Công ty dạy thêm lớn nhất Trung Quốc đóng 1.500 cơ sở trước áp lực từ chính quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố chính sách "cắt giảm kép", các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài nhà trường trên khắp Đại Lục đã lần lượt đóng cửa. Hôm 7/11, ông Du Mẫn Hồng, người sáng lập công ty dạy thêm quy mô lớn nhất Trung Quốc "Tân Đông Phương" tuyên bố đóng cửa 1.500 cơ sở trước áp lực từ chính quyền.

Ông Du cho biết, Tân Đông Phương sẽ đóng cửa 1.500 trung tâm dạy thêm. Trước đây, việc cải tạo các trung tâm này tiêu tốn khoảng 6 đến 7 tỷ nhân dân tệ, cộng với tiền vi phạm hợp đồng, tiền đặt cọc, tiền hoàn lại học phí cho học sinh và tiền lương của những giáo viên nghỉ việc, chi phí thực sự rất lớn.

Tuy nhiên, ông Du tuyên bố có đủ tiền mặt dự phòng để hoàn trả học phí cho khách hàng và trả lương còn nợ nhân viên.

Hôm 4/11, ông Du thông báo trên nền tảng xã hội WeChat rằng, Tân Đông Phương đã quyên tặng gần 80.000 bộ bàn ghế cho các trường tiểu học và trung học vùng nông thôn.

Vào tháng 7 năm nay, ĐCSTQ đã ban hành chính sách "cắt giảm kép" để hạn chế thời gian học thêm trong giai đoạn giáo dục bắt buộc với lý do "giảm nhẹ gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh và đào tạo ngoài trường”, đồng thời yêu cầu rằng ngành dạy thêm nên đăng ký như một tổ chức phi lợi nhuận.

Theo chính sách này, các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài trường ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Các trường luyện thi từ lớp một đến lớp chín bị cấm giảng dạy các môn học trong chương trình phổ thông. Hoạt động dạy thêm vào cuối tuần hay các ngày lễ tết, nghỉ hè, nghỉ đông, cũng bị cấm.

Tân Đông Phương cũng sẽ đóng cửa K-9, hoạt động dạy thêm học sinh từ lớp một đến lớp 9 vào cuối tháng 11, theo tuyên bố tháng trước của Koolearn Technology, công ty con của Tân Đông Phương niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. K-9 đóng góp 40% doanh thu của Koolearn.

Tính đến ngày 31/5, Tân Đông Phương có 122 trường học, 1.547 trung tâm giáo dục và 11 hiệu sách ở Đại Lục, với 54.200 giáo viên, hầu hết là giáo viên toàn thời gian. Trước chính sách của chính quyền, một lượng lớn địa điểm thuê trường đã bị huỷ hợp đồng và nhiều giáo viên phải buộc thôi việc. Theo China Fund đưa tin ngày 8/11, Tân Đông Phương có kế hoạch sa thải hơn 40.000 nhân viên vào cuối năm nay. Trước đó, vào tối ngày 7/11, Chủ tịch tập đoàn giáo dục Tân Đông Phương Du Mẫn Hồng cho biết trên Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok) rằng, trong tương lai, công ty này sẽ thành lập một nền tảng nông nghiệp quy mô lớn để giúp bán nông sản thông qua chương trình phát sóng trực tiếp.

Ông Du Mẫn Hồng, 59 tuổi, là gương mặt đại diện cho ngành công nghiệp dạy thêm phát triển mạnh ở Trung Quốc, lĩnh vực phục vụ các bậc cha mẹ và con cái muốn vươn lên dẫn đầu trong hệ thống giáo dục đầy cạnh tranh của nước này.

Giá cổ phiếu của Tân Phương Đông giảm 90% so với mức đỉnh hồi tháng 2, nhưng ông Du vẫn sở hữu khối tài sản cá nhân trị giá 1,1 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.

Mai Hạ

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công ty dạy thêm lớn nhất Trung Quốc đóng 1.500 cơ sở trước áp lực từ chính quyền