Chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy do Trung Quốc đóng cửa Nghĩa Ô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tuy có chưa đến 2 triệu dân nhưng lại là nơi quy tụ của hơn 2,1 triệu loại hàng hóa được bán tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đóng cửa bất ngờ có thể sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng toàn cầu.

Tài khoản WeChat chính thức của chính quyền Nghĩa Ô thông báo rằng, thành phố phát hiện ca nhiễm Covid-19 vào ngày 26/4. Sau đó, giới chức ngay lập tức thông báo toàn thành phố khởi động ứng phó cấp độ II, dừng tất cả các hoạt động tụ tập không thiết yếu, giảm bớt lượng người đi lại.

Thông báo nói rằng, bắt đầu từ ngày 27/4, tất cả cộng đồng sẽ được quản lý khép kín, khi ra vào khu cư trú phải có giấy chứng nhận đã lấy mẫu PCR; các trường trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo trong thành phố sẽ tạm ngừng dạy học; phải có giấy chứng nhận âm tính trong 24 giờ khi đi tới các địa điểm công cộng, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị trong thành phố, v.v.

Theo Cục Y tế Ô Nghĩa, trong hai ngày 26 và 27/4, thành phố ghi nhận lần lượt 1 và 2 ca nhiễm không triệu chứng.

Nghĩa Ô là trung tâm công nghiệp nhẹ của Trung Quốc và là trung tâm số một của ngành thương mại điện tử trực tuyến. Thành phố tuy có chưa đến 2 triệu dân nhưng lại là nơi quy tụ của hơn 2,1 triệu loại hàng hóa được bán tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2021, khối lượng hàng chuyển phát nhanh đạt tới 9,29 tỷ kiện.

Công nghiệp nhẹ là lĩnh vực công nghiệp chủ yếu sản xuất và cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, như giầy dép, quần áo, đồ nội thất, thiết bị trong nhà, giấy, thuốc lá, nước giải khát, v.v.

Việc Nghĩa Ô triển khai quản lý khép kín khiến ngoại giới đặt câu hỏi rằng, liệu nó có tác động đến chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng toàn cầu hay không.

Bloomberg nhận xét: Nghĩa Ô, trung tâm phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, là nơi xuất khẩu mọi thứ, từ đồ trang trí Giáng sinh cho đến đồ dùng cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, v.v. Việc thành phố quản lý khép kín có thể giáng một đòn mạnh hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang phải đối phó với tình trạng tắc nghẽn tại các bến cảng của Trung Quốc và cuộc chiến của Nga.

Chính sách Zero Covid đang khiến nền kinh tế Trung Quốc trượt dốc. Và dịch bệnh vẫn đang lan rộng khắp Trung Quốc cho dù chính quyền các cấp có phong tỏa đột ngột, cưỡng chế cách ly hay xét nghiệm đại trà.

Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị của Mỹ, đã phát hành báo cáo "10 dự báo rủi ro hàng đầu thế giới năm 2022" vào đầu tháng Một vừa qua. Trong đó liệt kê chính sách “Zero Covid” của chính quyền Trung Quốc là rủi ro số 1 của năm. Báo cáo cho rằng, chính sách này không thể kiểm soát Omicron – biến thể gây lây nhiễm nhiều hơn và lây lan nhanh chóng hơn chủng cũ. Trong khi giới chức càng siết chặt các biện pháp phong tỏa và cách ly, các chuỗi cung ứng đứt gãy ngày càng nhiều. Khó khăn về vận chuyển cũng như tình trạng thiếu hụt nhân lực, vật tư và thiết bị sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế cấp cao của Moody's Analytics (công ty cung cấp phần mềm và nghiên cứu để phân tích kinh tế và quản lý rủi ro) tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng nói với CNBC vào ngày 16/1 rằng, chính sách Zero Covid cùng xu hướng đóng cửa các bến cảng và nhà máy quan trọng của Trung Quốc thực sự sẽ làm tăng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng, sẽ tăng áp lực lên chuỗi cung ứng hiện tại.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy do Trung Quốc đóng cửa Nghĩa Ô