Chính quyền Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình với lý do 'ổn định xã hội'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc gần đây đã bắt đầu triển khai nhiều chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid với lý do 'ổn định xã hội'. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, lần này Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó có khả năng triển khai quân đội và xe tăng để dập tắt các cuộc biểu tình này giống như đối với Phong trào Sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã tuyên bố tại một cuộc họp vào ngày 28/11 rằng, ĐCSTQ cần phải “chống lại sự xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch” và “duy trì sự ổn định chung của xã hội".

Các quan chức chủ chốt của hệ thống tư pháp của ĐCSTQ đều tham dự cuộc họp, bao gồm ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc; ông Chu Cường (Zhou Qiang), Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; và ông Trương Quân (Zhang Jun), tổng công tố của Văn phòng Công tố Tối cao.

Giới quan sát nhận định rằng, tuyên bố của ông Trần Văn Thanh cũng chính là tuyên bố về lập trường của ĐCSTQ đối với “Cuộc cách mạng Giấy trắng”.

Biểu tình ở Trung Quốc
Người biểu tình giương cao tờ giấy trắng, một biểu tượng phản đối phản đối chính sách kiểm duyệt và chính sách Zero Covid của chính quyền Trung Quốc vào ngày 27/11/2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Cuộc cách mạng Giấy trắng

Từ ngày 26/11, nhiều nơi trên cả khắp Trung Quốc đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi (Tân Cương). Vụ việc nhanh chóng biến thành một cuộc biểu tình phản đối chính sách phòng chống dịch hà khắc "Zero Covid" của ĐCSTQ. Những người biểu tình cầm tờ giấy trắng A4, lên án sự đàn áp quyền tự do ngôn luận của ĐCSTQ.

Những người biểu tình ở Hong Kong là những người tiên phong trong "cuộc cách mạng Giấy trắng" bất chấp luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ. Theo đó, việc bày tỏ các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ có thể bị coi là một hành vi phạm tội nổi loạn của chế độ này.

Nhà hoạt động và blogger người Nga Aslan Sagutdinov đã đi tiên phong trong chiến thuật này tại các cuộc biểu tình năm 2019 ở Kazakhstan. Anh đã dự đoán chính xác rằng mình sẽ bị bắt vì cầm một tờ giấy trắng.

“Tôi muốn chứng tỏ rằng sự ngu ngốc ở đất nước chúng ta đã trở nên mạnh mẽ đến mức cảnh sát sẽ bắt giữ tôi ngay bây giờ mặc dù không có dòng chữ, không khẩu hiệu, không cần tôi hô vang hay nói bất cứ điều gì", anh nói vào thời điểm đó.

Sự im lặng của ông Biden về làn sóng biểu tình là món quà quý cho ông Tập
Người biểu tình tuần hành phản đối các hạn chế khắc nghiệt do COVID-19 của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/11/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

ĐCSTQ muốn duy trì sự ổn định

Để đối phó với các cuộc biểu tình, giới chức ở nhiều địa phương khác nhau đã triệu tập các cuộc họp để tăng cường công tác “ổn định xã hội”.

Tại một cuộc họp thành phố đặc biệt về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh hôm 29/11, bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min'er) nói rằng, cần phải duy trì “sự ổn định xã hội chung” và cái gọi là trật tự phòng chống dịch bệnh thông thường.

Cùng ngày, Bí thư tỉnh Hắc Long Giang đã chủ trì một cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cũng như các công tác “ổn định” liên quan.

Ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương, đã tổ chức các cuộc họp trong ba ngày liên tiếp từ 26/11 đến 28/11, yêu cầu các quan chức địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật “thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh”, đồng thời tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng.

Thành phố thủ phủ của Tân Cương, Urumqi, là nơi bùng phát ngọn lửa chết người và châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid trên khắp Trung Quốc, “Cuộc cách mạng Giấy trắng”.

Vào ngày 28/11, Bí thư Khu ủy Tây Tạng Vương Quân Chính (Wang Junzheng), cũng phát biểu tại một cuộc họp rằng “duy trì sự ổn định” phải là nhiệm vụ số một.

Một số lượng lớn cảnh sát đã được điều đến các địa điểm biểu tình. Ở nhiều khu vực, những người biểu tình đã bị xe cảnh sát đưa đi. Ngay cả sau khi đám đông giải tán, chính quyền vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát; tăng cường kiểm duyệt Internet; kiểm tra điện thoại di động của người dân trên tàu điện ngầm và trên đường phố để truy tìm thông tin liên quan đến cuộc biểu tình; thậm chí kiểm tra xem điện thoại của người dân có cài phần mềm vượt tường lửa VPN hay không.

Các trường đại học Trung Quốc năm nay cho phép sinh viên nghỉ đông sớm hơn thường lệ. Giới quan sát cho rằng, động thái này có thể là một chiến thuật để ngăn họ tụ tập biểu tình.

