểm soát thông tin về sự bùng phát ngày càng tồi tệ của COVID-19, khi cư dân mạng ngày càng tìm đến internet để trút sự bực bội về phản ứng của chính quyền, hoặc ghi lại những gì đang xảy ra quanh họ.

Sinh viên Trung Quốc thi trên máy tính (Photo by GREG BAKER / AFP) (Photo credit should read GREG BAKER/AFP via Getty Images)

1.600 dư luận viên được huy động

Theo tài liệu trên, phòng tuyên giáo Hồ Bắc đã thuê hơn 1.600 dư luận viên, còn được gọi là quân đội 50 cent (những người được trả 50 cent cho 1 bài đăng - PV) nhằm giám sát phát ngôn trên internet liên tục 24/24.

Các dư luận viên này, thông qua việc sử dụng các phương pháp công nghệ và cả thủ công, đã xác định được tới 60.800 bài đăng trên mạng có “thông tin nhạy cảm hoặc có hại”.

Cách tiếp cận của những người này “là để kịp thời bác bỏ những tin đồn trên mạng”.

Tính đến ngày 14 tháng 2, các cơ quan kiểm duyệt đã xóa tới 54.000 “tin đồn” và những người có ảnh hưởng trên truyền thông xã hội [được thuê] đã viết gần 400 bài viết bình luận nhắm chèo lái và chuyển hướng dư luận.

Tài liệu trên cũng cho biết, nỗ lực tuyên truyền của chính quyền nên được định hướng vào việc quảng bá các biện pháp kiểm soát dịch của giới chức, cũng như “những việc làm cảm động” của tình nguyện viên, nhân viên cộng đồng và của cảnh sát.

Những kẻ bình luận chuyên nghiệp trên mạng đã viết 400.000 bình luận để “phản bác những ý kiến ​​tiêu cực của cộng đồng mạng”.

Những bài đăng về bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về Virus Corona, đã nhanh chóng biến mất khỏi internet trong vài giờ sau khi tin tức về ông qua đời được công bố. “Tôi muốn tự do ngôn luận”, một cụm từ trở thành xu hướng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc sau cái chết của bác sỹ Lý, cũng nhanh chóng bị xóa.

Người dân Hồng Kông tưởng niệm bác sỹ Lý Văn Lượng (Anthony Kwan/Getty Images)

Hai nhà báo người Vũ Hán là Fang Bin và Chen Qiushi gần đây cũng biến mất sau khi đăng video trên mạng nói về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch.

Tính đến ngày 11 tháng 2, hơn 2.500 người đã ký một bản kiến ​​nghị trên mạng bày tỏ sự tức giận trước cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng và chỉ trích chính phủ vì đàn áp tự do ngôn luận. Một số người ký vào bản kiến nghị trên sau đó đã được cảnh sát địa phương triệu tập. Ít nhất một người đã bị giam giữ.

Phòng tuyên giáo Hồ Bắc cũng đã thành lập 11 nhóm làm việc với mục đích “tuyên truyền thời chiến”. Những nhóm này đã liên lạc hàng ngày với các quan chức tuyên giáo từ Bắc Kinh để “điều phối ý kiến của cộng đồng” theo thời gian thực về các vấn đề trên mạng và ngoài mạng, cũng như cả trong và ngoài nước.

Phóng viên địa phương bị đuổi

Theo tin tức rò rỉ, ít nhất 60 phóng viên từ 33 tổ chức báo chí của nước ngoài đã đến Vũ Hán sau khi dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm nay. Tuy nhiên, ít nhất 47 người trong số họ đã đồng ý rời đi, sau khi được phòng tuyên giáo “thuyết phục”.

Tính đến tối ngày 14 tháng 2, chỉ có 5 hãng tin nước ngoài có phóng viên ở Hồ Bắc.

“Nhắm dẫn dắt và định hướng các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin khách quan về thông tin dịch bệnh”, phòng tuyên giáo Hồ Bắc đã thành lập bộ phận ngôn ngữ quốc tế và đã xuất bản 200 bản tin về sự bùng phát của dịch bệnh từ các kênh chính thức bằng 7 ngôn ngữ.

Theo truyền thông địa phương, vào ngày 14 tháng 1, một nhóm phóng viên từ 4 cơ quan truyền thông của Hồng Kông đã bị đưa đến đồn cảnh sát ở trong một bệnh viện ở Vũ Hán sau khi họ cố gắng phỏng vấn bệnh nhân.

Cảnh sát đã lục soát tư trang của các phóng viên và yêu cầu họ xóa các video được quay quanh bệnh viện. Họ chỉ được thả sau 1 tiếng rưỡi thẩm vấn.

Kiểm duyệt gắt gao

Chính quyền Trung Quốc ưu tiên việc kiểm soát thông tin về về COVID-19.

Tại một cuộc họp ngày 3 tháng 2, Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kêu gọi giới chức tăng cường kiểm soát internet và truyền thông.

Điều này cho phép chính quyền địa phương trấn áp người dân vì “lan truyền tin đồn” trên mạng internet về sự bùng phát của vụ dịch.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo người dân không nên lan truyền thông tin giả về COVID-19, vì có thể vi phạm Luật hình sự Trung Quốc.

Một điều khoản của luật trên quy định rằng bất kỳ ai bịa đặt và lan truyền thông tin sai lệch về dịch bệnh, thảm họa hoặc hoạt động của cảnh sát, có thể bị kết án từ 3 đến 7 năm tù.

Tổ chức phi lợi nhuận, Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, có trụ sở tại Washington đã ghi nhận 254 vụ bắt giữ từ ngày 22 đến ngày 28 tháng 1. Những người bị bắt là công dân Trung Quốc do lan truyền tin đồn liên quan đến COVID-19. Các hình thức phạt bao gồm phạt tiền, cảnh cáo và nhận tội do ép cung.

Trong danh sách gồm 167 vụ người dân bị trừng phạt do lan truyền tin đồn được công bố trên trang web China Digital Times có trụ sở tại Hoa Kỳ, phần lớn người phạm tội là do đăng bài về các ca nhiễm bệnh đã được xác nhận hoặc nghi nhiễm trong địa khu của họ. Một số đăng tin người tử vong.

Chẳng hạn, một người đàn ông ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã viết trên blog của mình: “Tôi thực sự tin rằng chính quyền chưa tiết lộ số lượng bệnh nhân thực sự bị nhiễm bệnh. Tôi nghe nói rằng trong một ngôi làng cách chúng tôi khoảng 20km, số lượng các ca được xác nhận là 6 ca vào ngày 26. Tất cả họ đã được đưa đến bệnh viện để cách ly. Nhưng tôi chưa thấy thông tin chính thức nào về 6 ca này”.

Ông đã giam giữ hành chính 5 ngày do bài đăng này.

Minh Dũng

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc huy động 1.600 dư luận viên để định hướng người dân về Corona Virus