Cơ quan ngôn luận ĐCS Trung Quốc bợ đỡ ông Tập là ‘Người dẫn đường của thời đại mới’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài ngày trước, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài báo dài có tựa đề "Tập Cận Bình: Người dẫn đường của thời đại mới". Ngoại giới nhận thấy rằng, bài báo này đã đẩy sự sùng bái cá nhân đối với ông Tập Cận Bình lên một tầm cao mới.

Một số nhà phân tích cho rằng, từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông ta đã học theo cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và từng bước thúc đẩy việc sùng bái cá nhân. Chế độ độc tài của Mao cộng thêm sự sùng bái cá nhân đã mang lại những tai họa nghiêm trọng cho người dân Trung Quốc, và việc ông Tập đẩy mạnh sùng bái cá nhân thực khiến mọi người phải lo lắng.

Vào ngày 17/11, Tân Hoa Xã đã công bố bài viết dài với tiêu đề "Tập Cận Bình: Người dẫn đường của thời đại mới" và liệt kê bảy danh hiệu để ‘bợ đỡ’ ông Tập: 1. Một nhà lãnh đạo tiên phong; 2. Nòng cốt của đảng hình thành trong cuộc đấu tranh vĩ đại; 3. Người mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; 4. Nhà chiến lược cải cách và phát triển đất nước có trách nhiệm; 5. Thống soái tái thiết quân đội và bảo vệ Tổ quốc; 6. Thủ lĩnh của cường quốc trên trường quốc tế; 7. Thiết kế trưởng xây dựng nền hiện đại hóa trong thời đại mới.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã họp tại Bắc Kinh và ra thông cáo chung, gọi ông Tập Cận Bình là “người cầm lái và dẫn đường nòng cốt của toàn đảng”.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), việc Tập Cận Bình và đội ngũ tuyên truyền của ông thúc đẩy sùng bái cá nhân, đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của chức danh ‘người cầm lái’, khiến cựu Tổng biên tập tạp chí Open Magazine Kim Trung (Jin Zhong) - người làm truyền thông thâm niên ở Hong Kong nhớ lại thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa.

Ông Kim Trung nói rằng, sự xuất hiện trở lại của chức danh "người cầm lái" trong thông cáo của Phiên họp toàn thể lần thứ năm là rất đáng để quan sát và bình luận. Có rất nhiều người Trung Quốc vẫn còn nhớ "Bốn cái vĩ đại" - những danh xưng đã đặt Mao Trạch Đông lên "Đàn tế thần" trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, bao gồm người thầy vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại, thống soái vĩ đại và người cầm lái vĩ đại.

Ông nói rằng, vào đầu thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, những người trẻ tuổi đã trở thành "Hồng vệ binh" (của Mao Trạch Đông), chiến đấu cho chế độ độc tài của Mao và Đại Cách mạng Văn hóa. Chỉ tính riêng trong tháng 8/1966, hay còn được ĐCSTQ gọi là "Tháng Tám Đỏ", Hồng vệ binh Bắc Kinh đã đánh chết 1.770 người, vô cùng man rợ, vô cùng tàn ác.

Theo quan điểm của ông Kim Trung, ông Tập Cận Bình rõ ràng muốn trở thành Mao Trạch Đông thứ hai. Ông chỉ ra rằng ông Tập đang ‘nghênh ngang’ đưa các thông lệ cũ quay trở lại, công nhiên xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ của lãnh đạo ĐCSTQ và sửa đổi hiến pháp vì mục đích này, tập trung quyền lực đảng, chính phủ và quân đội vào tay một người.

Ông Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi), một học giả tại Đại học Bang California - Los Angeles (UCLA), người chuyên nghiên cứu về lịch sử ĐCSTQ và lịch sử "Đại cách mạng văn hóa vô sản" do Mao Trạch Đông khởi xướng, đã chỉ ra rằng [nếu muốn tăng cường sùng bái cá nhân thì] trước hết ông Tập Cận Bình phải là Mao Trạch Đông, hơn nữa còn phải là Mao Trạch Đông của thời Đại Cách mạng Văn hóa. Bước ‘đột phá’ lớn nhất của thể chế lãnh đạo ĐCSTQ trong thời Đại Cách mạng Văn hóa là chuyển từ hình thức tập thể chuyên chính, tập thể lãnh đạo do một nhóm các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo khác phân phối quyền hạn và chức năng thành chế độ độc tài của cá nhân Mao Trạch Đông, ngay cả các ủy viên Bộ Chính trị cũng tận hiến với ông ta.

Ông Tống Vĩnh Nghị nói rằng, kể từ năm 1945 khi Mao Trạch Đông đưa ra quan điểm chỉ đạo Tư tưởng Mao Trạch Đông trong nội bộ đảng, cho đến năm 1966-1967 khi trở thành nhà độc tài ‘nói một là một’ trong ĐCSTQ, Mao đã phải mất hơn 20 năm. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã đạt được điều đó trong chưa đầy 10 năm sau khi lên nắm quyền.

Theo bài báo của VOA, mặt khác, nhiều nhà quan sát và phê bình cũng chỉ ra rằng, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để giảm nhẹ mức độ hoặc thậm chí tô hồng những tai họa mà Mao gây ra cho người dân Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, các sách giáo khoa lịch sử mới ở Trung Quốc đại lục miêu tả các tai họa do Mao Trạch Đông gây ra là những "tìm tòi gian khổ", như thể những tai họa gây ra cái chết của hàng chục triệu người ấy là điều tích cực, nên cứ không ngần ngại gì mà tiếp tục thử nghiệm.

Sau khi lên nắm quyền tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 18, ông Tập còn thành lập nhiều nhóm lãnh đạo hoặc ủy ban trong Trung ương ĐCSTQ, vậy nên ngoài đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ra, ông ta còn đảm nhiệm hơn chục chức Trưởng nhóm hoặc Chủ nhiệm ủy ban. Đây được coi là động thái thể hiện tham vọng tập quyền của ông Tập.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hầu hết các cơ quan này có xu hướng kín tiếng hoặc “chuyển sang hoạt động bí mật”, hầu hết nội dung các cuộc họp của họ không được công khai.

Ngoại giới đặt câu hỏi rằng, hình thức "nhóm nhỏ trị quốc" của Tập Cận Bình là nhằm đạt cùng một mục tiêu bằng các con đường khác nhau, và đều là hành động tập trung quyền lực của ông ta; tuy nhiên, việc “các nhóm nhỏ” này âm thầm chuyển sang hoạt động bí mật có phải là do quyền lực bị lung lay?

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cơ quan ngôn luận ĐCS Trung Quốc bợ đỡ ông Tập là ‘Người dẫn đường của thời đại mới’