Chính sách Zero Covid của Trung Quốc có thể duy trì được bao lâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách Zero Covid ngày càng khiến Trung Quốc bị cô lập. Các chuyên gia cho rằng, các nhân tố như vaccine nội địa kém hiệu quả hay rủi ro chính trị, v.v là những nguyên nhân chính khiến nhà chức trách không dám nới lỏng chính sách trong thời gian tới.

Cuối tháng 10 vừa qua, sau khi một khách du lịch được xét nghiệm dương tính với COVID-19, toàn bộ Disneyland Thượng Hải đã phải đóng cửa và 34.000 người không thể rời đi. Cơ quan chức năng vội vã cử nhân viên y tế đến khử trùng các khu vui chơi giải trí, rất đông người dân vừa chờ làm xét nghiệm PCR vừa xem bắn pháo hoa. Cảnh tượng này là một mô hình thu nhỏ về phản ứng trước dịch bệnh của Trung Quốc.

Làn sóng COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã lan tới 20 tỉnh, thành. Tuy nhiên, khi các quốc gia đang dần mở cửa, Bắc Kinh vẫn tuân thủ chính sách “không khoan nhượng”. Để ngăn chặn dịch, các quan chức địa phương đã liên tục thực hiện các biện pháp phong tỏa cường độ cao và thường xuyên tiến hành các cuộc xét nghiệm quy mô lớn hàng trăm nghìn người.

Trên thực tế, việc kiên quyết đi theo chính sách “Zero Covid” đang khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập, lực phá hoại của việc phong tỏa ngày càng lớn, và các biện pháp kiểm soát tiếp tục gây tác động lớn đến nền kinh tế. Trong khi các quốc gia đang cố gắng cùng tồn tại với virus, thì chính quyền Trung Quốc lại một mực theo chiến lược “không khoan nhượng”. Họ sẽ duy trì được trong bao lâu? Sau đây là phân tích của các chuyên gia.

Hiệu quả vaccine nội địa thấp nên Trung Quốc không dám nới lỏng?

Một số chuyên gia y tế cho rằng, do hiệu quả của vaccine ‘Made in China’ kém, nên chính quyền Trung Quốc không dám từ bỏ chiến lược "không khoan nhượng". Vì họ lo ngại rằng một khi số ca bệnh tăng cao, sẽ mất kiểm soát xã hội và có thể vì thế mà mở cửa muộn hơn nhiều so với hầu hết các nước.

Một số chuyên gia cho rằng, vì vaccine trong nước có hiệu quả kém nên Bắc Kinh sợ phải từ bỏ chiến lược "không khoan nhượng". (Ezra Acayan/Getty Images)
Một số chuyên gia cho rằng, vì vaccine trong nước có hiệu quả kém nên Bắc Kinh sợ phải từ bỏ chiến lược "không khoan nhượng". (Ezra Acayan/Getty Images)

Theo Bloomberg, Giáo sư dịch tễ học Trần Tranh Minh (Chen Zhengming) của Đại học Oxford cho biết: “Cá nhân tôi ước tính rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại trong một năm nữa”.

"Các nhà chức trách lo lắng rằng một khi họ nới lỏng, số lượng các ca nhiễm sẽ tăng vọt".

Giáo sư Trần nói thêm rằng tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc rất cao, nhưng hầu hết mọi người đều được tiêm vaccine bất hoạt, loại này có khả năng bảo vệ kém.

"Nếu tỷ lệ bao phủ mũi [vaccine] tăng cường không đủ, cùng với những thay đổi lớn về tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, tôi nghĩ cơ hội để Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ ‘không khoan nhượng' là rất nhỏ". Ông nói rằng, trừ khi chính quyền Bắc Kinh không còn cách nào để khống chế virus, nếu không họ sẽ không thay đổi. Giáo sư cho rằng thậm chí Trung Quốc có thể chọn đóng cửa trong 3 hoặc 4 năm, và dựa vào thị trường nội bộ để duy trì nền kinh tế.

