Chủ doanh nghiệp Trung Quốc đích thân giơ bảng tuyển dụng lao động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông xuất hiện một cảnh tượng kỳ lạ, đó là hàng nghìn chủ xưởng may cầm tấm biển tuyển dụng và xếp hàng dài gần 1 km để chờ lao động đến. Điều kỳ lạ hơn nữa là hàng triệu sinh viên đại học của nước này lại đang lâm vào tình cảnh khó tìm việc.

Theo Kênh Tài chính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ngày 16/5, tại làng Khang Lạc, quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, có hàng nghìn chủ xưởng may quần áo tay cầm hàng mẫu và bảng tuyển dụng xếp hàng dài gần một cây số, để chờ đợi lao động ứng tuyển.

Theo báo cáo, cảnh tuyển công nhân như đón sếp thế này đang xuất hiện tại nhiều làng may mặc ở Quảng Châu. Việc sếp cầm hàng mẫu đi tuyển người không phải là hiện tượng mới, vì toàn ngành này đang lão hóa, thiếu những người trẻ thuộc thế hệ “hậu 9x” và “hậu 10x”, khiến tình trạng thiếu lao động của nhà máy càng thêm trầm trọng.

Một số chủ xưởng may cho biết, nhiều người trẻ không muốn làm loại công việc rất bình thường này. Hiện tại nguồn cung nhân công ngành may mặc đang rất thiếu, dù mức lương mỗi ngày đã tăng gần 20% so với các năm trước nhưng họ vẫn không tuyển được vài người sau khi đứng đợi mấy ngày.

CCTV cũng cho biết, không chỉ ở Quảng Đông, mà tại "Làng Taobao" ở Thành Đô, Tứ Xuyên cũng gặp phải vấn đề tương tự, chủ công xưởng giơ bảng đợi lao động đến “chọn”. Có nhiều bảng tuyển dụng ghi mức lương từ khoảng 5.000 đến 8.000 nhân dân tệ (khoảng 18 đến 29 triệu VNĐ) một tháng nhưng cũng không có người ứng tuyển.

Lương ngành may mặc tăng cao nhưng lao động vẫn hiếm

Ông Vương Hải Long (Wang Hailong), Tổng giám đốc Công ty May mặc Thủy Tinh Chi Luyến (Yiwu Shuijing Zhilian Knitted Apparel) cho biết, so với năm ngoái, lương tháng của công nhân đã tăng thêm gần 500 nhân dân tệ (1,8 triệu VNĐ), chi phí tăng nhiều nhưng vẫn không tuyển được người.

Chủ một số xưởng may ở Quảng Đông cho biết, lương của người thiết kế đã vượt quá 500 nhân dân tệ / ngày, còn đối với các vị trí thiếu người nhất như công nhân may, công nhân ủi, lương của họ đã tăng từ 6.000 nhân dân tệ (21,5 triệu VNĐ) lên 10.000 nhân dân tệ (35,8 triệu VNĐ).

Tuy nhiên, một số công xưởng may mặc tiết lộ rằng, ở rất nhiều xưởng may công nhân phải làm việc vô cùng vất vả, ít nhất 18 giờ một ngày, và hầu hết lương tháng của công nhân bị khấu trừ hơn một nửa vì nhiều lý do. Chỉ những lao động ngoại tỉnh mới sẵn sàng làm việc ở những nơi này.

Các doanh nghiệp khác cũng hiếm lao động

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong một cuộc khảo sát với hơn 90.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 44% trong số đó cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Vào đầu tháng Tư, tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế (Economic Information Daily) của chính phủ Trung Quốc đưa tin rằng, cùng với tốc độ phục hồi sản xuất và lao động tăng nhanh, thì các vấn đề như "tuyển dụng khó" hay "lao động hiếm" cũng trở nên nổi cộm. Báo cáo cho biết, kể từ đầu năm mới 2021, Quảng Đông, Sơn Đông, Chiết Giang và những nơi khác đều xảy ra tình trạng “thiếu lao động”.

Ông Yên Lưỡng (Yan Liang), trưởng bộ phận nhân sự của Tập đoàn Thánh Tuyền Tế Nam (Jinan Shengquan Group) ở Quảng Đông, cho biết dự án mới của công ty sẽ bắt đầu vào năm sau nhưng thiếu tới 1.500 lao động. "Mỗi tháng chỉ tuyển được 150 người. Mặc dù đã thử mọi phương pháp nhưng có vẻ như ở đây không tuyển được người".

Người phụ trách của Công ty Điện cơ khí Ngọa Long Tế Nam (Jinan Wolong Electric Motor) cho biết, hiện tại họ thiếu 400 nhân sự nhưng trong tháng qua chỉ tuyển được hơn chục người phù hợp. “Nhiều ứng viên khó đáp ứng được yêu cầu công việc".

Người phụ trách một công ty máy đo khối phổ ở Quảng Châu cho biết, những tài năng ưu tú đã bị các ngành dịch vụ và công ty Internet lấy đi, và những nhân tài mà công ty phải vất vả đào tạo cũng không ngừng rời đi.

Ngành dịch vụ thu hút nhiều lao động trẻ hơn

So với lĩnh vực sản xuất, các ngành dịch vụ như giao đồ ăn, chuyển phát nhanh đang thu hút giới trẻ hơn. Theo báo cáo khảo sát năm 2020 của Alibaba, năm 2020 số shipper (người đưa hàng) công nghệ trên một nền tảng giao đồ ăn của công ty này là hơn 3 triệu người, lứa tuổi “hậu 9x" chiếm gần 50%.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết trong năm qua, số lượng “hậu 10x” đăng ký làm shipper giao đồ ăn cho ứng dụng của Alibaba đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa trong số họ sẵn sàng giới thiệu công việc này cho bạn đồng lứa.

‘Tuyển dụng khó’ và ‘tìm việc khó’ đồng thời tồn tại

Đây là hiện trạng ở Trung Quốc. Theo dự đoán của Bộ Giáo dục Trung Quốc, sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2021 sẽ đạt 9,09 triệu người và sẽ có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm sau.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 được coi là "mùa việc làm khó khăn nhất trong lịch sử". Nhiều kênh truyền thông nước này đưa tin, theo dữ liệu từ một số trung tâm dịch vụ việc làm cho sinh viên đại học ở Trung Quốc, chỉ 25% sinh viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm.

Vào cuối năm 2020, ông Ngô Ái Hoa (Wu Aihua), Phó vụ trưởng Vụ Sinh viên Đại học thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, tiết lộ rằng việc sinh viên đại học gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm chủ yếu là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chồng chất, bao gồm cả yếu tố ngắn hạn và dài hạn. Trong năm 2021, lần đầu tiên số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ vượt quá 9 triệu người, việc này chắc chắn sẽ khiến tình hình tìm việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Tập lên tiếng về tình trạng việc làm năm ngoái

Vào ngày 10/7/2020, trang web của Tân Hoa Xã đã ghim bài viết với tiêu đề "Làm mọi cách để giúp sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm" lên đầu trang. Bài báo bắt đầu bằng cách nói rằng ông Tập Cận Bình "trong một bức thư hồi đáp sinh viên tốt nghiệp cơ sở Karamay của Đại học Dầu khí Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng... phải làm mọi cách để giúp sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm".

Phân tích cho rằng việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Tập Cận Bình viết thư cho sinh viên tốt nghiệp đại học, đã tiết lộ tình trạng khó kiếm việc làm của sinh viên.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chủ doanh nghiệp Trung Quốc đích thân giơ bảng tuyển dụng lao động