Chính trị bất ổn, ông Tập lại nhắc đến 'sóng to gió lớn' trong cuộc họp an ninh quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 30/5, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa XX. Ông tuyên bố rằng hiện nay "vấn đề an ninh quốc gia" càng nghiêm trọng hơn, và nhấn mạnh phải "chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những khảo nghiệm trọng đại sóng to gió lớn".

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Lý Cường, Triệu Lạc Tế và Thái Kỳ đã tham dự cuộc họp ngày hôm đó. Cả ba ông đều kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia. Còn ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch.

Tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình yêu cầu "nhận thức sâu sắc về hình thế phức tạp và nghiêm trọng mà an ninh quốc gia đang phải đối mặt", đồng thời nhấn mạnh rằng "các vấn đề an ninh quốc gia hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt đã trở nên phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều", đòi hỏi toàn đảng phải "giữ vững tư duy cốt lõi và tư duy cực hạn, chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những khảo nghiệm trọng đại sóng to gió lớn".

Cuộc họp cũng nêu rõ cần thúc đẩy "hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia", "ứng phó với loạt rủi ro an ninh quốc gia" và thực hiện "tức thời giám sát, kịp thời cảnh báo”, v.v. Hội nghị cũng đã thông qua các văn bản liên quan.

Ngay từ tháng 10/2022, khi đọc báo cáo tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến “an ninh chính trị” và “chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những khảo nghiệm trọng đại sóng to gió lớn". Bản báo cáo khi đó đã đề cập đến các từ "an ninh/an toàn" hoặc "bảo đảm/bảo vệ" 89 lần.

Vào thời điểm đó, ông Dương (Yang), một công dân Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng điều này cho thấy ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng. “Toàn bộ hệ thống ĐCSTQ đang trong trạng thái sợ bóng sợ gió, thần hồn nát thần tính, vô cùng lo sợ, chột dạ đuối lý”.

So với tình hình khi diễn ra Đại hội 20, vào thời điểm hiện tại, ĐCSTQ đã trải qua một loạt sự cố như “Phong trào Giấy trắng”, làn sóng tử vong vì phòng chống Covid-19, sự biến mất của Hồ Hâm Vũ, suy thoái kinh tế sau dịch bệnh, tình trạng thất nghiệp trầm trọng, v.v. Sự bất bình trong công chúng ngày càng chồng chất.

Ngoài từ “an ninh”, báo cáo của ông Tập Cận Bình trước Đại hội 20 cũng đề cập 17 lần đến từ “đấu tranh”.

Khi đó, nhà truyền thông kỳ cựu Ngụy Bích Châu (Wei Bizhou) ở Mỹ đã nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, về cơ bản, điều mà ông Tập Cận Bình lo sợ là "cách mạng màu", vì vậy ông ấy phải nắm bắt từ trong đảng và dùng phương thức “đấu tranh” để thanh tẩy tất cả những người không trung thành với ông ấy và không trung thành với những tư tưởng của ông ấy.

“Cách mạng màu” là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000. Trong những cuộc cách mạng này, những người tham gia đã đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc tài.

Nhà bình luận chính trị Vương Hữu Quần (Wang Youqun) cũng đã viết một bài báo trên The Epoch Times rằng, hai cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng sau những phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất trong đảng, chính phủ và quân đội của ĐCSTQ. Họ đã biến ĐCSTQ trở thành đảng chính trị hủ bại nhất trên thế giới, không ai có thể cứu vãn nó. Nhưng vì ông Tập Cận Bình vẫn hết lòng muốn “bảo vệ đảng” nên đã thỏa hiệp với Giang và Tăng. Giang và Tăng đã tận dụng điểm yếu này của ông Tập và chỉ trong vài năm, họ đã khiến ông Tập trở thành con người như ngày nay.

Ông Vương Hữu Quần chỉ ra, trong 5 năm tới, có lẽ ông Tập Cận Bình đi bước nào cũng khó khăn và luôn trong sự bất an.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chính trị bất ổn, ông Tập lại nhắc đến 'sóng to gió lớn' trong cuộc họp an ninh quốc gia