Nếu số ca nhiễm tăng đột biến, sự thật về thiếu nguồn lực y tế sẽ bị phơi bày

Ông Jason Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Thành quả và Dự Phòng (CPOP) tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, nói rằng một lý do khác khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không dám từ bỏ “Zero Covid” là sợ hệ thống y tế sụp đổ.

“Ở rất nhiều thành phố, để được chăm sóc y tế là việc rất khó”, ông Wang nói, “số ca nhiễm chỉ hơi tăng vọt cũng có thể khiến các bệnh viện không thể tải nổi và gây ra bất ổn xã hội".

Ông nói thêm rằng rất khó để dự đoán "không khoan nhượng" sẽ tồn tại trong bao lâu. Tuy nhiên, ông cho rằng "nó có thể tồn tại trong một thời gian dài".

Hình ảnh cho thấy xe cấp cứu của một bệnh viện ở Vũ Hán đang vận chuyển bệnh nhân. (HECTOR RETAMAL / AFP / Getty Images)
Hình ảnh cho thấy xe cấp cứu của một bệnh viện ở Vũ Hán đang vận chuyển bệnh nhân. (HECTOR RETAMAL / AFP / Getty Images)

Khắp các nơi ở Trung Quốc, nguồn lực y tế không đủ cộng với việc phân bổ không đồng đều khiến chính phủ thà rằng trả giá đắt cũng phải duy trì chính sách phòng chống dịch bệnh "không khoan nhượng".

Tạp chí Nikkei Asian Review chỉ ra rằng: "Sự khác biệt lớn về nguồn lực y tế ở các khu vực khác nhau đã dẫn đến sự phản đối kịch liệt nhất của các nhà chức trách đối với khái niệm ‘chung sống với COVID-19’ ".

Theo báo cáo "Thống kê Y tế Thế giới" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2020, Trung Quốc chỉ có 19,8 bác sĩ trên 10.000 dân, con số này đứng sau hầu hết các nước phương Tây. Ngược lại, số bác sĩ trung bình trên mỗi 10.000 dân của các nước Châu Âu là 34,1; ở các quốc gia Châu Mỹ là 24,0; ở Úc là 36,8; New Zealand và Hoa Kỳ lần lượt là 35,9 và 26,1.

Quan trọng hơn là, sự phân bổ nguồn lực y tế ở Trung Quốc không đồng đều.

Theo Nikkei Asian Review, Bắc Kinh có 0,488 bệnh viện cấp 3 trên 10.000 dân, mà bệnh viện cấp 3 là bệnh viện cấp cao nhất theo tiêu chuẩn phân loại của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh có 49,2 bác sĩ trên 10.000 dân, đứng đầu cả nước. Theo Xếp hạng Bệnh viện Trung Quốc năm 2019 của Đại học Phúc Đán, 6 trong số 15 bệnh viện hàng đầu đều nằm ở thủ đô của nước này.

Tuy nhiên, chỉ có 24,1 bác sĩ trên 10.000 dân ở toàn bộ khu vực miền Trung của Trung Quốc. Trong đó bao gồm cả thành phố Vũ Hán, nơi COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện.

Ở khu vực biên giới, nguồn lực y tế lại càng thiếu thốn.

Phòng chống dịch quá mức khiến người dân mất kế sinh nhai

Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, giáp với Myanmar, vốn là một trung tâm buôn bán đá quý ở biên giới phía nam Trung Quốc. Theo thống kê chính thức, năm 2019, lượng người qua lại các trạm kiểm soát biên giới ở đây là gần 17 triệu người.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua, thành phố này đã bị đóng cửa 4 lần. Do kinh tế địa phương dựa vào du lịch và giao thương với nước láng giềng nên nhiều tháng nay nhiều người dân không có thu nhập.

