Cơ Đốc nhân và các học viên Pháp Luân Công nhận án tù vì đăng thông điệp tôn giáo lên mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi người dân trên toàn thế giới đang thức tỉnh trước các mối đe dọa ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận, thì người dân ở Trung Quốc vẫn đang phải sống trong cơn ác mộng dưới sự kiểm soát của nhà nước độc tài.

Ở Trung Quốc, nếu một cá nhân dám bày tỏ bất kỳ quan điểm nào mà không phù hợp với chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì chính là hành vi mạo hiểm tính mạng của mình. Nếu tôn giáo của một người không được ĐCSTQ chính thức công nhận, thì ngay cả việc người đó bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình trên mạng xã hội cũng có thể khiến họ bị giám sát hoặc thậm chí bị bắt giữ.

Vào tháng 3/2022, Trung Quốc đã ban hành các biện pháp kiểm soát thông tin tôn giáo trên mạng sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình "phàn nàn" rằng mạng Internet của nước này đang được sử dụng để "quảng bá" đức tin và các trang mạng xã hội đang trở thành công cụ "tuyên truyền tôn giáo", theo trang Bitter Winter.

Kể từ khi dự thảo các biện pháp mới được công bố vào năm 2018, các phòng trò chuyện và nhiều nền tảng Internet được cho là đã nhận được "cảnh báo về việc sử dụng những từ nhạy cảm như 'Amen' và 'Chúa Jesus'", theo tờ ChinaAid.

Dưới đây là một số câu chuyện về những gì đã xảy ra khi các học viên Pháp Luân Công và Cơ Đốc nhân bị bức hại vì chia sẻ "thông tin nhạy cảm" trên mạng.

Ứng dụng WeChat trong App Store trên iPhone của Apple ở Washington, ngày 7/8/2020. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Một giáo viên bị kết án 8 năm tù

Ông Tôn Vạn Soái (Sun Wanshuai), một Giáo viên Mỹ thuật ngoài 50 tuổi sống ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 8 năm tù vào tháng 7/2022 với khoản tiền phạt 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.350 USD) vì đã đăng “thông tin nhạy cảm” về Pháp Luân Công trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội giống Facebook ở Trung Quốc, theo trang Minh Huệ (Minghui.org). Công an mạng Trung Quốc không những bắt giữ ông mà còn tịch thu cả máy tính và điện thoại di động của ông.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định cổ truyền dựa trên các nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. Pháp Luân Đại Pháp gồm 5 bộ công pháp nhẹ nhàng, đẹp mắt, trong đó có một bài tĩnh công toạ thiền. Cốt lõi của tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nằm ở việc đề cao tâm tính chiểu theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn trong đời sống hàng ngày. Đây cũng là điều cốt yếu giúp học viên nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, đạt được nội tâm an hoà và cải thiện sức khoẻ.

Pháp Luân Công được thực hành tự do tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, và ước tính có hơn 100 triệu người tập Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Con số này lớn hơn cả số Đảng viên ĐCSTQ bấy giờ, (khoảng 60 - 65 triệu người) đã khiến lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân sinh lòng ghen tỵ và lo sợ.

Do đó, kể từ ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân đã chính thức phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong suốt 23 năm qua, đã có vô số học viên bị bắt giữ, sách nhiễu, bị sát hại, bị mổ cướp nội tạng…

Các học viên Pháp Luân Công luyện bài công pháp đầu tiên ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, trước khi ĐCSTQ phát động chiến dịch đàn áp môn tu luyện này vào năm 1999. (Ảnh: Minghui.org)

Nhà truyền đạo Cơ Đốc bị bắt vì truyền giáo

Vào ngày 5/3/2022, ông Trần Văn Thắng (Chen Wensheng), một nhà truyền đạo Cơ đốc trên đường phố ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, đã bị bắt sau khi ông đăng một thông điệp trên mạng xã hội kêu gọi mọi người tham gia vào một đoàn mục sư dành cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, trang Persecution.org đưa tin.

Đến 11:02 sáng cùng ngày, ông bị cảnh sát Hồ Nam bắt đi. Trước đó, ông Trần cũng đã nhiều lần bị bắt vì truyền giáo.

Đóng cửa các ứng dụng và trang web Công giáo

Theo tờ ChinaAid, CathAssist, ứng dụng Cơ Đốc giáo đầu tiên của Trung Quốc, đã thông báo "chấm dứt hoạt động" trên cả trang web và ứng dụng của họ vào ngày 1/9/2022.

Theo nhóm điều hành của CathAssist, họ "đã nhiều lần nỗ lực xin Giấy phép Dịch vụ Thông tin Tôn giáo trên Internet" kể từ khi luật mới này được thực thi, nhưng họ không đáp ứng được các yêu cầu của ĐCSTQ vì "các quan chức chính phủ yêu cầu cắt giảm đáng kể chức năng và nội dung của ứng dụng này", theo tờ ChinaAid.

