Chuyên gia gốc Hoa ăn cắp bí mật thương mại của Coca-Cola cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (22/4), một công dân Mỹ gốc Hoa đã bị kết án vì đánh cắp bí mật thương mại trị giá lên tới 120 triệu USD từ các công ty lớn của Mỹ và bán chúng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bí mật thương mại đó liên quan đến việc nghiên cứu công nghệ để điều chế ra lớp phủ an toàn hơn bên trong lon nước giải khát của Coca-Cola.

Vưu Tiểu Vinh (You Xiaorong hay Shannon You), 57 tuổi, bắt đầu làm việc tại Hoa Kỳ cách đây khoảng 30 năm, Coca-Cola và Công ty hóa chất Eastman đã thuê bà ta. Trong thời gian đó bà Vưu đã ăn cắp công thức chế chất phủ không chứa BPA (bisphenol-A-free), tức là không chứa chất BPA nguy hiểm cho sức khỏe, của các công ty này.

Trong phiên tòa vào tháng 4 năm nay, bồi thẩm đoàn đã kết luận bà Vưu tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, gián điệp kinh tế và gian lận điện hối.

Gia nhập "Kế hoạch Ngàn nhân tài", nhận tiền và trộm công nghệ cho ĐCSTQ

Bí mật thương mại bị bà Vưu Tiểu Vinh đánh cắp là do các công ty AkzoNobel, Basf, Dow, PPG, Toyochem, Sherwin-Williams, Eastman của Mỹ nghiên cứu phát triển với chi phí lên tới gần 120 triệu USD (hơn 2.768 tỷ VNĐ).

Các nhân chứng từ các công ty hóa chất và công ty sơn đã làm chứng rằng, để giảm thiểu tối đa việc sản phẩm bị mất hương vị và ngăn ngừa sự ăn mòn, đặc biệt là để tránh những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, công ty đã tiến hành các nghiên cứu tốn kém về tiền của, thời gian, công sức, để tìm ra kỹ thuật chế tạo lớp phủ bên trong không chứa BPA cho lon nước giải khát.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố rằng, giữa Vưu Tiểu Vinh và Tập đoàn Jinhong (Kim Hồng) của thành phố Uy Hải, Trung Quốc là mối quan hệ đối tác hợp tác. Sở dĩ có mối hợp tác này là vì bà Vưu đã nhận được khoản tiền hàng triệu USD từ chính phủ ĐCSTQ, bao gồm cả tiền từ việc tham gia “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” do ĐCSTQ thúc đẩy mạnh mẽ. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra rằng, Kế hoạch này của ĐCSTQ là nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Tiểu ban Điều tra Thường trực của Thượng viện Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo của lưỡng đảng vào tháng 11/2019, trong đó kết luận rằng ĐCSTQ đã sử dụng "Kế hoạch Ngàn Nhân tài" trong 20 năm qua để mua chuộc người trà trộn vào các phòng thí nghiệm và tổ chức học thuật của Mỹ, và tiến hành trộm cắp trên quy mô lớn.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) coi những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh là một hình thức "hoạt động gián điệp phi truyền thống".

Các công tố viên cho biết hôm 22/4 rằng, bằng chứng "cho thấy bị cáo không những có ý định làm lợi cho Tập đoàn Jinhong, mà còn chuộc lợi cho chính phủ Trung Quốc, chính quyền thành phố Uy Hải và tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc".

"Bà ta cũng có ý định tìm kiếm lợi ích cho ĐCSTQ".

Vụ án Vưu Tiểu Vinh liên quan đến tất cả các cấp của chính quyền ĐCSTQ

Bà Vưu Tiểu Vinh hiện là người Michigan, Mỹ, là một nhà hóa học có bằng tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Lehigh chuyên ngành kỹ thuật và khoa học polymer.

Bà từng là kỹ sư trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu của Coca-Cola (Coca-Cola Global Research) tại Atlanta từ tháng 12/2012 đến tháng 8/2017. Bí mật mà bà Vưu ăn cắp là nghiên cứu hợp tác giữa Coca-Cola và các công ty khác.

Công tố viên cho biết bà Vưu là một trong số ít các nhân viên được tiếp cận với bí mật thương mại không chứa BPA này.

Bà Vưu cũng đã làm việc tại Công ty hóa chất Eastman ở Tennessee từ tháng 9/2017 đến tháng 6/2018, nhưng vị trí làm việc ở đó khiến bà ta khó có được bí mật của công ty.

