Chuyến thăm Châu Âu của Vương Nghị gặp rắc rối, nhân quyền thành rào cản không thể vượt qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 25/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du 5 nước châu Âu. Điểm đến thứ nhất và thứ hai là Ý và Hà Lan. Ý cho biết họ đã hỏi về vấn đề Hong Kong và các quan chức Hà Lan cũng bày tỏ rằng họ sẽ bàn về Hong Kong, Tân Cương và các vấn đề khác với ông Vương Nghị. Có chuyên gia chỉ ra rằng, hình ảnh hiện tại của ĐCSTQ ở châu Âu đã xấu đi với tốc độ chưa từng có, và các nước trong lịch trình có thể thờ ơ với chuyến thăm của ông Vương Nghị.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (Wang Yi) dự kiến ​​thăm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức từ ngày 25/8 đến ngày 1/9. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi virus Corona Vũ Hán bùng phát. Có phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Vương Nghị tới 5 nước châu Âu là nhằm phá vỡ liên minh chống chủ nghĩa cộng sản của Mỹ và châu Âu đang dần được hình thành.

Trận chiến đầu tiên trong chuyến đi của ông Vương Nghị là Ý. Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên ký bản ghi nhớ hợp tác về việc cùng xây dựng dự án “Một vành đai, một con đường” với ĐCSTQ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu khác lo ngại rằng kế hoạch “Một vành đai, một con đường” sẽ phá hoại sự ổn định của một số quốc gia bị mắc nợ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của ĐCSTQ và buộc một số quốc gia phải chuyển giao các công nghệ quan trọng.

Theo tờ Agence France-Presse, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho biết, ngoại trưởng hai nước đã ký hai thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại tại Rome: một là Snam – công ty điều hành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc; hai là xuất khẩu thực phẩm "Made in Italy" sang Trung Quốc.

Ông Di Maio cho biết sau cuộc họp rằng, ông đã đề cập đến vấn đề Hong Kong với Bộ trưởng Vương Nghị, nhấn mạnh rằng các quyền và tự do của người Hong Kong phải được tôn trọng. Ông cũng tuyên bố công khai tại cuộc họp báo rằng, sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong là cực kỳ quan trọng. Nhất định phải duy trì quyền tự trị cao độ cua Hong Kong và bảo vệ quyền cơ bản của người dân Hong Kong.

Trước cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung - Ý, ông Nathan Law Kwun-chung (La Quán Thông), Chủ tịch Đảng Demosistō, đã đến Rome và gặp nhóm nghị sĩ Ý, kêu gọi chính phủ Ý lên án nghiêm khắc những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Hong Kong. Đồng thời kêu gọi tất cả các nước "thành lập một liên minh lớn mạnh chống lại Trung Quốc (ĐCSTQ)" và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Ông Nathan Law và một số nghị sĩ đã gửi đơn thư thỉnh nguyện và kháng nghị bên ngoài tòa nhà Bộ Ngoại giao Ý, họ giơ cao khẩu hiệu "Hong Kong Cố lên" (香港加油) và kêu gọi các nước dân chủ đoàn kết để đối phó với sự bành trướng độc tài của ĐCSTQ.

Ông Vương Nghị cũng đã tổ chức một cuộc họp với Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne, người cũng đang ở Rome vào ngày 25/8. Bộ Ngoại giao Canada tuyên bố: "Bộ trưởng Champagne một lần nữa nhắc lại rằng, trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor (hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ) vẫn là đề tài thảo luận ưu tiên... Canada tiếp tục thúc giục Trung Quốc (ĐCSTQ) thả hai người ngay lập tức".

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, ông Vương Nghị hy vọng Canada sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định để tháo gỡ những trở ngại chủ yếu hiện đang ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Canada. Vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei, không được đề cập.

Quan hệ Trung Quốc - Canada đã xấu đi đáng kể kể từ khi cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu vào tháng 12/2018. Sau đó, ĐCSTQ nhanh chóng bắt giữ hai công dân Canada là ông Kovrig và Spavor, đồng thời ngừng nhập khẩu một phần hạt cải dầu của Canada.