Một cựu sĩ quan cảnh sát và một Phó Giám đốc đã bị kết án

Bà Trương Hà (Zhang Xia), một học viên Pháp Luân Công và là cựu sĩ quan cảnh sát Thượng Hải, đã bị bắt vào tháng 2/2021 vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trên mạng xã hội, theo trang Minghui.org. Người phụ nữ 53 tuổi bị buộc tội "quảng bá tà giáo bằng mạng truyền thông”. Vào tháng 6/2022, bà đã bị kết án 9 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.350 USD).

Ông Hoàng Đại Miễu (Huang Daimiao), cựu Phó giám đốc Khoa Kinh doanh và Du lịch tại một trường cao đẳng nghề ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án 4 năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.450 USD) vào tháng 7/2018 vì đã gửi video giảng rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên ứng dụng WeChat.

Ứng dụng WeChat và Tencent QQ. (Ảnh: Koshiro K/Shutterstock)

Cấm xuất bản các chương trình phát sóng trực tiếp về Cơ Đốc giáo

Theo tờ ChinaAid, vào ngày 29/1/2021, Hiệp hội Yêu nước Tam tự và Hiệp hội Cơ Đốc giáo của thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã công bố một thông tri về “Hạn chế đối với các nhà thờ ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc: Cấm phát sóng trực tiếp cũng như phát hành thuyết giảng dạng âm thanh và video trên mạng".

Hai ngày trước đó, các tín đồ Cơ Đốc giáo trong tỉnh này cũng bị cấm phát sóng các hoạt động tôn giáo qua Internet, theo nguồn tin trên.

Cấm tổ chức Thánh lễ trực tuyến

Tờ ChinaAid cũng đưa tin rằng vào ngày 11/7/2022, cảnh sát đã đột kích Nhà thờ Phúc âm Trinity Harvest ở tỉnh Thâm Quyến trong thời gian họ thực hiện Thánh lễ trực tuyến. Các quan chức an ninh quốc gia, cảnh sát và Cục Tôn giáo đã “đột nhập vào các phòng” trong khi Mục sư Mao Chí Bân (Mao Zhibin) và Trưởng lão Sở Diên Khánh (Chu Yanqing) đang tổ chức buổi lễ qua ứng dụng Zoom.

Buổi Thánh lễ trực tuyến của Giáo hội này đã bị “buộc phải chấm dứt”, bài báo trên cho biết.

Một Giáo sư kinh doanh bị kết án

Ông Tăng Hạo (Zeng Hao), một Giáo sư kinh doanh 40 tuổi tại Đại học Thiên Hà thuộc Đại học Sư phạm Bách khoa Quảng Đông, đã bị bắt vào tháng 8/2017 vì chia sẻ thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công từ giữa tháng 10/2014 đến tháng 1/2017 trên nền tảng Tencent QQ, một dịch vụ nhắn tin nhanh và cổng thông tin điện tử phổ biến của Trung Quốc, trang Minghui.org đưa tin. Sau một thời gian theo dõi, cảnh sát đã bắt giữ ông. Sau đó, ông bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.450 USD) vào tháng 1/2019.

Ông Tăng Hạo và con trai. (Ảnh: Được sự cho phép của trang Minghui.org)

Một học viên Pháp Luân Công khác từ tỉnh Hắc Long Giang cũng bị kết án vì đăng bài trên nền tảng Tencent QQ. Ông Vương Tín (Wang Xin), năm nay 40 tuổi, đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ vào tháng 8/2016 sau khi đăng tải một bức ảnh liên quan đến Pháp Luân Công lên mạng xã hội, theo trang Minghui.org. Ông bị kết án 8 tháng tù giam và bị phạt 3.000 nhân dân tệ (khoảng 450 USD).

Ảnh ông Vương Tín. (Ảnh: Được sự cho phép của trang Minghui.org)

Bị bắt vì chia sẻ tệp âm thanh vạch trần cuộc bức hại

Theo trang Minghui.org, bà Xa Quốc Bình (Che Guoping), một nhân viên của Công ty Điện lực Hoa Năng ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, đã bị hơn mười cảnh sát bắt giữ vào tháng 5/2017 khi đang trên đường đi làm về. Trước đó bà đã chia sẻ một tệp âm thanh trực tuyến có chứa thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cảnh sát đã lục soát nhà bà và lấy đi điện thoại di động, iPad cùng đồ dùng cá nhân của bà. Sau đó, bà bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 5.000 nhân dân tệ (tương đương 960 USD).

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Cơ Đốc nhân và các học viên Pháp Luân Công nhận án tù vì đăng thông điệp tôn giáo lên mạng