Công dân Hoa Kỳ: ‘Cuộc cách mạng văn hóa' hiện đại của Bắc Kinh đe dọa nền văn minh phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Nury Turkel, ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cho biết chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành một “cuộc Cách mạng Văn hóa” hiện đại và lần này, nó tác động đến toàn thế giới.

Những gì đang xảy ra với các nhóm thiểu số tôn giáo ở Trung Quốc ngày nay cho thấy, môi trường đàn áp này… thực sự là một cuộc Cách mạng Văn hóa, và còn hơn thế nữa”, ông Turkel cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times.

Ông Turkel không xa lạ gì với Cách mạng Văn hóa, bởi ông sinh ra trong một trại cải tạo ở Trung Quốc, nơi mẹ ông bị giam giữ trong đỉnh cao của phong trào quần chúng bạo lực bắt đầu vào năm 1966. Phong trào kéo dài 10 năm, đã phá hủy di sản văn hóa và truyền thống của đất nước, dẫn đến hàng triệu người chết.

"Bất cứ điều gì đang xảy ra với các dân tộc thiểu số theo tôn giáo ở Trung Quốc không còn là vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo của họ nữa, mà giờ đây cũng là vấn đề của chúng ta với tư cách là một xã hội dân chủ", ông Turkel nói. “Vấn đề làm thế nào để ngăn chặn điều này đang trở thành một chuẩn tắc mới trên thế giới, điều này sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn hơn cần chúng ta xử lý trong tương lai".

Nạn nhân của những hành động vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện nay bao gồm người Công giáo, học viên Pháp Luân Công, người theo đạo Thiên chúa tại gia, người thiểu số Hồi giáo và người Tây Tạng. Ở vùng Tân Cương thuộc miền Tây của Trung Quốc có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống. Ít nhất 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và Kyrgyzstan đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động vì tội tuyên truyền chính trị.

Vào tháng Một, Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó đã tuyên bố rằng, ĐCSTQ đã thực hiện “tội ác diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

Cuộc chiến chống lại đức tin

Ông Turkel, một luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, cho biết ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc chiến chống lại đức tin. Các hệ tư tưởng của ĐCSTQ là căn nguyên của các cuộc tấn công nhắm vào tôn giáo.

“Đức tin vào bất kỳ tôn giáo nào hoặc đời sống tâm linh được coi là một mối đe dọa tiềm tàng hoặc một dấu hiệu của sự không trung thành”, ông Turkel nói. "Vì vậy, thay vì thờ chúa Trời, bạn thờ Tập Cận Bình và học tập tư tưởng Tập Cận Bình".

Dưới thời ông Tập, nhà lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã phá dỡ nhà thờ, dỡ bỏ thánh giá, bắt giữ các mục sư và ra lệnh xóa bỏ các hình ảnh Cơ đốc giáo, bao gồm cả hình ảnh của Chúa Giê-su và Đức mẹ đồng trinh, thay thế bằng chân dung Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông.

“Họ đang tham gia vào việc tái cấu trúc con người với thuật ngữ mà họ đã và đang sử dụng rộng rãi này: chuyển đổi tư tưởng, theo cách nói rằng họ đang tẩy rửa niềm tin tôn giáo của ai đó ra khỏi tâm trí, hoặc tẩy rửa linh hồn của người đó để thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản, và tư tưởng Tập Cận Bình”, ông Turkel nói thêm.

Ông Turkel hoan nghênh việc cựu Ngoại trưởng Pompeo chỉ định hành động đó của Bắc Kinh là "tội ác diệt chủng", gọi đó là "một trong những phản ứng chính sách quan trọng nhất của chính phủ Hoa Kỳ". Ông cũng hoan nghênh nhiều lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc - bao gồm ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), một thành viên trong Bộ Chính trị quyền lực của ĐCSTQ - vì vai trò của họ trong các vụ ngược đãi nhân quyền ở Tân Cương.

Đối với hành vi mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, ông Turkel nói, ông không có đủ ngôn từ để diễn tả tội ác này phi nhân, vô nhân đạo đến mức nào. ĐCSTQ đang mổ cướp nội tạng của các tù nhân lương tâm để kiếm tiền trục lợi”, ông Turkel nói.

Ông Turkel nhớ lại ông đã từng xem một video quảng cáo từ một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh tiếp thị dịch vụ cấy ghép nội tạng của họ. Video có những đoạn nói bằng tiếng Ả Rập. Khi đó ông đã nghi ngờ về nguồn nội tạng cấy ghép của bệnh viện Bắc Kinh.

Trung Quốc là một trong những điểm đến hàng đầu của ngành du lịch cấy ghép và Bắc Kinh đã quảng cáo trên các tờ báo của Hoa Kỳ rằng, kể từ năm 2015, họ ngừng sử dụng nguồn nội tạng từ tử tù và chuyển sang nguồn nội tạng hiến tặng tự nguyện.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bắc Kinh đã bị bác bỏ bởi một báo cáo năm 2019 của Tòa án nhân dân có trụ sở tại London. Báo cáo kết luận, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, rằng hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng được nhà nước bảo trợ diễn ra với “quy mô đáng kể” ở Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Ông Turkel hoan nghênh đạo luật gần đây của Quốc hội Hoa Kỳ, quy trách nhiệm cho hoạt động mổ cướp nội tạng của Trung Quốc. Nếu được ban hành, dự luật này sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và quan chức chính phủ đóng vai trò trong hoạt động buôn bán nội tạng hoặc thu hoạch nội tạng.

Giám sát

Turkel nói rằng cộng đồng quốc tế phải nhận ra rằng ĐCSTQ là “mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây”. Đối với các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, họ phải hiểu rõ mối đe dọa để có thể đưa ra các chính sách đối ngoại hiệu quả đối với Bắc Kinh.

“Nếu bạn không nhận ra mối nguy hiểm mà ĐCSTQ đang gây ra đối với sự ổn định của các quyền công dân, nhân quyền, [và] tự do tôn giáo trên toàn thế giới, bạn sẽ không thể hoạch định một chính sách đối ngoại hiệu quả để giải quyết các mối đe dọa của ĐCSTQ”, ông Turkel nói.

Quan trọng hơn, Trung Quốc đang xuất khẩu “hệ thống giám sát hà khắc” của mình sang các nước khác và điều này cần được quan tâm, ông Turkel nhận định.

Bà Sheena Greitens, phó giáo sư tại Trường Công vụ Lyndon B. Johnson thuộc Đại học Texas ở Austin, nói với Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế vào tháng 7/2020 rằng, dựa trên nghiên cứu do bà thực hiện, Trung Quốc đã xuất khẩu nền tảng công nghệ giám sát tới 80 quốc gia trên thế giới, tăng mạnh kể từ năm 2014 với khoảng 20 quốc gia. Hầu hết các quốc gia này ở Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á, bà Greitens cho biêt.

Ông Turkel nói, cách Trung Quốc giám sát dân số của họ không lâu nữa sẽ trở thành một chuẩn tắc mới và kêu gọi phản ứng của các quốc gia dân chủ đối với các quyền tự do dân sự, tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

“Nếu không được xem xét một cách nghiêm túc và ngăn chặn, điều này sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đối với các nhóm thiểu số tôn giáo trên khắp thế giới, vốn đang bị nhiều chính phủ áp bức. Các chế độ độc tài đã và đang sử dụng các phương tiện và công cụ của riêng họ để đàn áp”, ông Turkel kết luận.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công dân Hoa Kỳ: ‘Cuộc cách mạng văn hóa' hiện đại của Bắc Kinh đe dọa nền văn minh phương Tây