Chống lại kiểm duyệt, người Thượng Hải dùng blockchain ghi lại nỗi khổ thời phong tỏa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để chống lại kiểm duyệt Internet từ chính quyền, một số cư dân Thượng Hải đã dùng blockchain (chuỗi khối) để đúc những ký ức phong tỏa trong hơn một tháng qua thành NFT – một loại tài sản số không thể làm giả và cũng không thể xóa bỏ.

Kể từ cuối tháng Ba tới nay, Thượng Hải đã áp dụng các loại biện pháp để phong tỏa 25 triệu dân. Nhiều người đã không thể ra khỏi nhà trong nhiều tuần, họ chỉ có thể bày tỏ nỗi buồn khổ qua mạng xã hội.

Cư dân mạng địa phương đã tiết lộ nhiều thảm họa nhân đạo thứ cấp do công tác chống dịch hà khắc gây ra, như người mắc các bệnh khác không được điều trị y tế, có người vì thế đã qua đời, hay người già cô đơn không được chăm sóc, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tách khỏi cha mẹ, v.v.

Nổi cộm nhất là tình cảnh thiếu thốn thực phẩm, có không ít người đã chết hoặc tự tử vì đói ăn. Có người còn sẵn sàng vi phạm lệnh cấm ra ngoài, với hy vọng sẽ được phát chút đồ ăn khi bị đưa vào phòng giam.

Tuy vậy, những video, hình ảnh và trải nghiệm cá nhân được đăng tải lên Internet đã bị chính quyền Trung Quốc gán cho cái mác “tin đồn”, rằng đó là hành vi kích động bất mãn trong quần chúng. Cơ quan kiểm duyệt đã tăng cường giám sát Internet và các nhóm chat.

Reuters đưa tin, trong trò chơi mèo vờn chuột này, một số cư dân mạng Thượng Hải đã chuyển hướng sang thị trường NFT. Họ ghi lại những ký ức thê lương thời phong tỏa bằng các chuỗi khối để tránh cây gậy kiểm duyệt của nhà cầm quyền.

NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), là một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi khối (blockchain). Blockchain này có nhiệm vụ như một sổ cái đảm bảo tính xác thực của tài sản lẫn chủ sở hữu.

Mỗi NFT được đúc có một mã định danh riêng độc nhất và thuộc về một chủ sở hữu duy nhất. NFT đang được ứng dụng phổ biến nhất trong các loại nội dung số như âm nhạc, tranh ảnh hay các nội dung nghệ thuật khác.

Các tài sản NFT khó bị giả mạo và không thể dễ dàng sao chép vì có sự hỗ trợ của công nghệ blockchain. Vì là tài sản số, NFT cũng thường được giao dịch bằng tiền số như Bitcoin, Ethereum, v.v., nhưng đôi khi cũng sử dụng đồng USD.

Người Thượng Hải muốn lưu lại 'Tiếng nói Tháng Tư'

Theo Reuters, trào lưu đúc NFT này bắt đầu từ ngày 22/4. Khi đó, cư dân mạng Thượng Hải đang đấu tranh chống lại các kiểm duyệt viên Internet nhằm chia sẻ rộng rãi một đoạn video dài 6 phút có tên “Tiếng nói Tháng Tư” (Voice of April).

Video đen trắng này quay cảnh Thượng Hải từ trên không, bắt đầu bằng lời tuyên bố của chính quyền hôm 15/3 rằng “tuyệt đối không phong tỏa” đến “chia đôi phong tỏa” và cuối cùng là “phong tỏa toàn diện”. Sau đó là những lời kêu cứu vì đói ăn, không được tiếp tế, mua phải đồ cứu trợ, vật nuôi bị đánh chết, khu cách ly tồi tàn, v.v.

Ngoài ra còn có cuộc điện thoại giữa một nữ lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Thượng Hải và người dân, họ oán trách chính sách phòng dịch không hợp lý; hay đoạn ghi âm cán bộ ủy ban khu dân cư vừa khóc vừa nói rằng cấp trên không đưa ra biện pháp giải quyết.

Reuters chỉ ra rằng, tính đến ngày 2/5, đã có 786 dự án liên quan đến “Voice of April” trên OpenSea – nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó còn có hàng trăm NFT khác liên quan đến việc phong tỏa Thượng Hải.

Vào ngày 23/4, một người dùng Twitter Trung Quốc có tên tài khoản "imFong" cho biết trong một bài đăng được tweet lại rất nhiều: "Tôi đã đúc video ‘Voice of April’ thành một NFT và đóng băng siêu dữ liệu (metadata) của nó. Video này sẽ tồn tại trên IPFS mãi mãi".

IPFS là viết tắt của InterPlanetary File System, một hệ thống lưu trữ tập tin phân tán ngang hàng kết nối tất cả các thiết bị máy tính với nhau. Các dữ liệu được lưu trữ phân tán và không có một máy chủ tập trung nên không dễ bị tấn công.

Giống như hầu hết các phương tiện truyền thông mạng xã hội nước ngoài, Twitter bị chặn ở Trung Quốc và mọi người phải vượt tường lửa mới có thể sử dụng.

Các tác phẩm NFT lấy cảm hứng từ cuộc sống bị phong bế

Một lập trình viên giấu tên ở Thượng Hải nói với Reuters, anh cho rằng nỗ lực bảo tồn "Tiếng nói Tháng Tư" là một phần của "cuộc khởi nghĩa nhân dân".

Chính anh cũng đã tạo ra một NFT dựa trên ảnh chụp màn hình bản đồ Thượng Hải khi đóng cửa, cho thấy thành phố bị chia cắt với thế giới bên ngoài như thế nào. "Việc bị mắc kẹt ở nhà vì dịch bệnh đã cho tôi rất nhiều thời gian", anh nói.

Các nội dung khác được bán trên OpenSea bao gồm các bài đăng chỉ trích phong tỏa trên Weibo, hình ảnh bên trong các trung tâm cách ly và các tác phẩm nghệ thuật khác được lấy cảm hứng từ cuộc sống trong tình trạng phong bế.

Simon Fong là một nhà thiết kế theo đơn đặt hàng đến từ Malaysia, đã sống ở Thượng Hải được 9 năm. Phỏng theo phong cách các áp phích tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc trong thời Mao Trạch Đông, anh đã tạo ra tranh minh họa châm biếm về cuộc sống bị giam cầm và đúc chúng thành tác phẩm NFT.

Kể từ cuối năm ngoái, Fong đã bán thành công 9 tác phẩm với giá trung bình 0,1 Ethereum (khoảng 290 USD). Simon Fong cho biết, anh dùng phong cách tuyên truyền thời đó vì "một số người nói rằng cuộc phong tỏa đã khiến Thượng Hải thụt lùi".

Phong tỏa nghiêm ngặt dài ngày đã khiến nền kinh tế và người dân Thượng Hải bị tổn hại nghiêm trọng, chuỗi cung ứng cũng chịu tác động đáng kể. Theo số liệu chính thức, đợt bùng phát ở Thượng Hải bắt đầu từ tháng Ba tới nay đã ghi nhận hơn 600.000 người nhiễm bệnh và hơn 500 người tử vong. Đây là đợt bùng phát tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chống lại kiểm duyệt, người Thượng Hải dùng blockchain ghi lại nỗi khổ thời phong tỏa