Theo truyền thông Trung Quốc, hơn 96% cư dân ở Thụy Lệ và các khu vực lân cận đã được tiêm phòng, nhưng các nhà chức trách vẫn cho rằng có rất ít khả năng điều chỉnh chính sách. Không chỉ thu nhập của cư dân bị giảm mạnh, trẻ nhỏ cũng bị buộc phải xét nghiệm rất nhiều lần.

Một số bà mẹ nói rằng đứa con 2 tuổi của họ đã trải qua 100 lần xét nghiệm. Dù kết quả xét nghiệm hết lần này đến lần khác đều là âm tính nhưng họ vẫn phải cách ly vài tháng.

Bức ảnh cho thấy cư dân của thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang làm xét nghiệm PCR. (STR / AFP / Getty Images)
Bức ảnh cho thấy cư dân của thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang làm xét nghiệm PCR. (STR / AFP / Getty Images)

Dưới chính sách "không khoan nhượng", các nhà chức trách còn sáng tạo ra một cụm từ mới là "người đồng hành thời-không" để truy vết đối tượng.

“Người đồng hành thời-không" là chỉ những người xuất hiện cùng trong một thời gian và không gian. Cụ thể là nếu số điện thoại di động của một cá nhân và số của người nhiễm Covid ở cùng nhau hơn 10 phút trong cùng một không gian (trong phạm vi 800 mét x 800 mét), và trong 14 ngày gần nhất có số giờ tích lũy vượt quá 30 tiếng, thì những số được tìm thấy là "số điện thoại đồng hành thời-không".

800 mét x 800 mét lớn cỡ nào? Tương đương với khoảng 90 sân bóng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì điều này, rất nhiều người dân ở Đại lục bỗng nhiên trở thành “người đồng hành thời-không” của nhau.

Sau khi bị liệt vào danh sách "người đồng hành thời-không", người này sẽ nhận được thông báo SMS từ chính quyền, đồng thời mã sức khỏe màu xanh lá cây của họ cũng biến thành mã màu vàng với tính chất cảnh báo. Nghĩa là phải làm xét nghiệm và tự cách ly.

Giới chức Trung Quốc cố thủ chính sách Zero Covid để tránh rủi ro chính trị

Chuyên gia cho rằng, yếu tố chính khiến Bắc Kinh cố thủ chính sách Zero Covid là để tránh rủi ro chính trị. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhà chức trách đã coi các biện pháp ứng phó COVID-19 như là một trong những cách tuyên truyền để hỗ trợ hệ thống cầm quyền của họ.

Trung Quốc cố thủ chính sách Zero Covid là để tránh rủi ro chính trị? (Feng Li / Getty Images)
Trung Quốc cố thủ chính sách Zero Covid là để tránh rủi ro chính trị? (Feng Li / Getty Images)

Ông Hoàng Nghiêm Trung (Yanzhong Huang) là nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ. Ông nói với Bloomberg rằng, khả năng sớm nhất là sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm 2022 thì chính sách mới có sự thay đổi.

Ông nói rằng, trước thời điểm đó, nhà chức trách "sẽ không cho phép và cũng không thể chấp nhận bất kỳ rủi ro nào".

Nhà nghiên cứu George Magnus thuộc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford cho biết: "Nếu Đảng nới lỏng trước Thế vận hội Mùa đông và Đại hội Đảng năm sau, đó sẽ là một đòn giáng mạnh".

Ông giải thích rằng Bắc Kinh coi thành tích COVID-19 của họ là một vinh dự và những thay đổi chiến lược có thể được coi là một sự xấu hổ đối với Bắc Kinh.

Ông Magnus nói thêm: "Tôi không thấy có bất kỳ tình huống nào có thể ảnh hưởng đến quyết định duy trì chính sách 'Zero Covid', cũng như là quyết định đóng sập cánh cửa đối với khách du lịch nước ngoài [của chính quyền Trung Quốc]".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chính sách Zero Covid của Trung Quốc có thể duy trì được bao lâu?