Trước đây khi ông Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu), Đại sứ Trung Quốc tại Canada, nói về quan hệ Trung Quốc - Canada, ông này luôn nhắc đến vấn đề Mạnh Vãn Châu với một thái độ rất hung hăng. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông Tùng tại hội thảo nghiên cứu qua Internet do Hội đồng Kinh doanh Canada - Trung Quốc tổ chức vào ngày 15/7, thái độ của ông Tùng đột nhiên dịu đi, nói rằng Trung Quốc không yêu cầu Canada ‘làm câu hỏi trắc nghiệm’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", và cũng không trực tiếp đề cập đến Mạnh Vãn Châu, nhưng sử dụng cách biểu đạt tương tự như trên của ông Vương Nghị. Ông Tùng cũng hy vọng rằng Canada sẽ “giải quyết thỏa đáng trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung Quốc - Canada". Trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã công bố bài phát biểu trên hôm 17/7.

Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho biết, hôm 25/8, Ngoại trưởng Canada Champagne đã đưa ra lập trường phản đối của Canada với ông Vương Nghị về cách ĐCSTQ xử lý vấn đề Hong Kong.

Vào ngày đầu tiên của chuyến thăm, ông Vương Nghị đã liên tục bị hỏi về vấn đề Hong Kong. Đài Á Châu Tự Do mô tả đây là "Vương Nghị đến thăm châu Âu liền rơi vào trận ‘Waterloo’". (Trận Waterloo là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon).

Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm của ông Vương Nghị là Hà Lan. Dân biểu Martijn van Helvert, Phát ngôn viên đối ngoại của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền ở Hà Lan, đã tweet vào ngày 25/8 rằng, chuyến thăm của Vương Nghị tới Hà Lan là để cứu vãn mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Helvert nói rằng sẽ mời ông Vương Nghị đến Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để bàn về các chủ đề bao gồm Đài Loan, Hong Kong, người Duy Ngô Nhĩ và tín đồ Cơ đốc giáo bị ĐCSTQ đàn áp.


Có vẻ như vấn đề nhân quyền đã trở thành một rào cản mà ông Vương Nghị không thể lách qua.

Tờ La Croix của Pháp đưa tin ngày 25/8, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế do các biện pháp đàn áp ở Tân Cương và Hong Kong. Trong bối cảnh quốc tế vô cùng căng thẳng như vậy, chuyến thăm châu Âu lần này của Vương Nghị là một bài kiểm tra về lập trường của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Bài báo đã trích dẫn ý kiến ​​của ông Philippe Le Corre, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Trường Harvard Kennedy (Harvard Kennedy School) và chỉ rõ: Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy, Trung Quốc đang ở trên đầu sóng ngọn gió của dư luận phương Tây. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhấn mạnh trong một nghiên cứu được công bố vào tháng trước: Hình ảnh của Trung Quốc ở Châu Âu đã xấu đi chưa từng thấy. Tại Pháp, gần 70% số người được khảo sát có cái nhìn tồi tệ hơn về Trung Quốc so với trước khi có đại dịch. Ngay cả ở Ý, quốc gia đã ký thỏa thuận tham gia ‘Con đường Tơ lụa Mới’, trong thời kỳ dịch bệnh đã nhận được một lượng lớn viện trợ từ Bắc Kinh, vẫn có 80% người dân có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Ông Philippe Le Corre cho rằng, các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu không thể phớt lờ dư luận, và các nước trong chuyến thăm lần này có thể sẽ thờ ơ (với chuyến thăm của ông Vương Nghị).

Bài báo cuối cùng chỉ ra rằng: Tại Châu Âu, nơi dịch bệnh đã gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng, hơn nữa đến nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, sẽ không có ai quên được sự thật rằng dịch bệnh đến từ Trung Quốc. Điều đáng phải quan sát là, liệu Liên minh châu Âu, kể từ khi gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống" hồi năm ngoái, có thể thành công tạo nên một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không.

Đông Phương
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Chuyến thăm Châu Âu của Vương Nghị gặp rắc rối, nhân quyền thành rào cản không thể vượt qua