Bà Vưu Tiểu Vinh và ông Lưu Hướng Thần (Lưu Xiangchen), 62 tuổi, một công dân Trung Quốc khác, bắt tay làm đồng phạm. Theo hồ sơ của tòa án, ông Lưu là Tổng giám đốc của "Công ty Trung Quốc số 1", ông ta đã dùng người họ hàng của bà Vưu tên là Phạm Hoằng Mỹ (Fan Hongmei) làm trung gian để gửi tiền của ĐCSTQ cho bà ta.

Sau đó, ba người trên tiếp tục thành lập “Công ty Trung Quốc số 2 ”, công ty này cũng thu lợi từ việc đánh cắp bí mật thương mại.

Trong quá trình này, bà Vưu đã đăng ký tham gia "Kế hoạch Ngàn nhân tài" vào mùa hè năm 2017 và nhận được khoản hỗ trợ tài chính rộng rãi từ chương trình này.

Đồng thời, bà cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ kế hoạch của chính quyền tỉnh Sơn Đông.

Kế hoạch "Chủ động ứng phó với Trung Quốc" của chính phủ Hoa Kỳ

Bà Vưu Tiểu Vinh bị truy tố vào tháng 2/2019 và bị buộc tội danh khác vào tháng 8/2020.

Khi công bố các cáo buộc vào năm 2019, Trợ lý Tổng chưởng lý John Demers, người phụ trách hoạt động "Chủ động ứng phó với Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói rằng: "Các hành động được buộc tội trong bản cáo trạng ngày hôm nay cho thấy hành vi ăn cắp, sao chép và thay thế các công nghệ [do Mỹ] phát triển".

Công tố viên nói rằng bà Vưu đã ký một thỏa thuận với Coca-Cola vào tháng 8/2017, khi đó bà nói dối là không giữ bất kỳ bí mật thương mại nào. Ngược lại, bà ta có ý định bán những bí mật này ở Trung Quốc.

Tòa án đã ghi lại chi tiết kế hoạch của bà Vưu, bao gồm chuyến bay đến Trung Quốc vào mùa hè năm 2018, gặp gỡ nhiều quan chức của ĐCSTQ, và bay cùng họ đến Ý để gặp đại diện của "Công ty Ý số 1".

Bà Vưu có ý đồ để công ty Ý tham gia vào kế hoạch của mình, và khi trở về Mỹ, bà ta đã nói dối Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ về những gì bản thân đã làm ở nước ngoài.

Vào tháng 11 năm 2018, bà Vưu và các quan chức của ĐCSTQ lại đến Ý để gặp gỡ công ty Ý.

Chương trình "Chủ động ứng phó với Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại các hoạt động gián điệp của chính quyền Bắc Kinh.

Hoa Kỳ đã đệ đơn buộc tội, bắt giữ, và thậm chí kết án đối với nhiều nhà nghiên cứu che giấu mối liên hệ của họ với chính quyền ĐCSTQ.

Nạn làm giả và đánh cắp bí mật thương mại đã ăn sâu bén rễ vào nền kinh tế của Trung Quốc

Năm 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng, "các thành tựu công nghệ của đất nước Trung Quốc không phải là do đánh cắp mà có". ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng, họ không tổ chức hoặc khuyến khích bất kỳ công dân Trung Quốc nào ăn cắp bí mật thương mại nước ngoài.

Tuy nhiên, cựu cảnh sát FBI Vic Hartman cho biết: "Nạn làm giả và đánh cắp bí mật thương mại đã ăn sâu bén rễ vào nền kinh tế của họ (Trung Quốc), đến nỗi nếu họ thực sự muốn dừng việc đó lại, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của họ". Ông Hartman vốn là một cảnh sát chuyên điều tra về các vụ trộm cắp tài sản trí tuệ và ông đã viết một cuốn sách về các vụ án gian lận.

Chính phủ Hoa Kỳ đã phải hứng chịu việc bị ĐCSTQ đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Cựu Tổng thống Obama coi đây là vấn đề an ninh quốc gia và cựu Tổng thống Trump cũng liệt nó là vấn đề nặng ký trong các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ. Nghiên cứu cho thấy rằng, mỗi năm ĐCSTQ ăn cắp của Mỹ từ 200 đến 600 tỷ USD tài sản trí tuệ.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia gốc Hoa ăn cắp bí mật thương mại của Coca-Cola cho Trung Quốc