Thống đốc Florida: Apple hành xử như bề tôi của Bắc Kinh, Apple hạn chế việc sử dụng ứng dụng AirDrop trên iPhone ở Trung Quốc
Một người đàn ông bị cảnh sát bắt khi cuộc biểu tình phản đối Zero Covid nổ ra ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

ĐCSTQ sẽ phản ứng như thế nào?

“Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng Big Data để giám sát và kiểm soát mọi thứ”, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 30/11.

Ông cho biết, việc ĐCSTQ đàn áp các cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid lần này có một đặc điểm nổi bật.

“Nó kết hợp việc 'duy trì sự ổn định' thông thường với việc kiểm soát dịch bệnh hiện tại. Do đó, theo quan điểm của tôi, lần này việc 'duy trì sự ổn định' và 'kiểm soát dịch bệnh' được tích hợp. Kiểm soát dịch bệnh đã trở thành một công cụ để duy trì sự ổn định. Ngược lại, 'duy trì sự ổn định' là chìa khóa để thực hiện chính sách Zero Covid - tăng cường phong tỏa", ông nói.

Ngày 30/11, quận Hoàng Phố, thành phố Thượng Hải yêu cầu người dân chuẩn bị đủ lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày đủ dùng trong ít nhất 60 ngày để chuẩn bị cho đợt phong tỏa sắp tới. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cứng rắn như một biện pháp trừng phạt các cuộc biểu tình, ông Đường nhận định.

“Thực ra ĐCSTQ muốn trấn áp dư luận bằng cách này, không chỉ trấn áp những người trực tiếp phản kháng mà còn trấn áp dư luận và tình cảm của quần chúng. Bởi vì theo quan điểm của họ, những người đứng lên chống lại ĐCSTQ chỉ là đại diện, vì hầu hết mọi người đều muốn chấm dứt chính sách Zero Covid", ông nói.

Cảnh sát Trung Quốc ráo riết tìm kiếm người biểu tình, biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo, sinh viên trường đại học biểu tình phản đối, cách mạng giấy trắng
Cảnh sát ngăn người dân biểu tình phản đối chính sách zero-COVID, ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Cách mạng Giấy trắng - một phong trào tự phát

Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), một nguyệt san liên quan đến phong trào dân chủ của Trung Quốc, cũng bày tỏ quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 30/11.

“Tôi cho rằng, chắc chắn sẽ có một cuộc đàn áp, nhưng vẫn khó lòng dự đoán những biện pháp mà ĐCSTQ sẽ thực hiện. ĐCSTQ khó có thể triển khai quân dã chiến và xe tăng khổng lồ [như vụ thảm sát] ngày 4/6/1989, tại Quảng trường Thiên An Môn [để đàn áp phong trào sinh viên]. Lúc đó, chính phủ không có cảnh sát vũ trang và hệ thống an ninh công cộng cũng chưa được trang bị tốt”, ông Trần Duy Kiện nói.

Giờ đây, ĐCSTQ có một bộ phận an ninh, một hệ thống an ninh công cộng và một hệ thống cảnh sát vũ trang được trang bị công nghệ giám sát điện tử và nhận dạng khuôn mặt. Ông nói, họ có thể áp dụng các phương pháp đàn áp khác nhau.

Ông nói: “Rất có khả năng mô hình Hong Kong sẽ được áp dụng, với sự giám sát và theo dõi tổng thể, sau đó bắt giữ từng người biểu tình”.

“Một điểm khác biệt chính giữa cuộc biểu tình này và trước đó là, Phong trào Thiên An Môn có một yêu cầu chính trị rất mạnh mẽ về dân chủ hóa. Thẳng thắn mà nói, việc theo đuổi này tương đương với yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài. Do đó, ĐCSTQ mới áp dụng một cách tiếp cận rất bạo lực, trực tiếp triển khai quân đội để xả súng vào những người biểu tình", ông nói thêm.

“Nhưng mục tiêu của Phong trào Giấy trắng ban đầu chỉ là nhu cầu mưu sinh đơn thuần và đòi hỏi nhiều quyền tự do cá nhân hơn. Hành động và mục tiêu chính của những người biểu tình tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Do đó, nói một cách nghiêm túc, Phong trào Giấy trắng hoàn toàn tự phát và không có tổ chức có trật tự nào đứng đằng sau nó, khác với Phong trào Sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989", ông cho biết.

Ông Trần Duy Kiện cũng tin rằng, trong tình thế hiện tại và với quy mô của phong trào Giấy trắng ở giai đoạn này, ĐCSTQ sẽ không huy động quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.

Ông cũng tin rằng, ĐCSTQ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Thượng Hải, nơi các cuộc biểu tình nổ ra dữ dội nhất, cũng như các thành phố khác có mức độ phản kháng và sự giận dữ của người dân dâng cao.

Lam Giang biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình với lý do 'ổn định xã hội'