Chính quyền Trung Quốc tiếp tục 'săn cáo' ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo mới cho thấy, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hơn 2.500 người mà họ gọi là "tội phạm đào tẩu ở nước ngoài" kể từ khi xuất hiện đại dịch. Những người này bị cưỡng bức phải về Trung Quốc bằng nhiều thủ đoạn, từ "uy hiếp gia đình" cho đến "bị chính quyền bắt cóc". "Săn cáo" là hoạt động truy lùng những người Trung Quốc chạy ra hải ngoại vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, v.v.

Hôm thứ Ba (18/1), “Safeguard Defenders”, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào nhân quyền ở Châu Á, đã công bố một báo cáo rằng, bất chấp việc quốc tế đóng cửa và hạn chế đi lại trong đại dịch, nhưng theo số liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), năm 2020 có ít nhất 1.421 người đã bị bắt về Trung Quốc, còn trong năm 2021 là ít nhất 1.114 người. Những con số này mới chỉ là các "tội phạm kinh tế" bị nghi ngờ hoặc là tội phạm "liên quan đến công vụ".

Vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng công tác năm 2021 đạt được "thành quả to lớn".

Vào tháng 2/2021, Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc đã tái khởi động cái gọi là kế hoạch "SkyNet" (Thiên võng, hay Lưới trời) – hệ thống giám sát bằng công nghệ cao với quy mô khổng lồ, để mở rộng việc truy quét "những tên tội phạm chạy trốn" trong các lĩnh vực chính trị, luật pháp và hành chính dân sự.

Tổ chức nhân quyền “Safeguard Defenders” cho rằng, thông qua các hoạt động truy quét, ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Hong Kong sống ở nước ngoài. Tháng 7 năm ngoái, Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Human Rights Project) đã ghi nhận 395 trường hợp người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất, bị dẫn độ hoặc bị trả về Trung Quốc.

Các thủ đoạn săn lùng Hoa kiều của ĐCSTQ

Báo cáo nêu rõ, ngoài các thỏa thuận song phương chính thức về dẫn độ và trục xuất, chính quyền Trung Quốc còn áp dụng các thủ đoạn cưỡng ép khác, bao gồm: từ chối gia hạn hộ chiếu, lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol, đe dọa các thành viên gia đình của họ đang sống ở Trung Quốc, hoặc cấm các thành viên gia đình họ rời khỏi Trung Quốc, v.v., và cử đặc vụ ở nước ngoài tới gặp mặt uy hiếp.

Ví dụ, năm ngoái, Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu), 19 tuổi, thường trú nhân Hoa Kỳ, đã bị ĐCSTQ truy lùng vì đặt câu hỏi về con số thương vong của quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn năm 2020. ĐCSTQ nhiều lần quấy nhiễu và giam giữ cha mẹ Vương để buộc anh trở về Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, từ năm 2014 đến tháng 6/2020, có 60 người thuộc nhóm "100 tội phạm bị truy nã gắt gao" đã trở về Trung Quốc; trong đó có 44 người là được thuyết phục trở về hoặc "tự động trở về", chiếm gần 75%.

ĐCSTQ cũng cử công an, đặc vụ hoặc các thành viên phi chính phủ ra nước ngoài để buộc đối tượng phải về nước, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp quấy nhiễu bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp ở nước ngoài của đối tượng.

"Phương pháp bất lệ thường" – bắt cóc ở nước ngoài

Trong những trường hợp cực đoan hơn, ĐCSTQ sẽ thực hiện các vụ bắt cóc, mà Bắc Kinh gọi là một "phương pháp bất lệ thường", báo cáo cho biết. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, họ sẽ hành động bí mật với cảnh sát các nước sở tại hoặc dụ mục tiêu sang các nước thứ ba để có thể bị dẫn độ.

“Safeguard Defenders” đã liệt kê 80 vụ bắt cóc do ĐCSTQ chủ mưu, khoảng một nửa trong số đó đã thành công. Các mục tiêu bắt cóc nằm ở hàng chục quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Úc...

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng công khai ca ngợi kế hoạch bắt giữ ở nước ngoài của họ. Vào năm 2015, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo rằng, có hơn 70 "nhóm công tác" đã được phái đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng Trung Quốc luôn phủ nhận rằng các hành động của họ là bắt cóc hoặc vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp của nước ngoài.

Tổ chức “Safeguard Defenders” kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới chấm dứt các hiệp ước dẫn độ của họ với ĐCSTQ. "Mặc dù có những lý do chính đáng để tiến hành hợp tác tư pháp quốc tế với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền tư pháp của các nước khác và phá hoại hợp tác tư pháp quốc tế, làm tổn hại đến sự tín nhiệm cần có để thực hiện các hợp tác như vậy hoặc tiếp tục các hoạt động hợp tác hiện có”, báo cáo viết.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục 'săn cáo' ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch